(Quanlynhanuoc.vn) – Vĩnh Châu là thị xã ven biển của tỉnh Sóc Trăng, có chiều dài bờ biển 43km, được thành lập theo Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 25/8/2011 của Chính phủ. Thị xã có 4 phường và 6 xã, với tổng số dân là 164.680 người, trong đó, dân tộc Kinh, Hoa, Khmer là chủ yếu, các dân tộc sống đan xen nhau.
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thị xã Vĩnh Châu xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (sau đây viết tắt là Chương trình), nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, thị xã Vĩnh Châu đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.
– Hệ thống bộ máy chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình (Ban Chỉ đạo các cấp, Văn phòng điều phối nông thôn mới thị xã, cán bộ chuyên trách về xây dựng nông thôn mới cấp xã) được thành lập và được củng cố kiện toàn thường xuyên. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình luôn vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để kịp thời cụ thể hóa thành nghị quyết, chương trình, kế hoạch và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình trên địa bàn thị xã, góp phần triển khai có hiệu quả Chương trình trong thời gian qua.
– Xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình đột phá, là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn nói riêng và trên địa bàn thị xã nói chung. Mặc dù, nguồn thu ngân sách thị xã còn hạn chế, sản xuất nông nghiệp còn rủi ro, là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhưng thị xã vẫn tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho Chương trình. Từ năm 2011 đến nay, đã huy động 1.877,943 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình.
– Công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị trên địa bàn thị xã cùng chung tay thực hiện, đa dạng với nhiều nội dung và hình thức, chủ trương “cán bộ, đảng viên nêu gương thực hiện, vận động Nhân dân làm theo”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” lan toả mạnh mẽ trên khắp địa phương, từ đó, đã làm thay đổi nhận thức, tạo được sự đồng thuận từ Nhân dân, tự giác tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
– Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn có bước phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Nổi bật nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, đến nay, 100% các tuyến đường trục xã – liên xã đều được nhựa hóa, các đường trục ấp – liên ấp được bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định, chất lượng các tuyến đường ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực cho sản xuất, trao đổi hàng hóa và tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư về nông thôn. Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, bảo đảm tưới tiêu nước chủ động cho 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghệp. Chất lượng điện nông thôn ngày càng được nâng cao, ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hệ thống trường học, trạm y tế đặc biệt được chú trọng đầu tư. Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn các xã từng bước được hoàn thiện, phát huy được hiệu quả, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần, rèn luyện thân thể cho Nhân dân trên địa bàn.
– Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng và chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, công tác phát triển kinh tế tập thể được chú trọng. Đến nay, trên địa bàn 6 xã của thị xã đã thành lập được 28 hợp tác xã nông nghiệp; xây dựng được 5 mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản; phát triển được các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương (nuôi tôm thâm canh công nghệ cao, artermia, hành tím, rau trong nhà lưới…); thu hút được các doanh nghiệp lớn tham gia vào chuỗi sản xuất như Tập đoàn Việt – Úc, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Nông nghiệp Bến Thành Sài Gòn…; Chương trình mỗi xã một sản phẩm sau hơn 2 năm triển khai bước đầu phát huy hiệu quả, trên địa bàn thị xã. Đến nay, có 16 sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao và 01 sản phẩm đạt 4 sao. Du lịch nông thôn đã từng bước khai thác được tiềm năng lợi thế, các khu du lịch sinh thái, du lịch tâm linh tín ngưỡng, du lịch văn hóa đã bước đầu thu hút được khách du lịch.
– Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các ngành, các cấp trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu đã chủ động phối hợp, triển khai thực hiện có hiệu quả các các chương trình, dự án về đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Do vậy, công tác giảm nghèo tại địa phương đã đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên địa bàn thị xã giảm từ 3 – 4%/năm. Trong giai đoạn 2011 – 2015, toàn thị xã giảm tỷ lệ hộ nghèo được 12,56%, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn là 15,65%. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của toàn thị xã là 5,43% (giảm 19,71% so với thời điểm tổng điều tra năm 2015.
– Công tác giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của thị xã nói chung và các xã nói riêng, hơn nữa tại thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình, các xã đều chưa đạt tiêu chí lao động có việc làm. Vì vậy, Ban Chỉ đạo thị xã luôn quan tâm tham mưu và phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện nhiều giải pháp về đào tạo, giới thiệu và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, cũng như công tác tuyên truyền tạo ý thức cho người dân tích cực tham gia học nghề nhằm giải quyết việc làm nâng cao đời sống của người dân. Các Chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề được triển khai góp phần giúp các xã đạt tiêu chí lao động có việc làm trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, cũng tạo cơ hội cho người dân nông thôn có việc làm lâu dài, ổn định và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.
– Công tác xây dựng cảnh quan, thực hiện vệ sinh môi trường nông thôn có sự chuyển biến tích cực. 100% hộ dân có nước sinh hoạt hợp vệ sinh để sử dụng, trong đó có 76,24% hộ dân sử dụng nước sạch; công tác thu gom, xử lý chất thải được đẩy mạnh, phần lớn chất thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn đều đã được thu gom và xử lý đúng quy định; cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng được cải thiện, các tuyến đường hoa, các tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn từng bước được hình thành rõ nét, là động lực để Nhân dân ngày càng đồng thuận với Chương trình, tích cực xây dựng quê hương Vĩnh Châu thành những miền quê đáng sống.
– Sau khi đạt chuẩn, các xã đã xây dựng lộ trình để duy trì những kết quả đạt được, đồng thời, nâng chất lượng các tiêu chí để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Diện mạo nhiều vùng nông thôn thị xã Vĩnh Châu đang từng ngày đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố và phát triển, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, thu nhập và việc làm của người dân được nâng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.