Quản lý nhà nước về công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Bắc Kạn là tỉnh thuộc vùng miền núi phía Bắc của Tổ quốc, kinh tế còn nhiều khó khăn. Lực lượng lao động chính tạo ra của cải, vật chất cho xã hội đang ở trong độ tuổi thanh niên chiếm khoảng 26% dân số của tỉnh và trên 40% tổng số lao động của địa phương. Do vậy, công tác quản lý nhà nước đối với thanh niên luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp hết sức quan tâm. Xuất phát từ thực tiễn, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, qua đó, góp phần phát triển thanh niên, tính tích cực học tập, lao động sản xuất và xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh.
Ảnh minh họa (doanthanhnienbackan.vn).
Đặt vấn đề

Bắc Kạn thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc, có diện tích đất tự nhiên hơn 4.859 km2, dân số hơn 323.7 nghìn người1 (thấp nhất cả nước) gồm 7 dân tộc (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay), trong đó có trên 88% là người dân tộc thiểu số; mật độ dân số 66,6 người/km2. Thanh niên toàn tỉnh đến nay có khoảng 82.689 người, chiếm khoảng 26% dân số và trên 40% tổng số lao động của địa phương. Trong đó, thanh niên nông thôn chiếm gần 70%. Phần lớn thanh niên trên địa bàn tỉnh là người đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao, H’mông… Số đoàn viên thanh niên là: 24.456 người; số Hội viên tham gia tổ chức Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam: 42.689 người2. Nhìn chung, thanh niên trên địa bàn tỉnh có bước trưởng thành về trình độ nhận thức, tư duy về hành động; tiếp nối và phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần yêu nước, có ý chí vươn lên trong học tập, lao động sản xuất, lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, thanh niên trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế, khó khăn trước yêu cầu của quá trình hội nhập, phát triển, đó là việc: thanh niên tiếp tục dịch chuyển đến các thành phố, khu công nghiệp để học tập, lao động; một bộ phận thanh niên thiếu kiến thức, kỹ năng gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm; đời sống văn hóa tinh thần thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa được đáp ứng đầy đủ; tình hình dân tộc, tôn giáo, tiêu cực và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp… tác động xấu đến sự phát triển của thanh niên.

Thực trạng quản lý nhà nước về công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Quản lý nhà nước (QLNN) về công tác thanh niên (CTTN) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ban hành các cơ chế, chính sách, bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tiềm năng to lớn của thanh niên trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc; góp phần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, bảo vệ thanh niên trước tác động của những tiêu cực và tệ nạn xã hội, sự tấn công của các thế lực thù địch; đề cao trách nhiệm của chính quyền, các cấp, các ngành, gia đình, xã hội đối với thanh niên và CTTN

Một số kết quả đạt được trong quản lý nhà nước về công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn:

Thứ nhất, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nội dung QLNN về CTTN đúng quy định pháp luật, theo kế hoạch đề ra.

Thực hiện Luật Thanh niên năm 2020, Quyết định số 1331/QĐ-TTg, ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 và Quyết định số 1113/QĐ-BNV ngày 17/10/2021 của Bộ Nội vụ về ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND) đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 về phát triển thanh niên tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND) ban hành Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2030 tại Quyết định số 1026/QĐ-UBND ngày 10/6/2022; Kế hoạch số 360/KH-UBND ngày 16/6/2022 triển khai  thực hiện Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025. Đây là chương trình phù hợp với tình hình thanh niên của tỉnh, xác định 6 mục tiêu cụ thể và 8 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện. Đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị lực lượng vũ trang và UBND các huyện, thành phố căn cứ nội dung, giải pháp của chương trình và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình phát triển thanh niên của cơ quan, đơn vị, địa phương và triển khai thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, đề án, dự án được UBND tỉnh giao. Các nghị quyết, quyết định, kế hoạch đã đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm bao quát tất cả các lĩnh vực phát triển thanh niên, gồm: Giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp, việc làm, khởi nghiệp, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, thể thao, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, phát huy vai trò tổ chức Đoàn.

Bên cạnh đó, để phân công quản lý, phân cấp hành chính, thực hiện cơ chế phối hợp trong quá trình QLNN về thanh niên rõ hơn, Bắc Kạn đã ban hành Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2030 tại Quyết định số 1026/QĐ-UBND. Quyết định đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phân công trách nhiệm thực hiện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong CTTN. Sở Nội vụ được giao là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện chương trình; xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. Căn cứ văn bản chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Nội vụ và văn bản triển khai của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên và việc thực hiện nhiệm vụ QLNN về CTTN tại cơ quan và địa phương mình. Theo đó, cũng quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của các đơn vị trong phối hợp với Đoàn thanh niên tỉnh, huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xây dựng và thực hiện chính sách phát triển thanh niên.

Với nhiều hoạt động chỉ đạo có hiệu quả, trong cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2021 – 2026 có 995 cán bộ trẻ trúng cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Từ năm 2017 – 2021, có 3.658 đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên ưu tú3.

Thứ hai, tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật đối với thanh niên

Nhằm nâng cao ý thức và bản lĩnh chính trị cho thanh niên, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, lý tưởng, đạo đức, lối sống pháp luật cho đối tượng này. Trên cơ sở Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được ban hành tại Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 về phát triển thanh niên tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên tỉnh Bắc Kạn phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng quê hương, đất nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ. Phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện, nâng cao vai trò, trách nhiệm của thanh niên Bắc Kạn trong tham gia phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của đất nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ về giải pháp bố trí đối với đội viên Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020 sau khi hoàn thành nhiệm vụ, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 7756/UBND-THNC ngày 17/11/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ đến các đội viên Đề án 500 và cấp ủy, chính quyền nơi đội viên công tác. Đồng thời, hướng dẫn UBND cấp huyện xây dựng phương án và thực hiện tuyển dụng, tiếp nhận, bố trí đội viên Đề án 500 sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Đến năm 2022, đã  bố trí 5/5 đội viên thành cán bộ, công chức cấp xã4.

Về thực hiện chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến: trong thực hiện công tác này, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh thực hiện việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh giải quyết chế độ trợ cấp cho cựu thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Việc xét duyệt, thẩm định hồ sơ và giải quyết chế độ trợ cấp cho cựu thanh niên xung phong tại địa phương bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, đúng đối tượng và chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, công tác đào tạo, bồi dưỡng thanh niên được quan tâm thực hiện.

Công tác dạy nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ cho thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được chính quyền các cấp đặc biệt chú trọng, quan tâm. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện tốt công tác này. Trong giai đoạn 2011 – 2020, tỉnh Bắc Kạn đã giải quyết việc làm cho trên 50.870 người lao động trong độ tuổi thanh niên; đào tạo nghề cho trên 44.920 thanh niên trên địa bàn tỉnh. Hoạt động dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên đã góp phần tăng tỷ lệ thời gian lao động của thanh niên ở nông thôn lên 80%5. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 280 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên, 402 mô hình cho thu nhập từ 80 triệu đồng trở lên và 162 mô hình cho thu nhâọ từ 150 triệu đồng trở lên. Lao động, việc làm của thanh niên đã góp phần khiến thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2022, GRDP bình quân trên người ước đạt 45,4 triệu đồng/người, tăng 3,8 triệu đồng so với năm 20216.

Ngoài ra, UBND các cấp đã phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên thường xuyên động viên, tham mưu cho cấp ủy tạo điều kiện cử cán bộ trẻ, công chức, viên chức, người lao động, thanh niên trong lực lượng vũ trang đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ; nghiên cứu các đề tài, ứng dụng cải tiến, đưa các sáng kiến áp dụng tại cơ quan, đơn vị. Từ năm 2017 – 2021, đã có 2.068 cán bộ trẻ được tạo điều kiện học nâng cao về chuyên môn, có 1.468 cán bộ trẻ được đào tạo các lớp trung cấp, cao cấp lý luận chính trị7. Đối với học sinh là thanh niên, tỉnh đã thông qua các phong trào đã tạo môi trường cho thanh niên trường học rèn luyện sức khỏe, đạo đức, trang bị kỹ năng, tiếp thêm động lực cho thanh niên học tập tốt, nhờ đó, phong trào học tập trong thanh niên học sinh được nâng cao.

Ngày 20/6/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 379/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở các kế hoạch này, các đơn vị, địa phương, đặc biệt là Đoàn Thanh niên đã phát triển các mô hình câu lạc bộ, đội nhóm sở thích gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc góp phần thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Sau đó, ngày 07/7/2022, UBND tỉnh Bắc Kạn banh hành Kế hoạch số 429-KH/UBND về việc phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 – 2030 nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là thanh niên.

Thứ tư, công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ QLNN về thanh niên và tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm CTTN

Để triển khai thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật đối với thanh niên và nâng cao hiệu quả QLNN về thanh niên trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, hằng năm, ngay từ quý I, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị địa phương tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên; các nhiệm vụ trọng tâm của QLNN về CTTN và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện. Qua các báo cáo của các đơn vị tự kiểm tra, nhìn chung công tác QLNN về thanh niên từng bước được quan tâm thực hiện tốt; chương trình phát triển thanh niên, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đều phù hợp với tình hình thực tế của phương; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao dành cho thanh niên; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Sở Nội vụ đã tham mưu tổ chức các lớp tập huấn cho lãnh đạo và công chức phụ trách CTTN (các sở, ban, ngành);  lãnh đạo và công chức phòng Nội vụ phụ trách CTTN (UBND cấp huyện); UBND cấp xã: công chức thực hiện nhiệm vụ QLNN về thanh niên, nội dung bồi dưỡng gồm: triển khai các chính sách liên quan đến công tác quản lý nhà nước về thanh niên, một số quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác thanh niên và chính sách đối với thanh niên; chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên tỉnh Bắc Kạn thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030; các kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản về QLNN. Thông qua các khóa học, học viên được nghe giảng viên trao đổi về Luật Thanh niên và nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Thanh niên; thực hiện thu thập dữ liệu thống kê về thanh niên tại địa phương theo Thông tư số 07/2020/TT-BNV; Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030; kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển thanh niên; triển khai các chính sách liên quan đến CTTN, thanh niên xung phong… Mỗi lớp học đều bố trí thời gian để học viên thảo luận, kiến nghị đề xuất đối với các nội dung như: về giảng viên, thời gian học, nội dung các vẫn đề giảng viên trao đổi tại lớp học…

Những hạn chế và nguyên nhân trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên thời gian qua:

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan chưa chặt chẽ, việc lồng ghép các chỉ tiêu phát triển thanh niên trong chương trình, mục tiêu của tỉnh còn chậm. Một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên  để triển khai các chương trình, chính sách QLNN về CTTN theo trách nhiệm được phân công nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo, bồi dưỡng và phát huy năng lực của thanh niên.

Quá trình triển khai và áp dụng các văn bản pháp luật về thanh niên ở một số nơi, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số còn hình thức; các giải pháp và lộ trình thực hiện còn chung chung, chưa cụ thể nên kết quả đạt được vẫn còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò của thanh niên trong tình hình mới.

Thanh niên chưa có nhiều hoạt động, mô hình nổi bật trong việc tham gia phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, chủ yếu đi làm thuê, làm công việc thời vụ tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp; số lượng thanh niên luôn biến động nên công tác quản lý, tập hợp thanh niên gặp nhiều khó khăn.

Những hạn chế nêu trên có thể do các nguyên nhân sau:

Một số ít cấp ủy, chính quyền còn chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động QLNN về công tác thanh niên, còn nhầm lẫn chức năng, nhiệm vụ của hoạt động này với hoạt động của cơ quan Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Đội ngũ công chức làm CTTN ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương không ổn định do thường xuyên có sự luân chuyển, điều động; phải kiêm nhiệm thêm nhiều lĩnh vực chuyên môn khác và phần lớn cán bộ, công chức cơ sở chưa được tập huấn về công tác thống kê dẫn đến chất lượng tham mưu chưa cao, triển khai và tổng hợp chưa kịp thời.

Chưa có các quy định, quyết định cụ thể về trách nhiệm QLNN về CTTN  của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Số lượng, chất lượng công chức làm nhiệm vụ QLNN về CTTN ở một số cơ quan chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ công chức làm nhiệm vụ QLNN về CTTN được tuyển chọn từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều công chức mới tiếp cận công việc nên gặp khó khăn, hạn chế, lúng túng trong việc tham mưu đề xuất hoặc không xác định được công việc cụ thể để triển khai thực hiện.

Một số ít thanh niên chưa tích cực, chủ động trong học tập, phát triển kinh tế; còn ỷ lại, trông chờ vào các chính sách của Đảng, Nhà nước.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về công tác thanh niên của tỉnh Bắc Kạn

Một là, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền các cấp về CTTN. Trước hết, các tổ chức đảng, chính quyền các cấp tại tỉnh cần thấy được vai trò của QLNN đối với CTTN trong việc quản lý, thúc đẩy sự phát triển của thanh niên, góp phần phát triển kinh tế  – xã hội tại địa phương. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng hoạt động QLNN về thanh niên, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi công chức đảm nhận vị trí phụ trách theo dõi CTTN hoạt động hiệu quả. Hơn nữa, cũng cần tạo môi trường để thanh niên rèn luyện, phát huy vai trò của mình; tăng cường các hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên trong việc nâng cao nhận thức, bản lĩnh, năng lực hội nhập; nâng cao trình độ công tác chuyên môn và hoàn thiện các kỹ năng xã hội; đổi mới phương thức sinh hoạt, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn, đặc biệt là cấp cơ sở trong việc phối hợp với chính quyền để thực hiện quản lý thanh niên.

Hai là, cần ban hành quy chế/ quy định cụ thể nhằm phân công chức năng, nhiệm vụ QLNN về CTTN. Để hoạt động QLNN về CTTN mang lại hiệu quả cao, tránh trùng chéo thì việc ban hành các quy định phân công rõ ràng, minh bạch trong hoạt động này là hết sức cần thiết. Bắc Kạn cần ban hành quy định về nguyên tắc, nội dung QLNN về thanh niên, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND huyện/ thành phố, UBND cấp xã, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với công tác QLNN về thanh niên trên địa bàn tỉnh.

Ba là, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức làm công tác QLNN  về thanh niên. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, hoạch định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ QLNN về CTTN có vai trò quan trọng trong tham mưu và thực hiện các chính sách quản lý, phát triển thanh niên. Chính vì vậy, đội ngũ này cần ổn định, tránh bị phân công kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực công tác khác, thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực công tác.

Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy tính chủ động, tích cực của thanh niên trong tham gia QLNN, phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Thanh niên là lực lượng đông đảo có mặt trên toàn bộ các hoạt động của đời sống xã hội. Đây cũng là lực lượng có trình độ, năng động, nhiệt huyết, luôn tiên phong đi đầu trong các phong trào hoạt động tại địa phương. Vì vậy, chính quyền địa phương cần phối hợp với các cấp bộ Đoàn bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình để tập hợp, phát huy vai trò tích cực của đoàn viên, thanh niên tham gia thực hiện tốt các nhiệm vụ. Để làm được điều này, cần phải có những chương trình, phong trào hành động thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng cũng như sự cống hiến của đoàn viên, thanh niên. Bên cạnh đó, các Sở, ban, ngành của tỉnh cần xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, Báo Bắc Kạn và các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng thời lượng phát sóng, số lượng bài viết để định hướng tuyên truyền, giáo dục thanh niên về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, ý thức công dân, tinh thần hiếu học, khát vọng vươn lên, hướng nghiệp, kỹ năng sống, đẩy mạnh tuyên truyền việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển thanh niên, QLNN về CTTN.

Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình, chính sách phát triển thanh niên. Trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp thì hoạt động này hết sức cần thiết nhằm huy động các nguồn lực để phát triển thanh niên. Trong lĩnh vực kinh tế, xã hội hóa nhằm tạo điều kiện để thanh niên có thêm nguồn vốn để chủ động lập thân, lập nghiệp. Ngoài ra, xã hội hóa sẽ giúp tỉnh giữ chân được những thanh niên có tài, góp phần phát triển địa phương.

Chú thích:
1. Cục Thống kê tỉnh Bắc Kạn. Niên giám thống kê tỉnh Bắc Kạn. H. NXB Thống kê, 2022, tr. 65.
2. Báo cáo số 773-BC/UBND ngày 16/12/2021 UBND tỉnh Bắc Kạn về kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về thanh niên năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
3. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Kạn. Văn kiện đại hội TNCS Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2017 – 2022, In tại Công ty cổ phần In Bắc Kạn, năm 2022, tr. 15.
4. Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn về kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về thanh niên năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
5. Báo cáo số 425/BC-UBND ngày 22/7/2020 của UBND tỉnh Bắc Kạn về Tổng kết thực hiện Chương trình phát triển thanh niên Bắc Kạn giai đoạn 2011 – 2020.
6. Báo cáo số 868/BC-UBND ngày 23/12/2022 của UBND tỉnh Bắc Kạn về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ và tình hình kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tháng 12 và cả năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
7. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Kạn. Văn kiện đại hội Đoàn TNCSHCM nhiệm kỳ 2017 – 2022, In tại Công ty cổ phần In Bắc Kạn, năm 2022, tr. 45.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 379/KH-UBND ngày 20/6/2022 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
2. Trần Văn Miều. Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển thanh niên Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2022.
3. Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của HĐND tỉnh về phát triển thanh niên tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2030.
4. Phạm Hồng Tung. Thanh niên và lối sống của thanh niên Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. H. NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2011.
5. Quản lý nhà nước về công tác thanh niên hiện nay. https://tcnn.vn, ngày 30/8/2013.
ThS. Phùng Thị Thu Phương
Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn