Chủ quyền quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Chủ quyền quốc gia là thuộc tính chính trị – pháp lý, là quyền làm chủ đối với quốc gia. Trong lịch sử, bảo vệ chủ quyền quốc gia luôn là nhiệm vụ trọng tâm của mọi nhà nước. Bài viết nghiên cứu những tác động của quá trình toàn cầu hóa, của thành quả cách mạng khoa học và công nghệ đối với những thay đổi về nội dung chủ quyền quốc gia. Thông qua đó, làm rõ những thách thức chủ quyền quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Các quốc gia có chủ quyền là những chủ thể chính trị cao nhất có khả năng và trách nhiệm trực tiếp thừa nhận nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong hệ thống luật pháp quốc tế. Quốc gia là nền tảng, là chủ thể chính, quan trọng nhất, đầy đủ nhất của quan hệ chính trị quốc tế. Đại diện cho quốc gia là nhà nước. Ph.Ăngghen gọi nhà nước là “đại biểu chính thức của toàn thể xã hội, là sự tổng hợp của xã hội thành một hiệp hội rõ ràng” 1. Kết cấu chính trị quốc tế là một chỉnh thể hữu cơ bao gồm các chủ thể chính trị quốc tế, tập trung ở các nhà nước và quan hệ giữa các chủ thể đó. Bởi vậy, trong quan hệ chính trị quốc tế, chủ quyền và việc tôn trọng độc lập chủ quyền của mỗi quốc gia là nguyên tắc cơ bản, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Chủ quyền quốc gia

Chủ quyền quốc gia (CQQG) là nền độc lập của một nước, một dân tộc, không phụ thuộc vào quốc gia khác. Trong đó, nhà nước hoạt động quản lý trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, không bị chi phối hoặc can thiệp, hạn chế từ chính quyền bên ngoài. CQQG được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Trong quan hệ quốc tế không có quyền lực siêu quốc gia, không có tổ chức hay quốc gia, nhóm quốc gia nào đứng trên các quốc gia khác, có quyền đặt ra pháp luật và bắt các quốc gia khác phải tuân theo. Vấn đề tôn trọng quyền tự quyết của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là nguyên nhân quan trọng nhất trong quan hệ chính trị quốc tế.

Hiến chương Liên hợp quốc ghi rõ: thành viên Liên hợp quốc là những quốc gia có chủ quyền, có quyền tham gia soạn thảo luật pháp quốc tế, có nghĩa vụ chấp hành luật quốc tế, phối hợp với các quốc gia khác thi hành các biện pháp cưỡng chế khi xảy ra hành động vi phạm luật quốc tế. CQQG là cơ sở pháp lý để quốc gia thực hiện các nhiệm vụ của chính sách đối nội, đối ngoại của mình nhằm đạt được mục đích mà quốc gia muốn hướng tới 2.

Vì vậy, các quốc gia bắt buộc phải tuân thủ luật quốc tế và chủ quyền của  mỗi quốc gia phải được tôn trọng. Dù hệ thống chính trị hay các hệ giá trị thế nào thì quốc gia vẫn được tuân thủ theo luật quốc tế về các quyền cơ bản: độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và tư cách pháp nhân quốc tế.

Có thể hiểu, CQQG là quyền tự quyết tối cao của quốc gia trong việc quyết định chính sách đối nội và đối ngoại của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế; là quyền độc lập về chính trị, kinh tế và văn hóa trong nước và quyền tự chủ trong quan hệ quốc tế.

Sự hình thành, nội dung và nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia

Nguyên tắc chủ quyền và bình đẳng quốc gia được hình thành từ thời phong kiến ở châu Âu. Đây là thời kỳ quân chủ chuyên chế, vì vậy, CQQG mang màu sắc độc tài. Vào thế kỷ XV – XVI, ở châu Âu xuất hiện thuyết “chủ quyền tuyệt đối” do Grtius, Bodin, Makiaveli đề xướng nhằm chống lại quyền lực vô hạn của Giáo hoàng và Hoàng đế La Mã thần thánh thời cổ đại. Theo họ, CQQG phải tuyệt đối, phải được đặt lên trên tất cả mọi quyền lực khác. Muốn bành trướng quyền lực quốc gia thì tất cả các phương kế, kể cả các thủ đoạn xảo quyệt, thậm chí trái với đạo lý con người và những quy ước xã hội đều cần được sử dụng.

Khác với thời phong kiến, giai cấp tư sản đã đưa vào khái niệm CQQG một nội dung mới, đó là: chủ quyền nhân dân, chỉ nhân dân mới có chủ quyền, các quốc gia có chủ quyền đều bình đẳng. Dưới ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng Triết học ánh sáng, Tuyên ngôn độc lập Mỹ (năm 1776), Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp (năm 1789), nội dung CQQG có bước phát triển mới, như: CQQG gắn với dân tộc, thuộc về dân tộc, là chủ quyền tối thượng thuộc về nhân dân, là quyền bình đẳng giữa các quốc gia. Chẳng hạn, trong Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền Pháp ghi rõ: “Nguyên tắc của mọi chủ quyền chủ yếu thuộc về dân tộc. Về pháp lý, chủ quyền quốc gia là độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và toàn quyền quyết định mọi vấn đề trong biên giới quốc gia” 3.

Nguyên tắc tôn trọng CQQG cho phép chính phủ các nước giải quyết các xung đột nội bộ theo pháp luật riêng của nước mình và không nước nào có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Song, phải đến sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với xu thế chung “đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”, việc tôn trọng CQQG mới được thừa nhận như một nguyên tắc cơ bản của quan hệ chính trị quốc tế.

Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc đã ghi nhận nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia. Nội dung cơ bản của nguyên tắc này bao gồm: các quốc gia phải có nghĩa vụ tôn trọng sự bình đẳng chủ quyền của nhau; tôn trọng luật pháp quốc tế; mỗi quốc gia đều có quyền tự do lựa chọn đường lối phát triển chính trị, kinh tế và văn hóa của mình; tôn trọng quyền của nhau về quyết định chính sách đối ngoại 4.

Chỉ có trong chủ nghĩa xã hội, CQQG mới được thực sự tôn trọng. Chủ nghĩa Mác – Lênin luôn đề cao và ủng hộ sự toàn vẹn của chủ quyền của tất cả các quốc gia trên thế giới, coi đó là bước tiến của nhân loại trên con đường thiết lập nền dân chủ trong quan hệ chính trị quốc tế.

Những thách thức chủ quyền quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay

Trong xu thế toàn cầu hóa, có ba khái niệm được bàn tới nhiều nhất, đó là: chủ quyền quốc gia(chống áp bức của quốc gia này đối với quốc gia khác), chủ quyền dân tộc (chống áp bức của dân tộc này đối với dân tộc khác) và chủ quyền nhân dân (chống sự độc tài từ phía cá nhân hoặc nhóm người thao túng quyền lực trong một quốc gia). Trong quan hệ quốc tế hiện nay, CQQG không mất đi, nguyên tắc CQQG vẫn tồn tại, song đang đứng trước những thách thức mới và cần có những nhận thức mới. Những thách thức đó là:

(1) Sự phi lãnh thổ hóa: chủ quyền lãnh thổ là nội dung chủ yếu của CQQG, nhưng “không gian toàn cầu”, “làng toàn cầu” đang làm mờ dần biên giới quốc gia. Nhu cầu giao lưu, học hỏi, tìm hiểu của công dân ngày càng tăng, không chỉ gắn với một lãnh thổ/quốc gia nhất định mà hướng tới tất cả các quốc gia trên toàn cầu. Do vậy, Nhà nước không thể kiểm soát hết các luồng thông tin, luồng tài chính – tiền tệ và không gian vũ trụ trên các lãnh thổ quốc gia. Biên giới quốc gia không thể ngăn cản được nạn ô nhiễm môi trường từ quốc gia khác, khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, ma túy, bệnh tật hiểm nghèo…

(2) Sự phi tập trung hóa chính trị: các tổ chức quốc tế, các công ty xuyên quốc gia, các tổ chức phi chính phủ có vai trò ngày càng tăng trong giải quyết các vấn đề an ninh – tư bản, kinh tế – xã hội trong quan hệ quốc tế. Nhà nước không thể toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến an ninh và phát triển quốc gia, vì khi đã tham gia các tổ chức quốc tế thì phải chấp nhận những “luật chơi” chung.

(3) Bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị lý luận, ý thức hệ, phong tục tập quán của các nước đang đứng trước những thách thức mới. Với sự phát triển của Internet, các quốc gia khó kiểm soát việc tiếp thu văn hóa ngoại lai, làm lu mờ những giá trị truyền thống của dân tộc, như: xu hướng đồng nhất lối sống của các quốc gia dân tộc, xu thế áp đặt văn hóa, xu thế áp đặt các mô hình và giá trị trong văn hóa. Mặt khác, các nước phương Tây dựa vào ưu thế kỹ thuật, công nghệ đã tuyên truyền những giá trị, luân lý đạo đức, phương thức sinh hoạt của họ vào nước khác, làm cho văn hoá phương Tây giữ vị trí chủ đạo trong hệ thống tư tưởng và văn hóa thế giới.

Đến năm 2021, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có 164 thành viên, nhưng quyền lực và lợi ích của các nước không giống nhau. Vốn, khoa học – công nghệ, hạ tầng thông tin, nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh nghiệm quản lý và điều hành nền kinh tế vẫn tập trung ở các nước tư bản phát triển. Nhiều nước đang có nguy cơ bị gạt ra khỏi ngoài lề của tiến bộ xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, CQQG (hiểu theo kiểu truyền thống) bị thu hẹp lại.

Mặt khác, toàn cầu hóa gắn liền với chủ nghĩa tự do mới đang làm gia tăng bất bình đẳng xã hội. Chẳng hạn: phong trào “Chiếm Phố Wall” tại Mỹ; sự ủng hộ của người dân Anh rời khỏi EU (Brexit); làn sóng biểu tình áo vàng tại Pháp, cho thấy quá trình toàn cầu hóa có thể mang lại sự giàu có cho một số người thì cũng có thể đẩy nhiều người ra bên lề xã hội.

Vấn đề đặt ra cho mỗi quốc gia là xử lý mối quan hệ giữa CQQG với vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế. Có ba con đường để lựa chọn: (1) Đóng cửa, sẽ bị gạt sang bên lề của quá trình phát triển và tiến bộ xã hội; (2) Chịu mất chủ quyền để đổi lấy sự giàu sang nhất thời cùng những hậu quả tiêu cực của toàn cầu hóa; (3) Đổi mới trong tư duy, thể chế quan hệ quốc tế để có thể hội nhập vào các xu thế phát triển của thế giới nhằm phát huy có hiệu quả hơn nội lực và thu hút được nhiều nguồn ngoại lực, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của thế giới, đồng thời, vẫn bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc.

Dưới sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, sự tác động của thành quả cách mạng khoa học và công nghệ, nội dung CQQG trong điều kiện quốc tế hiện nay có sự thay đổi đáng kể. Ví dụ, một số CQQG trước đây được coi là tuyệt đối thì nay đã có giới hạn, như: quyền quy định trong hiến pháp về các quyền và tự do cơ bản của con người bị chi phối bởi các tiêu chí về nhân quyền trong luật quốc tế; quyền thỏa thuận trong các điều ước song phương, đa phương bị hạn chế bởi các quy phạm phổ biến mang tính mệnh lệnh mới; sự bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia cần được tiến hành trên cơ sở các lợi ích hợp pháp của các quốc gia và lợi ích của cộng đồng thế giới.

Như vậy, có thể thấy, bối cảnh toàn cầu hóa đang đặt ra cho mỗi quốc gia nhiều vấn đề mới, như: nội hàm khái niệm “an ninh quốc gia” được mở rộng với nhiều nội dung phức tạp; cục diện an ninh dưới sự tác động của toàn cầu hóa đã thay đổi nên các biện pháp, hình thức, cơ chế bảo đảm an ninh của mỗi nước cũng phải thay đổi theo. Việc nhận thức đúng về thời cơ cũng như thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa sẽ giúp các nước giữ vững được CQQG dân tộc, đồng thời có những hướng đi đúng trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Kết luận

Các quốc gia với tư cách là chủ thể quan trọng nhất của quan hệ chính trị quốc tế đều quan tâm đến lợi ích, sức mạnh và chủ quyền của mình. Đó là những yếu tố cơ bản chi phối quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của quốc gia. Đồng thời, chính trong quá trình triển khai thực hiện chính sách đối ngoại, các quốc gia sẽ tạo ra các mối quan hệ quốc tế đa dạng, đa chiều và đa tầng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia cần cân nhắc để có những điều chỉnh và hướng đi phù hợp trong quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác mà vẫn bảo đảm lợi ích của quốc gia mình.

Chú thích:
1. Mác – Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 20. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 389.
2, 4. The UN, Charter of the United Nations and Statute of the international court of the justice (colour edition – blue), UN Publication, September 2015.
3. Nguyễn Văn Út. 9 bản Tuyên ngôn nổi tiếng thế giới. H. NXB Văn hóa thông tin, 2006, tr. 285.
Tài liệu tham khảo:
1. Lưu Thúy Hồng. Ngoại giao đa phương trong hệ thống quan hệ quốc tế đương đại. H. Nxb Chính trị quốc gia, 2015.
2. Vũ Lê Thái Hoàng, Lê Linh Lan. Vai trò của ngoại giao đa phương trong chính sách đối ngoại của quốc gia tầm trung: Trường hợp của Indonesia. Tạp chí Nghiên cứu quốc tế,số 97, tháng 6/ 2014.
3. Lê Đình Tĩnh. Mục tiêu cường quốc tầm trung và viễn cảnh ngoại giao Việt Nam sau năm 2030. Tạp chí Nghiên cứu quốc tế,số 2 (113), tháng 6/ 2018.
4. Lê Hoài Trung. Đối ngoại đa phương Việt Nam trong thời kỳ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2017.
TS. Đặng Đình Tiến
Học viện Hành chính Quốc gia