Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hết sức quan tâm đến cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người đã trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng nhiều đội ngũ cán bộ xuất sắc cho cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Người về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có giá trị cả về lý luận và thực tiễn trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo hiện nay. Nội dung nghiên cứu tư tưởng của Hồ Chí Minh được tiếp cận dưới các góc độ khoa học khác nhau, đến nay đã có nhiều tác giả, công trình nghiên cứu dưới nhiều góc độ: triết học, lịch sử, đường lối, chính trị học, kinh tế học… Bài viết này tác giả tiếp cận tư tưởng của Bác về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong cách mạng và vận dụng vào thực tiễn hiện nay.
Ảnh tư liệu.
Tư tưởng về cán bộ và vai trò, vị trí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đã có nhiều nhà lãnh đạo, nhà khoa học tiếp cận về khái niệm cán bộ dưới nhiều góc nhìn, góc độ khoa học: lãnh đạo quản lý, tổ chức, hành chính, tâm lý và góc độ pháp luật… ví dụ như dưới góc độ khoa học hành chính định nghĩa, cán bộ là những người làm việc trong các cơ quan nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước được bổ nhiệm hoặc bầu cử vào những vị trí nhất định trong cơ quan nhà nước.

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh khi nói đến cán bộ và công tác cán bộ, Bác đã đưa ra một khái niệm về cán bộ rất đơn giản, dễ hiểu và biện chứng: “Cán bộ là người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ xuống với dân, giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng1.

Quan niệm “đem” và “giải thích” ở đây thực chất là những khái niệm về tổ chức, triển khai, thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ là người không những “đem” chính sách mà còn là người phải “giải thích” cho dân chúng “hiểu rõ và thi hành”. Một sự lôgic, biện chứng được coi như nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi người cán bộ trong công việc. Trong thực tiễn hiện nay, không ít cán bộ không thấm nhuần quan điểm này. Họ chủ yếu là “đem” nghị quyết, đường lối, chính sách xuống với dân mà ít thực hiện “giải thích” cho dân hiểu và dân thi hành. Hậu quả là, dân không hiểu, dân thực hiện không đúng, dân khiếu kiện kéo dài và dẫn đến mất lòng tin vào đội ngũ cán bộ, lãnh đạo hoặc chính quyền địa phương.

Mặt khác, cán bộ không những đem và giải thích đường lối, chính sách cho dân mà cán bộ còn phải “đem tình hình của dân báo cáo cho Đảng, Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Đây là hai mặt của một vấn đề trong quá trình triển khai, tổ chức đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sự lôgic, phản ánh hai chiều khép kín quá trình lãnh đạo của người cán bộ, lãnh đạo. Một quy trình được đặt ra cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi người cán bộ lãnh đạo, quản lý gồm các bước: lập kế hoạch; tổ chức triển khai; kiểm tra đôn đốc; tổng kết đánh giá; thu thập thông tin (dữ liệu thông tin); xây dựng kế hoạch mới. Đó chính là một quy trình lãnh đạo khép kín.

Cán bộ là “nguồn vốn của Nhà nước”, “là cái gốc của mọi công việc”, “gốc có chắc, khoẻ thì cây mới xanh, tốt” chính vì thế Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ, nhằm cho nguồn vốn của quốc gia được “sinh lời” trong quá trình sử dụng cán bộ, sử dụng nhân lực. Bác nói: “Đào tạo cán bộ như người làm ra hàng hóa vậy, đào tạo tốt thì có lãi, đào tạo kém thì lỗ vốn”; “Đào tạo cán bộ như người đóng giày vậy, người ta đóng giày theo chân chứ ai gọt chân theo giày bao giờ”2. Điều này, Bác muốn nói đến mục đích và nhu cầu ĐTBD trong công tác cán bộ. Đào tạo cán bộ phải theo nguyên tắc: thực tế (thị trường) cần gì, đòi hỏi gì thì phải đào tạo cái đó chứ không phải cứ đào tạo theo cái có của các nhà trường, của người thầy rồi “ấn” cho thị trường dùng, sẽ là không hợp quy luật. Một triết lý ĐTBD nói chung và ĐTBD đội ngũ cán bộ nói riêng rất biện chứng, hợp quy luật và khoa học xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và quay trở lại phục vụ thực tiễn.

Dưới góc độ đạo đức của người cán bộ lãnh đạo, Hồ Chủ tịch từng nói “đạo đức cách mạng là gốc của người cán bộ”. Mỗi cán bộ phải suốt đời phấn đấu hi sinh cho lý tưởng của Đảng, phải biết đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và trước hết. Bác nói: Đảng không phải là một tổ chức “làm quan phát tài”. Cán bộ cách mạng không phải là “làm quan cách mạng”, “không phải để thăng quan tiến chức”. Không phải làm cán bộ để “đè đầu cưỡi cổ dân chúng như thời thực dân, phong kiến”3. Người cán bộ phải tận tụy với sự nghiệp cách mạng, trung thành với sự nghiệp của Đảng, của Tổ quốc và của Nhân dân, phải hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Bác dặn: “Việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng gắng sức làm, việc gì có hại cho dân, dù nhỏ cũng hết sức tránh”, người cán bộ phải là người có đời tư luôn luôn trong sáng, là tấm gương trong mọi lúc, mọi nơi của cuộc sống.

Dưới góc độ về phong cách lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: Cán bộ phải là những người có thái độ và cách làm việc thật sự dân chủ, để mọi người xung quanh mạnh dạn, thẳng thắn nói những ưu, khuyết điểm của mình. Người cán bộ thật sự dân chủ, ý kiến của cán bộ được thật sự tôn trọng, thì khối đoàn kết nội bộ được củng cố, những sáng kiến được nảy nở, công việc nhất định sẽ được hoàn thành tốt đẹp. Người nói: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo. Càng dân chủ thì càng có nhiều sáng kiến. Sáng kiến chỉ ra đời khi người đó tâm huyết, hăng hái làm việc trong một môi trường dân chủ”4.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn có cán bộ tốt thì Đảng phải làm tốt công tác huấn luyện cán bộ, huấn luyện cán bộ phải toàn diện cả về mặt phẩm chất đạo đức, tư cách cán bộ và năng lực chuyên môn.

Quan niệm về vai trò huấn luyện cán bộ của Đảng có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Người cho rằng: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, “Có làm tốt công tác ĐTBD cán bộ thì mới có đội ngũ cán bộ”…5.

ĐTBD cán bộ không phải là một việc đơn giản, muốn làm được thì phải hiểu cho rõ mục đích, đối tượng, nội dung, phương pháp ĐTBD, phải có đội ngũ cán bộ đủ tiêu chuẩn làm công tác ĐTBD; phải có tài liệu và các phương tiện đáp ứng yêu cầu. Trong công tác ĐTBD, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “phải thiết thực, chu đáo trong công việc huấn luyện”6; phải biết “Huấn luyện ai? Ai huấn luyện? Huấn luyện gì? Huấn luyện thế nào?”7; Người nói giản đơn mà hàm ý sâu sắc, toát lên những tư tưởng lớn chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ công tác ĐTBD cán bộ của Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo từ xưa đến nay. Đây là những cơ sở khoa học trong quá trình xây dựng một chương trình ĐTBD, tạo dựng một phương pháp huấn luyện hiệu quả.

Quan niệm về người làm công tác ĐTBD (những người thầy) trong công tác ĐTBD cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác này. Bác quan niệm rằng: Người làm công tác ĐTBD cán bộ như “máy cái” trong công nghiệp dùng để sản xuất các “máy con”. Vì vậy, người làm công tác ĐTBD cán bộ “phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc” và “phải học thêm mãi mới làm được công việc huấn luyện của mình”8. Với quan điểm này, Bác khẳng định vị trí, vai trò của những người thầy trong ĐTBD. Người thầy phải thực sự được đào tạo nghiêm túc, khoa học và chất lượng; cái “máy cái” là quyết định tư tưởng, hành động, hiệu quả của các máy con; “máy cái” mất định hướng, lệch lạc tư tưởng sẽ làm cho các máy con rối loạn, xã hội rơi vào trạng thái “rơi tự do”. Người thầy phải luôn luôn biết trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, khoa học và thực tiễn cho mình để thực sự trở thành những “máy cái” vận hành, định hướng vận động của xã hội theo quy luật nhất định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi ĐTBD, huấn luyện cán bộ là công việc phải được thường xuyên, liên tục, toàn diện và thiết thực. Phải xác định rõ mục tiêu ĐTBD cán bộ với các yếu tố cơ bản: học thức, đạo đức cách mạng, tác phong và năng lực công tác. Nhưng tùy từng giai đoạn cách mạng, tùy vào tình hình cụ thể mà đặt ra mục đích, nhiệm vụ để ĐTBD cán bộ. Quan điểm của Người là đã làm cán bộ thì phải thường xuyên học tập trao dồi đạo đức cách mạng, “Người cán bộ là phải học tập suốt đời, học trong sách vở, học trong thực tiễn và học trong Nhân dân”9. Quá trình hình thành lên một nhân cách, một năng lực con người không những phải được trải qua một quá trình ĐTBD kiến thức đã có mà cần phải được ĐTBD thường xuyên với những kiến thức khoa học mới phù hợp với quá trình vận động xã hội. Đây chính là những cơ sở cho ra đời các phong trào “học tập suốt đời”, “xã hội học tập” mà nhà nước ta đang tổ chức thi hành.

Mục tiêu của công tác ĐTBD cán bộ, theo Hồ Chí Minh là để làm việc chứ không phải là để có bằng cấp, để cho oai và để có chức này chức nọ. Việc giảng dạy, học tập, đào tạo, huấn luyện phải gắn liền với nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế, “kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau”, “lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi liền với nhau”. Người cho rằng, cán bộ đảng viên phải học tập lý luận Mác – Lênin, học tập đường lối, chính sách của Đảng, đồng thời phải học văn hóa, kỹ thuật nghiệp vụ, “làm việc gì học việc đấy”10, tức là cán bộ làm ở lĩnh vực gì, phụ trách ở ngành nghề gì đều phải học cho thành thạo công việc ở lĩnh vực đó.

Về mục đích học tập của cán bộ, Người còn chỉ rõ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân và cho Tổ quốc, nhân loại”. Vì vậy, “Học để sửa chữa tư tưởng. Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng. Học để tin tưởng. Học để hành”11.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Về nội dung ĐTBD.

Người yêu cầu phải hết sức thiết thực. Dạy, học lý luận Mác- Lê nin phải biết liên hệ thực tế, thực hành lý luận, tránh nhồi nhét lý luận suông. ĐTBD chuyên môn, nghề nghiệp thì “phải thực hành khẩu hiệu: làm việc gì học việc ấy”12. Ngoài dạy lý luận, chuyên môn, còn phải dạy công tác. Người yêu cầu: Ngoài học lý luận, học chuyên môn, phải học chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, học công tác… Bác quan tâm thực sự đến nội dung ĐTBD cần phải phong phú, đa dạng, phải đúng ngành nghề, lĩnh vực mà cán bộ đang làm việc. Nhưng Bác luôn đặt nội dung ĐTBD lý luận Mác – Lê nin lên đầu và trước tiên cho mỗi chương trình học hay đối với mỗi cán bộ lãnh đạo. Đó chính là nền tảng tư tưởng của mỗi người cách mạng.

Về phương pháp ĐTBD.

Là người đã từng tổ chức và trực tiếp ĐTBD nhiều thế hệ cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm chắc và vận dụng nhuần nhuyễn quy luật tư duy và phương pháp luận Mác – Lê nin trong công tác ĐTBD cán bộ. Người đã đề ra hệ thống nguyên lý, phương châm, phương pháp ĐTBD cán bộ như:

+ “Cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”13. ĐTBD cũng như người sản xuất hàng hoá. Sản xuất ra số lượng sản phẩm nhiều là tốt nhưng trước hết phải bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý, người tiêu dùng ưa chuộng thì mới có hiệu quả thiết thực. Việc ĐTBD cán bộ “cốt yếu phải làm cho người học hiểu thấu đáo vấn đề”14 và biết vận dụng vào thực tế công việc. Sau khi được ĐTBD, về làm việc hiệu quả hơn, nhiệt tình, trách nhiệm cao hơn.

 + “Phải gắn liền lý luận với công tác thực tế”15. Dạy, học lý luận phải biết liên hệ tình hình cụ thể, kinh nghiệm công tác để giải thích các vấn đề lý luận đặt ra. Như thế là thực hiện nguyên lý “học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học Nhân dân”16. Người khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận không liên hệ thực tiễn là lý luận suông”17.

 + “Huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu”, có nghĩa là ĐTBD cán bộ phải theo yêu cầu quy hoạch sử dụng. Người nói: “Ban huấn luyện như người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ”.

 + “Huấn luyện phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng”18. ĐTBD cán bộ phải gắn học tập với rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, tác phong, phương pháp công tác. Người dạy: “Phải huấn và luyện. Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa cho sạch những vết xấu xa trong đầu óc”.19

+ Trong ĐTBD cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng nâng cao và hướng dẫn việc tự học, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Phải lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”20. Như vậy mới phát huy được tính độc lập sáng tạo của người học, tránh được tình trạng học tập thụ động một chiều.

+ Có phương pháp học tập đúng chưa đủ, người học còn phải có động cơ, thái độ học tập đúng đắn. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Khi học lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa nó ra để mặc cả với Đảng. Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch”21.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về định hướng trong đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ hiện nay

Trong thời gian qua, phong trào phấn đấu, rèn luyện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong mọi tầng lớp xã hội đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong nhận thức, hành động và nhất trong công tác ĐTBD cán bộ các cấp hiện nay. Học tập và thực hành tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần phát huy những ưu điểm, tiến bộ, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm nói trên, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ĐTBD cán bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Theo đó, công tác ĐTBD cán bộ cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau đây sau đây:

Một là, phải xác định rõ mục tiêu ĐTBD cán bộ phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và kết quả phải áp dụng được vào công việc thực tiễn nghề nghiệp; phải có nội dung, kế hoạch phù hợp với từng loại cán bộ, từng vị trí, lĩnh vực cụ thể. Tập huấn, ĐTBD cán bộ là công việc gốc của các cấp, các ngành, xác định là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong phát triển đội ngũ lãnh đạo hiện nay.

Hai là, cần phải đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức ĐTBD cán bộ trong quy hoạch theo chức danh cán bộ. Phải gắn lý thuyết với thực hành, kỹ năng xử lý thực tiễn đối với từng chức danh; tăng lượng kiến thức về tư duy và tầm nhìn chiến lược, nhận thức và giải pháp ứng xử, đề phòng, giải quyết các vấn đề nảy sinh. Phải triển khai áp dụng khoa học công nghệ, số hóa trong áp dụng công nghệ giảng dạy, thực hành các chương trình ĐTBD cán bộ hiện nay.

Ba là, phải lấy nội dung giảng dạy lý luận Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng cơ sở trong ĐTBD cán bộ lãnh đạo; cần tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ những kiến thức về lý luận chính trị, về lãnh đạo, quản lý, về khoa học xã hội, nhân văn và những kiến thức chuyên môn phù hợp với công việc được giao nhằm nâng cao khả năng phân tích, luận giải những vấn đề từ những chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn của đơn vị, lĩnh vực mà cá nhân đang được phân công phụ trách. Nâng cao khả năng phân tích, xử lý các tình huống, hình thành phương pháp nhận thức khoa học và giải quyết các vấn đề nhanh, nhạy và đạt hiệu quả cao nhất trong lãnh đạo, quản lý.

Bốn là, xây dựng mục tiêu, chương trình, phương pháp đào tạo sát hợp với từng loại đối tượng. Lấy tiêu chuẩn cán bộ làm căn cứ để xây dựng mục tiêu đào tạo. Nội dung chương trình đào tạo phải quán triệt quan điểm: thiết thực, phù hợp với yêu cầu đối với từng loại cán bộ; chú trọng cả phẩm chất đạo đức và kiến thức, cả lý luận và thực tiễn; bồi dưỡng kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho cán bộ, đảng viên.

Năm là, gắn việc xây dựng đội ngũ cán bộ với việc xây dựng tổ chức và đổi mới cơ chế, chính sách về quy hoạch, ĐTBD, sắp xếp, bổ nhiệm, sử dụng, quản lý đội ngũ cán bộ. Mỗi cán bộ trong tổ chức phải có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng. Quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, phải gắn liền với yêu cầu và nội dung xây dựng tổ chức Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, kiện toàn hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế chính sách theo chiến lược phát triển địa phương.

Sáu là, cần phải hoàn thiện các thể chế và các thiết chế tổ chức, coi công tác ĐTBD cán bộ là công việc thường xuyên, liên tục của Đảng, chính quyền. ĐTBD phải được coi là một nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức và viên chức.

Chú thích:
1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12. Hồ Chí Minh tuyển tập. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr.112, 222, 368, 223, 370-371.
13,14,15,16,17,18,19,20. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập V. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 684, 22-23, 374, 226, 374.
21. Hồ Chí Minh tuyển tập. Tập III. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 144-145.
TS. Trần Văn Trung
Đại
học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh