Xây dựng và phát huy hệ giá trị hôn nhân và gia đình Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Hôn nhân và gia đình Việt Nam trải qua những biến chuyển quan trọng, từ kiểu mẫu truyền thống sang kiểu mẫu hiện đại với những đặc điểm mới, cởi mở và tự do hơn. Chính sự phát triển của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế đã tác động trực tiếp đến quan điểm, lối sống và hành vi ứng xử của cá nhân trong quan hệ hôn nhân và gia đình hiện nay. Hôn nhân là nơi giữ gìn và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, cần có các giải pháp vun đắp, xây dựng và phát huy hệ giá trị hôn nhân, gia đình phát triển bền vững.
Ảnh: hđll.vn
Hệ giá trị và chế độ hôn nhân, gia đình của người Việt Nam

Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) giống như mọi quan hệ xã hội khác, chịu sự chi phối của các quan hệ kinh tế và bản chất chế độ xã hội. Người Việt Nam truyền thống quan niệm hôn nhân không chỉ đơn thuần là việc cá nhân của hai người lấy nhau mà còn mang ý nghĩa lớn lao, là việc đại sự của hai họ dựng vợ gả chồng cho con cái. Việc kết hôn tuy là của hai người nhưng lại kéo theo việc xác lập quan hệ giữa hai dòng họ. Vì vậy, điều cần làm đầu tiên chưa phải là lựa chọn một cá nhân cụ thể mà là lựa chọn một dòng họ, một gia đình xem hai bên có tương xứng không, có “môn đăng hộ đối” không?.

Đối với gia tộc, hôn nhân là công cụ duy nhất và thiêng liêng để duy trì dòng dõi và phát triển dòng họ. Hôn nhân truyền thống thường xuất phát từ quyền lợi của tập thể và vì lợi ích của cộng đồng. Từ các cuộc hôn nhân vô danh của thường dân đến những cuộc hôn nhân của con vua cháu chúa, như: Mị Châu với Trọng Thủy, công chúa Huyền Trân với vua Chămpa, công chúa Ngọc Hân với Nguyễn Huệ… tất cả đều tuân theo ý nguyện của hoàng tộc, làng xã.

Hôn nhân truyền thống còn bị bó hẹp bởi lễ giáo phong kiến và tư tưởng Nho giáo. Đạo lý “tam tòng, tứ đức” trong Nho giáo quy định nghĩa vụ, bổn phận của người phụ nữ trong gia đình, nhưng mang nặng tính áp đặt và thể hiện tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã làm cho quan niệm hôn nhân của người Việt có nhiều thay đổi, tiến bộ hơn. Người Việt Nam hiện đại vẫn coi trọng hôn nhân nhưng việc kết hôn không còn quá phụ thuộc vào truyền thống gia đình hay cộng đồng. Việc cưới hỏi là quyền quyết định của đôi trẻ, mà không quan tâm xem gia đình có môn đăng hộ đối hay không. Tư tưởng hôn nhân hiện đại thể hiện sự tự do, cởi mở hơn, giới trẻ được làm chủ và có quyền quyết định trong hôn nhân. Họ có thể lựa chọn sống thử trước hôn nhân hoặc có những người không thích ràng buộc hôn nhân bằng pháp lý, họ chọn chung sống với nhau như bạn tình, thậm chí còn xuất hiện hôn nhân đồng giới.

Về mặt pháp luật, nam nữ được quyền tự do kết hôn và tự do ly hôn, tuy nhiên phần lớn theo tập tục truyền thống, trước khi kết hôn các cặp đôi vẫn thông báo tới gia đình, họ hàng và bạn bè đôi bên để mong nhận được sự chúc phúc của mọi người. Điều này làm cho hôn nhân thêm phần ý nghĩa, là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người.

Chế độ hôn nhân của người Việt hình thành buổi sơ khai, gắn liền với các triều đại phong kiến. Chế độ hôn nhân phong kiến Việt Nam được quy định trong Bộ luật Hồng Đức (thời hậu Lê, thế kỷ XV) và Bộ luật Gia Long (thời Nguyễn, thế kỷ XIX). Đến thời kỳ Pháp thuộc, chế độ hôn nhân có sự thay đổi, vừa thể hiện xu hướng Tây hoá theo kiểu Pháp, vừa duy trì tập tục cũ. Từ sau năm 1975 đến nay, chế độ hôn nhân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Hiến pháp năm 2013 quy định quyền và trách nhiệm của các cá nhân trong lĩnh vực HNGĐ, như sau: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”; “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em (Điều 36)1. Tức là hai bên nam, nữ có quyền tự mình quyết định việc kết hôn, không bị cưỡng ép, không bị lừa dối và cũng không bị cản trở. Sau khi kết hôn, việc duy trì hay chấm dứt quan hệ hôn nhân dựa trên sự tự nguyện của mỗi bên vợ, chồng. Nam, nữ khi tham gia quan hệ hôn nhân được hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật.

Trong gia đình, mỗi bên vợ chồng có nghĩa vụ và quyền lợi ngang nhau về mọi mặt. Ngoài xã hội, với tư cách là công dân, mỗi bên vợ, chồng có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân đã được Hiến pháp công nhận. Quyền bình đẳng giữa vợ và chồng còn thể hiện trong việc không phân biệt vợ chồng là người Việt Nam hay người nước ngoài, người thuộc dân tộc hoặc tôn giáo nào, quan hệ hôn nhân của mỗi cá nhân đều được tôn trọng, bảo vệ. Và để bảo đảm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định: “Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc cấm người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”2.

Như vậy, trải qua các quá trình lịch sử, quan niệm và chế độ hôn nhân của người Việt có sự chuyển biến rõ rệt, ngày càng thể hiện tính văn minh, tiến bộ, vừa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, vừa xóa bỏ được những tàn tích, lạc hậu của hôn nhân phong kiến trước kia. Đối với mỗi người Việt Nam, hôn nhân luôn có ý nghĩa quan trọng, là nền tảng cơ bản để xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Hôn nhân là sợi dây gắn kết thiêng liêng giữa vợ và chồng, để vợ chồng không chỉ có sự đồng điệu về tâm hồn mà còn sự “đồng cam cộng khổ”, “thuận vợ thuận chồng”, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống hôn nhân. Hôn nhân giúp mỗi người trưởng thành hơn và mang lại nhiều giá trị tốt đẹp, đó là tinh thần trách nhiệm, sự thủy chung, đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ, vị tha… Hôn nhân đối với mỗi người có ý nghĩa khác nhau và mỗi cuộc hôn nhân đều có chuẩn mực riêng. Song để có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và có một gia đình êm ấm thì đòi hỏi tình yêu, sự nỗ lực và vun vén của cả hai vợ chồng.

Những xu hướng mới trong hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay

Những năm gần đây, hình thái hôn nhân và gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi, chuyển biến từ kiểu mẫu HNGĐ truyền thống sang kiểu mẫu HNGĐ hiện đại. Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế – xã hội đã tác động đáng kể đến quan hệ hôn nhân trên nhiều khía cạnh khác nhau. Xuất hiện những xu hướng tích cực trong đời sống hôn nhân như: tuổi kết hôn tăng lên, quyền tự do hôn nhân ngày càng được khẳng định,… Tuy nhiên, tác động của quá trình toàn cầu hóa, lối sống công nghiệp cũng tạo ra những thách thức và xu hướng biến đổi mới trong hôn nhân của người Việt, như: sống chung không đăng ký kết hôn, không muốn kết hôn, làm mẹ đơn thân, ngoại tình, bạo lực gia đình, hôn nhân đồng giới… Dưới đây là một số xu hướng mới trong hôn nhân của người Việt Nam hiện nay.

(1) Xu hướng thích sống độc thân và kết hôn muộn của giới trẻ.

Quan điểm về hôn nhân của giới trẻ Việt Nam có nhiều thay đổi so với quan niệm truyền thống, các bạn trẻ ngày càng có tư duy cởi mở hơn về hôn nhân. Những xu hướng như: thích sống độc thân, ngại yêu, sống chung nhưng không kết hôn, kết hôn muộn, kết hôn nhưng không muốn sinh con… của giới trẻ dần trở nên phổ biến. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu gia đình và giới năm 2020 cho thấy, có 28,4% người trẻ muốn sống chung trước khi kết hôn và 13,3% thích sống độc thân, không có ý định kết hôn3. Trước đó, kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cũng cho thấy, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 25,2 tuổi, tăng 0,7 tuổi so với năm 2009. Trong đó, tuổi kết hôn trung bình của nam giới cao hơn nữ giới 4,1 tuổi (tương ứng là 27,2 tuổi và 23,1 tuổi). Tuổi kết hôn lần đầu ở thành thị cao hơn nông thôn đối với cả nam giới và nữ giới4. Mặc dù tỷ lệ này chưa cao nhưng nó cũng phản ánh phần nào những biến đổi về quan niệm hôn nhân của người Việt trẻ hiện nay.

Việc được tự do tìm hiểu, yêu đương rồi đi đến kết hôn là điều giới trẻ ngày nay mong muốn. Họ muốn được tự quyết định hạnh phúc của mình và sẵn sàng chịu trách nhiệm với sự lựa chọn đó. Ngoài ra, áp lực trong công việc, sự nghiệp, kinh tế, hay quan niệm sống thay đổi là những nguyên nhân cơ bản khiến người trẻ chần chừ trong việc kết hôn. Những tiêu chí được giới trẻ ngày nay ưu tiên hơn cả đó là có một công việc tốt, mức thu nhập cao và ổn định. Bỏ qua sự thúc giục của cha mẹ, nhiều người trẻ muốn dành thời gian để phấn đấu cho sự nghiệp, tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân, vì lẽ đó mà họ có ít thời gian để tìm hiểu và yêu đương. Hơn nữa, họ cũng muốn có sự tích lũy nhất định về tài chính, có tiềm lực vững vàng trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, để giảm bớt áp lực kinh tế sau khi kết hôn.

Một số bạn trẻ còn quan niệm rằng, chỉ cần yêu nhau thôi cũng đủ hạnh phúc mà không nhất thiết phải kết hôn hoặc trước khi kết hôn họ muốn có trải nghiệm “sống thử”. Những quan điểm này hoàn toàn phù hợp trong xã hội hiện đại, cho thấy các bạn trẻ ngày nay đã có sự trưởng thành, chín chắn trong nhận thức và hơn hết họ có ý thức trách nhiệm với quyết định hôn nhân của mình.

Tuy nhiên, một số khác lại thích cuộc sống hưởng thụ cá nhân hơn là đặt nặng giá trị, ý nghĩa của hôn nhân. Họ sợ mất tự do, sợ tốn kém, sợ bị ràng buộc, sợ trách nhiệm, hoặc cũng có thể là do họ không tìm được đối tượng phù hợp để tính đến chuyện kết hôn. Ngoài ra các yếu tố khác, như: ngoại tình, ly hôn, bạo lực gia đình… làm cho niềm tin của giới trẻ về hôn nhân bị suy giảm đi nhiều.

Đặc biệt, với sự bùng nổ của mạng xã hội hiện nay càng khiến giới trẻ dễ dàng chìm đắm trong thế giới ảo, giảm các giao tiếp trực tiếp trong gia đình, trong xã hội, khiến lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của bản thân bị sai lệch. Đồng thời, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã tạo nên một thế giới tình yêu, hôn nhân ảo,… dẫn đến nguy cơ tạo ra một thế hệ trẻ không cần tình yêu, không cần gia đình, không cần con cái, điều này đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong và tính bền vững của các quan hệ gia đình trong thế giới hiện thực.

Kết hôn là quan niệm và quyền quyết định cá nhân của mỗi người, song có thể thấy, những tư tưởng này mang tính chất tiêu cực, đem lại nhiều hệ lụy lâu dài cho xã hội. Chẳng hạn như, xu hướng thích sống độc thân hay kết hôn không muốn sinh con, sẽ làm tỷ lệ sinh ít đi, dẫn đến tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động.

(2) Gia tăng tình trạng ly hôn, ngoại tình và xu hướng gia đình đơn thân.

Tình trạng ly hôn ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh. Theo số liệu khảo sát năm 2021 từ Trung tâm Tư vấn giáo dục tâm lý thể chất TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu, cứ bình quân 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỷ lệ cao và luôn gia tăng hằng năm. Số liệu thống kê của các trung tâm tư vấn tình yêu HNGĐ ở TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, số người đến tư vấn ly hôn chiếm đến 70% trong các ca tư vấn.

Trung bình hằng năm, Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, có tới 70% vụ ly hôn do người phụ nữ đệ đơn5. Những số liệu này cho thấy, tình trạng báo động của hôn nhân, việc kết hôn dễ dàng nên ly hôn cũng trở nên dễ dàng. Tỷ lệ ly hôn diễn ra không chỉ ở gia đình trẻ mà cả những cặp đôi từng gắn bó hàng chục năm, không chỉ ở một vài nhóm cư dân mà có ở tất cả các nhóm, thành phần xã hội.

Sau khi ly hôn, việc ổn định cuộc sống là một vấn đề hết sức nan giải được đặt ra với người phụ nữ. Bởi vì, khả năng tự lập của họ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những điều kiện khách quan và chủ quan của gia đình và xã hội. Ngoài ra, hậu quả của việc ly hôn không chỉ là chấm dứt mối quan hệ hôn nhân giữa hai người mà nó còn kéo theo các hệ lụy khác. Việc ly hôn của cha mẹ chính là nỗi bất hạnh của những đứa con, những đứa trẻ trong các gia đình có bố mẹ ly hôn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách và tương lai sau này, thường có những biểu hiện lệch lạc và sa ngã, phạm tội, có những việc làm nông nổi, hung hăng, dễ gặp tai nạn về thể chất, khi lớn lên trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp cộng đồng.

Một khía cạnh khác, sau ly hôn cha hoặc mẹ tái hôn, cảnh sống chung với cha dượng hoặc mẹ kế, tình trạng “con anh, con em”, dẫn đến các bậc cha mẹ có thể thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục con cái (bỏ mặc, ngược đãi) tác động sâu sắc không những lên sự nhận thức còn rất non nớt của các em mà con gây ra những bất hòa và tổn thương tâm lý khó hàn gắn được. Hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng.

Một số nguyên nhân phổ biến dẫn tới ly hôn, như: ngoại tình, không hòa hợp; bạo lực gia đình; mâu thuẫn trong tạo dựng và quản lý tài chính; không có sự tin tưởng, kiểm soát nhau quá mức; vợ chồng không tôn trọng, chia sẻ với nhau; xung đột giữa các thế hệ trong gia đình (mẹ chồng nàng dâu), kết hôn khi còn trẻ…

Ngoài ra, cuộc sống càng phát triển càng làm con người có xu hướng tìm đến những điều mới mẻ, từ đó bị sa ngã và tự làm đổ vỡ hạnh phúc chính của mình. Hôn nhân được đặt dưới góc nhìn tẻ nhạt, mâu thuẫn, căng thẳng, cuộc chiến pháp lý, ly hôn, phân chia tài sản ngày càng gia tăng… Mặt khác, sự tác động của nền kinh tế thị trường, quá trình giao lưu hợp tác quốc tế, sự thâm nhập của những giá trị mới, giá trị phương Tây làm cho những tư tưởng gia trưởng dần dần không tồn tại nữa, thay vào đó là sự bình đẳng, dân chủ trong gia đình. Phụ nữ chủ động đơn thân khi họ khả năng kinh tế độc lập, thu nhập ở mức cao, cảm thấy không cần dựa vào đàn ông vẫn có thể nuôi con nên quyết định trở thành mẹ đơn thân. Đàn ông đơn thân đa phần là do hoàn cảnh mang lại: ly hôn hoặc vợ mất… Những điều này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, làm cho hình thái hôn nhân và gia đình Việt Nam có thể bị méo mó và bị xem nhẹ.

Xu hướng mới trong HNGĐ ở Việt Nam hiện nay cho thấy có sự thay đổi về hệ giá trị HNGĐ của người Việt. Những sự thay đổi này có thể tạo nên những cú “sốc tâm lý” đối với giới trẻ, làm cho họ có ít niềm tin vào hôn nhân và tính bền vững của gia đình, xa rời các giá trị đạo lý tốt đẹp của hôn nhân và gia đình truyền thống trước đây.

Một số giải pháp xây dựng, phát huy hệ giá trị hôn nhân và gia đình ở Việt Nam hiện nay

Để xây dựng và phát huy hệ giá trị HNGĐ ở Việt Nam hiện nay, nhất là đối với thế hệ trẻ, cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp thúc đẩy những giá trị tích cực và đẩy lùi những giá trị tiêu cực ra khỏi đời sống hôn nhân.

Thứ nhất, xây dựng các giá trị “tình yêu, sự chung thủy, bình đẳng, chia sẻ, tôn trọng, trách nhiệm” trong HNGĐ.

Hôn nhân là sự kết hợp thiêng liêng giữa nam và nữ trên cơ sở tình yêu, sự hòa hợp về quan điểm, cách sống và chia sẻ trách nhiệm chung để cùng xây dựng một gia đình, chung sống lâu dài. Do vậy, việc duy trì tình yêu trong hôn nhân là yếu tố then chốt để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Khác với hôn nhân từ những lý do như kinh tế, địa vị, trao đổi lợi ích, hôn nhân vì tình yêu rất cần sự bồi đắp hằng ngày bởi nếu ngọn lửa tình yêu lụi tàn thì nguy cơ tan vỡ gia đình rất dễ xảy ra.

Sự chung thủy là một trong những tiêu chí ứng xử quan trọng trong mối quan hệ vợ chồng, bởi nó chính là yếu tố then chốt để duy trì và phát triển mối quan hệ vợ chồng. Chung thủy là chỉ sự không thay đổi, trước sau như một. Đòi hỏi sự chung thủy cũng là quyền chính đáng của cặp vợ chồng, nhất là khi bối cảnh của cuộc sống xung quanh cặp vợ chồng luôn có nhiều biến động. Sự chung thủy trong xã hội hiện đại không chỉ là việc dành toàn bộ thời gian bên vợ/chồng của mình mà quan trọng là sự cam kết trong suy nghĩ, trung thực trong hành động và toàn tâm, toàn ý yêu thương, chăm sóc vợ/chồng của mình. Giữ gìn sự chung thủy là giữ gìn được lòng tin, sự tôn trọng và tình yêu trong hôn nhân, giúp cuộc hôn nhân được bền vững.

Vợ chồng bình đẳng, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau được xem là bí quyết để giữ gìn hạnh phúc của mỗi gia đình. Với sự bình đẳng trong cuộc sống, người đàn ông cũng có thể làm việc nhà cùng vợ và người vợ cũng có thể đi làm để phụ giúp tài chính. Hôn nhân hạnh phúc đó là cùng nhau chia sẻ gánh nặng, không nhất định phải theo khuôn mẫu đàn ông làm việc nặng, phụ nữ làm việc nhẹ mà hai người cùng kết hợp để giải quyết việc đó. Bình đẳng, chia sẻ chính là biểu hiện của sự tôn trọng, một nền tảng quyết định cho sự bền vững của hôn nhân chứ không phải các giá trị vật chất. Tôn trọng lẫn nhau là nguyên tắc hàng đầu trong quan hệ vợ chồng, giúp duy trì cuộc hôn nhân bền vững. Bởi sự tôn trọng giữa vợ và chồng sẽ thỏa mãn các nhu cầu liên quan đến nhân quyền, khẳng định nhân thân, đề cao lòng tự trọng và khẳng định phẩm chất của mỗi người. Bình đẳng, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau chính là một chìa khóa quan trọng trong cuộc sống hôn nhân gia đình.

Cần có các nghiên cứu tìm hiểu những mong đợi, xu hướng tình cảm, nhận định của giới trẻ Việt Nam về những giá trị HNGĐ. Từ đó có những hoạt động can thiệp phù hợp với mong muốn, nhận định của giới trẻ, giúp cho giới trẻ phát triển tâm sinh lý ổn định và lành mạnh. Đồng thời, phát triển mạng lưới hỗ trợ về dịch vụ xã hội, tư vấn xã hội cho giới trẻ, để hạn chế những tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng thụ, ích kỷ len lỏi vào trong quan điểm, nhận định của giới trẻ hiện nay.

Thứ hai, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của giới trẻ về giá trị HNGĐ.

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, đặc biệt đồng bộ các chương trình giáo dục về giá trị HNGĐ đối với thế hệ trẻ. Tổ chức các hoạt động truyền thông hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái thoát khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng và từ chính bản thân về những khắt khe trong hành vi HNGĐ, hướng phụ nữ, trẻ em gái tới những giá trị được tôn trọng, được bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, được tự thể hiện bản thân, được hạnh phúc, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trên mọi lĩnh vực vực đời sống – xã hội. Các hoạt động truyền thông nên sử dụng các kênh sáng tạo, tiếp cận được gần hơn với giới trẻ, như: qua mạng xã hội, youtube, tiktok… Sự lan tỏa các giá trị HNGĐ nên được truyền thông một cách gần gũi, tránh dạng “khẩu hiệu” để có thể tiếp cận và lan tỏa giá trị đến giới trẻ một cách chân thành, bình dị nhất. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát, ngăn chặn các thông tin xấu độc, tiêu cực về HNGĐ trên internet và mạng xã hội.

Chú thích:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
3. Trần Thị Minh Thi. Những biến đổi của gia đình Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị chính sách. https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 10/6/2020.
4. Tổng cục Thống kê. Thông cáo báo chí kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. https://www.gso.gov.vn.
5. Mi Lan. Giá trị hôn nhân rung chuyển giữa những “cơn bão” bóc phốt ngoại tình. https://laodong.vn, ngày 29/8/2022.
TS. Phạm Thị Thùy
Trường Đại học Điện lực