Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở tỉnh Bắc Kạn

(Quanlynhanuoc.vn) – Kể từ ngày tái lập tỉnh Bắc Kạn vào năm 1997 đến nay, với sự nỗ lực thực hiện nhiều chính sách, đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội đã góp phần đưa Bắc Kạn từ một tỉnh kinh tế chưa thực sự phát triển, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với năng suất thấp, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống Nhân dân khó khăn trở thành tỉnh có bước phát triển mới, thay đổi toàn diện bộ mặt thành thị, nông thôn, đời sống của người dân được nâng cao và ngày càng phát triển bền vững.
Ảnh minh họa (nguồn: TTXVN)

Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc Tổ quốc, có địa giới tiếp giáp với 4 tỉnh trong khu vực: phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía Nam giáp tỉnh Thái Nguyên, phía Đông giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang. Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn luôn coi an sinh xã hội (ASXH) có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm thu nhập và điều kiện sống thiết yếu cho người dân. Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm tới người khuyết tật, người nghèo, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người yếu thế… Đến nay, việc thực hiện chính sách ASXH nhận được sự quan tâm đồng thuận của Nhân dân đã góp phần phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) ở địa phương ngày càng vững mạnh.

1. Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách ASXH, trong đó tập trung giảm nghèo; bảo đảm ASXH toàn dân, mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông. Từ năm 2012 – 2022, Bắc Kạn đã ban hành 109 văn bản (26 nghị quyết, 2 chỉ thị, 4 chương trình hành động, 24 kế hoạch và53 quyết định) để tổ chức thực hiện các chính sách về ưu đãi người có công với cách mạng, việc làm, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội (BHXH), giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch…,thông tin truyền thông cho người nghèo1.

Từ sự trợ giúp của Nhà nước thông qua những chính sách phát triển KTXH nói chung và ở Bắc Kạn nói riêng, nhiều hộ nghèo đã vươn lên phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống. Năm 2021, toàn tỉnh còn 17,02% hộ nghèo và 10,11% hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên thuộc con hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thuộc vùng KTXH đặc biệt khó khăn đều được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi học tập theo quy định; cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho 2.327.922 đối tượng chính sách xã hội; thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 4.652 hộ nghèo, kinh phí hỗ trợ trên 101 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã thực hiện đầu tư 353 công trình hạ tầng tại các huyện nghèo, 1.321 công trình hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135), kinh phí thực hiện trên 1.651 tỷ đồng. Với nhiều biện pháp giảm nghèo tích cực đã góp phần  tăng thu nhập của tỉnh, năm 2022, GRDP bình quân trên người ước đạt 45,4 triệu đồng/người, tăng 3,8 triệu đồng so với năm 20212.

Bằng việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, Bắc Kạn đã từng bước đưa chính sách BHXH, BHYT vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần phát triển KTXH ở địa phương. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 23.084 người tham gia BHXH bắt buộc; 9.585 người tham gia BHXH tự nguyện, 311.488 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 96,7%. Tổng số tiền BHXH, BHYT, BHTN thu được là 739,9 tỷ đồng, đạt 100,4% kế hoạch BHXH Việt Nam giao3. Việc tham gia vào các chương trình bảo hiểm đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng sâu, vùng xa. Đây là những con số rất đang khích lệ đối với một tỉnh miền núi còn khó khăn như Bắc Kạn.

Xác định giáo dục có vai trò quan trọng để xây dựng nền tảng dân trí vững chắc nhằm phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng tới các chính sách hỗ trợ cho công tác xóa mù chữ, phát triển hệ thống giáo dục cộng đồng. Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 12/8/2021 về phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2025. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1768/QĐ-UBND ngày 24/9/2021 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, năm  2021, có 11/108 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, tỷ lệ 10,19%; 97/108 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 2/8 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 6/8 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 24. Các chính sách hỗ trợ tiếp cận giáo dục, việc tổ chức sắp xếp quy hoạch mạng lưới trường lớp, bố trí điểm trường hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho người học được đến trường, huy động tối đa học sinh đến trường.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh trung học phổ thông, 6 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện trung học cơ sở, 23 trường phổ thông dân tộc bán trú; các chính sách hỗ trợ cho học sinh thuộc diện hưởng chính sách được thực hiện đầy đủ, đúng quy định5. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh đến trường theo độ tuổi, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách động viên, khích lệ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động yên tâm công tác.

Bắc Kạn đặc biệt chú trọng tới việc chăm lo phát triển mạng lưới y tế cơ sở, đây chính là nơi trực tiếp tiếp cận với người dân, là tuyến đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh cũng như sàng lọc và kiểm soát bệnh tật. Đến nay, toàn tỉnh có 104/108 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã6. Công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em và chăm sóc sức khỏe ban đầu được triển khai thực hiện thường xuyên. Công tác giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến cơ sở, tuyên truyền, giáo dục nâng cao sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em được tăng cường.

Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đã tác động lớn đến tình hình lao động, việc làm của người dân trên địa bàn. Lực lượng lao động làm việc tại các khu công nghiệp bị mất việc làm dẫn tới đời sống khó khăn. Vì vậy, để triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Bắc Kạn đã ban hành 9 văn bản, các sở, ngành và địa phương ban hành trên 50 văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh truyên truyền việc triển khai thực hiện hỗ trợ trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp thông tin cho người dân trên địa bàn. Các sở, ban, ngành có liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc hướng dẫn triển khai thực hiện hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo nhiệm vụ của từng ngành, với nhiều hoạt động tích cực, tỉnh đã hỗ trợ 114.778 người với kinh phí hỗ trợ trên 95 tỷ đồng7.

2. Chính sách ASXH đã giúp Bắc Kạn nâng cao hiệu quả quản lý xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, thu hẹp chênh lệch về điều kiện sống theo vùng, các nhóm dân cư, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, như: ngân sách của tỉnh khó khăn, chủ yếu sử dụng ngân sách trung ương trong việc thực hiện các chính sách ASXH. Mặt khác, mức phân bổ ngân sách thấp, việc huy động các nguồn lực khác trên địa bàn còn hạn chế. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ có nguy cơ tái nghèo cao, ý chí vươn lên thoát nghèo của một số hộ nghèo còn hạn chế. Ngoài ra, mức hỗ trợ nhà ở cho người nghèo còn thấp, chưa phù hợp với biến động của giá cả thị trường.

Việc thực hiện chính sách giáo dục đã mang lại hiệu quả thiết thực, tuy nhiên, cơ sở vật chất của các trường học vẫn còn tình trạng phòng học xuống cấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Hoạt động tuyến y tế cơ sở còn nhiều khó khăn, đặc biệt một số trung tâm y tế và trạm y tế xã đã được đầu tư nhưng còn chật hẹp, xuống cấp, trang thiết bị y tế còn thiếu, chưa đồng bộ. Chất lượng cung cấp các dịch vụ y tế chưa cao, tỷ lệ thực hiện kỹ thuật theo phân tuyến tại tuyến y tế cơ sở khám, chữa bệnh còn thấp. Một số đơn vị còn thiếu bác sỹ có trình độ chuyên môn cao và cán bộ làm công tác quản lý có kinh nghiệm.

3. Để khắc phục những hạn chế trong thực hiện chính sách ASXH, tỉnh cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền.

Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tổ chức đoàn thể cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo; giới thiệu cách làm sáng tạo, kinh nghiệm hay, mô hình, dự án thành công về xóa đói, giảm nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng tuyên truyền cho người dân sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn về công tác giảm nghèo. Bên cách đó, cần tuyên truyền đến người dân những lợi ích của việc tham gia bảo hiểm, nhất là BHYT; tham gia học tập, đặc biệt là giáo dục phổ thông. Công tác tuyên truyền cần tổ chức linh hoạt, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; tổ chức tuyên truyền thông qua hệ thống báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở, các hội nghị, hội thảo, hoạt động tư vấn, khẩu hiệu, panô, áp phích, các buổi sinh hoạt đoàn, hội, sinh hoạt chi bộ, thôn, tổ dân phố…

Hai là, huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong thực hiện ASXH.

Cần phát huy vai trò của các tổ chức này trong việc tuyên truyền, giám sát và phản biện xã hội đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sự giám sát của các tổ chức xã hội sẽ phản ánh chân thật, đầy đủ mọi nhu cầu về ASXH của mọi tầng lớp dân cư từ thôn, tổ, từ vùng thành thị tới các vùng 135, từ đó, giúp các cơ quan quản lý nắm bắt nhu cầu xã hội một cách đầy đủ, khách quan để kịp thời điều chỉnh chủ trương, chính sách, pháp luật cho hiệu quả.

Ba là, đối với chính sách giảm nghèo.

Các cấp chính quyền cần triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tập trung thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm; phát triển các mô hình, dự án liên kết theo tiềm năng, lợi thế, phù hợp với quy hoạch và chương trình phát triển KTXH của địa phương. Đặc biệt, cần thực hiện tốt chương trình OCOP, tăng cường xúc tiến thương mại, liên kết mở rộng thị trường đầu ra, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp.

Bốn là, đối với chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục.

Tiếp tục thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án về giáo dục. Mở rộng và tăng cường hỗ trợ giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, huyện, xã, thôn, bản, vùng kinh tế khó khăn… bảo đảm phổ cập giáo dục bền vững.

Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở.

Tiếp tục nâng cao chất lượng các mặt hoạt động, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật y tế, bao gồm cả xét nghiệm và cận lâm sàng; bảo đảm thuận lợi, phù hợp để thực hiện đầy đủ các kỹ thuật điều trị đa khoa và chăm sóc cơ bản. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn, gắn kết chặt chẽ với các trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn. Đồng thời, quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ khám, chữa bệnh BHYT và các nguồn kinh phí khác theo đúng quy định.

Chú thích:
1, 5, 7. Tỉnh ủy Bắc Kạn. Báo cáo số 200-BC/TU của Tỉnh ủy Bắc Kạn về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020.
2. Báo cáo số 868/BC-UBND ngày 23/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ và tình hình kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tháng 12 và cả năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
3. Bắc Kạn tập trung các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. https://dangcongsan.vn, ngày 23/3/2023.
4. Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 28/02/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh Bắc Kạn năm 2022.
5. Phát triển toàn diện y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân.https://backan.gov.vn, ngày 08/4/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2025.
2. Quyết định số 1768/QĐ-UBND ngày 24/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
3. Tỉnh ủy Bắc Kạn. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020.
ThS. Phùng Thị Thu Phương
Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn