Quán triệt quan điểm, tư tưởng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, lâu dài, liên tục nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng với yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bài viết làm rõ những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, định hướng xuyên suốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ.
Ảnh: kiemsat.vn.

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành (gọi tắt là cuốn sách) là một tài liệu quý, gối đầu dường của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong “tự soi”, “tự sửa” để từng bước sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay. Đặc biệt, với giai cấp công nhân, cuốn sách là những chỉ dẫn quan trọng xây dựng bản lĩnh, lập trường vững vàng luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của Nhân dân lên trên hết, trước hết, phát huy tính tiền mong, gương mẫu trong nói và làm theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Những quan điểm, tư tưởng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức “tự soi, tự sửa”

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh”1. Trong Cuốn sách Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Bản chất giai cấp công nhân đòi hỏi Đảng phải được tổ chức chặt chẽ và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tập thể lãnh đạo, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thường xuyên tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Mọi sự chia rẽ, bè phái, buông lỏng kỷ luật đều trái với bản chất giai cấp công nhân của Đảng”2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” để giữ vững danh hiệu thiêng liêng cao quý đó, giai cấp công nhân (cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức…) cần quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt được Tổng Bí thư trình bày trong cuốn sách là “kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng; chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách”3. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để định hướng phương sách và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tham gia vào cuộc đấu tranh không có “tiếng súng”, đấu tranh chống giặc “nội xâm”, đấu tranh với đồng chí, đồng đội của mình… Đây là cuộc chiến trường kỳ, toàn diện, gian khổ và phức tạp không thể chiến thắng ngay được trong một sớm, một chiều mà cần phải có lộ trình, bước đi thận trọng, cụ thể, phù hợp, hiệu quả với yêu cầu, nhiệm vụ ở từng giai đoạn, thời kỳ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng đánh giá, nhận định, tham nhũng, lãng phí đó là “giặc nội xâm” ở trong lòng mình, là loại giặc “vô hình, vô cảm” vô cùng nguy hiểm. Nó “luôn luôn lẩn lút trong mình ta”, “khó thấy, khó biết”; đó là “một cuộc chiến đấu khổng lồ” để “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Trong cuốn sách Tổng Bí thư khẳng định: “trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng; không thể chủ quan, nóng vội; không được né tránh, cầm chừng, thỏa mãn; trái lại, phải rất kiên trì, “không nghỉ”, “không ngừng”4.

Quán triệt những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta diễn ra trong thời gian qua đã đi đúng hướng, đạt được mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, trưởng thành về số lượng, chất lượng, hoàn thành thắng lợi các yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo đời sống cho các tầng lớp Nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại, củng cố quốc phòng, an ninh. Từ những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đó mà cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân, có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, được dư luận thế giới đánh giá cao. Mỗi lần gặp gỡ, tiếp xúc cử chi, phát biểu chỉ đạo Hội nghị của các cơ quan, ban ngành, Tổng Bí thư đều nhấn mạnh việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham nhũng, tiêu cực phải mang tính nhân văn, nhân đạo, có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục. Tổng Bí thư khẳng định: “không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”5.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”6.

Quan điểm, tư tưởng của Bác Hồ kính yêu được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng truyền vào cuốn sách với ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ nhưng không kém phần sâu sắc đanh thép, khẳng định ý chí, quyết tâm mạnh mẽ, quyết liệt không gì lay chuyển được của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Tổng Bí thư là người đại diện nói lên khát vọng, mong muốn đó. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, tiền tài, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện ở thái độ kiên quyết, không khoan nhượng và hành động quyết liệt, cụ thể, thiết thực, hiệu quả”7.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, hợp lòng dân của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, mọi đối tượng từ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong Đảng, bộ máy hành chính Nhà nước đến khu vực kinh tế tư nhân; từ cán bộ đương chức cho đến cán bộ đã nghỉ hưu, với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”, “không chịu sức ép từ bất kỳ cá nhân, tổ chức nào”, nếu tham nhũng, tiêu cực đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tinh thần, khí thế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị diễn ra liên tục, không ngừng, không nghỉ, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhóm lên ngọn lửa “đốt lò” vĩ đại trong lịch sử dân tộc.

Trong giai đoạn 2012 – 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 29 ủy viên Trung ương nguyên ủy viên Trung ương Đảng; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng8. Điều đó cho thấy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không dừng lại ở những lời nói, khẩu hiệu suông mà đã trở thành hiện thực sinh động trong đời sống sinh hoạt chính trị của Đảng ta; là mệnh lệnh của cuộc sống, là yêu cầu cấp bách sống còn của chế độ ta.

Trong cuốn sách Tổng Bí thư đã nhìn nhận, đánh giá tham nhũng, tiêu cực không chỉ xuất hiện ở cơ quan Nhà nước mà hiện nay còn xuất hiện ở khu vực ngoài Nhà nước, có sự móc nối, tiếp tay ở bên ngoài với cán bộ bên trong Nhà nước. Vì vậy, tính chất, mức độ, phạm vi của tham nhũng, tiêu cực rất tinh vi, xảo quyệt gây ra hậu quả nghiêm trọng, không chỉ làm thất thoát tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong Nhân dân, giảm sút uy tín, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đã không chiến thắng được chính mình, vì tiền tài, lợi ích vật chất quá lớn mà tham nhũng, tiêu cực, tiếp tay cho những kẻ xấu, có lòng dạ không trong sáng để bòn rút của cải của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận ra điều đó, cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, tiêu cực diễn ra về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Đây mới là căn nguyên, cội nguồn để dẫn đến hành vi tham nhũng, tiêu cực và tham nhũng, tiêu cực về mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, theo Tổng Bí thư vô cùng nguy hiểm, làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và cuối cùng là mất chế độ. Nếu cái tâm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu trong sáng, toàn tâm, toàn ý về công việc, có đạo đức, lối sống tốt, ít ham muốn lợi ích vật chất, tiền tài, địa vị, danh vọng sẽ không bao giờ tham nhũng, tiêu cực. Ngược lại, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu không gương mẫu, không chịu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, sống buông thả, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, thích có nhiều tiền sẽ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, tiếp tay, đồng lõa với những hành vi xấu ở khu vực ngoài Nhà nước.

Một số biện pháp quán triệt quan điểm, tư tưởng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay

Sự lớn mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ của giai cấp công nhân Việt Nam là nhân tố quan trọng quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đồng thời, là điều kiện bảo đảm cho giai cấp công nhân luôn có đủ năng lực, uy tín lãnh đạo, chỉ đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nội dung của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, nghị quyết các hội nghị Trung ương khoá XIII đã xác định.

Một là, giai cấp công nhân Việt Nam phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là biện pháp rất quan trọng có ý nghĩa hàng đầu để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc những quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, chấp hành nghiêm Hiến pháp, pháp luật Nhà nước.

Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nếu có sai phạm, khuyết điểm; tùy theo tính chất, mức độ, phạm vi mà có hình thức, biện pháp kỷ luật phù hợp, hiệu quả, không thể chối cãi được mà phải thành thật nhận lỗi, nhận khuyết điểm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu “nhúng chàm” vào tham nhũng, tiêu cực phải nhận thức rõ những sai phạm của mình, không quanh co, đổ lỗi cho người khác, rũ bỏ trách nhiệm, thẳng thắn, mạnh dạn nhận trách nhiệm, nhận ra sai phạm, từ đó đề ra quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, sai lầm.

Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu thường xuyên thông tin, tuyên truyền kịp thời những nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật… đến 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đặc biệt là những quy định, thông tin mới có liên quan đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải được kịp thời, chính xác; nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Bởi đây là bộ phận ưu tú, tiêu biểu nhất của giai cấp công nhân Việt Nam, sự trưởng thành, lớn mạnh của họ về mọi mặt sẽ làm cho uy tín, sức mạnh của Đảng ngày càng được nâng lên trên trường quốc tế, trở thành giai cấp lãnh đạo xã hội và hệ thống chính trị.

Hai là, làm tốt công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có năng lực, uy tín, phẩm chất đạo đức, lối sống.

Đây là biện pháp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay, cũng là nhân tố có ý nghĩa quyết định để quy tụ, tập hợp lực lượng tạo thành sức mạnh thúc đẩy sự phát triển toàn diện về mọi mặt của cơ quan, đơn vị, địa phương; công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ đúng với năng lực, sở trường, thế mạnh của mỗi người sẽ đánh thức, khơi dậy và phát huy được nhiệt huyết, tinh thần, trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao; ngược lại,  công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ không đúng với chuyên môn, sở trường sẽ kìm hãm, cản trở sự phát triển đi lên của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, không tạo ra được bước đột phá trong từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể.

Từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế về cán bộ và công tác cán bộ. Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả để cảnh tỉnh, răn đe. Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm việc hăng say, nhiệt tình, trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ khi được cấp trên giao có hình thức, biện pháp khen thưởng, động viên xứng đáng. Đồng thời, cơ quan, chức năng mà thường xuyên, trực tiếp là Ban Tổ chức Trung ương phải làm tốt công tác tham mưu, đề xuất cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, phù hợp, bịt kín những “lỗ hổng”, không tạo ra “khoảng trống”, “kẻ hở” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ba là, lấy hiệu quả công việc và uy tín trước tập thể để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Hiệu quả công việc cao hay thấp, chất lượng hay không chất lượng, uy tín trước tập thể, Nhân dân là yếu tố rất quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay. Hiệu quả công việc được thể hiện ở công việc hàng ngày được giao, ở các mối quan hệ, ứng xử giải quyết với đồng chí, đồng đội trong đơn vị và với các tầng lớp Nhân dân ở bên ngoài, được mọi người thừa nhận, đánh giá cao. Qua những hành vi, ứng xử như vậy, sẽ là căn cứ quan trọng để xếp loại đánh giá mức độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao, giúp cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng phương án, kế hoạch đưa vào nguồn phát triển, hoặc bổ nhiệm, xắp xếp vào những vị trí cao hơn. Việc căn cứ vào chất lượng công việc chỉ là một kênh, một phương pháp đánh giá, xếp loại mà còn thông qua nhiều phương tiện khác nhau, lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín, đột xuất giao một nhiệm vụ… qua đó, sẽ đánh giá tương đối chính xác, khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và giúp cho cấp uỷ, tổ chức đảng ở cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu, xem xét, bố trí đối với những đồng chí có tín nhiệm thấp vào công việc phù hợp, hoặc nếu có nguyện vọng đề đạt với cấp uỷ có thể nghiên cứu cho chuyển công tác.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương hành động mạnh mẽ, quyết liệt, không nể nang, né tránh, ai làm được việc có hình thức, biện pháp khen thưởng xứng đáng, ai không làm được việc có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả, có như vậy, mới đem lại sự công bằng, bình đẳng trong xã hội, tạo động lực, khí thế mới để mỗi người hăng say lao động, làm việc, công hiến tài năng, trí tuệ cho môi trường sống và làm việc.

Bốn là, phát huy sức mạnh của quần chúng Nhân dân trong tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Quần chúng Nhân dân có vị trí, vai trò quan trọng đối với tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh hiện nay. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều là con em của Nhân dân, nằm trong Nhân dân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân phục vụ. Mọi hành động, việc làm dù lớn hay bé của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều được Nhân dân giám sát. Vì vậy, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực này, huy động được sức mạnh của Nhân dân sẽ là một thắng lợi quan trọng, góp phần giữ vững, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Xây dựng thái độ trọng dân, gần dân, sát dân, hiểu dân; quan tâm, chăm lo đến quyền và lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu, đích hướng đến của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; thấu hiểu và cảm thông với những khó khăn, vất vả của người dân, qua đó mà có những cơ chế, chính sách, phù hợp với từng đối tượng, tạo sự đoàn kết, thống nhất về ý chí, hành động cách mạng trong toàn xã hội, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân.

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị lý luận, thực tiễn vô cùng to lớn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nói chung và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay nói riêng. Quán triệt những quan điểm, tư tưởng trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ góp phần phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Đồng thời, tăng lên niềm tin về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho giai cấp công nhân Việt Nam.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam nhất định sẽ nêu cao bản chất cách mạng, tinh thần tiên phong, nòng cốt, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân giữ vững và phát huy các thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta ngày càng giàu đẹp, hùng cường”9.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.146.
2,3,4,5,7,8. Nguyễn Phú Trọng. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2023, tr.255, 21, 37, 38, 28, 103, 117 – 118.
6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr.301.
7. Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2022, tr.294.
Thiếu tá Nguyễn Đình Nam
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng