Tích cực hóa hoạt động nghiên cứu và đọc sách cho đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ ở các học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu và đọc sách là một trong những phương thức quan trọng góp phần củng cố, trau dồi, làm giàu tri thức khoa học, nâng cao bản lĩnh, kỹ năng, phương pháp, tác phong công tác, kinh nghiệm thực tiễn hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng các học viện, trường sĩ quan quân đội chính quy, vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu” trong tình hình mới. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm tích cực hóa hoạt động nghiên cứu và đọc sách cho đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ ở các học viện, trường sĩ quan quân đội.
Ảnh minh họa (http://hcm.qdnd.vn).
Hoạt động nghiên cứu và đọc sách của đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ ở các học viện, trường sĩ quan quân đội

Trong đời sống xã hội, sách là sản phẩm trí tuệ, là kho tàng kiến thức vô cùng quý báu của con người được khái quát từ hoạt động thực tiễn, nền văn hóa, lịch sử của các cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Sách giữ vai trò là công cụ lưu giữ, lan tỏa những thành tựu của loài người trong quá trình phát triển; góp phần làm cho con người hiểu được về quá khứ, biết được những vấn đề của hiện tại và hình thành tư duy, nhận thức định hướng, dẫn dắt hành động trong thực tiễn. Nghiên cứu và đọc sách đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu cùng với chiều dài lịch sử phát triển của nhân loại, là một trong những phương thức hiệu quả để hoàn thiện nhân cách cá nhân theo những chuẩn mực chung của xã hội.

Ở nước ta, ngày 15/3/2017, Chính phủ đã ban hành Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm nâng cao nhận thức của mỗi công dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu và đọc sách đối với sự tiến bộ xã hội, cũng như sự phát triển tri thức, kỹ năng, hoàn thiện nhân cách của mỗi con người. Trong đó, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của gia đình và nhà trường, toàn xã hội về phát triển văn hóa đọc. Trong đó, “Khuyến khích các phương tiện thông tin đại chúng có chuyên mục thường kỳ về văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc. Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong phát triển văn hóa đọc; có hình thức tôn vinh người đọc có hiệu quả”1.

Những năm gần đây, đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ (CBGVT) ở các học viện, trường sĩ quan Quân đội (TSQQĐ) không ngừng tăng về số lượng, đảm nhiệm vai trò quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của nhà trường; trực tiếp tham gia vào hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các học viện, TSQQĐ vững mạnh toàn diện theo hướng hiện đại, chính quy, “mẫu mực, tiêu biểu”. Từđó, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải phải không ngừng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên nói chung và CBGVT nói riêng về mọi mặt: phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ tri thức, kỹ năng, phương pháp, tác phong công tác… Qua việc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu và đọc sách, các CBGVT đãhưởng ứng tích cực, chú trọng tham gia trọng hoạt động nghiên cứu, đọc sách nhiều hơn, giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu và đọc sách của CBGVT

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hoạt động nghiên cứu và đọc sách của một số CBGVT đã có sự thay đổi cả về hình thức và phương pháp đọc sách. Việc đọc sách điện tử trở nên dễ dàng hơn nhưng lại có biểu hiện sao nhãng, tính tích cực, tự giác nghiên cứu và đọc sách chưa cao do những trang quảng cáo, các chương trình giải trí thu hút họ nhiều hơn. Một số CBGVT còn thụ động, chưa thật sự khoa học trong xây dựng, thực hiện kế hoạch nghiên cứu và đọc sách… do họ chỉ coi đó là phong trào, không có sự lựa chọn tìm đọc đúng những cuốn sách có giá trị cho việc nghiên cứu, hay những cuốn sách giúp cho họ trnhs được lỗi sai chính tả, lỗi về câu cú, ngữ pháp hoặc cách ứng xử văn hoá trong nhà trường, gia đình và xã hội.

Một số giải pháp

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo và nghiên cứu khoa học; thiết thực góp phần hiện thực hóa phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” đòi hỏi mỗi CBGVT ở các học viện, TSQQĐphải nêu cao ý thức, trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, phấn đấu xứng đáng là tấm gương mẫu mực, tiêu biểu trong thực hiện phong trào nghiên cứu và đọc sách. Theo đó, cần quán triệt và thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi CBGVT về vị trí, tầm quan trọng của việc nghiên cứu và đọc sách.

Đây là giải pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm nuôi dưỡng, thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu và đọc sách của mỗi CBGVT. Nhận thức có vai trò rất lớn trong hoạt động của con người; nhận thức đúng là cơ sở cho hình thành tình cảm và hành động đúng. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm định hướng cho CBGVT nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi đúng đắn đối với việc nghiên cứu và đọc sách. Tuyên truyền, giáo dục CBGVT về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nghiên cứu và đọc sách; thực hiện nghiêm túc, có chất lượng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4); đẩy mạnh giới thiệu,định hướng các ấn phẩm có chất lượng của Việt Nam và thế giới để lan tỏa phong trào nghiên cứu và đọc sách trong cơ quan, đơn vị, qua đó, kích thích nhu cầu đọc sách của CBGVT.

Bên cạnh việc tuyên truyền, quán triệt, cần đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động nghiên cứu và đọc sách của CBGVT, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đó, nhằm chuyển hóa tri thức thành động cơ, thái độ ứng xử của CBGVT đối với hoạt động đọc sách, tôn vinh giá trị của sách; khẳng định vị trí, vai trò của sách trong đời sống xã hội; khơi dậy niềm đam mê của mỗi CBGVT với sách; nâng cao tinh thần tích cực, tự giác nghiên cứu và tìm kiếm tri thức khoa học thông qua đọc sách, phục vụ việc luận giải một cách khoa học và thuyết phục các vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Hai là, quan tâm đầu tư thư viện hiện đại, thuận tiện cho hoạt động nghiên cứu và đọc sách của CBGVT.

Thư viện là nơi cung cấp, đáp ứng nhu cầu thông tin của CBGVT, giúp họ phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, cần quan tâm xây dựng hệ thống thư viện hiện đại, xem đây là thiết chế quan trọng, trực tiếp tham gia cấu thành chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của các học viện, TSQQĐ. Trước sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống thông tin khoa học và thông tin khoa học quân sự, cần chú trọng xây dựng mô hình thư viện thân thiện, thư viện điện tử, lấy bạn đọc làm trung tâm, phục vụ tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng; bảo đảm tính chuyên dụng, tiện nghi và tính thẩm mỹ; tạo sức hấp dẫn, giúp CBGVT có sự thoải mái, hứng thú khi đến thư viện nghiên cứu và đọc sách.

Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư phát triển nguồn tài liệu của thư viện không chỉ đầy đủ về số lượng mà còn bảo đảm về chất lượng; quan tâm xử lý, kiểm soát, sàng lọc tài liệu để bảo đảm được tính cập nhật mới, kịp thời, chuyên dụng trong các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu khoa học của nhà trường. Đặc biệt, trong các khâu quản lý, phục vụ bạn đọc với đối tượng là CBGVT cần ưu tiên ápdụng khoa học – công nghệ, ứng dụng các phần mềm thư viện hiện đại một cách đồng bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu số, các bộ sưu tập số để mang lại hiệu quả cao trong quá trình hoạt động. Quan tâm nghiên cứu xây dựng các phòng đọc thân thiện có kết nối internet, các phòng tư liệu hiện đại có khả năng phục vụ tối đa nhu cầu đọc sách cả trong và ngoài giờ hành chính; giúp CBGVT không bị giới hạn về thời gian và không gian và tăng thêm thời gian tự nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần bổ sung, tích hợp thêm dịch vụ hỗ trợ, tư vấn cho CBGVT đặt, mượn tài liệu, sách trực tuyến đáp ứng mọi nhu cầu nghiên cứu một cách hiệu quả.

Ba là, đa dạng hóa các hoạt động nghiên cứu và đọc sách của CBGVT.

Để nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu và đọc sách của CBGVT thì việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động là hết sức cần thiết. Trong đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quan tâm đa dạng hóa hoạt động nghiên cứu và đọc sách của CBGVT như: tổ chức sinh động Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4); tọa đàm giao lưu tác giả, tác phẩm; giao lưu bạn đọc; trưng bày sách, giới thiệu sách mới; giới thiệu kỹ năng “đọc sách hay và chọn sách quý”,… vận động mỗi CBGVT phấn đấu trở thành một tấm gương sáng trong nghiên cứu và đọc sách.

Cần xây dựng kế hoạch tổ chức nghiên cứu và đọc sách cho CBGVT một cách khoa học, chặt chẽ; phân công tổ chức thực hiện kế hoạch một cách cụ thể; quan tâm động viên, hướng dẫn kỹ năng đọc sách, phương pháp tra cứu thông tin và sử dụng thư viện cho CBGVT; thường xuyên nhân rộng điển hình, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong nghiên cứu và đọc sách; đồng thời, phối hợp với phòng (ban) khoa học quân sự, phòng (ban) thông tin khoa học quân sự xây dựng kế hoạch đọc sách hằng tuần, hằng tháng, hình thành nhu cầu đọc sách thường trực cho CBGVT.

Bên cạnh đó, mỗi CBGVT cần chủ động, tích cực, tự giác không ngừng xây dựng và hình thành thói quen đọc sách; chủ động, hăng hái tham gia các diễn đàn, tuyên truyền, trao đổi về phương pháp, kỹ năng nghiên cứu và đọc sách do cơ quan, đơn vị tổ chức; mạnh dạn, nhiệt huyết chia sẻ, lan tỏa những kinh nghiệm hay của bản thân về hoạt động nghiên cứu và đọc sách, cũng như việc vận dụng những kiến thức, hiểu biết vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ sư phạm được giao.

Bốn là, quan tâm bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng nghiên cứu và đọc sách cho CBGVT.

Để CBGVT nghiên cứu và đọc sách một cách hiệu quả đòi hỏi không phải chỉ nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn với ý chí và quyết tâm cao, mà còn phải có phương pháp và kỹ năng đọc sách đúng đắn. Theo đó, mỗi CBGVT cần xác định nhu cầu sách để phục vụ yêu cầu nhiệm vụ và những loại sách đọc theo sở thích của bản thân; quán triệt phương châm “đọc sách không cốt lấy nhiều, mà quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ”2. Đồng thời, cần thiết lập, thực hiện quyết tâm nghiên cứu và đọc sách của bản thân một cách phù hợp theo hướng tăng dần cả về định mức thời gian, cũng như số lượng đầu sách.

Mỗi CBGVT có thể vận dụng một cách linh hoạt các kỹ năng nghiên cứu và đọc sách hiệu quả, như: đọc lướt, đọc có trọng điểm, đọc nghiền ngẫm và đọc toàn bộ đối với từng loại tài liệu đọc cụ thể (sách, tài liệu nghiên cứu; sách, tài liệu phổ thông; sách, tài liệu giải trí;…). Bên cạnh đó, trước khi đọc sách nên đọc kĩ lời nói đầu, cũng như phần mục lục để có tri thức tổng quan về nội dung sơ lược của quyển sách. Đây là kỹ năng rất quan trọng, giúp mỗi CBGVT có thể đưa ra quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn phương pháp đọc một cách phù hợp và lựa chọn các cuốn sách phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, mỗi cán bộ, giảng viên cần rèn luyện tư duy tích cực trong quá trình nghiên cứu và đọc sách. Trước, trong và sau mỗi hoạt động đọc sách phải đặt mục tiêu đạt được kết quả nhất định (nắm bắt nội dung cơ bản, cốt lõi nhất của cuốn sách; bổ sung tri thức, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn cho bản thân;…). Đồng thời, cần tránh lối đọc thụ động, lười suy nghĩ, lười ghi chép trong quá trình đọc sách.

Kết luận

Nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu và đọc sách của CBGVT hiện nay là hoạt động quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBGVT, cũng như hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giáo dục – đào tạo và nghiên cứu khoa học của các học viện, TSQQĐ. Đây vừa là vấn đề có tính cấp bách, vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, đòi hỏi các chủ thể lãnh đạo, quản lý và bản thân mỗi CBGVT cần phát huy cao nỗ lực chủ quan trong tổ chức thực hiện để mang lại hiệu quả cao nhất.

Chú thích:
1. Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
2. Chu Quang Tiềm. Bàn về đọc sách. Ngữ Văn 9. Tập 2. H. NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr. 4.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Quế Anh, Nguyễn Thúy Cúc, Đỗ Thị Thu Hà, Hà Thị Huệ, Lê Thị Quyên. Văn hóa đọc với việc hình thành vốn tri thức, kỹ năng sống và phát triển nhân cách con người. NXB Lao động, 2020.
2. Nguyễn Đăng Điệp. Văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay (từ thực tiễn tiếp nhận văn học). H.NXB Khoa học xã hội,
3. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
4. Thông tư số 138/2020/TT-BQP ngày 10/11/2020 của Bộ Quốc phòng quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
ThS. Hoàng Chung Hiếu
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng