(Quanlynhanuoc.vn) – Nâng cấp tạp chí khoa học đạt tiêu chuẩn quốc tế ngày càng thu hút sự quan tâm của các cấp quản lý, các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu và các tạp chí khoa học. Thực tế cho thấy, một số tạp chí khoa học của Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc gia nhập quốc tế, tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho các tạp chí trong việc nâng hạng trong các cơ sở dữ liệu quốc tế. Bài viết trình bày chiến lược, kinh nghiệm và đề xuất một số kiến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy gia nhập, thăng hạng quốc tế của hệ thống tạp chí khoa học của Việt Nam trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Tạp chí khoa học (TCKH) là “cổng thông tin” chính về khoa học của một cơ sở giáo dục đại học, một ngành, một quốc gia và là một phần của “bộ tri thức” nhân loại. Sự phát triển của các TCKH thể hiện chất lượng của khoa học và công nghệ của một quốc gia. Hầu hết các quốc gia có nền khoa học phát triển đều có hai hệ thống TCKH: hệ thống TCKH quốc gia (công bố kết quả các công trình nghiên cứu bằng ngôn ngữ của quốc gia đó hoặc tiếng Anh nhưng đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp quốc gia) và hệ thống TCKH quốc tế của quốc gia (các TCKH được công bố bởi quốc gia nhưng đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế).
Hệ thống TCKH ở Việt Nam hiện nay khá phong phú về số lượng. Đến nay, cả nước có khoảng 600 tạp chí, được phân loại ra thành nhiều loại, trong đó đa số là TCKH. Hầu hết mỗi bộ, ngành, cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu đều có TCKH. Tuy vậy, đến nay, mới chỉ có 10 TCKH của Việt Nam có tên trong danh mục Web of Science (WoS) và 7 tạp chí thuộc danh mục Scopus. Trong khu vực Đông Nam Á, trong số 629 TCKH trong danh mục hệ thống trích dẫn ASEAN (ACI), Việt Nam mới chỉ có 20 tạp chí.
Chiến lược gia nhập quốc tế của tạp chí khoa học Việt Nam
a. Thực trạng các tạp chí khoa học của Việt Nam được gia nhập WoS, Scopus và ACI
Các TCKH để được vào danh mục tạp chí quốc tế uy tín của hệ thống WoS (SCIE, SSCI hoặc AHCI) đều phải trải qua 3 bước thẩm định và cần thỏa mãn được 28 tiêu chí, trong đó có 24 tiêu chí về chất lượng và 4 tiêu chí về tầm ảnh hưởng. Đối với các TCKH đăng ký gia nhập vào danh mục các tạp chí mới nổi (ESCI) của WoS thì chỉ cần thỏa mãn được 24 tiêu chí về chất lượng. Còn đối với hệ thống Scopus, các TCKH để được vào danh mục này phải trải qua 2 bước thẩm định và 21 tiêu chí, trong đó có 7 tiêu chí sơ duyệt và 14 tiêu chí xét duyệt.
Tính đến tháng 8/2021, Việt Nam có tổng cộng 10 tạp chí quốc tế được vào hệ thống WoS, trong đó chỉ có 1 tạp chí thuộc danh mục SCIE – danh mục tạp chí mở rộng và 9 tạp chí thuộc ESCI – danh mục tạp chí mới nổi. Trong 10 tạp chí quốc tế đó thì có 7 tạp chí thuộc hệ thống Scopus (xem Bảng 1 cuối bài). So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng thứ 5 với khoảng cách khá lớn so với các nước Xinh-ga-po, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin.
Hệ thống trích dẫn tạp chí ASEAN (ASEAN Citation Index – ACI) được thành lập ở Bangkok, Thái Lan vào năm 2010 với mục tiêu là tạo ra một cơ sở dữ liệu các công trình nghiên cứu được công bố trên các TCKH của các nước Đông Nam Á. Thông qua hệ thống ACI, các kết quả nghiên cứu của các nước Đông Nam Á sẽ được lan tỏa ra cộng đồng khoa học khu vực và quốc tế, đồng thời, tạo ra cầu nối, bước đệm để các tạp chí trong khu vực từng bước phát triển gia nhập vào hệ thống Scopus và WoS.
Tính đến tháng 12/2021, Việt Nam đã có 26 tạp chí được công nhận thuộc hệ thống ACI (xem Bảng 2 cuối bài). Số lượng các TCKH của Việt Nam thuộc ACI gồm: 16 tạp chí thuộc các đại học và trường đại học, 7 tạp chí thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, 2 tạp chí thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và 1 tạp chí thuộc Bệnh viện Nhi trung ương.
b. Các chiến lược và giải pháp gia nhập quốc tế của các tạp chí khoa học Việt Nam
Thứ nhất, xây dựng các dự án, đề án nâng cấp tạp chí theo chuẩn quốc tế.
Để có thể gia nhập các cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín, hầu hết các tạp chí đều tiến hành xây dựng các dự án/đề án nâng cấp tạp chí theo chuẩn quốc tế. Trong dự án, đề án đều xác định các lộ trình và bước đi cụ thể. Các tạp chí đều đưa ra lộ trình từng bước để gia nhập quốc tế: từ các cơ sở dữ liệu có mức độ xét duyệt đơn giản (Google scholar, Crossref, DOAJ, COPE, Repec, ProQuest, ScienceDirect…) đến các cơ sở dữ liệu/hệ thống trích dẫn có mức độ xét duyệt chặt chẽ (ACI, Scopus, WoS). Đa số các dự án, tạp chí đều lựa chọn nâng cấp xuất bản bằng tiếng Anh để gia nhập quốc tế với lộ trình số lượng xuất bản tăng dần từ 2 số/năm đến 4 số/năm và 6 số/năm.
Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đề án thí điểm nâng cấp TCKH theo tiêu chuẩn quốc tế của một số trường, như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng… Đề án đã có tác dụng tích cực giúp các trường nói trên nâng cao chất lượng TCKH, phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên. Từ đó đến nay, Bộ tiếp tục cho phép triển khai thêm nhiều đề án nâng cấp các TCKH của một số trường đại học và viện nghiên cứu khác theo lộ trình gia nhập ACI và Scopus. Đến tháng 8/2021, đã có 8 tạp chí thuộc các trường đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo được vào ACI; 1 tạp chí được vào ESCI của WoS.
Thứ hai, liên kết xuất bản với nhà xuất bản (NXB) quốc tế.
Hầu hết các TCKH Việt Nam đã vào ACI, Scopus và ISI đều triển khai liên kết xuất bản với các NXB quốc tế có uy tín, như: Emerald, Taylor & Francis Publisher, Springer, Wiley-VCH, World Scientific Publishing, Elsevier… Cụ thể, Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology liên kết với NXB Institute of Physics của Anh; Tạp chí Vietnam Journal of Mathematics liên kết với NXB Springer Science của Đức và Business Media của Mỹ; Tạp chí Acta Vietnamica Mathematica liên kết NXB Springer Verlag của Đức; Tạp chí Vietnam Journal of Chemistry liên kết NXB Wiley-VCH của Đức; Tạp chí Journal of Science: Advanced Materials and Devices liên kết NXB Elsevier của Hà Lan; Tạp chí Biomedical Research and Therapy liên kết NXB Springer của Đức từ năm 2014 – 2015; Tạp chí Journal of Asian Business and Economic Studies liên kết NXB Emerald của Anh; Tạp chí Journal of Information and Telecommunication liên kết NXB Taylor & Francis Publisher của Anh; Tạp chí Vietnam Journal of Computer Science liên kết NXB World Scientific Publishing của Xinh-ga-po.
Việc liên kết với các NXB quốc tế uy tín là giải pháp hiệu quả để có thể gia nhập các cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín dựa trên những lợi ích sau: (1) Nhận được sự tư vấn chuyên nghiệp từ NXB quốc tế trên nhiều phương diện như thu hút bài, biên tập, vận hành tạp chí; (2) Tiếp cận và sử dụng hệ thống quản lý và giám sát công tác biên tập, phản biện và phát hành chuyên nghiệp; (3) Quảng bá hình ảnh của tạp chí và khẳng định uy tín của tạp chí trong cộng đồng khoa học quốc tế, thu hút những bài báo chất lượng cao từ các nhà khoa học quốc tế; (4) Giúp các tạp chí học hỏi và chuyển giao kinh nghiệm và kỹ năng biên tập; giúp kết nối phản biện xuất bản và phát hành tạp chí tới cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi cần đầu tư tài chính lớn, vì các tổ chức xuất bản quốc tế uy tín là các pháp nhân hoạt động kinh doanh.
Thứ ba, liên tục nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức.
(1) Về hình thức:
– Đăng ký chỉ số DOI cho các bài báo công bố trên tạp chí. Xây dựng các yêu cầu về hình thức trình bày thống nhất của các bài báo, cung cấp các thông tin hướng dẫn chi tiết đến các tác giả.
– Tăng cường công tác biên tập ngôn ngữ và biên tập về trình bày theo chuẩn (có chuyên gia tiếng Anh là người nước ngoài để biên tập). Sử dụng các phần mềm xử lý văn bản, định dạng và đồ họa hiện đại và chuyên dụng trong công tác biên tập.
– Xây dựng website (cả tiếng Việt và tiếng Anh) của tạp chí theo tiêu chuẩn quốc tế.
(2) Về mặt nội dung:
– Tăng cường mời các nhà khoa học đầu ngành viết bài (nhất là các nhà khoa học nước ngoài và Việt kiều có uy tín). Đặt hàng các nhà khoa học hiện đang là hoặc đã từng là thành viên Hội đồng biên tập (HĐBT) của các tạp chí uy tín; các nhà khoa học lớn đã từng có các hoạt động hợp tác, trao đổi với các tổ chức nghiên cứu, giáo dục của Việt Nam.
– Phân tích các bài đã công bố, xem tần số trích dẫn và nội dung khoa học, chất lượng khoa học, tên tuổi tác giả để nâng cao chất lượng bài cho các số của tạp chí.
– Tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam, qua đó, lựa chọn các bài có chất lượng cao. Đồng thời, tăng cường quảng bá giới thiệu tạp chí trên các diễn đàn khoa học, trên các phương tiện truyền thông.
Thứ tư, xây dựng và phát triển HĐBT.
– Tăng cường các nhà khoa học nước ngoài và các nhà khoa học có uy tín tham gia HĐBT.
– Xây dựng quy chế HĐBT như tiêu chí và quy trình lựa chọn và bổ nhiệm HĐBT. Phát huy tiềm năng cá nhân của các thành viên HĐBT trong khâu phản biện, tìm kiếm và kêu gọi các bài viết tốt từ cộng đồng nghiên cứu.
– Tổ chức thường xuyên các cuộc họp, giao lưu và trao đổi trong HĐBT.
– Trao quyền và khuyến khích các nhà khoa học trẻ có nhiều công bố quốc tế, có kinh nghiệm phản biện tham gia vào HĐBT. HĐBT phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phản biện kín hai chiều theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ năm, xây dựng và áp dụng chính sách, quy trình biên tập theo chuẩn quốc tế.
– Xây dựng đầy đủ các chính sách, quy định đối với một TCKH: phạm vi/lĩnh vực chuyên sâu của tạp chí, quy định đối với bài viết, tác giả, phản biện, đạo đức xuất bản, bản quyền…
– Đổi mới quy trình biên tập theo chuẩn quốc tế từ khâu nhận bài, phản biện, trao đổi và thu nhận thông tin phản hồi từ các tác giả, người phản biện, biên tập nội dung và ngôn ngữ. Chú ý đến việc cung cấp các thông tin về thời điểm gửi bài, lưu trữ các bài viết gốc và các thông tin liên quan đến chỉnh lý và biên tập.
– Xây dựng quy chế và quy trình thẩm định bài viết chặt chẽ: hướng dẫn chi tiết về các yêu cầu phản biện bài viết; mời phản biện độc lập là các chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực khoa học; thiết lập mạng lưới và cơ sở dữ liệu về người phản biện; tăng cường mời các nhà khoa học quốc tế tham gia phản biện.
– Áp dụng quy trình xuất bản trực tuyến các TCKH, vì đây là phương thức hiện đại đối với việc quản lý gửi bài, biên tập, phản biện và xuất bản theo chuẩn quốc tế. Sử dụng phần mềm kiểm tra đạo văn trong khâu nhận bài và biên tập. Sử dụng các phần mềm xử lý văn bản, định dạng và đồ họa hiện đại và chuyên dụng trong công tác biên tập.
– Tích hợp tạp chí vào một số nguồn thông tin khoa học và công nghệ trực tuyến lớn và quan trọng trên thế giới như ScienceDirect.com, Ebscohost.com, Crossref, DOAJ, COPE…
Thứ sáu, xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ biên tập viên chuyên trách.
– Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, ngoại ngữ và chuyên môn cho biên tập viên. Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin, chế bản, quản lý tài chính, nghiệp vụ văn phòng, lưu trữ…
– Tổ chức hội thảo, tọa đàm, mời các nhà khoa học, học giả có kinh nghiệm biên tập, mời các chuyên gia của ISI, Scopus, ACI tham gia diễn thuyết, trao đổi nâng cao chất lượng tạp chí.
– Thu hút thêm các hiệu đính tiếng Anh bản ngữ. Bảo đảm thu nhập tốt cho biên tập viên chuyên trách.
Một số kiến nghị để thúc đẩy nâng hạng quốc tế tạp chí khoa học Việt Nam
a. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước
Một là, khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển TCKH Việt Nam; xác định quy hoạch phát triển TCKH đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Hai là, xây dựng Trung tâm cơ sở dữ liệu trích dẫn quốc gia Việt Nam (Vietnam Ciation Index – VCI) để đánh giá và xếp hạng TCKH của Việt Nam. VCI còn là trung tâm cầu nối để giúp các tạp chí nâng cấp vào các cơ hệ thống quốc tế, như: ACI, Scopus và WoS.
Để xây dựng và vận hành VCI cần thực hiện các công việc sau: (1) Xây dựng và hoàn thiện tiêu chí đánh giá để hướng dẫn các tạp chí tham gia vào hệ thống VCI. Tiêu chí này phải đồng bộ với tiêu chí của khu vực và quốc tế. (2) Xác định VCI trên nguyên tắc phi lợi nhuận, hỗ trợ các tạp chí nâng cao chất lượng để đạt tiêu chuẩn của VCI (tất nhiên cần phải có nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho trung tâm VCI hoạt động). (3) VCI xây dựng hệ thống database trực tuyến cập nhật tổng số bài báo, tổng số lượt trích dẫn, lượt trích dẫn, lượt tự trích dẫn. VCI xây dựng quy trình kiểm định để bảo đảm chất lượng các tạp chí được công nhận vào VCI. Công khai loại trừ các tạp chí không đạt tiêu chuẩn sau đánh giá và hướng dẫn để tạp chí được đánh giá lại lần sau.
Ba là, các bộ, ban ngành, các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu cần kết hợp với VCI để tiến hành đánh giá, cấp kinh phí nghiên cứu khoa học.
Bốn là, tiếp tục đầu tư cho các TCKH uy tín trong nước nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế để đến năm 2025 có ít nhất 50 tạp chí được gia nhập ACI; ít nhất 20 tạp chí gia nhập Scopus và ISI.
b. Đối với các cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu
Thứ nhất, thành lập hoặc tách tạp chí là một đơn vị độc lập trong các cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu để có điều kiện đầu tư và bảo đảm tính chuyên nghiệp trong hoạt động.
Thứ hai, đầu tư nhân lực và vật chất để nâng cấp TCKH của đơn vị. Các tạp chí và cơ quan quản lý tạp chí cần tăng kinh phí hoạt động để mỗi tạp chí có phòng làm việc riêng với trang bị kỹ thuật tốt, xây dựng trang thông tin điện tử cho tạp chí, đào tạo đội ngũ biên tập viên, mở rộng việc quảng bá cho các tạp chí. Bên cạnh đó, kêu gọi sự hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước, từ xã hội, từ cộng đồng doanh nghiệp để nâng cấp tạp chí.
Thứ ba, nhanh chóng cải tiến TCKH theo yêu cầu về tiêu chuẩn của VCI, ACI, Scopus và WoS. Đồng thời, lấy cơ sở dữ liệu của VCI, ACI, Scopus và WoS làm trung tâm để quảng bá tạp chí, bài báo khoa học, từ đó, giúp tăng lượt được trích dẫn của bài báo khoa học.
Thứ tư, có chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên và nhà khoa học, đặc biệt là chiến lược phát triển đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Chú trọng hơn nữa về việc phát triển năng lực tiếng Anh đối với đội ngũ giảng viên, nhà khoa học.
Kết luận
Việc nâng cao chất lượng TCKH của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, các bộ, ngành gia nhập các cơ sở dữ liệu quốc tế đã thành yêu cầu cấp thiết hiện nay. Để nâng cao chất lượng các TCKH của Việt Nam cũng như ngày càng có nhiều tạp chí vào danh mục WoS, Scopus và ACI, đã đến lúc các nhà quản lý các TCKH của nước ta cần làm việc nghiêm túc và xác định đúng lộ trình, bước đi và giải pháp cụ thể theo các tiêu chí hệ thống bình duyệt quốc tế. Đây là việc làm cần nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, cộng đồng khoa học để Việt Nam sớm có nhiều tạp chí đạt tiêu chuẩn quốc tế.