Huyện Trảng Bom phấn đấu đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025

(Quanlynhanuoc.vn) – Huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai được thành lập ngày 01/01/2004, trên cơ sở tách từ huyện Thống Nhất (cũ) theo Nghị định số 97/2003/NĐ-CP ngày 21/8/2003 của Chính phủ. Trảng Bom cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 50 km về phía Đông Bắc, phía Bắc giáp huyện Vĩnh Cửu, phía Nam giáp huyện Long Thành, phía Đông giáp huyện Thống Nhất và phía Tây giáp thành phố Biên Hòa; với vị trí địa lý chiến lược, có đường sắt Bắc – Nam và Quốc lộ 1A chạy qua, nối liền các khu công nghiệp, khu chế xuất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Huyện có diện tích tự nhiên là 32.368 ha; cơ cấu hành chính gồm 16 xã và 1 thị trấn; dân số khoảng 360.620 người (theo số liệu thống kê năm 2022).

Trong 20 năm thành lập và phát triển, nhờ bám sát vào nhiệm vụ trọng tâm cùng nỗ lực phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế sẵn có, Đảng bộ và Nhân dân huyện Trảng Bom đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Từ khi thành lập, năm 2004 là huyện nông nghiệp với ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất, giai đoạn 2004 – 2022, huyện đã chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế – xã hội theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 khu công nghiệp, 4 cụm công nghiệp địa phương và 1 cụm nghề được quy hoạch đầu tư. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đi vào hoạt động đã tạo ra nguồn ngân sách lớn cho địa phương, thu hút gần 112 ngàn lao động địa phương và từ nơi khác đến làm việc, tạo ra nguồn nhân lực dồi dào cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tạo nên các tiềm lực cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nhìn chung, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo đúng định hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp, năm 2004, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 64,07%, ngành dịch vụ chiếm 19,63%, ngành nông nghiệp chiếm 16,3% trong cơ cấu kinh tế của huyện; đến năm 2022, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 82,37%, dịch vụ chiếm 14,85%, nông nghiệp chiếm 2,77% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện có 185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (có 7 doanh nghiệp liên doanh); có 1.564 doanh nghiệp có vốn trong nước, trong đó có 720 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, 830 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại- Dịch vụ và 14 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp; có 20.121 hộ kinh doanh cá thể và 52 hợp tác xã đang hoạt động.

Có thể nói, trong thời gian qua, Trảng Bom đã thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế – xã hội, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại. Tình hình kinh tế – xã hội của huyện có bước phát triển khá tốt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng. Hằng năm, các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội cơ bản đều đạt và vượt so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra; thu ngân sách đều đạt và vượt so với dự toán được giao.

Lĩnh vực giáo dục, đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia đối với hệ thống trường công lập các cấp, chất lượng giáo dục – đào tạo không ngừng được nâng lên, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt kết quả tốt; hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân; công tác thông tin, tuyên truyền có sự đổi mới, kịp thời tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, làm tốt công tác giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Tình hình an nính chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện cơ bản được giữ vững; đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Năm 2016, huyện Trảng Bom đã được Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 10 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 01 khu dân cư kiểu mẫu. Năm 2019, khu vực thị trấn Trảng Bom được Bộ xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Nhìn lại chặng đường phát triển, những thành tựu kinh tế – xã hội nổi bật huyện Trảng Bom đạt được đã tạo dấu ấn tốt đẹp về sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; đồng thời, tạo niềm tin, khí thế mới cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy truyền thống và thành quả của địa phương, tăng cường đoàn kết, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Trong thời gian tới, với những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với lợi thế tiếp giáp với thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành, nơi có nhiều công trình lớn đang được xây dựng, nhất là sân bay Long Thành, bên cạnh đó có hệ thống giao thông huyết mạch đi qua; trên địa bàn huyện có 4 khu công nghiệp đang tiếp tục được đầu tư mở rộng, là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp, dịch vụ. Đồng thời, từ những kết quả đạt được về phát triển kinh tế – xã hội; nguồn nhân lực dồi dào, năng động, sáng tạo là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của huyện trong những năm tiếp theo. Mục tiêu trọng tâm là tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của bộ máy chính quyền các cấp; tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển kinh tế – xã hội toàn diện, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Gắn phát triển kinh tế, văn hóa với bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng và phát triển con người toàn diện; tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định về chính trị, xã hội, phấn đấu xây dựng huyện Trảng Bom đạt các tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025.