Kinh nghiệm phát triển giáo dục và đào tạo ở Quận Hà Đông, TP. Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Là quận nằm ở vị trí Tây Nam của Thủ đô Hà Nội, Hà Đông có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế tạo cơ sở, nền tảng thúc đẩy giáo dục và đào tạo (GDĐT) phát triển. Thực tiễn lãnh đạo của Đảng bộ Quận Hà Đông, TP. Hà Nội từ năm 2015 đến năm 2020 đã chứng minh, với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ quận và sự chỉ đạo sâu sát cụ thể của các sở, ban ngành, sự nghiệp GDĐT của Quận Hà Đông từng bước được khẳng định và nâng tầm trong điều kiện mới.
Ảnh minh hoạ: qdnd.vn.
Kết quả phát triển giáo dục và đào tạo ở Quận Hà Đông, TP. Hà Nội

Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 – 2020) Đảng bộ TP. Hà Nội, xác định: “Phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu hàng đầu của cả nước về giáo dục và đào tạo, thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng, phát triển nhân tài; tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo”. Đảng bộ Quận Hà Đông đã luôn quán triệt, nhận thức sâu sắc những yêu cầu mới đặt ra với GDĐT của quận trong tình hình mới, đó là: phát triển GDĐT phải được ưu tiên về mọi mặt, qua đó nhằm phát triển hơn nữa phát triển kinh tế, xã hội của quận. Biến GDĐT của quận tạo ra những bước đột phá về chất lượng. Mục tiêu, phương hướng GDĐT thích ứng với sự phát triển của xã hội. Nội dung, phương pháp GDĐT thích ứng với sự phát triển của khoa học – công nghệ.

Theo đó, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về nâng cao chất lượng GDĐT; đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục, bảo đảm dân chủ, thống nhất, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐT, coi trọng quản lý chất lượng; đẩy mạnh xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Quận theo hướng chuẩn hóa, đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu; tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, công tác kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh theo hướng coi trọng giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; đổi mới các hình thức hoạt động giáo dục nhằm phát triển hài hòa đức, trí, thể, mỹ. Thực hiện phương châm dạy người, dạy chữ và dạy nghề; tăng cường cơ sở vật chất thiết bị dạy học, mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình trường học; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động các lực lượng xã hội tham gia hoạt động giáo dục.

Với sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng bộ quận, sự vào cuộc đồng bộ quyết liệt của các cấp, các ngành, chất lượng GDĐT của Quận từng bước được nâng lên, khẳng định được vị thế và uy tín trong công tác GDĐT.

Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được chuẩn hoá, trình độ ngày càng được nâng lên, cụ thể: đã tổ chức trên 440 lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho trên 50 nghìn lượt học viên trong ngành, 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về đào tạo chuyên môn, trong đó có 2 tiến sĩ và 140 thạc sĩ.

Quy mô mạng lưới trường, lớp được mở rộng, phát triển; tăng thêm 44 trường học (22 trường công lập, 22 trường tư thục), 80 cơ sở mầm non, 902 nhóm lớp và 22.717 học sinh so với đầu nhiệm kỳ. Toàn Quận hiện có 128 trường học (91 trường công lập, 37 trường tư thục), 250 cơ sở mầm non với 2.437 nhóm lớp, 96.005 học sinh. Hệ thống cơ sở vật chất các trường học được quan tâm đầu tư. Trong 5 năm, Quận đã đầu tư cho lĩnh vực GDĐT: 1.306 tỷ 738 triệu đồng. Đầu tư xây mới được 25 trường học công lập (17 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 3 trường THCS) và nhiều nguyên đơn phòng học.

Chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn của các cấp học được nâng cao. Kết quả thi học sinh giỏi: cấp Quốc gia đạt 38 giải (4 Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc, 14 Huy chương Đồng, 13 giải Khuyến khích); cấp thành phố đạt 96 giải (8 giải Nhất, 28 giải Nhì, 28 giải Ba, 32 giải Khuyến khích). Triển khai thực hiện 1 trường công lập chất lượng cao (THCS Lê Lợi); có thêm 15 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia, nâng tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia hiện nay đạt 74,7% (68/91 trường). Ngành GDĐT của Quận tiếp tục được giữ vững ở vị trí tốp 5 của thành phố, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2018).

Một số kinh nghiệm từ thực tiễn công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở Quận Hà Đông

Một là, quán triệt sâu sắc chủ trương, chỉ đạo của cấp trên, đề ra chủ trương phát triển GDĐT phù hợp với thực tiễn của Quận.

Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của TP. Hà Nội về phát triển GDĐT chính là căn cứ khoa học, cơ sở pháp lý để Đảng bộ Quận Hà Đông quán triệt, vận dụng để từ đó đề ra chủ trương, chính sách phát triển GDĐT của Quận. Thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức nắm chắc chủ trương đường lối của Đảng và của TP. Hà Nội về giáo dục, đồng thời vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo với thực tiễn quận.

Muốn nâng cao chất lượng phát triển GDĐT phải làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức một cách sát đúng cho các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân về chủ trương, quan điểm của Đảng, vị trí, vai trò của phát triển GDĐT. Nắm vững những điều kiện thuận lợi, thời cơ và những khó khăn, thách thức, hạn chế, từ đó xác định và thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng, Nhà nước, coi GDĐT là quốc sách hàng đầu. Đồng thời, gắn bó chặt chẽ với mục tiêu xây dựng và phát triển về kinh tế, xã hội của Quận, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Thực tiễn từ năm 2015 đến 2020, quán triệt chủ trương của Đảng, nhà nước, chủ trương chính sách của TP. Hà Nội về phát triển GDĐT, vận dụng đúng đắn, sáng tạo phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tiễn của địa phương. Đảng bộ Quận Hà Đông đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cơ bản để phát triển GDĐT trong từng giai đoạn cụ thể. Trên có sở đó, xác định những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những khâu then chốt, để từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, như: củng cố và phát triển mạng lưới GDĐT, nâng cao chất lượng GDĐT một cách toàn diện, thực chất cho học sinh; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn, thực hiện tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia; đẩy mạnh công tác xã hội hóa GDĐT. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, chủ quan, nóng vội, đánh giá không đúng kết quả của học sinh, chạy theo thành tích trong quá trình phát triển GDĐT.

Hai là, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển GDĐT cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân.

Nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của phát triển GDĐT đối với sự nghiệp phát triển kinhtế, xã hội của Quận, nên từ năm 2015 đến 2020, sau mỗi nghị quyết, chỉ thị của Đảng từ Trung ương đến những quy định, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ GDĐT và Thành ủy, UBND thành phố, Quận ủy Hà Đông đã tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt một cách nghiêm túc, có kế hoạch theo hệ thống từ Quận đến cơ sở. Toàn Đảng bộ Quận hiểu rõ, nhận thức đúng và có trách nhiệm đưa những quan điểm của Đảng về GDĐT đến với mọi người dân để vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Quận.

Công tác tuyên truyền, giáo dục đã được tiến hành bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đồng thời luôn gắn với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho mọi người dân. Phát huy tối đa khả năng tuyên truyền của đội ngũ tuyên truyền viên các cấp, bằng nhiều hình thức khác nhau, tuyên truyền vận động, giải thích về những chủ trương, quan điểm đường lối, chính sách của Đảng về phát triển GDĐT đến từng người. Đồng thời, phát huy tốt ưu thế của nhà trường, của đội ngũ giáo viên trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách về phát triển GDĐT, thực hiện một cách có hiệu quả chủ trương: “Nhà trường phải là trung tâm văn hóa của địa phương, người giáo viên đồng thời là người cán bộ văn hóa của Đảng”.

Ba là, quan tâm chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đảng bộ Quận luôn quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo phương châm coi trọng cả số lượng và chất lượng, ưu tiên những địa bàn còn thiếu, yếu. Tổ chức phát động mạnh mẽ các cuộc vận động và phong trào thi đua “mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học, tự sáng tạo”, phong trào “kỷ cương – tình thương – trách nhiệm”. Đánh giá, phân loại, rà soát, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm, luân chuyển giáo viên và cán bộ quản lý GDĐT phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển Đảng trong các đơn vị trường học; ban hành chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng nhân tài.

Thực tiễn quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ GDĐT, Phòng Giáo dục Quận luôn làm tốt công tác tham mưu, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp ủy đảng. Tập trung bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực tổ chức, trình độ ngoại ngữ, tin học, khả năng giao tiếp, ứng xử và các hoạt động ngoại khóa cho đội ngũ cán bộ giáo viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, giáo viên có đủ năng lực thực hiện đổi mới giáo dục.

Thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Thực hiện tốt đổi mới công tác quản lý trong toàn ngành và từng cơ sở giáo dục; triển khai tổ chức sáng tạo, có chất lượng hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn, không ngừng đổi mới các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học; làm tốt công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng tạo môi trường và động lực cho cán bộ, giáo viên thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên nắm chắc thực trạng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDĐT, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý GDĐT từ quận đến các phường bảo đảm đủ số lượng, cân đối về cơ cấu, có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu.

Coi trọng công tác tự đào tạo, ưu tiên phát triển hơn nữa đội ngũ giáo viên GDĐT đầu đàn, giáo viên GDĐT kế cận. Gắn công tác xây dựng đội ngũ với công tác xây dựng phát triển Đảng trong hệ thống các nhà trường. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, thắt chặt kỷ cương, ngăn chặn, khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong học đường. Đổi mới công tác thi giáo viên dạy giỏi các cấp, lấy việc quản lý chất lượng, hiệu quả công tác làm thước đo đánh giá đội ngũ cán bộ, giáo viên. Thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý GDĐT. Tạo mọi điều kiện thuận lợi và đặt ra yêu cầu cao để mọi cán bộ, giáo viên thường xuyên được tiếp xúc và sử dụng tốt các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ cho việc giảng dạy, quản lý.

Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nhằm phát huy tối đa các nguồn lực để phát triển GDĐT.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, phát huy sức mạnh tổng hợp là yêu cầu khách quan, có tính quy luật, là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, là con đường đúng đắn để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn thể Nhân dân trong thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển GDĐT của Đảng bộ Quận Hà Đông. Coi giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu, để nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, cho địa phương; phát triển GDĐT là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và mọi lực lượng trong xã hội. Đẩy mạnh đa dạng hóa các loại hình trường, lớp phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Tạo cơ hội học tập tốt cho các tầng lớp Nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho Nhân dân, gắn mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội với phát triển văn hóa giáo dục; tăng cường các hoạt động khuyến học và khuyến khích mọi lực lượng tham gia vào phát triển GDĐT.

Thực hiện tốt cơ chế, chính sách và chế tài liên quan đến mua sắm, bảo quản và sử dụng thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em; tiếp tục thực hiện Đề án phát triển thiết bị dạy học tự làm đối với bậc GDĐT; có chính sách phù hợp để xây dựng một xã hội học tập, chú trọng chăm lo tới các trường còn khó khăn, đầu tư các trường trọng điểm, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội đối với sự nghiệp phát triển giáo dục – đào tạo. Kịp thời khắc phục những biểu hiện nhận thức chưa đúng, phiến diện về thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xã hội hóa giáo dục.

Quy hoạch, phát triển trường chuẩn quốc gia ở từng địa phương, xác định phát triển trường chuẩn là điều kiện cần để nâng cao chất lượng giáo dục. Tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội về thực hiện cơ chế chính sách, tăng cường cơ sở vật chất trường học, nhất là Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐND ngày 21/4/2010 về “Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “quy hoạch tổng thể TP. Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Phát triển hợp lý quy mô, tạo bước chuyển biến mạnh về chất lượng toàn diện và hiệu quả giáo dục ở các bậc học. Bảo đảm chất lượng GDĐT một cách toàn diện, coi trọng dạy các môn nâng cao phẩm chất đạo đức, nhân cách. Tăng cường giáo dục thể chất cho học sinh, quan tâm bảo đảm sức khỏe của học sinh đáp ứng yêu cầu học tập và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục.

Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hà Đông. Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XX, nhiệm kỳ (2015 – 2020). Lưu Văn phòng Quận ủy Hà Đông.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội. Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVI nhiệm kỳ (2015 – 2020). H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2015.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 2021.
5. Đề án số 01-ĐA/QU ngày 04/4/2016 của Quận uỷ Hà Đông nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo quận Hà Đông giai đoạn 2016-2020. Lưu văn phòng Quận ủy Hà Đông.
6. Báo cáo số 392-BC/TU ngày 24/12/2018, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Lưu văn phòng Thành ủy Hà Nội.
Đại uý Trịnh Văn Khương
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng