Bồi dưỡng kỹ năng khai thác thông tin phục vụ học tập cho học viên các nhà trường quân đội trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0

(Quanlynhanuoc.vn) – Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, làm xuất hiện các cách thức tiếp cận thu thập thông tin mới. Cùng với đó, sự kết nối và tương tác thông qua internet đã tạo nên không gian mạng. Không gian mạng đã trở thành một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội thông tin đa chiều, tạo ra nguồn tài nguyên thông tin vô cùng quý giá với mỗi cơ quan, đơn vị và các cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đã đề cập, việc phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, của không gian mạng đã tạo nên những thách thức không nhỏ như tấn công mạng, tội phạm mạng, gián điệp mạng. Chính vì vậy, đối với các nhà trường quân đội hiện nay rất cần chú trọng đến việc bồi dưỡng kỹ năng khai thác thông tin phục vụ cho các học viên, từ đó quản lý và sử dụng thông tin một cách hiệu quả.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: internet).
Đặt vấn đề

Trước sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 và cùng với đó, là sự kết nối tương tác thông qua internet đã tạo nên nguồn thông tin lớn. Bên cạnh những cơ hội thì cũng có không ít những thách thức đặt ra cho các cơ quan, đơn vị khi khai thác, sử dụng các thông tin trên không gian mạng. Thực tế hiện nay, các thế lực thù địch đã và đang triệt để sử dụng mạng viễn thông, internet để tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, gây rối, bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền, thay đổi thể chế chính trị ở nước ta. Xuất hiện hàng nghìn trang thông tin điện tử, blog, trang mạng xã hội (đặc biệt là trên facebook có nội dung xấu, đăng tải ấn phẩm đồi trụy, bạo lực, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc). Vấn đề này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đòi hỏi cần phải nâng cao năng lực quản lý, khai thác và sử dụng thông tin của từng học viên các nhà trường quân đội.

Thực trạng bồi dưỡng kỹ năng khai thác thông tin phục vụ học tập của các học viên

Ở các nhà trường quân đội hiện nay, hoạt động quản lý, khai thác và sử dụng thông tin được duy trì chặt chẽ, hiệu quả, nghiêm túc. Mọi chủ thể tùy theo mục đích, nhiệm vụ mà chủ động tự bồi dưỡng năng lực khai thác thông tin (KTTT) cho bản thân. Trong đó, học viên là đối tượng trung tâm, luôn được đảng ủy, ban lãnh đạo các nhà trường, các cơ quan chức năng, giảng viên và đơn vị quản lý quan tâm, tạo điều kiện để tiếp cận mọi nguồn thông tin nhằm phục vụ cho học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học đạt kết quả cao nhất. Đội ngũ học viên cũng chủ động tiếp cận tri thức của cách mạng công nghiệp 4.0 để tự bồi dưỡng kỹ năng KTTT phục vụ học tập. Do vậy, khả năng KTTT phục vụ học tập của học viên ngày càng nhanh nhạy, thuần thục, linh hoạt, hiệu quả; đáp ứng tốt hơn các nhiệm vụ học tập tại nhà trường theo mục tiêu yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng.

Quá trình tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng kỹ năng KTTT phục vụ học tập của học viên các nhà trường quân đội hiện nay cho thấy nhìn chung đã có những tiến bộ, chủ động trong việc lựa chọn các thông tin, tuy nhiên, vẫn còn một số học viên chưa khai thác hiệu quả các nguồn thông tin của nhà trường. Điều này thể hiện cụ thể ở hai khía cạnh về số lượng và chất lượng.

(1) Về số lượng. Theo báo cáo hoạt động của Ban Thông tin khoa học quân sự ở một số nhà trường trong thời gian qua, số học viên tham gia sử dụng các dịch vụ cung cấp thông tin của các nhà trường là khá hạn chế. Thể hiện thông qua số lượt học viên tham gia tra cứu tài liệu, tìm kiếm thông tin ở phòng đọc điện tử, số lượt học viên mượn sách, tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học ở thư viện, số lượt truy cập website của nhà trường của học viên chưa nhiều. Ở một số học viện, trường sĩ quan đã xây dựng hệ thống mạng internet phục vụ cho học viên học tập nhưng chưa có nhiều học viên tận dụng nguồn lực này vào nâng cao trình độ tri thức của bản thân.

(2) Về chất lượng. Đa phần học viên chưa có kỹ năng để KTTT phục vụ học tập cho bản thân. Điều này, xuất phát từ sự thiếu hiểu biết trong sử dụng các công cụ tìm kiếm thông tin và sự thiếu ý thức tự rèn luyện của chính học viên. Qua khảo sát thực tế, có nhiều học viên tích cực, chủ động lên thư viện, lên mạng internet, tiếp cận giảng viên và CBQL để thu thập thông tin trước khi nhập môn, trước khi lên giảng đường nhưng khi bước vào học tập thì lượng kiến thức thu được không nhiều, chất lượng không cao. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có trình độ sử dụng hiệu quả các phương tiện, như: máy vi tính, các phần mềm học tập, mạng LAN, mạng internet; chưa biết xử lý các thông tin thu thập được vào vấn đề đang học tập, nghiên cứu; chưa chủ động trong chọn lọc thông tin, sắp xếp, tổng hợp thông tin từ tài liệu. Ngoài ra, ý thức, thái độ trong tự rèn luyện kỹ năng KTTT của một bộ phận học viên chưa tốt, còn có biểu hiện ngại đọc, ngại tìm; thời gian KTTT chủ yếu phục vụ mục đích giải trí. Điều này dẫn đến kết quả học tập của học viên không cao, trình độ năng lực của người cán bộ chính trị hình thành ở mức hạn chế.

Một số biện pháp đề ra

Để bồi dưỡng kỹ năng KTTT phục vụ học tập cho học viên các nhà trường quân đội trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, cần tập trung vào những nội dung sau:

Một là, phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên và CBQL trong bồi dưỡng kỹ năng KTTT phục vụ học tập cho học viên.

Đội ngũ giảng viên và CBQL là lực lượng sư phạm trực tiếp tham gia vào quá trình bồi dưỡng kiến thức, trang bị kỹ năng cho học viên, trong đó có kỹ năng KTTT phục vụ học tập. Với trình độ năng lực và kinh nghiệm sư phạm có được, đội ngũ giảng viên và CBQL đã tích cực hướng dẫn học viên cách thức tìm kiếm, thu thập thông tin; hình thành phương pháp phân tích, xử lý các loại thông tin và vận dụng một cách linh hoạt vào thực hiện nhiệm vụ học tập cụ thể theo từng môn học. Vai trò của họ được thể hiện thông qua từng hoạt động sư phạm.

Bồi dưỡng kỹ năng KTTT cho học viên thông qua hoạt động học tập trên lớp. Đây là hoạt động cơ bản tác động trực tiếp đến việc hình thành kỹ năng KTTT của người học. Vai trò của người giảng viên được thể hiện rõ nét với việc định hướng người học tiếp nhận tri thức, kinh nghiệm thực tiễn từ bài giảng và các tài liệu tham khảo.

Đối với những giờ học lý thuyết, giảng viên nên định hướng cho học viên cách lắng nghe, cách ghi chép các kiến thức nhất là các phần phân tích và trọng tâm của bài học. Khi sử dụng công cụ trình chiếu, giảng viên nên tối ưu hóa các chức năng sử dụng video, file âm thanh, hệ thống sơ đồ mẫu biểu để minh họa giúp học viên hiểu được bài học. Đồng thời, cách sử dụng màu sắc và hệ thống các hiệu ứng phải phù hợp với trình độ tiếp nhận của người học.

Đối với các giờ học thực hành, giảng viên cần thống nhất phương pháp giảng bài trước sau đó định hướng những lưu ý trong quá trình giảng để học viên tiện ghi chép, quan sát. Giảng viên có thể kết hợp sử dụng phim tập bài thực hành để học viên xem, rút kinh nghiệm. Chú ý cuối mỗi bài giảng, giảng viên cần hướng dẫn học viên hệ thống hóa kiến thức theo trình tự khoa học, có thể sắp xếp theo tiến trình bài giảng hoặc theo các cụm chủ đề, các vấn đề nghiên cứu liên quan. Từ đó, hình thành đề cương phục vụ ôn tập, thi kết thúc học phần.

Bồi dưỡng kỹ năng KTTT cho học viên thông qua hoạt động thảo luận, trao đổi, tập bài, nghiên cứu tài liệu tham khảo. Ở các hoạt động này, với tư cách là người hướng dẫn trực tiếp và gián tiếp, giảng viên và CBQL cùng tác động đến việc nâng cao kỹ năng KTTT phục vụ học tập cho người học theo hai giai đoạn. CBQL phối hợp với đội ngũ giảng viên quản lý chặt chẽ chất lượng ghi chép bài của học viên, thường xuyên tiến hành các hoạt động sau bài giảng để đánh giá kết quả tiếp thu kiến thức và nắm bài của học viên, các hoạt động ngoại khóa này sẽ góp phần đánh giá việc thu thập, phân tích thông tin học tập của học viên. Trước mỗi buổi thảo luận, trao đổi, cán bộ nên tiến hành kiểm tra đề cương của học viên, có thể hướng dẫn học viên cách chuẩn bị đề cương, cách vận dụng các kiến thức, các tài liệu đã có vào trong việc chuẩn bị vấn đề thảo luận. Giảng viên nên gợi mở, nêu các tình huống bằng cách đặt các câu hỏi mang tính mở rộng cho học viên để học viên phải tư duy và hệ thống lại toàn bộ các kiến thức đã có vào trong cách giải quyết tình huống. Cuối mỗi buổi thảo luận nên kết luận, nhận xét và đánh giá để học viên rút kinh nghiệm và nhận rõ những hạn chế về khả năng KTTT của mình.

Hai là, tích cực bồi dưỡng các kỹ năng “mềm” cần thiết để học viên KTTT phục vụ học tập đạt hiệu quả cao.

Trước hết là bồi dưỡng kỹ năng sử dụng mạng LAN, mạng internet. Đây là kỹ năng bắt buộc để truy cập và tìm kiếm thông tin một cách hợp lý, hiệu quả đối với mỗi học viên. Do vậy, cần bồi dưỡng cho học viên cách truy cập mạng LAN, internet, cách vào các trang web để tìm kiếm các thông tin phục vụ học tập. Tăng cường bồi dưỡng trình độ tin học cho học viên, cung cấp cho người học các website hữu ích. Chú trọng nâng cao khả năng chắt lọc các nội dung thông tin trên mạng cho học viên, nâng cao bản lĩnh của học viên khi tiếp cận nhiều luồng thông tin cùng một lúc trên mạng, hướng dẫn cách phân biệt “tin rác” với tin chính thống, cách nhìn nhận, đánh giá thông tin định thu thập. Thường xuyên tạo điều kiện để học viên rèn luyện kỹ năng lưu giữ, sưu tầm và phân tích các thông tin lấy được từ trên mạng. Biết cách cắt thông tin, trích thông tin và tổng hợp chúng vào các file văn bản của mình để phục vụ cho quá trình học tập và nghiên cứu khoa học.

Ba là,nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học viên.

Ngoại ngữ là cửa sổ để học viên tiếp cận những thành tựu mới của khoa học – công nghệ vì đa phần hiện nay các công cụ tìm kiếm thông tin chủ yếu sử dụng ngoại ngữ, hơn nữa, phần lớn thông tin điện tử được lưu trữ trên toàn thế giới là bằng ngoại ngữ. Do vậy, khi có trình độ ngoại ngữ tốt, có khả năng đọc, hiểu ngoại ngữ sẽ là cơ sở hữu ích để học viên khai thác tối đa nguồn lực thông tin vào quá trình học tập.

Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện điện tử, phòng đọc và các nguồn thông tin phục vụ học tập trong nhà trường.

Thực tiễn hoạt động thông tin ở các nhà trường quân đội hiện nay cho thấy, nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện điện tử, phòng đọc và các nguồn thông tin phục vụ học tập là yêu cầu cơ bản để bồi dưỡng kỹ năng KTTT cho học viên, bởi lẽ hệ thống cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng hoạt động thông tin. Do vậy, cần bảo đảm tốt cơ sở hạ tầng nhất là các trang, thiết bị, công cụ phục vụ cho quá trình tìm kiếm thông tin của học viên, cung cấp đầy đủ với chất lượng tốt nhất.

Các cơ quan chức năng mà trực tiếp là phòng khoa học quân sự và ban thư viện ở các nhà trường cần thường xuyên bổ sung các cơ sở dữ liệu thông tin, như: giáo trình, tài liệu tham khảo, báo, tạp chí, các ấn phẩm thông tin tư liệu để học viên luôn được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin phong phú, có uy tín. Chủ động các thiết bị công nghệ thông tin, như: máy vi tính, máy trình chiếu… phục vụ truy cập thông tin trên mạng internet và mạng LAN cho bạn đọc. Tích cực tổ chức các buổi hội thảo khoa học, các buổi thông tin khoa học thiết thực phục vụ quá trình học tập của học viên. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đợt bồi dưỡng tập trung về kỹ năng sử dụng các loại máy tính, cách tìm, tra cứu sách, giáo trình tại phòng đọc, phòng mượn, thư viện điện tử, cách khai thác trang web của nhà trường, trang web của Bộ Quốc phòng và các trang mạng hữu ích khác.

Kết luận

Quá trình bồi dưỡng kỹ năng KTTT phục vụ học tập của các học viên phải chú ý đến yếu tố tự giác, tích cực của chính bản thân mỗi học viên đó. Do vậy, quá trình bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng KTTT phục vụ học tập, mỗi học viên phải nêu cao tinh thần cầu thị, học hỏi, coi trọng tính hiệu quả, thiết thực và phải thường xuyên rút kinh nghiệm. Tinh thần cầu thị thể hiện ở sự ham học hỏi, chịu khó tìm tòi các phương pháp KTTT từ giảng viên, từ CBQL và từ đồng đội trong lớp. Tinh thần cầu thị thể hiện ở việc tham gia tích cực vào các hoạt động thực tiễn do đơn vị tổ chức để tự rèn luyện kỹ năng thu thập, khai thác, xử lý thông tin của bản thân, đáp ứng với sự phát triển của công nghệ thông tin.

Tài liệu tham khảo:

  1. Học viện Chính trị. Báo cáo tổng kết năm học 2021 2022. Hà Nội, 2022.
  2. Hướng dẫn số 2231/HD-NT ngày 29/9/2018 về công tác đầu tư trang thiết bị đào tạo theo mô hình “Nhà trường thông minh” giai đoạn 2019 2020.
  3. Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 2020.
  4. Trường Sĩ quan Chính trị. Báo cáo tổng kết năm học 2021 2022. Hà Nội, 2022.

NCS. Tống Minh Lương –  NCS. Vũ Minh Thành
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng