(Quanlynhanuoc.vn) – Kinh tế thị trường có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống xã hội nói chung và lối sống của sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Việc phát huy những tác động tích cực, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường đến lối sống sĩ quan trẻ là vấn đề cấp thiết hiện nay, góp phần quan trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, giữ vững bản chất cách mạng, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Bài viết đề ra các giải pháp hạn chế những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường đến lối sống của sĩ quan trẻ trong Quân đội hiện nay.
Những tác động tiêu cực mặt trái của nền kinh tế thị trường đến lối sống sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam
Dưới tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường (KTTT), hiện tượng suy thoái đạo đức, lối sống (ĐĐLS) đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, trong đó có những ảnh hưởng đến lối sống của sĩ quan trẻ (SQT), làm cho một bộ phận SQT có những biểu hiện xem thường các giá trị tinh thần, giá trị nhân văn, đề cao lợi ích vật chất. Lối sống vì đồng tiền còn làm thay đổi “nhãn quan” trong đánh giá đạo đức con người, như: trọng tài hơn đức; trọng tiền bạc hơn tình nghĩa; trọng kinh tế hơn chính trị, tư tưởng, quốc phòng… Theo đó, quan hệ đồng tiền đã len lỏi, chi phối nhân cách, đạo đức của một số cán bộ, sĩ quan quân đội, dẫn tới lối sống buông thả, thiếu hoài bão, lý tưởng, vị kỷ, không quan tâm đến cộng đồng, quay lưng với truyền thống mà tham gia vào các tệ nạn xã hội, đi ngược với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Tình trạng chạy quyền, chạy chức, chạy chỗ, chạy quy hoạch, chạy đi học… cũng đã xuất hiện trong tư duy, suy nghĩ và hành động của không ít SQT Quân đội, làm gây bất bình, mất niềm tin trong đơn vị. Những biểu hiện này tác động tiêu cực đến bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội, ảnh hưởng đến phẩm chất quân nhân cách mạng, hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ”.
Nguyên nhân khách quan.
Những tác động của điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội đã ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm, lối sống của SQT, tạo nên tâm lý sùng bái vật chất, coi trọng đồng tiền, đặt lợi nhuận cá nhân lên trên hết. Cùng với đó là ảnh hưởng của tệ tham ô, tham nhũng, tình trạng thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…1. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch luôn tìm cách thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ với cách mạng Việt Nam, trong đó SQT là một trong những đối tượng chính mà chúng hướng đến… Những nguyên nhân đó tác động trực tiếp đến tư tưởng, ý chí, quyết tâm và trách nhiệm của SQT trong Quân đội.
Nguyên nhân chủ quan.
Xuất phát từ sự tự tu dưỡng, rèn luyện của SQT về đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, năng lực học tập không thường xuyên; việc chăm lo, xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện ĐĐLS cho SQT của cấp ủy, chỉ huy các cấp, tập thể, cơ quan, đơn vị, xã hội có lúc, có nơi thiếu chủ động, tích cực và nhạy bén; những biểu hiện của lối sống không lành mạnh, thoái hóa về đạo đức xã hội chưa được đấu tranh quyết liệt nên có xu hướng gia tăng.
Trước những tác động của nền KTTT đã làm nảy sinh trong lối sống của SQT những dấu hiệu phức tạp và những xu hướng phát triển khó lường. Vì vậy, hạn chế những tác động tiêu cực của nền KTTT đến lối sống của SQT trong Quân đội hiện nay là vấn đề hết sức cấp thiết, đòi hỏi phải phát huy vai trò của mọi chủ thể, lực lượng với những giải pháp đồng bộ, khả thi, thường xuyên, liên tục, phong phú, đa dạng, sát, đúng, trúng với từng đơn vị. Có như vậy, việc xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở SQT mới đạt hiệu quả thiết thực, nhằm nâng cao chất lượng toàn diện của SQT và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị cơ sở Quân đội trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần trực tiếp vào việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”2.
Những giải pháp
Một là, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ chủ trì các đơn vị đối với công tác giáo dục, bồi dưỡng ĐĐLS cho SQT .
Vai trò, phẩm chất và năng lực của các chủ thể, nhất là chủ thể lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Quân đội có tác động lớn đến quá trình bồi dưỡng lối sống XHCN cho đội ngũ SQT. Theo đó, cần phảinghiêm túc để làm cho các cấp lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị luôn có nhận thức đúng đắn mục đích của việc giáo dục, bồi dưỡng ĐĐLS cho SQT hiện nay chính là nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận có đủ “đức” và “tài”, trong đó lấy “đức” làm trọng. Cùng với đó, công tác giáo dục, bồi dưỡng ĐĐLS XHCN cho SQT phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục. Các cấp ủy đảng và chỉ huy các đơn vị cần nhận thức rõ những tác động tích cực và tiêu cực của nền KTTT ở nước ta đến lối sống của SQT. Đồng thời, đánh giá đúng điểm mạnh, yếu về ĐĐLS của SQT để có biện pháp giáo dục, tác động phù hợp nhằm không ngừng nâng cao trình độ nhận thức, định hướng hành vi chính trị, đạo đức đúng đắn cho SQT.
Hai là, thường xuyên đổi mới nội dung, biện pháp giáo dục ĐĐLS cho SQT.
Cần nâng cao chất lượng hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở các đơn vị trong việc bồi dưỡng ĐĐLS cho SQT. Trong đó, mọi hoạt động công tác đảng, công tác chính trị phải hướng vào việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức chính trị – xã hội, năng lực toàn diện cho SQT và những phẩm chất của ĐĐLS XHCN. Làm tốt công tác định hướng những giá trị của lối sống XHCN, như: sống có mục đích, có lý tưởng, hoài bão; luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động công tác đảng, công tác chính trị nhằm lý giải thấu đáo những vấn đề thực tiễn của nền KTTT định hướng XHCN hiện nay; đồng thời, đấu tranh làm thất bại những quan điểm phản động, sai trái của các thế lực thù địch. Từ đó hướng những hoạt động của SQT vào những giá trị xã hội cao cả, những cái đẹp, cái thiện trong cuộc sống.
Để làm được điều đó đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần phải thường xuyên tìm tòi, cải tiến, đổi mới các biện pháp hoạt động công tác đảng, công tác chính trị sao cho phù hợp với tâm, sinh lý lứa tuổi của SQT, bảo đảm việc giáo dục ĐĐLS cho SQT được tiến hành có hiệu quả. Cùng với đó, kiên quyết chống những biểu hiện của sự áp đặt, rập khuôn, cứng nhắc, cửa quyền, mệnh lệnh, quân phiệt trong giáo dục ĐĐLS XHCN cho SQT cũng như những biểu hiện buông lỏng định hướng sự phát triển lối sống của SQT.
Ba là, phát huy tốt vai trò gương mẫu về ĐĐLS của đội ngũ cán bộ chủ chốt các đơn vị cơ sở.
Sự gương mẫu về lối sống của đội ngũ cán bộ chủ chốt góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục ĐĐLS cho SQT hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” mà ta được mọi người yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”3. đồng thời, Người cũng chỉ rõ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”4.
SQT là những người có kiến thức, nhạy cảm và rất thực tế. Bởi vậy, nếu lãnh đạo, chỉ huy đơn vị chỉ hô hào chung chung mà không gương mẫu trong hành động thì việc giáo dục ĐĐLS cho SQT sẽ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Mỗi cán bộ chủ chốt phải thực sự là những tấm gương mẫu mực về ĐĐLS, luôn có tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trong công việc cũng như trong mọi hoạt động xã hội, đội ngũ cán bộ chủ chốt các đơn vị phải luôn có những lời nói và hành động chuẩn mực, thực sự xứng đáng là tấm gương sáng cho SQT phấn đấu học tập, noi theo.
Bốn là, quan tâm giải quyết tốt các mối quan hệ lợi ích, chăm lo đời sống cho đội ngũ SQT trong thời kỳ mới.
Đây là giải pháp có tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tình cảm, ý chí, trong cả quá trình giáo dục bồi dưỡng lối sống XHCN cho SQT. Trong điều kiện phát triển nền KTTT hiện nay, người SQT trong Quân đội phải chấp nhận hy sinh, thiếu thốn nhiều mặt, đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải giải quyết đúng đắn các mối quan hệ về lợi ích phù hợp với các chuẩn mực giá trị xã hội. Thực tiễn lao động quân sự là một lĩnh vực đòi hỏi rất cao cường độ lao động, sự chịu đựng gian khổ, hy sinh, đặc biệt là những đơn vị đóng quân nơi biên giới, hải đảo, những khu vực kinh tế – xã hội chưa phát triển, vùng khí hậu khắc nghiệt… thì đời sống của SQT càng khó khăn hơn nữa. Không những thế, phần lớn SQT đều làm nhiệm vụ tại các đơn vị cơ sở, thường xuyên trực tiếp bám nắm cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, rất ít có điều kiện về thăm gia đình. Đa số SQT ở những đơn vị đóng trên khu vực địa bàn xa dân cư chưa lập gia đình. Vì vậy, bên cạnh việc giáo dục, động viên về chính trị – tinh thần, Đảng và Nhà nước cần: “Tiếp tục đổi mới chính sách đãi ngộ vật chất, tinh thần đối với cán bộ quân đội, phù hợp với cơ cấu xã hội và cơ chế kinh tế hiện nay khi lợi ích cá nhân trở thành tính trội trong hệ thống các động cơ hoạt động xã hội”5. Thực hiện tốt vấn đề đó cũng là sự bảo đảm công bằng, bình đẳng về lợi ích, nâng cao vị thế của SQT trong Quân đội và trong xã hội, qua đó, tạo điều kiện để không ngừng bồi dưỡng, phát triển giá trị lối sống XHCN trong đội ngũ SQT.
Sự quan tâm đến vấn đề lợi ích của đội ngũ SQT gắn liền với đổi mới, hoàn thiện chế độ, chính sách một cách chủ động, đồng bộ, hiệu quả nhằm phát huy nguồn lực con người trong xây dựng Quân đội, cả trước mắt và lâu dài. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”6. Chính vì vậy, cần nghiên cứu, có cơ chế phù hợp để phát hiện, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng những tài năng, nhân tài quân sự trong đội ngũ SQT, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, củng cố quốc phòng trong thời kỳ mới.