Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh Long An

(Quanlynhanuoc.vn) – Xuất phát từ vai trò quan trọng của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài phải có sự quản lý nhà nước nhằm hạn chế tiêu cực trong những hoạt động của dự án. Trên cơ sở vận dụng lý thuyết nghiên cứu kết hợp đánh giá thực tiễn từ tỉnh Long An, là tỉnh có địa thế tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh – đầu tàu của nền kinh tế cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như vị trí của tỉnh Long An là cửa ngõ của đồng bằng sông Cửu Long, bài viết đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Long An.
Một khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An. (Ảnh: Báo SGGP).
Vai trò của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài

Vai trò của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTTTNN) đối với tăng trưởng kinh tế tại một quốc gia được thể hiện thông qua hai cơ chế là tác động trực tiếp và tác động gián tiếp. Cụ thể, tác động trực tiếp đối với hoạt động kinh tế là tác động cạnh tranh và tác động liên kết1. Tác động cạnh tranh được hình thành từ các doanh nghiệp ĐTTTNN trong việc sản xuất các sản phẩm mà trước đây thị trường nội địa phải nhập khẩu thì mới có được. Quy mô của tác động này gia tăng cùng với quy mô sản phẩm xuất hiện trên thị trường, do đó khi có sự xuất hiện của các doanh nghiệp ĐTTTNN thì sẽ có sự sụt giảm mạnh năng suất lao động của các doanh nghiệp trong nước.

Tác động liên kết được tạo ra do sự kết nối với các nhà cung ứng, cụ thể, như: nếu nhu cầu sử dụng nguồn cung ứng đầu vào nội địa từ các doanh nghiệp ĐTTTNN thấp hơn so với các doanh nghiệp trong nước thì sự tồn tại của các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá nội địa sẽ phụ thuộc vào các công ty sản xuất hàng hoá trung gian. Hơn nữa, tác động gián tiếp của ĐTTTNN đối với công nghiệp hoá là sự dịch chuyển mạnh mẽ về công nghệ, kéo theo sự gia tăng năng suất lao động, giá trị gia tăng và lợi nhuận của doanh nghiệp2.

Ngoài ra, dòng vốn ĐTTTNN không phải lúc nào cũng mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia/địa phương tiếp nhận. Để tối đa hoá những tác động tích cực của ĐTTTNN còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như: sự tồn tại, ảnh hưởng của sức cạnh tranh, sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên địa phương, sự linh hoạt của nguồn lực lao động có tay nghề. Song, bỏ qua những yếu tố này có thể dẫn đến việc suy giảm phúc lợi xã hội, chất lượng sử dụng vốn đầu tư thấp, thiếu tính bền vững, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; các hành vi gian lận của doanh nghiệp có vốn ĐTTTNN ngày càng tinh vi; một số dự án dành được quyền ưu đãi sử dụng đất đai, lĩnh vực bất động sản, sân golf nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế.

Các chính sách ưu đãi còn phức tạp, chồng chéo, nằm rải rác ở nhiều văn bản; thiếu theo dõi quả trình thực hiện chính sách; chưa thực hiện đánh giá tác động đầy đủ của chính sách và chi phí lợi ích mà chính sách đạt được; các thủ tục để được nhận ưu đãi chưa minh bạch. Do đó, quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế những tác động tiêu cực từ sự xâm nhập này của doanh nghiệp ĐTTTNN thông qua việc chọn lọc dòng vốn ĐTTTNN tốt, giảm thiểu sự đào thải của các doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để đẩy nhanh tiến độ hội nhập3.

Như vậy, cần thiết phải có sự quản lý nhà nước (QLNN) về ĐTTTNN nhằm sử dụng có hiệu quả ĐTTTNN. Bộ máy QLNN về kinh tế với chức năng quản lý kinh tế của mình sẽ tạo lập được các điều kiện cần thiết để dự án đầu tư; tạo lập được môi trường pháp lý, bảo đảm và khuyến khích hoạt động ĐTTTNN theo định hướng, chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của đất nước, phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế.

Kết quả công tác quản lý nhà nước đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh Long An

Tỉnh Long An nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi. Sau khi có Luật Đầu tư trực tiếp (ĐTNN), tỉnh Long An thu hút được một lượng lớn ĐTNN vào các lĩnh vực then chốt, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp tích cực cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Thứ nhất, đóng góp vào thu ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp dự án ĐTNN tăng qua các năm và chiếm một tỉ lệ khá cao trong tổng thu ngân sách tỉnh. Trong tổng số thu từ năm 2020 – 2022, thu từ các doanh nghiệp có vốn ĐTNN chiếm tỷ lệ khá cao và tăng trưởng ổn định. Nguyên nhân là do tỉnh Long An đã phát huy được các tiềm năng, lợi thế của địa phương, vị trí địa lý chiến lược, chính sách pháp lý rõ ràng. Nhiều nhà đầu tư nhận xét, lãnh đạo tỉnh rất năng động trong giải quyết các thủ tục, vướng mắc của doanh nghiệp nên có sức lan tỏa rộng, điểm cộng để kêu gọi, dự án đầu tư trong và ngoài nước.

Đóng góp của doanh nghiệp có vốn ĐTNN vào ngân sách nhà nước tỉnh Long An tăng qua các năm: năm 2020 là 3.482 tỷ đồng, năm 2021 tăng lên 5.195 tỷ đồng (tăng 49,2%) và năm 2022 tăng lên đến 5.463 tỷ đồng (tăng 5,2%), đồng thời, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp có vốn ĐTNN vào tổng thu ngân sách nhà nước địa phương cũng tăng dần: năm 2020 là 25,2%, năm 2021 là 29,2% và năm 2022 là 29,9%4.

Thứ hai, nguồn vốn ĐTNN đã đóng góp một phần trong bộ phận cấu thành của kinh tế tỉnh Long An. Tỉ lệ đóng góp của ĐTNN vào GRDP tại Long An, tăng dần từ 2020 và cao nhất trong 2022. Sự đóng góp của doanh nghiệp ĐTNN tương đối ổn định và thật sự là nguồn đóng góp quan trọng trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế tỉnh Long An.

Thứ ba, các dự án ĐTNN đã thu hút được một số lượng lớn lao động đang làm việc tại tỉnh Long An. Các doanh nghiệp này đã phần nào góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lao động dư thừa của tỉnh và các vùng lân cận, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Qua đó, lực lượng lao động tại Long An từng bước được hình thành kỹ năng quản lý tiên tiến, trình độ kỹ thuật và tay nghề cao, tác phong lao động công nghiệp, tiếp cận hệ thống khoa học – kỹ thuật hiện đại của các nước phát triển.

Mặc dù số lượng dự án ĐTNN liên tục tăng, tuy nhiên, các dự án ĐTNN tại tỉnh Long An vẫn còn một số hạn chế, như: tỷ lệ số dự án đi vào hoạt động không cao (năm 2022 tỷ lệ này chỉ đạt 62,2%), qua kiểm tra, giám sát cho thấy, phần lớn các hoạt động của dự án đều không đạt như kế hoạch đã đề ra…5

Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh Long An

Một là, công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh trong thời gian qua tuy có nhiều nhưng không đủ. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư quảng bá hình ảnh của tỉnh Long An rộng hơn bằng các kênh thông tin đại chúng, mở các văn phòng đại diện tại nước ngoài, hình thành các danh mục, dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài và tiến hành xúc tiến đầu tư có địa chỉ theo lộ trình thích hợp. Trong đó xác định rõ yêu cầu về đối tác dự án, sản phẩm, công suất, tiến độ, trình độ công nghệ, thị trường tiêu thụ, địa bàn thực hiện dự án, các chính sách khuyến khích, ưu đãi cần thiết.

Hai là, thủ tục hành chính cần đơn giản, gọn nhẹ, điều này giúp cho quá trình làm thủ tục đăng ký đầu tư triển khai xây dựng và hoạt động diễn ra thuận tiện và nhanh chóng hơn, góp phần tăng vốn ĐTTTNN vào địa phương. Chính quyền tỉnh cần áp dụng mọi chính sách ưu đãi hợp lý cho các nhà ĐTNN, tạo sân chơi công bằng, bình đẳng, không ngừng tạo ra các chính sách ưu đãi về tài chính cho các hoạt động ĐTTTNN, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Cán bộ tiếp nhận thủ tục hành chính phải luôn xác định làm việc tận tụy, chu đáo, có trách nhiệm đối với các nhà đầu tư. Hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh được niêm yết rõ ràng,…

Ba là, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ dự án ĐTTTNN. Chính sách phát triển dịch vụ hỗ trợ đến hoạt động ĐTTTNN là rất cần thiết cho các nhà ĐTNN, như: dịch vụ tư vấn hỗ trợ trong thực hiện các thủ tục hành chính, tư vấn pháp luật, cung cấp các thông tin đến thị trường, các chương trình marketing để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các dịch vụ tài chính, vận tải, kho bãi, hay chuyển giao công nghệ, dịch vụ hỗ trợ sau cấp phép.

Bốn là, tập trung vào sản xuất công nghiệp với các ngành nghề tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh lớn như điện tử, cơ khí, dược phẩm, công nghiệp hỗ trợ… tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp theo đúng quy hoạch, phù hợp với chủ trương mời gọi đầu tư bền vững mà tỉnh đã đề ra.

Tạo điều kiện cho các nhà ĐTNN theo quy định chung của Chính phủ Việt Nam, được hưởng ưu đãi nhiều chính sách và hỗ trợ đầu tư do tỉnh ban hành, trong đó có chính sách hỗ trợ cho các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ đào tạo nghề và tuyển dụng lao động…Cải cách thủ tục hành chính tinh gọn, một cửa; rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ chỉ còn 1/3 so với quy định chung, tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư triển khai nhanh dự án được cấp phép.

Năm là, kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư không phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước đủ năng lực về công nghệ. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện… Bên cạnh đó, những ưu đãi truyền thống như: ưu đãi thuế, giá thuê đất, chi phí nguyên liệu cần được điều chỉnh theo hướng áp dụng chủ yếu đối với các địa phương có trình độ phát triển thấp, cần dự án thâm dụng lao động.

Sáu là, xây dựng và triển khai Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tập trung vào giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trên địa bàn (hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ). Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách dự án các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đầu tư vào các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được Quốc hội quyết định thành lập khi điều kiện chín muồi.

Bảy là, tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư với nhà đầu tư, doanh nghiệp với quy mô hợp lý để tỉnh tiếp tục giới thiệu các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh.

Tám là, phải tập trung thực hiện nhanh các phương án: tập trung đền bù, giải tỏa, tạo quỹ đất sạch để chuẩn bị đón các nhà đầu tư; tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; luôn năng động trong cách nghĩ, cách làm; quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Chú thích:
1,2,3. Gueorguiev and Malesky (2012). Foreign investment and bribery: A firmlevel analysis of corruption in Vietnam. Journal of Asian Economics 23.2 (April, 2012): 111-129.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An. Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2016 – 2020.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh Long An. Định hướng phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025.
Ngô Văn Lê
Sở Công thương tỉnh Long An