Xây dựng quy trình thiết kế bài giảng trình chiếu Powerpoint cho đội ngũ giáo viên

(Quanlynhanuoc.vn) – Trình chiếu Powerpoint trong giáo dục hiện đại là một hình thức tổ chức bài giảng trên lớp rất phổ biến, với nhiều tính năng nổi trội. Bài viết tập trung làm rõ vai trò, ý nghĩa, thực trạng việc thiết kế, sử dụng bài giảng trình chiếu Powerpoint; và đề xuất xây dựng quy trình (gồm 6 bước) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng trình chiếu Powerpoint trong giảng dạy của đội ngũ giáo viên ở Việt Nam hiện nay. 
Ảnh minh họa (internet).
Mở đầu

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, ngành Giáo dục càng có nhiều cơ hội khai thác tính tối ưu của các phần mềm để nâng cao hiệu quả hoạt động dạy học. Biên soạn giáo án điện tử là cả một quá trình tư duy và sáng tạo, kết hợp với các phần mềm hỗ trợ soạn thảo tiên tiến nhằm giúp bài giảng đạt kết quả cao. Hiện nay có rất nhiều phần mềm hỗ trợ việc soạn bài giảng điện tử cho giáo viên, như: Powerpoint, Violet, Adobe Presenter, Articulate Presenter, Lecture… Trong đó, Powerpoint là phần mềm phổ biến nhất, đã và đang đem lại những kết quả tích cực nhờ sự tiện ích, hiệu quả và tính kinh tế của nó.

Thực trạng thiết kế, sử dụng bài giảng trình chiếu Powerpoint của đội ngũ giáo viên hiện nay

Bài giảng trình chiếu Powerpoint, về bản chất, là một hình thức tổ chức bài giảng trên lớp mà ở đó toàn bộ kế hoạch hoạt động dạy và học đều được chương trình hóa, có cấu trúc chặt chẽ và logic, được quy định bởi cấu trúc của bài học do giáo viên điều khiển, thông qua môi trường multimedia (đa phương tiện) của máy vi tính tạo ra. Đây là một sản phẩm của hoạt động thiết kế bài giảng được thể hiện bằng vật chất trước khi buổi học được tiến hành, là toàn bộ hoạt động dạy và học – tất cả các tình huống sẽ xảy ra trong quá trình truyền đạt và tiếp thu kiến thức của người học. Các đơn vị của bài học đều phải được đa phương tiện, đa môi trường, đa truyền thông hóa. Trong môi trường multimedia, thông tin được truyền dưới các dạng văn bản (text), đồ họa (graphics), hoạt ảnh (animation), ảnh chụp (image), âm thanh (audio) và phim video (video clip)…

Với nhiều tính năng nổi trội, như: tạo và trình diễn bài giảng; hỗ trợ chỉnh sửa văn bản, âm thanh, hình vẽ; kết nối dễ dàng với các phần mềm khác; hiệu ứng sinh động;… Powerpoint đã làm cho bài giảng trở nên hấp dẫn hơn. Powerpoint giúp giáo viên mô phỏng được các quá trình khó có thể tiến hành hay quan sát ngoài thực tiễn. Không những vậy, tính tương tác cao của Powerpoint còn giúp giáo viên đánh giá được mức độ hiểu bài, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, tăng cường mối liên kết giữa hoạt động dạy và học.

Microsoft Powerpoint được xem là công cụ hỗ trợ thuyết trình nhiều tính năng nhất hiện nay, được tích hợp trong bộ Microsoft Office, dễ học, dễ sử dụng và dễ chia sẻ ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Những năm gần đây, việc sử dụng Powerpoint trong giảng dạy tại các trường học ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học của từng nhà trường theo hướng: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học”1.

Hầu hết đội ngũ giáo viên đều có thể soạn và giảng bằng Powerpoint với phản hồi tốt từ phía người học. Thực tế cho thấy, khi giáo viên sử dụng kết hợp cả phương pháp dạy học truyền thống và các phương tiện hiện đại thì sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, vì qua sử dụng phần mềm Powerpoint trong giáo án điện tử, giáo viên có thể sơ đồ hóa những nội dung kiến thức, lồng ghép chiếu phim tư liệu, hình ảnh minh họa…, giúp bài giảng sinh động hơn. Ngoài ra, bài giảng trình chiếu Powerpoint còn giúp người học nắm kiến thức rõ hơn thông qua các bài tập “neo chốt” kiến thức. Việc dạy học bằng Powerpoint đã mang lại hiệu quả tích cực, nhiều giáo viên có khả năng thiết kế trình chiếu Powerpoint khá tốt làm cho quá trình dạy và học thực sự hấp dẫn, hiệu quả truyền thụ kiến thức cao.

Tuy nhiên, thông qua thực tiễn công tác giáo dục – đào tạo hiện nay cho thấy, việc sử dụng Powerpoint trong giảng dạy của đội ngũ giáo viên còn tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể:

Một là, về kỹ năng sử dụng công nghệ, phương tiện hiện đại của giáo viên. Đa số giáo viên chưa được đào tạo bài bản, hệ thống, mà chủ yếu là “tự mò mẫm” hoặc “học chuyền tay” và sử dụng theo thói quen, kinh nghiệm. Việc “cắt” nguyên đoạn văn bản word để “dán” vào slide mà không chỉnh sửa, biên tập còn diễn ra trong bài giảng của một số giáo viên.

Hai là, về quy trình thiết kế, chất lượng bài giảng trình chiếu Powerpoint. Việc sử dụng hiệu ứng màu sắc, hình ảnh, âm thanh, cỡ chữ, phông nền; … của một số giáo viên không tương thích, thậm chí trong một slide có quá nhiều chữ làm phân tán sự chú ý của người học. Hoặc bài giảng có quá nhiều hình ảnh, video clip; hoặc chỉ sử dụng độc tôn trình chiếu Powerpoint, chưa linh hoạt, sáng tạo trong vận dụng các phương pháp, phương tiện dạy học khác (như: phát vấn, trao đổi, bảng phấn…) dẫn tới hiệu quả truyền thụ chưa cao.

Ba là, trang thiết bị đặc thù phục vụ cho công tác giảng dạy theo phương pháp hiện đại. Sử dụng giảng dạy theo phương pháp hiện đại cần đến các trang thiết bị đặc thù, như: máy tính, máy chiếu, phông màn chiếu; hệ thống điện. Tuy nhiên, khi gặp sự cố (mất điện hoặc máy tính bị lỗi…) thì bài giảng không thực hiện được.

Đề xuất xây dựng quy trình thiết kế bài giảng trình chiếu Powerpoint

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả sử dụng trình chiếu Powerpoint trong giảng dạy của đội ngũ giáo viên ở nước ta hiện nay đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh việc thống nhất về mặt quy cách, có thể xây dựng quy trình thiết kế bài giảng trình chiếu Powerpoint, gồm 6 bước như sau:

Bước 1. Xác định mục tiêu bài giảng.

Trong phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, mục tiêu phải được chỉ rõ khi học xong bài, người học đạt được cái gì. “Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”2. Mục tiêu ở đây là học tập, chứ không phải là mục tiêu giảng dạy, tức là chỉ ra sản phẩm mà người học có được sau bài giảng. Giáo viên phải đọc kỹ sách giáo trình, tập bài giảng, kết hợp với các tài liệu tham khảo khác để tìm hiểu nội dung của mỗi mục trong bài và cái đích cần đạt tới của mỗi mục. Trên cơ sở đó, giáo viên xác định cái đích cần đạt tới của bài trên cả 3 mặt: kiến thức, kỹ năng, tình cảm – thái độ. Từ những mục đích trên, giáo viên có thể định ra các yêu cầu trong quá trình giảng dạy của mình để đạt cái đích đã đề ra ở trên (giảng như thế nào?). Đây là căn cứ quan trọng để trong quá trình thiết kế bài giảng trình chiếu Powerpoint, giáo viên biết tập trung thiết kế, làm rõ, minh họa cho mục tiêu của bài giảng đã xác định từ trước.

Bước 2. Lựa chọn kiến thức cơ bản, xác định đúng những nội dung trọng tâm, trọng điểm.

Giáo viên cần bám sát vào chương trình, kế hoạch đề bài và giáo trình, tập bài giảng môn học, đọc thêm tài liệu, sách báo tham khảo để mở rộng hiểu biết về vấn đề cần giảng dạy, tạo khả năng chọn trúng, chọn đúng kiến thức cơ bản. Việc chọn lọc kiến thức cơ bản của bài giảng có thể gắn với việc sắp xếp lại cấu trúc của bài để làm nổi bật các mối liên hệ giữa các hợp phần kiến thức của bài, từ đó rõ thêm các nội dung trọng tâm, trọng điểm của bài. Nội dung trọng tâm, trọng điểm của bài giảng phải được thể hiện rõ trong kế hoạch bài giảng và nên đưa vào bài giảng trình chiếu Powerpoint ngay từ đầu trong phần ý định giảng bài. Và trong quá trình trình chiếu Powerpoint trên lớp, phần lớn slide được tập trung để làm rõ các nội dung trọng tâm, trọng điểm của bài giảng đã xác định.

Bước 3. Đa phương tiện (Multimedia) hoá từng đơn vị kiến thức.

Đây là bước quan trọng cho việc thiết kế bài giảng trình chiếu Powerpoint, là nét đặc trưng cơ bản của bài giảng điện tử để phân biệt với các loại bài giảng truyền thống, hoặc các loại bài giảng có sự hỗ trợ một phần của máy vi tính. Giáo viên phải dữ liệu hóa thông tin kiến thức, thông qua ứng dụng xu hướng kỹ thuật số (internet vạn vật) của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, giáo viên tiến hành phân loại kiến thức được khai thác dưới dạng văn bản, bản đồ, đồ họa, ảnh tĩnh, phim, âm thanh… Tiến hành sưu tập hoặc xây dựng mới nguồn tư liệu sẽ sử dụng trong bài học. Nguồn tư liệu này thường được lấy từ các phần mềm dạy học, từ internet,… hoặc được xây dựng mới bằng đồ họa, bằng ảnh quét, ảnh chụp, quay video, bằng các phần mềm đồ họa chuyên dụng như Macromedia Flash… Chọn lựa các phần mềm dạy học có sẵn cần dùng đến trong bài học để đặt liên kết. Xử lý các tư liệu thu được để nâng cao chất lượng về hình ảnh, âm thanh. Khi sử dụng các đoạn phim, hình ảnh, âm thanh… cần phải bảo đảm các yêu cầu về mặt nội dung, phương pháp, thẩm mỹ và ý đồ sư phạm. Đặc biệt, giáo viên cần chú ý lựa chọn các tư liệu minh họa đắt nhất, sát hợp nhất nội dung cần trình bày.

Bước 4. Xây dựng thư viện tư liệu.

Sau khi có được đầy đủ tư liệu cần dùng cho bài giảng trình chiếu Powerpoint, giáo viên phải tiến hành sắp xếp, tổ chức lại thành thư viện tư liệu, tức là tạo được cây thư mục hợp lý. Cây thư mục hợp lý sẽ tạo điều kiện tìm kiếm thông tin nhanh chóng và giữ được các liên kết trong bài giảng đến các tập tin âm thanh, video clip khi sao chép bài giảng từ ổ đĩa nay sang ổ đĩa khác, từ máy này sang máy khác. Nên lưu trữ và tổ chức hệ thống tư liệu trên một cách khoa học để có thể sử dụng lâu dài cho các bài giảng khác. Những nội dung bài giảng thích hợp thì nên sơ đồ hóa, hoặc thể hiện dưới dạng bảng biểu, tăng khả năng, hiệu quả ghi nhớ cho người học. Kho tư liệu càng phong phú thì khả năng khai thác càng cao, càng đa dạng. Các nguồn để giáo viên có thể thu thập xây dựng kho tư liệu bao gồm các thông tin trên internet, trên các CD-ROM, VCD, các tranh ảnh, thông tin trên sách báo… liên quan đến nội dung bài giảng.

Bước 5. Lựa chọn ngôn ngữ hoặc các phần mềm trình diễn để xây dựng tiến trình dạy học thông qua các hoạt động cụ thể.

Giáo viên cần chia quá trình dạy học trong giờ lên lớp thành các hoạt động nhận thức cụ thể, dựa vào các hoạt động đó để định ra các slide trong Powerpoint. Sau đó, xây dựng nội dung cho các slide. Tùy theo nội dung cụ thể mà thông tin trên mỗi slide có thể là văn bản, đồ họa, tranh ảnh, âm thanh, video clip… Hiện nay, để xây dựng bài giảng trình chiếu Powerpoint, giáo viên có thể áp dụng các phần mềm căn bản như Microsoft Powerpoint, Macromedia Flash, Frontpage, LectureMaker,… Điều rất quan trọng mà giáo viên phải hết sức lưu tâm là khi xây dựng kịch bản cho bài giảng trình chiếu Powerpoint là phải căn cứ vào giáo án “nền” (giáo án bản word dùng cho các bài giảng theo phương pháp truyền thống). Văn bản cần trình bày ngắn gọn, cô động, chủ yếu là các tiêu đề và dàn ý cơ bản. Thực tiễn cho thấy, bên cạnh các thủ tục hồ sơ bài giảng theo quy định, giáo viên nên thiết kế riêng một bản word được chắt lọc từ nội dung bài giảng, dưới dạng đề cương, bao gồm những nội dung trọng tâm, trọng điểm, từ khóa… phục vụ riêng cho bài giảng trình chiếu Powerpoint. Khi trình bày nên sử dụng sơ đồ khối để người học thấy ngay được cấu trúc logic của những nội dung cần trình bày. Điều quan trọng khi sử dụng phần mềm trình diễn là chú ý làm nổi bật nội dung trọng tâm, khai thác triệt để các ý tưởng tiềm ẩn bên trong các đối tượng trình diễn thông qua việc nêu vấn đề, hướng dẫn, tổ chức hoạt động nhận thức nhằm phát triển tư duy của người học. Cuối cùng là thực hiện các liên kết giữa các slide một cách hợp lý, logic, thông qua sử dụng thủ thuật “liên kết trong” các slide.

Bước 6. Chạy thử chương trình, sửa chữa và hoàn thiện.

Sau khi thiết kế xong, phải tiến hành chạy thử chương trình, kiểm tra các sai sót. Giáo viên cần tự trang bị cho mình một số kiến thức, kỹ năng cơ bản, phổ thông về sử dụng ứng dụng Microsoft Powerpoint như bắt đầu – kết thúc trình chiếu, chèn ảnh – video clip, tạo hiệu ứng… Khi sử dụng bài giảng trình chiếu Powerpoint, giáo viên có thể gặp phải những sự cố như sự không tương thích giữa máy tính và máy chiếu; cài đặt chế độ trình chiếu không đúng, góc chiếu, tiêu cự không hợp lý… Vì vậy, trước khi tiến hành giảng dạy, giáo viên nên tìm hiểu về kỹ năng sử dụng các thiết bị, phương tiện dạy học và cách khắc phục các sự cố thông thường. Dự tính trước các tình huống đột xuất có thể xảy ra (video clip không phát được, Powerpoint bị nhiễm virus…) để linh hoạt xử lý.

Kết luận

Một bài giảng trình chiếu Powerpoint đúng về nội dung, đẹp về hình thức phải bảo đảm được các tiêu chí về khoa học, về lý luận dạy học, về mặt sư phạm và về mặt kỹ thuật. Nắm vững quy trình thiết kế bài giảng trình chiếu Powerpoint có ý nghĩa rất quan trọng đối với giáo viên ở nước ta hiện nay. Đây là cơ sở, nền tảng hỗ trợ quan trọng trong nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thụ tri thức, kỹ xảo, kỹ năng của người dạy tới người học. Đồng thời, thông qua đó, trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên cũng không ngừng được đổi mới, phát triển và nâng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục – đào tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Chú thích:
1. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016, tr. 114 – 115.
Tài liệu tham khảo:
1. Cách thiết kế bài giảng điện tử đẹp, hấp dẫn từ Powerpoint. https://giaoducthoidai.vn, ngày 24/4/2019.
2. Kinh nghiệm thiết kế bài giảng Powerpoint nhanh, đẹp, hiệu quả, https://phc.edu.vn/vn, truy cập ngày 24/4/2023.
3. Năm bước của quy trình để soạn giáo án điện tử. http://truongleduan.quangtri.gov.vn, truy cập ngày 25/4/2023.
ThS. Đinh Như Lê
ThS. Đỗ Thị Phương Thúy
Trường Đại học Giao thông Vận tải