(Quanlynhanuoc.vn) – Trong xu thế đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế hiện nay, các đơn vị kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng trong vấn đề giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Nhận thức được tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, Đảng đã xác định xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng trong khu vực kinh tế tư nhân là một trong những nhiệm vụ quan trọng để củng cố cơ sở của Đảng.
Hoạt động của các tổ chức đảng trong khu vực kinh tế tư nhân
Những năm gần đây, Đảng đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường phát triển tổ chức đảng (TCĐ) và đảng viên trong khu vực kinh tế tư nhân (KTTN), như: Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW ngày 30/01/2013 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp (DN) tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng TCĐ trong các đơn vị KTTN; Hướng dẫn số 08-HD/BTCTW ngày 27/9/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về việc kết nạp chủ DN tư nhân vào Đảng.
Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển TCĐ trong khu vực KTTN (còn gọi là khu vực các DN ngoài khu vực nhà nước), Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy đã xác định công tác xây dựng đảng và đoàn thể trong các DN khu vực này phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.
Tại Hà Nội, ngay khi ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/02/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, tính từ năm 2020 đến nay, toàn thành phố đã thành lập được 1.711 TCĐ trong các DN ngoài nhà nước; kết nạp 10.742 đảng viên1. Có thể khẳng định, công tác phát triển đảng trong các DN ngoài khu vực nhà nước là hướng đi đúng đắn trong xu thế phát triển chung của nền kinh tế nước ta và phù hợp với quan điểm lãnh đạo của Đảng về phát triển KTTN.
Tại Hải Phòng, công tác phát triển đảng trong DN tư nhân thời gian qua tiếp tục được đẩy mạnh. Tháng 01/2022, Đảng bộ Khu kinh tế Hải Phòng được nâng thành đảng bộ cấp trên cơ sở; Đảng bộ hiện nay có 650 đảng viên sinh hoạt tại 4 đảng bộ và 15 chi bộ hoạt động ở 43 trong tổng số 550 DN, công ty2.
Tại Quảng Ninh, Tỉnh ủy triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án “Xây dựng, phát triển mô hình tổ chức cơ sở đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài nhà nước giai đoạn 2021-2025”. Hiện nay toàn tỉnh có 6 địa phương thành lập được Đảng bộ Khối DN là: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Quảng Yên và Đông Triều, gồm 154 chi bộ trực thuộc với hơn 5.300 đảng viên. Thông qua đó, nhiều TCĐ, đoàn thể trong DN đã thể hiện được vai trò, vị trí, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của DN. Một số chủ DN có vốn đầu tư nước ngoài đã nhận thức được vai trò tích cực của TCĐ trong DN và tạo điều kiện cho TCĐ hoạt động3.
Trong công tác xây dựng quy hoạch cán bộ, một số cấp ủy đã chủ động lựa chọn cán bộ có đủ phẩm chất, uy tín, năng lực, có kiến thức và kinh nghiệm về công tác đảng để bồi dưỡng, tham gia cấp ủy. Ví dụ, Đảng ủy khối DN ngoài nhà nước ở thị xã Cẩm Phả đã tập trung tuyên truyền, vận động các chủ DN, người lao động nâng cao nhận thức; hướng dẫn các TCĐ theo dõi, cập nhật, đánh giá kết quả thực hiện, nhất là phân công giúp đỡ, tạo nguồn phát triển đảng viên; mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho người lao động để tạo nguồn phát triển đảng viên; vận động chủ DN tạo điều kiện cho người lao động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện tốt các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế4 .
Nhiều TCĐ trong DN đã giữ được vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo và xây dựng các đoàn thể vững mạnh, nhất là tổ chức công đoàn; có các hình thức, biện pháp phù hợp để tuyên truyền, phổ biến chủ trươngcủa Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và người lao động. Đơn cử như: Đảng bộ thị xã Đông Triều tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển đảng viên trong DN ngoài Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng, nhằm từng bước phát huy vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo đảng viên, các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền chủ DN, người lao động chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh, phát triển DN. Đảng bộ Khối DN ngoài nhà nước ở thị xã Đông Triều có 21 chi bộ trực thuộc với trên 330 đảng viên. Tổ chức cơ sở đảng trong các DN được thành lập, hoạt động ổn định đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, góp phần vào sự phát triển bền vững của DN5.
Căn cứ vào đặc điểm, điều kiện sản xuất – kinh doanh của DN, một số TCĐ đã chủ động, sáng tạo trong việc lựa chọn thời gian linh hoạt cho DN làm nhiệm vụ công tác phát triển đảng viên. Ví dụ, Ban Tổ chức Đảng ủy Khối DN tại Tuyên Quang đã có nhiều biện pháp hay để thực hiện công tác phát triển đảng, như: thay vì triệu tập quần chúng ưu tú là cán bộ, công nhân, người lao động trong DN tư nhân đến Đảng ủy Khối học tập thì Đảng ủy Khối đã cử giảng viên trực tiếp xuống DN để bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú, thậm chí giảng dạy vào ngày chủ nhật. Đồng thời, trực tiếp hướng dẫn quần chúng ưu tú viết lý lịch đảng viên; cử cán bộ xuống sinh hoạt chi bộ để hướng dẫn nghiệp vụ sinh hoạt Đảng6.
Đối với những chi bộ mới thành lập, có đặc thù riêng thì một số cấp ủy cấp trên chủ động cử cấp ủy viên cùng tham dự sinh hoạt chi bộ nhằm trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ cấp ủy về nội dung, quy trình, phương pháp sinh hoạt chi bộ đúng theo quy định, hướng dẫn của Đảng.
Hoạt động của TCĐ trong khu vực KTTN đã đạt được những kết quả tích cực, song vẫn còn một số hạn chế, như: việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển TCĐ, đảng viên trong các đơn vị KTTN kết quả còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc thuyết phục, động viên người lao động phấn đấu trở thành đảng viên chưa hiệu quả; công tác phát triển TCĐ, đảng viên trong các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể chưa được quan tâm đúng mức; một số TCĐchưa có nơi sinh hoạt ổn định; chế độ đãi ngộ để khuyến khích cán bộ làm công tác đảng chưa được cấp ủy quan tâm.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng trong khu vực kinh tế tư nhân
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các chủ thể về vị trí, vai trò của TCĐ trong khu vực KTTN.
Cần thống nhất nhận thức, tư tưởng và hành động của hệ thống chính trị về phát triển KTTN là yêu cầu khách quan, vừa cấp bách, vừa lâu dài; đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhằm nâng cao nhận thức của chủ đơn vị KTTN thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTN.
Định kỳ hoặc khi cần thiết, cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức gặp mặt, tiếp xúc với chủ đơn vị KTTN để nắm tình hình, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất – kinh doanh; tạo sự đồng thuận để thành lập, hỗ trợ, tạo điều kiện để TCĐ hoạt động hiệu quả. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị KTTN làm tốt công tác xây dựng Đảng và có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đất nước.
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với hoạt động của TCĐ trong khu vực KTTN.
Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của TCĐ trong các đơn vị KTTN; tăng cường quản lý nhà nước, xử phạt nghiêm minh đối với những đơn vị, cá nhân không thực hiện đúng pháp luật.
Về cơ chế, chính sách tài chính đối với hoạt động của TCĐ trong đơn vị KTTN, cần quy định cụ thể theo các hoạt động, như: mức kinh phí chi cho việc thành lập TCĐ; mức chi hoạt động thường xuyên; chi đào tạo, bồi dưỡng; chi kết nạp, bồi dưỡng đảng viên mới từ ngân sách của Đảng. Chế độ phụ cấp đối với cấp ủy viên, mức đóng đảng phí, tỷ lệ trích nộp đảng phí lên cấp trên cần tiếp tục được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của khu vực KTTN.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định cơ bản về chức năng, nhiệm vụ của các TCĐ, khung quy chế làm việc của cấp ủy. Trên cơ sở tôn trọng và bảo đảm hài hòa lợi ích của đơn vị với sự phát triển của TCĐ và quyền của đảng viên, qua đó, làm rõ mối quan hệ phối hợp giữa cấp ủy với ban lãnh đạo, chủ đơn vị KTTN.
Cấp ủy các cấp cần chủ động phối hợp với chủ các đơn vị KTTN để TCĐ, đoàn thể ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp có thời gian và địa điểm sinh hoạt ổn định.
Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với các TCĐ trong khu vực KTTN.
Hằng năm, các cấp ủy cần thực hiện sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển TCĐ, đảng viên trong các đơn vị KTTN. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đánh giá đúng cả ưu điểm và hạn chế trong việc thực hiện, ban hành nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng hoạt động của TCĐ trong các đơn vị KTTN.
Đối với các TCĐ ở các DN, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập mà Nhà nước chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, cần được tiếp tục kiện toàn, sắp xếp TCĐ, xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với sự phát triển KTTN của địa phương.
Quy định trách nhiệm, quyền hạn của cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện, đảng ủy các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đảng ủy khối DN cấp tỉnh, cấp huyện trong phát triển TCĐ, đảng viên, nâng cao chất lượng hoạt động của các TCĐ trong đơn vị KTTN.
Các cấp ủy đảng tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết công tác xây dựng Đảng trong các đơn vị KTTN để kịp thời phát huy những kết quả tích cực, khắc phục những hạn chế, yếu kém; kỷ luật kịp thời, nghiêm minh TCĐ, đảng viên vi phạm; xem xét giải thể các TCĐ yếu kém.
Thứ tư, nâng cao chất lượng cấp ủy của các TCĐ trong khu vực KTTN
Cấp ủy cấp trên cần lãnh đạo, kiện toàn, nâng cao chất lượng cấp ủy viên, đặc biệt là bí thư cấp ủy. Cần chủ động phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng cấp ủy viên là chủ đơn vị KTTN hoặc thành viên trong ban lãnh đạo của đơn vị. Nội dung, hình thức, phương pháp, thời gian bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên cần được tính toán, lựa chọn, sắp xếp phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị KTTN. Hướng dẫn sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ phù hợp với đặc thù của đơn vị KTTN bảo đảm cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, linh hoạt.
Bên cạnh đó, cấp ủy cấp trên phụ trách cần tích cực, chủ động dự sinh hoạt chi bộ cấp dưới để hướng dẫn chi bộ sinh hoạt đúng theo quy định của Đảng, giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn trong những tình huống phát sinh. Đối với những chi bộ mới thành lập, ít đảng viên, cấp ủy cấp trên có thể xem xét chuyển một số đảng viên của đảng bộ cấp trên có khả năng, kinh nghiệm công tác đảng đến sinh hoạt đảng ở chi bộ cấp dưới, làm hạt nhân để nâng cao chất lượng hoạt động của TCĐ. Các TCĐ chủ động xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện tốt quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế phối hợp giữa cấp ủy với ban lãnh đạo, chủ đơn vị KTTN theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên. Duy trì, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; chủ động tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng, phát triển đơn vị, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, người lao động để lãnh đạo đơn vị giải quyết.
Thứ năm, có cơ chế để tạo động lực cho TCĐ, đảng viên.
Các cấp ủy cần cụ thể hóa quyền, trách nhiệm của các TCĐ trong tham gia xây dựng, thực hiện chính sách phát triển KTTN của địa phương. Có cơ chế để cấp ủy cùng với chủ đơn vị KTTN phản ánh những khó khăn, vướng mắc để chính quyền cấp trên giải quyết kịp thời.
Cấp ủy viên, bí thư cấp ủy trong các đơn vị tư nhân nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện được giới thiệu để bầu vào cấp ủy cấp trên. Bổ sung tiêu chí khi xét khen thưởng, tặng các danh hiệu đối với đơn vị KTTN có TCĐ, đoàn thể hoạt động hiệu quả; TCĐ, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được biểu dương, khen thưởng kịp thời. Cấp ủy cấp trên chỉ đạo các TCĐ phối hợp với chủ đơn vị KTTN phát hiện, giới thiệu, tiến cử đảng viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét, bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo, quản lý của đơn vị.