Mã định danh số quốc tế (DOI) yêu cầu bắt buộc đối với tạp chí khoa học tiệm cận quốc tế

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, việc gia nhập vào các chỉ mục và cơ sở dữ liệu uy tín được coi là cần thiết để khẳng định vị thế, nâng tầm ảnh hưởng của tạp chí khoa học. Bên cạnh việc xuất bản các bài báo khoa học chất lượng, tạp chí còn phải đáp ứng loạt tiêu chí cần thiết về mặt kỹ thuật theo chuẩn quốc tế như xây dựng trang thông tin bằng tiếng Anh, đăng ký ISSN (p-ISSN, e-ISSN)… Bài viết giới thiệu lịch sử hình thành, cấu phần và sự cần thiết của mã định danh số quốc tế (DOI) cho việc đáp ứng các tiêu chuẩn của tạp chí khoa học quốc tế. Đồng thời, cũng là nguồn tài liệu tham khảo để tạp chí khoa học trong nước tiếp tục nâng cao, đổi mới hướng đến hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đăng ký mã DOI đã trở thành yêu cầu tối thiểu đối với các nhà xuất bản và tạp chí khoa học uy tín trên thế giới.

Giới thiệu

Mã định danh số quốc tế (Digital Object Identifier – DOI) bao gồm một chuỗi (mã) ký tự nhận dạng đặc biệt: chữ cái, chữ số, ký tự dấu. Đây là một dãy mã số xác định sự tồn tại vĩnh viễn của một tập tin (bài báo, sách, bộ dữ liệu, phụ lục, video, âm thanh, phương tiện truyền phát trực tuyến, mô hình 3D…) trên nền tảng internet. Trong trường hợp địa chỉ URL của tập tin thay đổi, mã DOI sẽ đổi hướng tự động đến địa chỉ mới của tập tin, giúp độc giả dễ dàng truy cập thông tin. Chính vì vậy, DOI được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực xuất bản bài báo khoa học, sách, kỷ yếu hội thảo và các tài liệu khoa học khác. Mã DOI hỗ trợ cho việc tìm kiếm thông tin, trích dẫn, kết nối với các ấn phẩm nhanh chóng.

Do các tính năng kể trên, việc đăng ký mã DOI đã trở thành yêu cầu tối thiểu đối với các nhà xuất bản và tạp chí khoa học (TCKH) uy tín trên thế giới. Ngoài ra, đây cũng là tiêu chí ưu tiên khi gia nhập các chỉ mục và cơ sở dữ liệu khoa học uy tín, như DOAJ, ProQuest,

Cabell’s Directories,… Những chỉ mục và cơ sở dữ liệu khoa học này được coi là bước đệm để gia nhập vào Scopus và Web of

Science (WoS) cũng như tăng cường sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của các TCKH1.

Tại Việt Nam, các TCKH uy tín trong các danh mục tạp chí được Hội đồng Giáo sư Nhà nước tính điểm hoặc danh mục uy tín trong khu vực và quốc tế như ACI, Scopus và WoS đều đăng ký mã DOI cho từng bài viết được xuất bản. Hiện nay, ở Việt Nam, đa số các tạp chí tiếng Anh uy tín đều đăng ký mã DOI, như: Journal of Asian Business and Economic Studies, Journal of Economics and Development, Journal of International Economics and Management… Các tạp chí tiếng Việt cũng đã bắt đầu đăng ký mã DOI, như: Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Bản B (Bộ Khoa học và Công nghệ)…

Việc các bài viết được đăng ký mã DOI cũng là cách khẳng định trách nhiệm của tạp chí đối với tác giả và cộng đồng khoa học vì mã DOI sẽ hỗ trợ cho việc tìm kiếm, khảo cứu, trích dẫn lại các bài viết đã xuất bản.

Vì những lý do nêu trên, việc đăng ký mã DOI góp phần khẳng định vị thế của tạp chí, giúp lan tỏa và chia sẻ sâu rộng các bài viết khoa học đến cộng đồng học thuật. Bài viết chia sẻ, giới thiệu khái quát về mã số định danh quốc tế DOI. Đây sẽ là các thông tin để các TCKH trong nước tham khảo. Từ đó, hướng đến nâng cao vị thế, hình ảnh và tầm ảnh hưởng của các TCKH Việt Nam trong cộng đồng học thuật quốc tế.

Lịch sử hình thành mã định danh DOI

Hệ thống DOI bắt nguồn từ sáng kiến chung của ba hiệp hội thương mại trong ngành xuất bản: Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế (International Publishers Association), Hiệp hội các nhà xuất bản khoa học, kỹ thuật và y tế quốc tế (International Association of Scientific, Technical and Medical Publishers) và Hiệp hội các nhà xuất bản Hoa Kỳ

(Association of American Publishers). Mặc dù mục đích ban đầu là dành cho các xuất bản phẩm, mã DOI được xây dựng như một khuôn khổ chung để quản lý nhận dạng nội dung qua mạng kỹ thuật số dựa trên nền tảng đa phương tiện. Hệ thống DOI đã được công bố tại Hội chợ Sách Frankfurt năm 1997. Tổ chức DOI Quốc tế (International DOI® Foundation – IDF) cũng được thành lập vào năm này để phát triển và quản lý hệ thống DOI.

Ngay từ khi thành lập, IDF đã làm việc với Tập đoàn Sáng kiến Nghiên cứu Quốc gia (Corporation for National Research

Initiatives – CNRI) với tư cách là đối tác kỹ thuật, sử dụng hệ thống kỹ thuật do CNRI phát triển làm thành phần mạng kỹ thuật số của hệ thống DOI. Hiện nay, CNRI vẫn là đối tác kỹ thuật của IDF.

Từ năm 1998, IDF đã hợp tác chặt chẽ với dự án indecs (giai đoạn 1998 – 2000) và một số sáng kiến liên quan của dự án này. Khung chỉ số làm nền tảng cho mô hình dữ liệu DOI và cả Khung ánh xạ từ vựng

(Vocabulary Mapping Framework – VMF). IDF hiện quản lý trang web VMF và tham gia quản trị VMF.

Ứng dụng đầu tiên của hệ thống DOI được giới thiệu vào năm 2000, liên kết trích dẫn các bài báo điện tử của Cơ quan đăng ký Crossref (Crossref Registration Agency). Kể từ đó, các tổ chức đăng ký mã DOI

(Registration Agency) đã được chỉ định trong các lĩnh vực khác nhau bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Cú pháp của DOI đã được chuẩn hóa thông qua Tổ chức tiêu chuẩn về thông tin quốc gia (National Information Standards  Organization – NISO). Hệ thống DOI đã được phê duyệt là tiêu chuẩn ISO vào năm 2010.

Bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Quản lý nhà nước được cấp chỉ số DOI và lập chỉ mục trong hệ thống quốc tế Crossref (https://www.crossref.org)
Thành phần của mã định danh DOI

DOI là mã định danh liên tục cho một phần nội dung trực tuyến, được tạo thành từ một tiền tố (prefix) và một hậu tố (suffix) duy nhất, đồng thời, được đăng ký với siêu dữ liệu (metadata) đi kèm gồm tên tài liệu, họ tên tác giả, thời gian xuất bản, nội dung tóm tắt, thông tin của cơ quan phát hành. Mỗi tài liệu chỉ được đăng ký một mã DOI duy nhất và cố định theo thời gian. Giống như địa chỉ web (URL), DOI cho phép truy cập trực tiếp đến tài liệu. Việc này tạo thuận lợi cho các nhà nghiên cứu tìm kiếm và trích dẫn tài liệu cũng như đẩy mạnh công tác xuất bản trực tuyến và lưu trữ điện tử các ấn phẩm của nhà xuất bản hoặc TCKH. Hiện nay, các TCKH được coi là đáng tin cậy nếu các bài viết xuất bản được đăng ký mã số DOI.

Tiền tố (prefix) của DOI. Tiền tố thường bao gồm một dãy số bắt đầu bằng số “10”, theo đó là đơn vị từ 4 – 5 chữ số: 10.XXXXX. Tiền tố của DOI thường gắn liền với tổ chức, nhà xuất bản, TCKH. Mỗi tổ chức khi đăng ký sẽ được cấp dãy mã số tiền tố DOI duy nhất, không trùng lặp với các tổ chức, cơ quan khác. Tiền tố là dãy số cố định, không thay đổi theo thời gian.

Hậu tố (suffix) của DOI. Hậu tố bao gồm dãy ký tự, có thể bao gồm cả chữ cái và chữ số. Các tài liệu của cùng một tổ chức, nhà xuất bản hoặc TCKH sẽ có tiền tố DOI cố định nhưng hậu tố DOI khác nhau. Hay hiểu cách khác, mỗi tài liệu sẽ có một dãy hậu tố DOI duy nhất, không trùng lặp với các tài liệu khác. Hậu tố mã DOI của bài viết khoa học có thể chứa các thông tin như tên tạp chí, mã ISSN, năm xuất bản, kỳ xuất bản bài báo2.

Hiện nay, trong các phần mềm quản lý bài viết trực tuyến (phần mềm mã nguồn mở – OJS, Scholar One, Editorial Manager) đều hỗ trợ đăng ký mã DOI cho các bài xuất bản của tạp chí. Hay nói cách khác, tài khoản DOI của tổ chức, cơ quan xuất bản được tích hợp vào phần mềm và từ đó thực hiện đăng ký DOI, không phải đăng ký qua nền tảng trực tuyến của tổ chức đăng ký mã DOI. Theo đó, tiền tố DOI là cố định vì gắn với từng tạp chí, hậu tố DOI sẽ thay đổi theo từng bài viết xuất bản khác nhau. Phần hậu tố có thể được điền và đăng ký thủ công hoặc đăng ký tự động dưới dạng ký tự ngẫu nhiên.

Các nhà cung cấp mã số định danh DOI

Tính đến thời điểm tháng 3/2023, có 12 tổ chức đăng ký mã DOI (Registration Agency – RA) (xem Bảng cuối bài).

Trong số 12 tổ chức đăng ký mã DOI, có 3 tổ chức được nhiều nhà xuất bản, TCKH lựa chọn là: Crossref, DataCite và mEDRA.

Các tổ chức đăng ký mã DOI khác chủ yếu tập trung vào việc cung cấp dịch vụ cho từng lĩnh vực khác nhau, quốc gia hoặc khu vực địa lý riêng biệt hoặc tập trung cung cấp dịch vụ cho các tài liệu nghiên cứu viết bằng các ngôn ngữ chuyên biệt.

Kết luận

Lịch sử hình thành mã định danh DOI đã cho thấy nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc số hóa, giới thiệu và quảng bá các nguồn dữ liệu thuộc nhiều lĩnh vực, ngôn ngữ khác nhau. Từ đó, có thể thấy tầm quan trọng của việc đăng ký mã DOI nhằm lưu trữ, hỗ trợ tìm kiếm và trích dẫn các tài liệu nghiên cứu khoa học.

Nhiều nhà xuất bản và TCKH uy tín thế giới đều đăng ký mã định danh DOI cho các xuất bản phẩm. Việc này giúp nâng cao sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của các xuất bản phẩm này cũng như thể hiện trách nhiệm cộng đồng của các cơ quan xuất bản. Trong xu thế hội nhập chung toàn cầu, các TCKH uy tín của Việt Nam cũng đã bắt đầu đăng ký mã định danh DOI cho các bài viết khoa học, cả các bài viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Chú thích:
1. Từ Thúy Anh. Phát triển Tạp chí theo định hướng ACI và các cơ sở dữ liệu quốc tế khác: Kinh nghiệm của Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế. Tọa đàm khoa học Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 8/2022.
2. Dai, X., Yin, B., Lyu, Y. & He, H. (2022). Analysis on tagging rules of suffix in digital object identifier. Chinese Journal of Scientific and Technical Periodicals, Vol. 31 No. 9, pp. 1.110 – 1.115.
Tài liệu tham khảo:
1. DOI Foundation (2023). Existing Registration Agencies. https://www.doi.org, truy cập ngày 15/3/2023.
2. DOI Foundation (n.d.). DOI Handbook. https://www.doi.org, truy cập ngày 15/3/2023.
PGS.TS. Từ Thúy Anh
Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế,
Trường Đại học Ngoại thương