Thực hiện chính sách an sinh xã hội ở tỉnh Ninh Bình

(Quanlynhanuoc.vn) Trong giai đoạn hiện nay, an sinh xã hội chính là mục tiêu, động lực to lớn nhằm bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế gắn với việc thúc đẩy xã hội phát triển ổn định bền vững. Thực chất, an sinh xã hội là những hệ thống chính sách xã hội, nhằm hỗ trợ các đối tượng xã hội có hoàn cảnh, điều kiện sống cơ bản còn khó khăn. Những năm qua,  Ninh Bình là địa phươngchủ trương thực hiện các mục tiêu kinh tế đi kèm với thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, coi đó là hai nhiệm vụ trong một mục tiêu chung phải được thực hiện nhất quán, có hiệu quả.
Khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, người già neo đơn tại thành phố Ninh Bình. Ảnh: baoninhbinh.org.vn.
Đặt vấn đề

Chính sách an sinh xã hội (ASXH) là hệ thống các chính sách có sự can thiệp của Nhà nước (bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội…) và sự hỗ trợ của tổ chức hay tư nhân (các chế độ không theo luật định) góp phần giảm mức độ nghèo đói và tổn thương, nâng cao năng lực tự bảo vệ của người dân và cộng đồng trước những rủi ro hay nguy cơ giảm hoặc mất thu nhập, bảo đảm ổn định, phát triển và công bằng xã hội1.

Chính sách ASXH bao gồm: chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH); bảo hiểm y tế; cứu trợ xã hội; ưu đãi người có công với cách mạng, xóa đói giảm nghèo. Mục tiêu của chính sách ASXH là bảo đảm thu nhập và các điều kiện sống thiết yếu khác cho mọi thành viên trong xã hội. Chính sách ASXH hướng tới đối tượng là mọi người dân, kể cả những người trong đối tượng lao động, người chưa đến tuổi lao động và người hết tuổi lao động. Tỉnh Ninh Bình đã chủ trương thực hiện các mục tiêu kinh tế đi kèm với thực hiện tốt chính sách ASXH, coi đó là hai nhiệm vụ trong một mục tiêu chung được thực hiện nhất quán, có hiệu quả.

Kết quả thực hiện an sinh xã hội tỉnh Ninh Bình

Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Ninh Bình luôn ưu tiên thực hiện chính sách ASXH. Điều này được thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025: “Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giảm nghèo, chú trọng công tác giải quyết việc làm; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” 2. Xuất phát từ nhận thức về mối quan hệ hữu cơ, gắn kết mật thiết giữa ASXH và phát triển kinh tế, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách ASXH. Kết quả cụ thể như sau:

(1) Trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế: số người tham gia BHXH tăng lên hằng năm đạt 157.368 người, đạt 35,06% lực lượng lao động; trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc là 139.461 người, BHXH tự nguyện là 17.907 người, bảo hiểm thất nghiệp là 131.609 người. Đặc biệt, trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, đến thời điểm hiện tại có 917.343 người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 92,85% dân số, cao hơn so với tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế bình quân chung toàn quốc 3. Tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Độ bao phủ BHXH, bảo hiểm y tế đã khẳng định, tỉnh Ninh Bình đi đúng đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong thực hiện chính sách ASXH.

(2) Trong lĩnh vực cứu trợ xã hội: hiện nay, toàn tỉnh Ninh Bình có 32.516 đối tượng được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội và 2.131 là người được chăm sóc, nuôi dưỡng; đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Tổng số đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung tại 03 cơ sở bảo trợ xã hội là 187 người, trong đó số người khuyết tật, tâm thần chiếm tới 56% 4.

Năm 2022, cùng với ngân sách của tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đã tặng 83.760 suất quà, trị giá trên 38 tỷ đồng cho người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khác; hoàn thành chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.023 người lao động làm việc tại 38 doanh nghiệp trong khu công nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ trên 03 tỷ đồng 5; thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19, tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ 137 nghìn người, tổng kinh phí trên 75,4 tỷ đồng 6. Hệ thống chính sách cứu trợ xã hội không ngừng được mở rộng, bao phủ tới các nhóm đối tượng với mức trợ cấp được điều chỉnh tăng dần qua các thời kỳ. Các hình thức trợ giúp ngày càng đa dạng, bao gồm tiền mặt hằng tháng, tiền nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội; hỗ trợ về y tế, nhà ở, nước sạch.

(3) Trong lĩnh vực ưu đãi xã hội đối với người có công: chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công được tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm và ngày càng mở rộng đối tượng, mức thụ hưởng với chế độ ưu đãi toàn diện hơn, hướng tới mục tiêu bảo đảm mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cư dân trên địa bàn. Các đối tượng tham gia các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (quân nhân, thanh niên xung phong, dân quân du kích, dân công hỏa tuyến,…) tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách và hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Các thiết chế chăm sóc người có công, tri ân anh hùng liệt sĩ được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được chú trọng. Năm 2022, tỉnh đã tặng 198.437 suất quà, trị giá trên 59,9 tỷ đồng cho người có công nhân các dịp lễ, tết; giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 177 trường hợp; cấp kinh phí trên 9,3 tỷ đồng hỗ trợ cho 604 đối tượng thuộc 381 hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng 7.

(4) Trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo: chính sách xóa đói giảm nghèo được thực hiện hiệu quả thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển kinh tế với mục tiêu trọng tâm giảm nghèo bền vững. Đến nay, các chỉ tiêu, mục tiêu về giảm nghèo và giải quyết việc làm trong toàn tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, trên địa bàn tỉnh, tổng số hộ nghèo là 9.614 hộ, tỷ lệ 2,59%; tổng số hộ cận nghèo là 10.881 hộ, tỷ lệ 3,48%. Giải quyết việc làm cho 20.500 lao động, trong đó 1.400 lao động được tuyển dụng đưa đi làm việc ở nước ngoài8. Nhờ có các chính sách tạo việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo, tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ người dân nâng cao cơ hội tìm việc làm, tham gia thị trường lao động, chuyển đổi cơ cấu việc làm theo hướng đa dạng hóa sinh kế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống, góp phần ổn định xã hội.

Từ những kết quả trên cho thấy, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách ASXH, tỉnh Ninh Bình đã giải quyết đúng đắn mỗi quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với ASXH. Thực hiện các mục tiêu kinh tế đi kèm với thực hiện tốt chính sách ASXH, coi đó là hai nhiệm vụ trong một mục tiêu chung được thực hiện nhất quán, có hiệu quả trong cùng một giai đoạn. Do vậy, việc bảo đảm ASXH ở tỉnh Ninh Bình đã tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, góp phần ổn định về chính trị, an toàn xã hội, huy động nguồn lực cho việc bảo đảm ASXH cho người dân, phát huy nội lực trong thực hiện chính sách xã hội.

Việc thực hiện chính sách ASXH ở tỉnh Ninh Bình thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn một số hạn chế, như:

(1) Công tác triển khai thực hiện chính sách ASXH còn một số nội dung chồng chéo, một số thủ tục hành chính có liên quan còn rườm rà, gây khó khăn cho các đối tượng thụ hưởng.

(2) Việc giải quyết các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế còn chậm; tỷ lệ tham gia BHXH tăng nhưng mức độ bao phủ BHXH còn thấp, tỷ lệ lao động chưa tham gia BHXH là 64,94% 9.

(3) Hệ thống ASXH tuy được triển khai sâu rộng, độ bao phủ cao nhưng chưa đồng đều, có sự chênh lệch giữa các địa phương trong tỉnh nên việc thực hiện ASXH chưa đạt hiệu quả như mong muốn; đối tượng cần trợ giúp ở các huyện còn nhiều.

(4) Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Ninh Bình vẫn còn cao hơn mức bình quân chung của khu vực đồng bằng sông Hồng, nhất là tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực các xã khó khăn vùng bãi ngang ven biển, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc của tỉnh còn cao; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, đời sống của bộ phận hộ nghèo sau khi thoát nghèo chưa thay đổi đáng kể, tuy đã được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhưng chất lượng còn thấp, còn có hộ tái nghèo.

(5) Năng lực và trách nhiệm bộ máy quản lý và đội ngũ cán bộ thực hiện chích sách ASXH còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các phòng, ban và các đơn vị còn có một số hoạt động chưa chặt chẽ, thiếu tính thống nhất.

Một số kiến nghị, giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách ASXH, Ninh Bình cần thực hiện những giải pháp có tính toàn diện nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục các bất cập, hạn chế nêu trên. Trong đó, cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, phát huy tính chủ động sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chính sách ASXH bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.

Để thực hiện tốt giải pháp này, cần có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của các chính sách ASXH để có những chủ trương, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Cụ thể hóa các chính sách ASXH thành các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể; có sự phân công, phối hợp của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện; thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với những vi phạm về chính sách ASXH.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cái cách hành chính, trong đó có đổi mới phương thức, thủ tục hành chính bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả trong thực hiện chính sách ASXH; nhất là đổi mới quy trình triển khai chính sách, trong khâu xác định đối tượng thụ hưởng, tổng hợp danh sách và giải quyết kịp thời cho đối tượng hưởng trợ cấp; từng bước tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ hệ thống ASXH.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xã hội, tổ chức, đoàn thể và người dân tham gia tích cực vào chính sách ASXH.

Quá trình thực hiện chính sách ASXH ở tỉnh Ninh Bình thời gian qua cho thấy, việc thực hiện các chính sách ASXH chưa thu hút được sự tham gia tích cực của người dân. Một phần là do trình độ và năng lực tiếp cận các chính sách của người dân chưa tốt, mặt khác, là do công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong Nhân dân nhằm tăng cường tinh thần tương thân, tương ái, tạo bầu không khí hiểu biết, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng và xã hội.

Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động bảo đảm phù hợp với từng đối tượng tham gia thực hiện chính sách ASXH. Việc tuyên truyền, vận động phải được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện truyền thông. Từ đó nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của ASXH đối với sự ổn định, phát triển của tỉnh trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ba là, thực hiện xóa đói, giảm nghèo hiệu quả; phát triển kinh tế bền vững là cơ sở bảo đảm cho việc thực hiện các chính sách ASXH.

Để làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục ưu tiên, đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo chính sách ASXH đối với đồng bào dân tộc thiểu số và bốn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thuộc huyện Kim Sơn; thực hiện tốt đề án xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ nghèo, xã nghèo tự nguyện cam kết đăng ký thoát nghèo bền vững từ nội lực, vươn lên làm giàu hợp pháp, chính đáng.

Việc đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh. Vì vậy, vấn đề phát triển kinh tế bền vững luôn gắn liền với việc bảo đảm các chính sách ASXH; tất cả các mục tiêu phát triển kinh tế đều hướng đến giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích và đảm bảo quyền con người. Phát triển kinh tế bền vững phải gắn các mục tiêu, chương trình và lợi ích kinh tế với việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các trụ cột chính của ASXH nhằm đưa Ninh Bình phát triển bền vững, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn cho người dân.

Bốn là, phát huy vai trò “tự an sinh” của đối tượng hưởng ASXH.

Đây là giải pháp mang tính bền vững để đối tượng hưởng thụ ASXH (nhất là đối tượng đói nghèo, tàn tật, trẻ mồ côi,…) vươn lên khẳng định vị thế, vai trò của bản thân trong xã hội. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đối tượng hưởng thụ về khả năng tự an sinh của bản thân, từ đó, giúp họ tự tin, chủ động, sáng tạo, vươn lên khẳng định mình trong cuộc sống; có các chính sách riêng biệt về giáo dục, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, khoa học công nghệ để các đối tượng tự thân lập nghiệp, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Năm là, chú trọng đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực ASXH (nhất là cấp cơ sở; từng bước hoàn thiện bộ máy quản lý, đổi mới phương pháp quản lý nguồn nhân lực trong lĩnh vực ASXH).

Cần có chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác an sinh bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, có tính chuyên môn hóa trong từng công việc. Khuyến khích đội ngũ cán bộ thực hiện các sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để triển khai ứng dụng các thành tựu nghiên cứu vào thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ASXH.

Chú thích:
1. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). World Social Protection Report 2017-19: Universal social protection to achieve the Sustainable Development Goals. Geneva: International Labour Organization, 2017.
2. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 – 2025.
3, 9. Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình. Báo cáo tổng kết công tác bảo hiểm xã hội năm 2022, nhiệm vụ công tác năm 2023.
4, 5, 7. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình. Báo cáo kết quả thực hiện công tác Bảo trợ xã hội năm 2022, kế hoạch công tác năm 2023.
6, 8. Báo cáo số 258-BC/TU ngày 08/12/2022 của Tỉnh ủy Ninh Bình về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Mai Ngọc Cường. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội. H. NXB Chính trị quốc gia, 2009.
2. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020.
3. Nguyễn Thị Thanh. Đảng lãnh đạo thực hiện chính sách xã hội trong thời kỳ đổi mới. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011.
ThS. Nguyễn Thúy Mai
Trường Đại học Hoa Lư