Tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề đối với trại viên có tiền sử nghiện ma tuý ở các cơ sở giáo dục bắt buộc hiện nay   

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác quản lý, giáo dục và tổ chức lao động, dạy nghề cho trại viên có ý nghĩa quan trọng, hoạt động này không chỉ thực hiện chính sách của Nhà nước trong công tác giáo dục cải tạo, giúp người vi phạm ý thức đầy đủ về lao động, học nghề, định hướng nghề nghiệp và có được nghề nhất định để khi chấp hành xong quyết định xử phạt kiếm được việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập với xã hội. Bài viết đánh giá tình hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề đối với trại viên có tiền sử nghiện ma tuý ở các cơ sở giáo dục bắt buộc hiện nay và đề xuất giải pháp.
Ảnh minh hoạ: baochinhphu.vn.
Đặt vấn đề

Cơ sở giáo dục bắt buộc thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng – Bộ Công an có chức năng tiếp nhận và tổ chức quản lý, giáo dục và tái hòa nhập cộng đồng đối với những người có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Công tác tổ chức cho trại viên lao động, học nghề là con đường để phục hồi và phát triển nhân cách của họ, giúp họ sau khi chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc trở về hòa nhập cộng đồng, giúp trại viên có những phẩm chất cơ bản trong quá trình lao động như: yêu lao động, quý trọng kết quả lao động, thấy được ý nghĩa của lao động, tinh thần tương thân, tương ái, hợp tác trong lao động… Những trại viên chưa biết nghề được dạy nghề, truyền nghề, để đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp, giúp họ có thể tự kiếm việc làm sau khi chấp hành xong thời hạn, không tái vi phạm pháp luật.

Đối với trại viên có tiền sử sử dụng ma túy, việc tổ chức hoạt động dạy nghề, lao động còn có ý nghĩa giúp cho việc cắt cơn trong cai nghiện. Đồng thời, tổ chức lao động, dạy nghề cho trại viên nói chung và trại viên có tiền sử nghiện ma túy nói riêng đang chấp hành tại các cơ sở giáo dục bắt buộc là một trong những biện pháp quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục bắt buộc.

Tình hình tổ chức thực hiện quản lý, tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho trại viên

Hiện nay, các cơ sở giáo dục bắt buộc quản lý số lượng trại viên ít, phần lớn trại viên có trình độ văn hóa thấp, không nghề nghiệp, tuổi đời trẻ; một số trại viên khi vào cơ sở có biểu hiện ngáo đá nặng, có tiền sử sử dụng các chất ma túy, thần kinh không ổn định, cử chỉ, lời nói không bình thường (do hậu quả của việc lạm dụng rượu, bia, chất kích thích khi ở ngoài xã hội); có nhiều tiền án, tiền sự (tỷ lệ trại viên có tiền án chiếm khoảng 44,4%, tiền sự chiếm khoảng 47,2%), tỷ lệ đối tượng sử dụng ma túy, có tiền sử sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng, thành phần sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, số sử dụng ma túy tổng hợp, nhất là ma túy tổng hợp dạng “đá” chiếm tỷ lệ lớn. Trước tình hình đó, việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hướng nghiệp, dạy nghề cho đối tượng trại viên gặp rất nhiều khó khăn nhất là đối với số trại viên đang sử dụng ma túy, có tiền sử nghiện ma túy trước khi vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Việc tổ chức lao động cho đối tượng nghiện ma túy mới chỉ giải quyết yêu cầu phục vụ cắt cơn để cai nghiện mà chưa hướng tới tạo thói quen lao động, dạy, truyền nghề và đào tạo, nâng cao tay nghề lao động nên khó khăn cho việc hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm và tạo thu nhập sau khi cai nghiện; đồng thời, cách thức tổ chức lao động như vậy cũng không tạo ra nhiều giá trị lao động, của cải vật chất để vừa giúp trang trải các chi phí cho chính đối tượng cai nghiện cũng như giảm đầu tư ngân sách cho nhà nước.

Khắc phục những khó khăn, các cơ sở giáo dục bắt buộc đã mở nhiều lớp dạy nghề, truyền nghề cho trại viên và ngày càng đa dạng về ngành nghề, nhiều trại viên tái hòa nhập cộng đồng được cấp chứng chỉ nghề và thành công trên cơ sở các nghề đã được đào tạo. Tỷ lệ trại viên tái vi phạm pháp luật hiện nay có xu hướng giảm dần.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ phục vụ tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho trại viên được quan tâm, giải quyết. Số lượng các trung tâm xúc tiến việc làm, các nhà xưởng, các khu sản xuất được xây dựng, nâng cấp, sửa chữa góp phần đáng kể cải thiện các điều kiện lao động, giảm tỷ lệ lao động trại viên trong các ngành, nghề nông nghiệp, chuyển dần sang cơ cấu thủ công nghiệp, gia công giúp gia tăng giá trị lao động và tạo cơ hội lao động trong các ngành, nghề mới phù hợp hơn với trình độ, khả năng lao động của trại viên. Bên cạnh đó, đã có tăng trưởng về giá trị thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch lao động, bảo đảm cơ bản các chính sách, chế độ, quyền lợi theo hướng tốt hơn khi tổ chức lao động cho trại viên, trong đó giá trị thu từ kết quả lao động, học nghề của trại viên gia tăng.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho trại viên đã được cấp ủy, lãnh đạo các cấp quan tâm cử đi học tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài ngành. Trình độ và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác này dần đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Quan hệ phối hợp giữa các lực lượng nghiệp vụ trong các cơ sở giáo dục bắt buộc cũng như giữa cơ sở giáo dục bắt buộc với các cơ quan tổ chức, cá nhân trong tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho trại viên ngày càng được củng cố và mở rộng.

Từ kết quả tổng hợp của các cơ sở giáo dục bắt buộc về các nội dung thực hiện nhiệm vụ tổ chức lao động, dạy nghề cho trại viên hằng năm và giai đoạn hiện nay cho thấy, nhiệm vụ quản lý tổ chức lao động, dạy nghề cho trại viên còn nhiều khó khăn, hạn chế đó là:

Thứ nhất, thống kê kế hoạch thực hiện giao chỉ tiêu lao động, dạy nghề các đơn vị hằng năm, tỷ lệ cơ cấu các ngành, có tỷ lệ ngành, nghề thực hiện kế hoạch chỉ tiêu lao động, dạy nghề cơ bản còn dựa vào cơ cấu nông, lâm nghiệp, trồng rừng, rau xanh và có chỉ tiêu giao thực hiện thuộc nhóm thấp về giá trị thực hiện. Cơ cấu ngành, nghề lao động của đơn vị nếu chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp rất dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…

Thứ hai, công tác chỉ đạo, quản lý kết quả lao động, học nghề tại các cơ sở giáo dục bắt buộc dù đã được chú trọng và cơ bản đi vào nề nếp. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn còn bị động, chưa bám sát hoặc phản ánh chưa đúng thực tế kết quả thực hiện các ngành, nghề tổ chức lao động cho trại viên.

Thứ ba, công tác tham mưu, hướng dẫn thực hiện của bộ phận chuyên môn, trực tiếp tham mưu, xây dựng nội dung quy định về hợp đồng, kế hoạch tổ chức thực hiện hướng nghiệp, lao động và dạy nghề tại nhiều đơn vị còn chưa sát sao, chưa nắm vững các quy định về pháp luật dân sự, kinh tế và pháp luật về sử dụng đất để thẩm định, tham mưu trong thực hiện, ký kết các hợp đồng hợp tác, ngành, nghề lao động.

Một số giải pháp hướng nghiệp, dạy nghề đối với trại viên có tiền sử nghiện ma tuý

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho trại viên có tiền sử sử dụng ma túy trong các cơ sở giáo dục bắt buộc, theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

(1) Việc giao chỉ tiêu, định mức thực hiện lao động cho các cơ sở giáo dục bắt buộc cần phải điều chỉnh lại để tương ứng, hài hòa, khai thác đúng với tiềm năng của từng đơn vị. Mặt khác, phải nâng cao trách nhiệm, cần có định hướng mới về cơ cấu lại tỷ lệ lao động các ngành, nghề và điều chỉnh lại mức hoàn thành chỉ tiêu lao động phù hợp. Cần phải nâng cao hơn tính chủ động trong công tác quản lý, chỉ đạo; tìm kiếm các định hướng và giải pháp tổ chức lao động mới, việc làm mới cho trại viên, gia tăng tỷ lệ lao động các ngành thủ công nghiệp và lựa chọn ngành nghề có tính lâu dài, có công nghệ chế biến, chế tác chuyên sâu, giảm tỷ lệ nông, lâm nghiệp hoặc nghiên cứu triển khai thực hiện kết hợp với áp dụng công nghệ chế biến phù hợp với quy mô, trình độ lao động và thị trường tiêu thụ.

(2) Quán triệt, thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên: “quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên”. Theo đó, các cơ sở giáo dục bắt buộc phải đánh giá đúng vai trò, nhiệm vụ trong việc quy hoạch, quản lý, giám sát, đề xuất sử dụng quỹ đất phục vụ tổ chức lao động, dạy nghề, cần xem đây là nền tảng cơ sở đảm bảo để tổ chức triển khai các nhiệm vụ về lao động, dạy nghề, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hợp tác lao động tìm việc làm cho trại viên.

(3) Các cơ sở giáo dục bắt buộc cần quán triệt nghiêm túc cho cán bộ, chiến sỹ đơn vị mình về vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc nâng cao năng lực, nghiệp vụ và phải chủ động cập nhật các quy định mới của pháp luật để từ đó đảm bảo nhiệm vụ tham mưu, hướng dẫn các đơn vị cơ sở thực hiện đúng. Đồng thời, các phòng chức năng phải xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất, vừa hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác lao động, dạy nghề cho trại viên bảo đảm các quy định của pháp luật, định hướng phát triển ngành, nghề lao động cho trại viên, gắn liền với thị trường lao động và tiêu thụ kết quả lao động, bảo đảm đầu tư cho ngành, nghề lao động cơ bản theo hướng phù hợp với yêu cầu thị trường lao động hiện nay, giúp nâng cao hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng cho trại viên; tránh làm lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước.

(4) Các cơ sở giáo dục bắt buộc cần bám sát các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính về tổ chức lao động, dạy nghề cho trại viên và quy định mới về thành lập các khu lao động, dạy nghề để phát huy tính sáng tạo, năng động trong tìm kiếm việc làm cho trại viên. Mời gọi hợp tác lao động theo đúng quy định và khai thác hiệu quả các nguồn vốn xã hội hóa hợp pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức lao động, dạy nghề cho trại viên. Đồng thời, có kế hoạch, chính sách thực hiện và linh động điều chuyển cơ cấu, số lượng lao động phù hợp với tình hình chung, phát huy thế mạnh của đơn vị.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi năm 2020).
2. Nghị định 140/2021/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc.
3. Báo cáo tổng kết công tác năm của Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (từ năm 2020 2022).
4. Báo cáo tổng kết công tác năm của 3 cơ sở giáo dục bắt buộc Bộ Công an: Cơ sở giáo dục bắt buộc A1, Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà, Cơ sở giáo dục đặc biệt Cồn Cát (từ năm 2020 2022).
Đại tá, ThS. Nguyễn Hữu Quỳnh
Giám đốc Cơ sở giáo dục bắt buộc A1, Bộ Công an