(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết nghiên cứu những đặc điểm của người nông dân Đồng Tháp, qua đó kiến nghị giải pháp thúc đẩy các hoạt động của Hội Nông dân nhằm tăng cường các hoạt động hỗ trợ nông dân để khuyến khích, khơi gợi tinh thần và tạo động lực cho nông dân. Hơn ai hết, người nông dân phải thay đổi tư duy, nếp nghĩ quen thuộc, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, luôn tự tin vào bản thân mình để phát huy vai trò chủ thể trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Đặt vấn đề
Đồng Tháp là tỉnh thuần nông nghiệp thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tự nhiên: 3.283 km2, dân số: trên 1,6 triệu người1. Tỉnh Đồng Tháp hiện có 3 thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự và 9 huyện: Cao Lãnh, Châu Thành, Hồng Ngự, Lai Vung, Lấp Vò, Tam Nông, Tân Hồng, Thanh Bình, Tháp Mười. Nông dân chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu dân số và lực lượng lao động. Nông dân Đồng Tháp mang những phẩm chất cao đẹp của nông dân Việt Nam như lòng yêu nước, lòng nhân ái, khoan dung, tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, dũng cảm, kiên cường, sáng tạo, cần cù, chịu khó trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo là những phẩm chất quan trọng của người nông dân góp phần phát triển kinh tế – xã hội, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân Đồng Tháp, chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường.
Đặc điểm của nông dân Đồng Tháp
Nông dân Đồng Tháp mang những đặc điểm của nông dân Việt Nam nói chung và một số đặc điểm của nông dân vùng Đồng Tháp Mười. Trước đây, đại bộ phận nông dân vùng Đồng Tháp Mười trình độ học vấn thấp, quanh năm làm việc trên đồng ruộng, hạn chế đi đây đó, nên ít tiếp xúc với kiến thức khoa học kỹ thuật. Người tại chỗ vốn thưa thớt, lại tiếp nhận người từ nơi khác đến lập nghiệp khi có chủ trương khai phá Đồng Tháp Mười là nông dân nghèo không có đất sản xuất, trình độ học vấn thấp. Bên cạnh đó, đây là vùng đất mấy mươi năm bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cuộc sống của người dân thiếu thốn, cơ cực. Nông dân quen sống với thiên nhiên nên có tâm lý giao cho trời đất, mưa thuận gió hòa thì đỡ vất vả. Gặp thiên tai bão lụt thì nhà cửa tan hoang, thất mùa, nghèo lại thêm nghèo. Không ít người nặng mê tín dị đoan, tin theo số mạng, trời định sao chịu vậy. Một thói quen trong sinh hoạt là tùy tiện, siêng làm, nhậu nghỉ, ít quan tâm đến nhà ở, đến sắm sửa đồ dùng trong nhà. Do thiếu thốn hưởng thụ văn hóa, không có sách báo, chỉ nghe đài, xem tivi, nên ngoài giờ lao động sa vào nhậu rượu, gia đình thường sinh đông con nên nghèo lại càng nghèo.
Từ khi chuyển vụ, chính bàn tay và công sức lao động của người nông dân đã làm biến đổi nông thôn, thay đổi đời sống, nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên đủ ăn rồi khá giả. Người nông dân vùng Đồng Tháp Mười quan tâm cất nhà kiên cố, mua sắm tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. Thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình cùng các cuộc tập huấn, hội thảo đầu bờ… người nông dân sớm tiếp cận các tiến bộ khoa học công nghệ mới, mở mang kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi,…
Người nông dân Đồng Tháp Mười nói chung và nông dân Đồng Tháp nói riêng ngày nay thực hiện cơ giới hóa các khâu làm đất, sử dụng máy gặt đập liên hợp, máy suốt lúa, máy xay xát, máy bơm nước, phản ánh tình hình sâu bệnh của lúa, của cá, tôm bằng điện thoại di động; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, biết tính toán lời lỗ theo hướng sản xuất hàng hóa dần dần trở thành người nông dân trí thức, nông dân kỹ thuật. Nông dân Đồng Tháp ngày nay biết nhiều các loại giống lúa, thông thạo việc dùng phân bón, thuốc trừ sâu, nắm vững lịch thời vụ. Có thể khẳng định cái thay đổi lớn nhất, sâu sắc nhất của người nông dân Đồng Tháp là thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán, thói quen lạc hậu lâu đời, hình thành tư duy mới trong suy nghĩ, trong sản xuất, từ làm đủ ăn nay tính đến lời lãi, lợi ích kinh tế ngày càng cao.
Với cách làm ăn mới, người nông dân phát huy tiềm năng sáng tạo, thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp theo điều kiện thực tế địa phương, như: nuôi cá lóc trong hầm, nuôi cá rô, nuôi tôm càng xanh trên đồng ruộng, trồng sen lấy hạt, trồng dưa hấu nghịch mùa, nuôi ba ba, nuôi cá sấu,… đều xuất phát từ tiềm năng trí tuệ, sự sáng tạo của người nông dân dù họ không là kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi. Điều thú vị nhất là không ít nông dân chính hiệu, được xem là “vua” trong sản xuất nông nghiệp như “vua cá lóc” Nguyễn Văn Đính ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, “vua nuôi cá sấu” Trần Văn Rê ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, “vua trồng lúa kết hợp nuôi cá rô” Nguyễn Văn Khởi ở xã Phú Điền, huyện Tháp Mười… cùng hàng trăm nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, được phong tặng danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông”.
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 265.433 hộ nông dân, trong đó có 169.197 hội viên, sinh hoạt ở 5.494 tổ, 686 chi, 139 cơ sở. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 khu vực nông thôn là 45,6 triệu đồng2. Nhìn chung, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân cải thiện; các điều kiện phục vụ cho sinh hoạt, ăn, ở, đi lại, học tập và chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn.
Nông dân Đồng Tháp đoàn kết, năng động, sáng tạo phát triển kinh tế – xã hội
(1) Nông dân Đồng Tháp đoàn kết phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững
Trong 5 năm (2017-2021), toàn tỉnh có 768.410 hộ nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 62,5% so với hộ nông dân (tăng 254.000 hộ so với giai đoạn 2014 – 2016). Kết quả đã có 280.906 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (chiếm 53,63% so với hộ đăng ký). Trong đó, đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương là 79 hộ, cấp tỉnh là 956 hộ, cấp huyện, thị, thành phố là 25.343 hộ. Năm 2022, có 152.079 hộ nông dân đăng ký gắn với đăng ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, kết quả có 70.744 hộ Nông dân đạt sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở3.
Những địa phương có số hộ đăng ký và đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cao gồm: Huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh, Tháp Mười, Châu Thành, TP. Hồng Ngự và TP. Sa Đéc. Phong trào này đã thúc đẩy phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất an toàn, hiện đại, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững.
Việc chủ động đăng ký tham gia phong trào đã thể hiện sự thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân Đồng Tháp hiện nay. Đó là sự thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi giá trị; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao; từ coi trọng về số lượng sản phẩm sang chất lượng, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm và phát triển bền vững, góp phần xây dựng ý chí, lòng quyết tâm vươn lên làm giàu, phấn đấu giảm nghèo bền vững. Đây chính là động lực quan trọng để mọi người cùng thi đua, phát huy tính năng động, sáng tạo trong sản xuất để làm giàu chính đáng cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Thành công lớn nhất của phong trào là đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, cách làm của một bộ phận nông dân. Chính những tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, những câu chuyện làm giàu “người thật, việc thật” được lan tỏa trong cộng đồng sẽ khơi dậy mạnh mẽ tinh thần hăng say lao động, sáng tạo của toàn thể nông dân trong tỉnh.
Ngoài ra, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã thể hiện tinh thần đoàn kết giúp đỡ các hộ nghèo có lao động để thoát nghèo như hỗ trợ kỹ thuật, vốn, lao động, kinh nghiệm sản xuất. Nhờ sự cần cù chịu khó và năng động trong cách nghĩ, cách làm, nhiều nông dân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, không ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước. Chỉ trong năm 2021, hội viên, nông dân đoàn kết giúp đỡ 752 hộ nông dân thoát nghèo4.
Hội viên, nông dân đoàn kết thông qua hình thức tham gia vào các tổ hùn vốn như tổ hùn vốn cất nhà kiên cố. Trong năm 2022, thành lập 24 tổ hùn vốn cất nhà kiên cố, có 194 thành viên, cất mới 465 căn nhà; vận động cất 49 căn nhà “Nghĩa tình nông dân”; thành lập 15 tổ hùn vốn tương trợ xoay vòng, có 204 thành viên, 16 tổ hùn vốn mua BHYT, có 195 thành viên; 01 tổ hùn vốn mua điện thoại thông minh có 15 thành viên; vận động nông dân hiển 164.849m2 đất; vận động bắt mới, sửa chữa 115 cây cầu, rải đá, sửa chữa, phát quang 323km đường giao thông nông thôn; vận động giải phóng mặt bằng.
Thực hiện mô hình “Nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch”; thắp sáng đường quê 91,4km; nạo vét 85,3 km kênh mương; vận động làm hàng rào, cột cờ kiểu mẫu 4,5km, 4 tuyến đường xanh, sạch, đẹp chiều dài 13,2 km; vận động trồng tuyến đường hoa 13km; trồng 31.439 cây bông trang, hoàng yến, bằng lăng, nguyệt quế, bông lài, chuỗi ngọc, bông giấy, mai chỉ thiên…); lắp đặt 150 cột cờ, tổng số 22.706 ngày công, tổng kinh phí 19.167 triệu đồng. TP. Sa Đéc thực hiện tuyến đường công nghệ số 300m gồm: điện chiếu sáng, camera an ninh, wifi miễn phí có 25 hộ dân thụ hưởng tổng kinh phí xã hội hóa trên 500 triệu đồng5.
Bên cạnh đó, nhiều hội viên, nông dân Đồng Tháp tham gia vào mô hình Hội quán nông dân (hiện nay có khoảng 112 hội quán với hơn 6.000 thành viên). Mô hình này đã tập hợp, đoàn kết những nông dân cùng ngành nghề sản xuất, cùng sở thích lại với nhau để cùng chia sẻ chuyện nhà cửa, đất đai và sản xuất, dựa trên sự thấu hiểu, mở lòng, đổi mới của nông dân. Nguyên tắc hoạt động của hội quán là “3 Không – 3 Tự – 3 Cùng” (không bộ máy, không kinh phí từ ngân sách nhà nước, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định và cùng nghĩ, cùng làm, cùng thụ hưởng), là nơi cho nông dân ngồi lại cùng các chuyên gia, lãnh đạo địa phương bàn cách nghĩ mới, làm mới. Đây là mô hình được Trung ương đánh giá cao ở tính đoàn kết trong nông dân Đồng Tháp.
(2) Nông dân Đồng Tháp năng động, sáng tạo trong sản xuất
Thời gian qua, nhiều sáng chế, giải pháp sáng tạo hữu ích đã được công chúng khắp nơi đón nhận, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài lại là tác phẩm của những kỹ sư nông dân Đồng Tháp, những người mà người ta vẫn quen gọi là “các nhà khoa học chân đất”, đó là: những chiếc máy nông nghiệp (máy thu hoạch bắp liên hợp, máy cuộn rơm…) của anh Phan Tấn Bện, máy hút thổi nguyên liệu rời của anh Đỗ Thanh Đô, Máy đắp bờ một bên của nông dân Nguyễn Văn Đế, dây chuyền sản xuất bánh hỏi tự động của nông dân Nguyễn Thanh Tú, hay các giải pháp lai tạo giống lúa của nông dân Trần Anh Dũng…
Mỗi nông dân với mục tiêu sáng tạo, một kiểu sáng chế khác nhau, nhưng dường như giữa những con người này có khá nhiều điểm tương đồng. Những nông dân không được đào tạo kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực chuyên môn, phương pháp luận khoa học, hay có bằng cấp, học vị cao nhưng không ngăn cản nông dân đến với con đường nghiên cứu sáng tạo. Bằng sự quyết tâm, đam mê học hỏi và những trải nghiệm trong thực tiễn lao động sản xuất, cùng với khát vọng nghiên cứu sáng tạo, các kỹ sư nông dân Đồng Tháp đã làm ra các sản phẩm công nghệ đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm đến từ các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến.
Ngoài ra, nông dân Đồng Tháp hiện nay đã chủ động thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là mô hình trồng rau thủy canh ở huyện Cao Lãnh; mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá Aquaponics ở huyện Lấp Vò; mô hình trồng dưa lê, dưa lưới trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt từ công nghệ Israel ở huyện Thanh Bình… Các mô hình này đã giúp người nông dân tăng thêm lợi nhuận so với canh tác lúa trên cùng một đơn vị diện tích.
Bên cạnh đó, nông dân Đồng Tháp hiện nay đã khai thác hướng đi mới, sử dụng các trang mạng xã hội, các kênh thông tin online để kinh doanh và quảng bá sản phẩm nông nghiệp ở Đồng Tháp như mô hình “Cây xoài nhà tôi” của Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh; “Mô hình cây cam nhà tôi” của nhà vườn xã Tân Thuận Đông, TP. Cao Lãnh theo hình thức kinh doanh online, giúp nông dân hình thành kênh tiêu thụ mới.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đoàn kết, năng động, sáng tạo, nông dân Đồng Tháp còn bộc lộ một số hạn chế như: Một số nông dân chưa phát huy tinh thần đoàn kết, còn tư tưởng “giấu nghề” trong sản xuất, tâm lý ỷ lại, trông chờ vào chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa phát huy tốt tinh thần tự lực tự cường, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong sản xuất.
Bên cạnh đó, đời sống nông dân còn nhiều khó khăn, trình độ học vấn còn thấp, tâm lý tự bằng lòng, tự an phận, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên. Lối sống cục bộ “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, chạy theo lợi ích trước mắt mà không thấy lợi ích lâu dài, buông lỏng vệ sinh an toàn thực phẩm, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Sự gắn kết “tình làng, nghĩa xóm” ngày càng lỏng lẻo…
Hạn chế trên do công tác tuyên truyền chưa thật sự đi vào chiều sâu; việc nắm bắt dư luận xã hội về những khó khăn, bức xúc của nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Công tác sắp xếp các chi, tổ hội sinh hoạt theo mô hình nghề nghiệp có nơi còn thiếu chặt chẽ; việc duy trì sinh hoạt chi, tổ hội, có nơi chưa thường xuyên, chất lượng còn hạn chế. Việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, xây dựng mô hình kinh tế hợp tác sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị, xây dựng nhãn hiệu, sản phẩm OCOP và các hoạt động hỗ trợ nông dân sản xuất và kết nối doanh nghiệp, liên kết tiêu thụ sản phẩm có nơi chưa nhiều…
Giải pháp thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ nông dân
Một là, phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp trong phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của nông dân Đồng Tháp.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; tuyên truyền xây dựng niềm tin, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, sáng tạo trong sản xuất cho nông dân. Cán bộ hội tiếp tục tăng cường ứng dụng mạng xã hội zalo, facebook tuyên truyền các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và chương trình OCOP; các nghị quyết, chương trình, kết luận, kế hoạch của Trung ương hội và của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh.
Cán bộ hội cần kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, những khó khăn, bức xúc của nông dân, để báo cáo, đề xuất cấp ủy, chính quyền và hội cấp trên giải quyết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. Tăng cường ứng dụng cơ giới hoá, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, quy trình sản xuất hiện đại, phát huy lợi thế các ngành hàng chủ lực và có thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập, làm giàu và giảm nghèo bền vững, từng bước xây dựng “Người nông dân chuyên nghiệp”, người nông dân thế hệ mới…
Hai là, phát huy tinh thần đoàn kết của nông dân tham gia các mô hình liên kết, các hình thức kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp.
Trong thời gian tới, cần nâng cao năng lực hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán nông dân để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp và vận động nông dân phát huy tinh thần đoàn kết tham gia các mô hình như sản xuất và tiêu thụ bắp ngọt, tổ hợp tác trồng quýt đường Globalgap, tổ hợp tác mận bao lưới, tổ hợp tác trồng nấm rơm trong nhà, tổ trồng chanh Vietgap, tổ hợp tác cấy lúa bằng máy, tổ hợp tác chăn nuôi vịt rọ lấy trứng…
Đẩy mạnh việc xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết, thị trường, hiệu quả, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp để thu hút, tập hợp, đoàn kết nông dân.
Ba là, thực hiện tốt việc biểu dương khen thưởng, tôn vinh những tấm gương nông dân tiêu biểu, sáng tạo; nhân rộng mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện tốt chính sách biểu dương, khen thưởng nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua của nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, thu hút ngày càng đông đảo nông dân tham gia; kịp thời nhân rộng những nhân tố mới, những mô hình có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, cổ vũ, khuyến khích, động viên nông dân nêu cao tinh thần đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, ý chí vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, tích cực tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Động viên hội viên nông dân thay đổi tư duy, đẩy mạnh liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất an toàn, hiện đại, nhằm từng bước hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Bốn là, xây dựng thế hệ “nông dân chuyên nghiệp”, tham gia các mô hình sản xuất mới, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ, theo hướng bền vững.
Tiếp tục thực hiện mô hình “người nông dân chuyên nghiệp”, thể hiện nhóm nội dung trên lĩnh vực xã hội và nhóm nội dung trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Xây dựng thế hệ nông dân đoàn kết, tự lực, tự cường vươn lên, có đạo đức, năng lực sáng tạo, kỹ năng canh tác nông nghiệp công nghệ cao, có thể lực tốt, tâm hồn trong sáng, có ý thức bảo vệ môi trường, sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng về kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia vào các loại hình kinh tế tập thể; có trình độ học vấn và kiến thức về kinh tế, khoa học, kỹ thuật tiên tiến; bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, lao động cần cù, sáng tạo, trọng nghĩa tình.
Ngoài ra, các ban ngành, đoàn thể Tỉnh cần phối hợp thực hiện xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, giúp nông dân nắm bắt khoa học kỹ thuật, chuyển đổi tư duy sản xuất, luôn đổi mới, sáng tạo,… thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ với nông dân nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nông dân, hội quán, tổ hợp tác, hợp tác xã…
Năm là, tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống để phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của nông dân.
Hội Nông dân các cấp phối hợp tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân, cung cấp kịp thời tri thức mới về khoa học công nghệ, tác động của biến đổi khí hậu giúp nông dân có đầy đủ thông tin, qua đó tạo áp lực tích cực đòi hỏi nông dân không ngừng sáng tạo, vươn lên, chủ động ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới vào sản xuất; phát huy vai trò của Trung tâm Hỗ trợ nông dân để làm đầu mối hỗ trợ về giống, vật tư, nguồn vốn, chuyển giao các kỹ thuật công nghệ cũng như quy trình sản xuất an toàn cho nông dân Đồng Tháp; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân khởi nghiệp ở một số mô hình hiệu quả như trồng rau thuỷ canh, trồng rau hữu cơ, nuôi heo theo hướng an toàn… nhằm khơi dậy ý tưởng sáng tạo của nông dân để khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh về khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững.
Kết luận
Thời gian tới cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất, phát huy tinh thần sáng tạo của nông dân giúp họ vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Các cấp Hội Nông dân triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua đặc biệt là “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với “Phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Chú thích:
1. Lịch sử hình thành Đồng Tháp. http://dongthap.gov.vn.
2. Đồng Tháp: kinh tế – xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật. dangcongsan.vn, ngày 21/01/2021.
3,4,5. Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp (2022). Báo cáo số 660-BC/HNDT ngày 17/11/2022 về tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XI (2021). Kết luận số 250-KL/TU ngày 09/12/2021 về tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025.
2. Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp (2018). Văn kiện Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023.
3. Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp (2022). Kế hoạch số 169-KH/HNDT ngày 05/01/2022 về phát động phong trào thi đua năm 2022.
4. http://www.baodongthap.vn.
5. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2020). Kế hoạch số 57/KH-MTTQ-BTT ngày 10/6/2020 về thực hiện thí điểm mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người Nông dân chuyên nghiệp” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
6. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm khai thác Đồng Tháp Mười (2010). Kỷ yếu Hội thảo tổng kết 30 năm khai thác Đồng Tháp Mười.
ThS. Phan Thị Minh Hiền
Trường Chính trị Đồng Tháp