Phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật ở các đơn vị cơ sở trong quân đội trước tác động của chuyển đổi số

(Quanlynhanuoc.vn) – Trước yêu cầu nhiệm vụ tiến hành xây dựng Quân đội cách mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực hoạt động. Việc phát huy tốt dân chủ, tăng cường kỷ luật trong toàn quân đã, đang là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tạo sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho quân đội luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Ảnh minh họa (thanhnienviet.vn)

Đơn vị cơ sở (ĐVCS) trong quân đội là nơi trực tiếp quán triệt và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của quân đội và đơn vị. Phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật là bản chất, truyền thống của quân đội ta. Phát huy tốt dân chủ và tăng cường kỷ luật ở các ĐVCS trong quân đội có vị trí, vai trò hết sức quan trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, ngăn ngừa mọi quân nhân vi phạm pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của quân đội. Đồng thời, bảo đảm cho mọi cán bộ, chiến sĩ (CBCS), quân nhân phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ; đề cao trí tuệ tập thể, sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất, giải quyết hài hòa các mối quan hệ cấp trên, cấp dưới.

1. Hiện nay, trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là cơ hội để Việt Nam tiếp cận những lĩnh vực khoa học, công nghệ mới, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhờ công nghệ thông tin phát triển tạo ra nhiều cơ hội, điều kiện để thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa trong Quân đội. Theo đó, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các ĐVCS cần tập trung xây dựng các bài giảng giáo dục điện tử, chương trình phổ biến pháp luật bằng công nghệ số, bài giảng thông minh, tận dụng hệ thống thông tin mạng nội bộ, trang website của nhà trường để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, từ đó, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật, mở rộng dân chủ cho CBCS ở đơn vị. Tận dụng sự phát triển của công nghệ, internet mà các hình thức xây dựng môi trường dân chủ, kỷ luật ở đơn vị sẽ linh hoạt về thời gian, không gian, phạm vi. CBCS được sử dụng tài liệu, bài giảng pháp luật trên các thiết bị thông minh làm tăng tính hấp dẫn và sức thuyết phục. Mọi CBCS, quân nhân có điều kiện được tiếp thu thông tin, kiến thức trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, quốc phòng. Đồng thời, mở rộng, thực hành dân chủ CBCS yên tâm công tác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm kỷ luật và các chế độ quy định, tích cực tham gia các hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, mặt trái của quá trình CĐS đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ chủ trì và cơ quan chính trị trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương ở các ĐVCS trong toàn quân. Quá trình CĐS ở các ĐVCS trong Quân đội với đặc điểm nổi trội là tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẻ rộng, hiệu quả tác động lớn, internet, mạng xã hội tác động một cách trực tiếp đến nhận thức, hành vi của mỗi CBCS. Song, sự phát triển nhanh chóng của internet và các mạng xã hội ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn; có những mặt trái tác động tiêu cực nhất là chi phối đến lập trường tư tưởng và ý thức tổ chức kỷ luật của từng quân nhân. Đây là môi trường thuận lợi cho các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, chống phá, cập nhật khối lượng lớn thông tin trái chiều, độc hại chưa được kiểm soát nhằm chia rẽ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, làm giảm niềm tin của nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, qua đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tác động mạnh vào nhận thức, tâm tư, tình cảm của CBCS ở các ĐVCS trong Quân đội.

2. Trong thời gian tới, trước yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ngày càng cao; các thế lực thù địch tăng cường chống phá; tác động mặt trái xã hội; việc thực hiện điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh giản biên chế sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm của CBCS ở các ĐVCS trong Quân đội. Điều đó đặt ra yêu cầu cao hơn về phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật và phải có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng bản lĩnh chính trị, trận địa tư tưởng, sự đoàn kết, thống nhất trong mỗi cơ quan, đơn vị, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Một, tích cực giáo dục nâng cao nhận thức về chấp hành nghiêm kỷ luật và thực hành dân chủ trong quá trình CĐS ở ĐVCS. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác đảng, công tác chính trị. Do đó, cấp ủy, cơ quan chính trị, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, làm cho toàn quân nhận thức sâu sắc hơn về quan điểm, chủ trương CĐS quốc gia và chuyển sổi số từng lĩnh vực của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cho các lực lượng tham gia vào quá trình CĐS ở các đơn vị, từ đó, từng bước nâng cao nhận thức về dân chủ và kỷ luật: “Kỷ luật là sức mạnh của Quân đội, kỷ luật của Quân đội là kỷ luật sắt, tự giác, nghiêm minh”; việc đẩy mạnh thực hành dân chủ làm cơ sở tạo sự đồng thuận, đoàn kết toàn quân là một khối thống nhất về ý chí và hành động, ra sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.

Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phải thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên về thực hiện dân chủ và chấp hành kỷ luật, pháp luật. Quán triệt Kết luận số 1249-KL/QUTW ngày 27/11/2019 của Quân ủy Trung ương về tình hình chấp hành kỷ luật của toàn quân; Chỉ thị số 103/CT-BQP ngày 28/11/2019 của Bộ Quốc phòng về việc tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Công văn số 1598/CT-TH ngày 06/9/2019 của Tổng cục Chính trị về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, quản lý tư tưởng, ngăn chặn các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật”; Công văn số 1740/CT-TH ngày 01/9/2020 của Tổng cục Chính trị về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, quản lý tư tưởng, ngăn chặn vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm gắn với triển khai thực hiện “Năm Kỷ luật, kỷ cương 2020” và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”… Trên cơ sở đó, giáo dục cho CBCS nhận thức sâu sắc về kỷ luật và thực hành dân chủ đối với việc nâng cao chất lượng chiến đấu, sức mạnh tổng hợp của Quân đội. Thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ cơ sở. Tăng cường, giáo dục CBCS, quân nhân nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật; tập trung khắc phục khâu yếu, mặt yếu, xây dựng đơn vị “vững về chính trị, mạnh về quân sự, dân chủ, kỷ luật nghiêm minh, có sức chiến đấu cao”.

Hai là, tập trung xây dựng, hoàn thiện nền tảng số ở các đơn vị gắn với xây dựng hệ thống quản lý hành chính quân sự hiện đại. Chú trọng xây dựng và triển khai đầu tư thiết bị công nghệ thông minh, hoàn thiện hệ thống mạng internet tốc độ cao; hệ thống mạng nội bộ, hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống kết nối chỉ huy bảo đảm thuận tiện cho quá trình quản lý, chỉ huy, điều hành, xử lý thông tin. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hành chính: Phần mềm quản lý cán bộ, phần mềm quản lý đảng viên, phần mềm quản lý tài chính, kế toán và phần mềm bảo hiểm xã hội… Bồi dưỡng nâng cao trình độ sử dụng, quản lý văn bản điện tử cho cán bộ quản lý. Đa dạng hóa các hình thức, phương thức hiện đại để kết nối giao tiếp, đối thoại giữa lãnh đạo, chỉ huy với CBCS. Tạo điều kiện cho CBCS được tham gia đóng góp ý kiến đối với các hoạt động của cấp ủy, chính quyền bằng các hình thức công nghệ số. Tuy nhiên, hoạt động hành chính quân sự đòi hỏi tính bảo mật rất cao, mức độ an toàn thông tin tuyệt đối. Do đó, để thực hiện CĐS trong lĩnh vực quản lý hành chính quân sự ở các ĐVCS cần tiến hành rất thận trọng. Quản lý chặt chẽ máy tính của các cơ quan, đơn vị, phát hiện kịp thời tránh bị nhiễm mã độc; khắc phục tình trạng kết nối máy tính quân sự vào internet, sử dụng USB không đúng quy định để kết nối vào máy tính quân sự…

Ba là, xây dựng môi trường văn hóa quân sự phong phú, lành mạnh, tạo cơ sở, nền tảng để giữ nghiêm kỷ luật và thực hành dân chủ trước tác động của CĐS. Để phát huy ý nghĩa, giá trị mang lại từ CĐS, trước mắt là trong lĩnh vực hành chính quân sự, rất cần tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp về tăng cường kỷ luật, thực hành dân chủ cần phải coi trọng xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, phong phú, lành mạnh. Duy trì chặt chẽ, nền nếp chế độ ngày, tuần; làm việc theo chức trách và thực hiện nghiêm kế hoạch thời gian làm việc, huấn luyện, công tác, sinh hoạt, quản lý quân số theo phân cấp. CBCS thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống có văn hóa; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” để “chống”, lấy cái “đẹp” dẹp cái “xấu”; giáo dục, thuyết phục với sử dụng biện pháp hành chính, lấy giáo dục, thuyết phục, cảm hóa, ngăn ngừa, đề phòng là chính, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; gắn kết hợp giữa đơn vị với địa phương, gia đình để nắm, quản chặt tư tưởng chính trị, ý thức kỷ luật của chiến sĩ, quân nhân, chú trọng các đối tượng cá biệt, hoàn cảnh khó khăn, có biểu hiện bất thường về tâm lý, tình cảm, chậm chuyển biến, tiến bộ và có mối quan hệ phức tạp… Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, Hội đồng quân nhân trong quản lý, giáo dục hội viên, đoàn viên. Tích cực xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh trong mỗi CBCS; đồng thời, tuyên truyền, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, “phi chính trị hóa” Quân đội và biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động và tự giác chấp hành kỷ luật của các CBCS, từ đó, nắm bắt tình hình và ngăn chặn tác động tiêu cực của CĐS. Đây là yêu cầu quan trọng để gắn chặt giữa xây và chống trong thực hiện dân chủ và tăng cường kỷ luật ở các ĐVCS trong điều kiện CĐS đang diễn ra mạnh mẽ. Thường xuyên động viên, thúc đẩy CBCS tự giác thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để mỗi CBCS tích cực tìm tòi, nghiên cứu để hiểu thấu tính hai mặt và sự tác động của CĐS đến đời sống sinh hoạt, học tập, công tác. Phát huy những mặt thuận lợi, tích cực trong khai thác sử dụng công nghệ nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của bản thân; phát huy năng lực nhận diện các thủ đoạn của địch, phân biệt tính xấu độc, trái chiều, nguy hại của thông tin; phát triển kỹ năng “tự bảo vệ”, “miễn dịch” trong khai thác sử dụng công nghệ và mạng xã hội. Mỗi CBCS có ý chí quyết tâm cao, chủ động, tích cực, tự giác rèn đức, luyện tài; tiếp thu kiến thức chuyên môn, kiến thức thực tiễn; nắm vững chức trách, nhiệm vụ, lối sống lành mạnh, loại bỏ những tác động tiêu cực của CĐS đến tư tưởng, chấp hành kỷ luật, thực hiện dân chủ ở ĐVCS.

Trước tác động mạnh mẽ của quá trình CĐS các ĐVCS trong quân đội việc tích cực phát huy dân chủ và tăng cường kỷ luật, kỷ cương là một đòi hỏi khách quan, một việc làm xuyên suốt và là trách nhiệm chính trị của mọi tổ chức, cá nhân, nhất là của cấp ủy và cán bộ chủ trì các cấp. Khi dân chủ không ngừng được xây dựng, mở rộng thì sẽ tạo nên động lực phát triển, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Qua đó, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh của quân đội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2020 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
2. Quyết định số 889/QĐ-BQP ngày 22/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt Kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường quân đội trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư giai đoạn 2018 2020 và những năm tiếp theo.
3. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Trung tá Lê Việt Dũng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng