Tinh thần “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam trong đối phó với đại dịch Covid-19

(Quanlynhanuoc.vn) – Tinh thần “hộ quốc an dân” trong Phật giáo đã góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam, đó là sự tôn trọng đất nước và Nhân dân, quan tâm đến đời sống của mọi người và vị tha trong đối nhân xử thế. Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, tinh thần “hộ quốc an dân” của Phật giáo đã được phát huy để giúp đỡ người dân và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn, đồng hành cùng Chính phủ chống lại dịch bệnh, đồng thời, chia sẻ những thông điệp tinh thần ý nghĩa nhằm giúp cho mỗi người dân vững vàng hơn để vượt qua đại dịch.
Ảnh minh họa (daibieunhandan.vn).

Phật giáo Việt Nam (PGVN) chứa đựng một tư tưởng, một chân lý, một triết lý sống, giúp con người hành thiện, sống thiện, sống có đạo đức. Tinh thần “hộ quốc an dân” trong Phật giáo đã góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam, đó là sự tôn trọng đất nước và Nhân dân, quan tâm đến đời sống của mọi người và vị tha trong đối nhân xử thế. Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, tinh thần này của Phật giáo thể hiện ở những việc làm cụ thể, như: đóng góp tiền vào Quỹ vắc-xin, tặng khẩu trang, thực phẩm, nước uống, chăm sóc người bị covid; đồng thời, còn chia sẻ những thông điệp tinh thần ý nghĩa nhằm giúp cho mỗi người dân vững vàng hơn để vượt qua đại dịch.

Tinh thần “hộ quốc an dân” trong Phật giáo

Cốt lõi của tinh thần “hộ quốc an dân” trong PGVN là bao giờ cũng đặt sự tồn vong, sự phát triển của mình trong sự tồn vong và phát triển chung của dân tộc. Điều đó có nghĩa, đời sống sinh hoạt Phật giáo người Việt luôn song hành với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước1. Có thể thấy, tinh thần này đã phản ánh tư tưởng của PGVN về trách nhiệm xã hội và sự quan tâm đến sự phát triển của cộng đồng.

Đối với PGVN, tinh thần hộ quốc có nghĩa là đồng hành, hỗ trợ Chính phủ và cộng đồng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ đất nước và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Tinh thần an dân là tinh thần yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ những người bị bệnh tật, khó khăn và cần được hỗ trợ2..

Như vậy, có thể hiểu, tinh thần “hộ quốc an dân” là một việc làm có ý nghĩa của Giáo hội PGVN. PGVN luôn đồng hành cùng dân tộc, vì sự bình yên của đất nước và Nhân dân, góp phần đoàn kết toàn dân, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, hạnh phúc.

Tinh thần “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam trong đối phó đại dịch Covid-19

Tinh thần “hộ quốc an dân” của PGVN trong đối phó đại dịch Covid-19 thể hiện ở các hoạt động cụ thể, như:

Thứ nhất, về công tác chỉ đạo.

Hội đồng Trị sự Giáo hội PGVN đã ban hành công văn, thông báo nhằm kêu gọi các chư tôn, tăng ni, phật tử, nghiêm túc thực hiện các chỉ thị của Chính phủ, đồng hành cùng Chính phủ trong đối phó với đại dịch Covid-19:

(1) Công văn số 140/HĐTS-VP1 ngày 07/6/2021 của Hội đồng Trị sự Giáo hội PGVN về việc đóng góp Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19, trong đó đề nghị Chư tôn đức là thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội PGVN đóng góp ít nhất 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng) trở lên để ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19, chung tay cùng cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội chiến thắng dịch bệnh Covid-193.

(2) Thông báo số 193/TB-HĐTS ngày 03/8/2021 của Hội đồng Trị sự Giáo hội PGVN về việc hướng dẫn tăng ni và Phật tử thực hiện cấm túc, không tổ chức Lễ Vu Lan tập trung đông người mà thay vào đó là tổ chức trực tuyến; Trong quá trình tổ chức Lễ Vu lan phải thực hiện nghiêm quy định 5K và các quy định phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu của Bộ Y tế, thường xuyên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách bảo đảm giãn cách theo quy định; tiếp tục phát tâm ủng hộ, đóng góp nguồn lực cho các quỹ phòng, chống dịch Covid-19 và Quỹ vắc-xin Covid-19 để chung tay cùng các cấp chính quyền bảo đảm mọi người đều được tiêm vắc-xin miễn phí và bảo đảm an toàn sức khỏe cho Nhân dân4.

(3) Công văn số 192/HĐTS-VP1 của Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam ngày 01/8/2021 gửi tới Ban Trị sự Giáo hội PGVN các tỉnh, thành phố; tăng, ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện đề nghị tích cực hơn nữa thực hiện và lan tỏa phong trào bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch5.

Thứ hai, về thực tiễn hoạt động.

Giáo hội PGVN đã hưởng ứng, phát động phong trào “Cởi áo cà sa, khoác áo boluse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch”. Từ phát động này, các tăng ni, Phật tử tại nhiều địa phương, nhiều cơ sở Phật giáo trong cả nước đã đăng ký xung phong lên tuyến đầu phòng, chống dịch6.

Nhằm góp phần làm giảm áp lực cho các bệnh viện, trung tâm điều trị Covid-19, Giáo hội PGVN đã khuyến khích các chùa, tự viện tích cực phát tâm đăng ký, đề nghị chính quyền sở tại sử dụng chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly thông qua phong trào “Dùng chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly phòng chống dịch Covid-19”, như: sử dụng cơ sở chùa, cơ sở tự viện đăng ký nhận tro cốt của người mất do dịch Covid-19; tổ chức cầu siêu cho các vong linh của những người tử vong do đại dịch Covid-19; đồng thời đưa các nội dung tuyên truyền, khuyến cáo của Bộ Y tế về dịch Covid-19 thành các chuyên đề kết hợp trong các bài giảng trực tuyến, thuyết pháp trên các phương tiện truyền thông; đẩy mạnh việc tuyên truyền trong tín đồ, Phật tử, cảnh giác với các thông tin giả, thông tin không chính xác, mê tín dị đoan về dịch bệnh7.

Bên cạnh đó, nhiều chùa, cơ sở thờ tự thuộc Giáo hội PGVN đã đồng lòng hưởng ứng phong trào “Bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch” với mong muốn nấu những bữa cơm mang tới phục vụ các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly phòng, chống dịch Covid-198.  Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện phát quà, nhu yếu phẩm phục vụ người nghèo; thăm hỏi bệnh nhân, tu sĩ phục vụ tại các bệnh viện điều trị Covid-199. Mô hình hoạt động thiết thực, hiệu quả trên đã góp phần giảm tải những khó khăn cho đồng bào trong mùa dịch.

Trong thời gian chống dịch, Giáo hội PGVN ủng hộ hơn 150 tỷ đồng, Giáo hội PGVN các cấp đã vận động ủng hộ hơn 3.000 tấn nông sản, 200.000 phần quà với tổng giá trị lên tới 10 tỷ đồng. Các cấp Giáo hội đã vận động ủng hộ 170 máy thở và tạo oxy; hàng trăm nghìn khẩu trang y tế, nước khử khuẩn cho ngành y tế. Tổng giá trị hàng hóa, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế Giáo hội các cấp quyên góp ủng hộ phòng, chống Covid-19 lên tới gần 50 tỷ đồng; ủng hộ Quỹ văc-xin 3.5 tỷ đồng10.

Có thể thấy, những nghĩa cử và hành động cao đẹp của Giáo hội PGVN đã góp phần vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, ngành Y tế về phòng, chống dịch. Trong đại dịch Covid-19, PGVN đã thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, chung tay cùng các cấp chính quyền và cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh, thông qua các hoạt động cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm và hỗ trợ tài chính cho các gia đình và cá nhân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tinh thần “hộ quốc an dân” của PGVN trong đại dịch Covid-19 là tinh thần cầu an, hy vọng và lan tỏa tình yêu thương, đoàn kết, tương trợ và chung tay cùng cộng đồng và chính quyền trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Những đóng góp của PGVN thể hiện sự hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng để khẳng định và phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa, nguồn lực Phật giáo11. Kết quả này cho thấy, vai trò của Phật giáo không chỉ là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, trách nhiệm đồng hành mà còn là sự tôn trọng và bảo vệ giá trị nhân văn.

Kết luận

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Giáo hội PGVN đã phát huy tinh thần “hộ quốc an dân” thông qua nhiều hoạt động đáp ứng đối phó với đại dịch, mang đến sự hy vọng và động viên cho người dân vượt qua khó khăn. Một trong những bài học quan trọng mà PGVN đã truyền tải trong đại dịch này là tinh thần đồng tâm, đồng lòng. Tinh thần này đã được thể hiện thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức Phật giáo và cộng đồng tôn giáo khác, cũng như với Chính phủ nhằm đối phó với đại dịch Covid-19.

Những hành động nhân văn của PGVN sẽ khơi dậy ý thức trách nhiệm và tình cảm tương thân tương ái, đồng thời, tăng cường sự đoàn kết toàn dân tộc và hướng tới một xã hội tốt đẹp và hạnh phúc. PGVN đã cho chúng ta bài học về sự đoàn kết, tương trợ, lòng yêu thương con người. Có đủ những yếu tố trên sẽ giúp cuộc sống con người vượt qua mọi khó khăn và hướng tới một tương lai tươi sáng.

Chú thích:
1. Cốt lõi tinh thần hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam qua thời đại lịch sử. https://phatgiao.org.vn, ngày 07/5/2021.
2. Tinh thần hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam về chính trị. https://tapchinghiencuuphathoc.vn, ngày 14/4/2023.
3. Công văn về việc đóng góp quỹ Vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19. https://ghpgvn.vn, ngày 07/6/2021.
4. Công văn kêu gọi tăng ni, Phật tử cả nước cấm túc, ở yên một chỗ tụng kinh cầu nguyện đẩy lùi dịch Covid-19. https://phatgiao.org.vn, ngày 19/7/2021.
5. Công văn: Đề nghị Tăng ni, Phật tử các chùa tiếp tục tích cực hơn nữa thực hiện và lan tỏa phong trào bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch. https://ghpgvn.vn, ngày 16/8/2021.
6, 7, 9, 10. Các tôn giáo chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19. https://dangcongsan.vn, ngày 20/8/2021.
8. Các tôn giáo chung tay trong phòng, chống và đẩy lùi đại dịch Covid-19. https://dantoctongiao.laodong.vn, ngày 20/8/2021.
11. Thể chế hóa đường lối, chủ trương và định hướng chính sách của Đảng trong nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng hiện nay. https://tapchicongsan.org.vn, ngày 25/12/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Phật giáo Việt Nam hộ quốc, an dân luôn đồng hành cùng dân tộc. https://www.xaydungdang.org.vn, ngày 13/02/2013.
2. Phật giáo luôn có vai trò quan trọng trong việcHộ quốc, an dân”. https://vietnamnet.vn, ngày 07/11/2021.                                                             
ThS. Nguyễn Thị Hợp
Đại học Quốc gia Hà Nội