Quản lý nhà nước về công tác phòng, chống ma túy hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) Quản lý nhà nước về công tác phòng, chống ma túy là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội cho người dân. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong công tác phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước phòng, chống ma túy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Ảnh minh họa (thanhpho.tayninh.gov.vn).
Một số khái niệm liên quan

Theo Từ điển tiếng Việt thì ma túy là tên gọi chung các chất có tác dụng gây trạng thái ngây ngất, đờ đẫn, dùng quen thành nghiện1. Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) số 73/2021/QH14, ban hành ngày 30/3/2021, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã đưa ra một số định nghĩa về ma túy và các khái niệm liên quan như sau: chất ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành. Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng. Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn đến tình trạng nghiện đối với người sử dụng. Tệ nạn ma túy là việc sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy mà chưa đến mức hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự2.

Như vậy, có thể khái quát, ma túy là chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo, khi được đưa vào cơ thể con người, có tác dụng làm thay đổi trạng thái ý thức và sinh lý của người đó. Nếu lạm dụng ma túy con người sẽ lệ thuộc vào nó, khi đó ma túy gây tổn thương và nguy hại cho người sử dụng và cộng đồng.

Điều 44 Luật PCMT năm 2021 quy định về nội dung quản lý nhà nước (QLNN) về PCMT:

Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; thực hiện công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; tổ chức đấu tranh PCMT… 3.

Từ những quy định trên, có thể hiểu: QLNN về PCMT là hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó bao gồm nhiều chức năng, nhiệm vụ, từ xây dựng chủ trương, chính sách, kế hoạch và tổ chức thực hiện; ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức bộ máy đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện…, trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Thực trạng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống ma túy

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm công tác PCMT và ban hành văn bản chỉ đạo công tác này với mong muốn kiểm soát được tình hình nghiện ma túy trên cả nước. Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 30/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm đến năm 2020”; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình PCMT giai đoạn 2021 – 2025; Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật PCMT, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện. Có thể thấy, tệ nạn xã hội là một trong những vấn đề lớn của quốc gia cần được quan tâm và quản lý một cách hiệu quả, nhằm hạn chế hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và sự ủng hộ giúp đỡ của Nhân dân, công tác QLNN về PCMT đã đạt được một số kết quả nhất định:

Thứ nhất, các cơ quan chức năng đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng các phóng sự tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và PCMT nói riêng, từ đó, công tác tổ chức cai nghiện, các mô hình hỗ trợ người sau cai nghiện đã được triển khai có hiệu quả.

Thứ hai, xây dựng và phát hành bản tin tuyên truyền về PCMT đến các bộ, ngành, nhất là sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ sở cai nghiện ma túy của 63 tỉnh, thành phố; duy trì trang thông tin điện tử với hàng nghìn tin, bài, ảnh phản ánh về công tác phòng, chống tệ nạn này.

Thứ ba, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thí điểm các mô hình điều trị, cai nghiện: mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội; mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện tại cộng đồng… Các mô hình này triển khai có hiệu quả tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã mang lại nhiều cách tiếp cận mới trong công tác điều trị.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác QLNN về PCMT vẫn còn hạn chế nhất định:

(1) Công tác chỉ đạo, phối hợp của một số đơn vị chưa kịp thời nên việc triển khai còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác quản lý.

(2) Công tác thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng kịp thời tình hình phức tạp của tội phạm về ma túy,dẫn đến sự thiếu hiểu biết về tác hại của ma túy và cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp không gây nghiện hoặc coi việc cai nghiện ma túy là nhiệm vụ của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.

(3) Đội ngũ cán bộ tại các cơ sở cai nghiện thiếu về số lượng; chưa được chuẩn hóa theo các quy định về đội ngũ viên chức; chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về cai nghiện ma túy theo quy trình cai nghiện của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

(4) Hiện còn nhiều người nghiện ma túy chưa tham gia cai nghiện hay điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện ở ngoài cộng đồng (gần 60.000 người)4, với thực trạng nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự như hiện nay đang chưa đáp ứng được các điều kiện bảo đảm theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), công tác cai nghiện ma túy đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện cả nước có 196.110 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó hơn 50.000 người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; đang quản lý trong cơ sở cai nghiện ma túy gần 30.000 người; trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng gần 59.000 người5.

Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế nêu trên, là do:

Thứ nhất, hệ thống pháp luật về PCMT tuy được đánh giá là khá đầy đủ nhưng có một số quy định chậm được bổ sung, sửa đổi phù hợp với thực tế.

Thứ hai, công tác tuyên truyền còn dàn trải, thiếu chiều sâu. Hoạt động tuyên truyền thường được phát động theo phong trào vẫn còn phổ biến, dẫn đến công tác PCMT chỉ mạnh khi mới được triển khai.

Thứ ba, những gia đình có người nghiện ma túy không hợp tác, không tự khai báo, sợ bị lộ danh tính, bị kỳ thị, do đó, họ không đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Mặt khác, công tác phân loại học viên khi đưa vào cơ sở cai nghiện chưa đực quan tâm, có tình trạng học viên từng có tiền án, tiền sự, thuộc diện cai nghiện bắt buộc hay không bắt buộc đều ở cùng một khu, gây nên nhiều khó khăn trong việc quản lý.

Thứ tư, chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ đối với viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ nên không thu hút được lao động làm việc lâu dài, đặc biệt đối với các vị trí y sỹ, bác sỹ; gây khó khăn cho hoạt động của cơ sở; không nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc.

Thứ năm, đa số các tỉnh, thành phố chưa quan tâm, chỉ đạo, bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện chính sách cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP (20/63 tỉnh có chỉ đạo triển khai)6; Ủy ban nhân dân cấp huyện (cơ quan được Luật PCMT năm 2021 giao chủ trì việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng) chưa thực sự vào cuộc, chưa xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện chính sách này ở địa phương.

Một số giải pháp thực hiện

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về PCMT, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, đáp ứng yêu cầu công tác này.

Hai là, thường xuyên, kịp thời nghiên cứu, cập nhật, bổ sung danh mục các chất ma túy và tiền chất mới. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với các ngành, nghề dễ bị tội phạm ma túy lợi dụng thực hiện hoạt động phạm tội; xử lý hành chính theo hướng tăng cường các biện pháp xử phạt nghiêm khắc, nhằm ngăn chặn triệt để các cơ sở kinh doanh có điều kiện để xảy ra những vi phạm liên quan đến ma túy.

Ba là, tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan, đặc biệt là các cơ quan về PCMT, như:lực lượng công an, an ninh với các cơ quan QLNN về các tệ nạn xã hội, như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan khác, nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động quản lý. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ người sau cai nghiện về vốn để chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng thay thế; tổ chức dạy nghề tạo việc làm,qua đó góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

Bốn là, công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác QLNN về PCMT, vì vậy, cần tăng cường và mở rộng thêm các hình thức tuyên truyền, vận động khác nhau nhằm làm đa dạng hóa các hình thức thu hút sự quan tâm của người dân. Ngoài các biện pháp truyền thống, như: tuyên truyền trên loa phát thanh của địa phương hay có sự tác động bằng các cuộc họp nhằm răn đe các đối tượng của các cơ quan chuyên trách về PCMT trong thời gian tới, cần có sự đổi mới việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, như: truyền hình, báo chí, phát thanh trực tuyến trên trang mạng…, tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện về các chuyên đề có liên quan đến các vấn đề xã hội, tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ với nhiều hình thức phong phú….

Năm là, tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật hiện đại xây dựng hệ thống giám sát, dự báo tình hình nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, do đó, cần áp dụng khoa học – công nghệ để đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy lợi dụng công nghệ này.

Sáu là, tăng cường các nguồn lực để tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Luật PCMT và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; có chính sách khuyến khích, thu hút tư nhân đầu tư, tham gia vào công tác cai nghiện và hỗ trợ cho người sau cai nghiện.

Kết luận

TNMT là vấn nạn chung của tất cả các quốc gia trên thế giới, nó để lại hệ lụy rất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển chung của mỗi quốc gia nói chung cũng như Việt Nam nói riêng.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học – công nghệ, là cơ hội cho tội phạm các nước tổ chức các hoạt động buôn bán ma túy xuyên quốc gia, ảnh hưởng rất lớn tới xã hội, đặc biệt là đối vơi thế hệ trẻ. Chính vì vậy, các cơ quan QLNN cần áp dụng tiến bộ của khoa học – công nghệ để nâng cao hiệu quả QLNN về công tác PCMT.

Chú thích:
1. Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng Trung tâm Từ điển học, 1996, tr. 583.
2, 3. Điều 2, Điều 44 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
4, 5, 6. Cần có chính sách ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy công lập.http://pctnxh.molisa.gov.vn, ngày 18/4/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Báo cáo số 24/BC-LĐTBXH ngày 22/02/2021 về tình hình, kết quả thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.
2. Phan Thị Mỹ Hạnh. Quản lý nhà nước về công tác phòng, chống ma túy ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Luận án tiến sỹ Quản lý công, Học viện Hành chính Quốc gia, 2016.
3. Học viện Hành chính Quốc gia. Giáo trình Hành chính công. H. NXB Khoa học Kỹ thuật, 2008.
4. Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
5. Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 – 2025.                                                                                           
ThS. Đặng Minh Châu
Học viện Cảnh sát nhân dân