Bồi dưỡng văn hóa quản lý cho đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội trong Quân đội nhân dân Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn)Văn hóa quản lý là một bộ phận quan trọng của văn hóa, là biểu hiện sinh động trong hệ thống đa dạng của đời sống văn hóa. Quan tâm văn hóa lãnh đạo, quản lý chính là quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ về đạo đức, năng lực, phong cách lãnh đạo, quản lý, cách ứng xử… Trước yêu cầu xây dựng Quân đội và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, cán bộ chính trị cấp phân đội trong Quân đội là lực lượng giữ vị trí chính làm nhiệm vụ công tác đảng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở đơn vị cơ sở. Vì vậy, bồi dưỡng văn hóa quản lý cho đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội trong quân đội là yêu cầu cấp thiết cả lý luận và thực tiễn.
Ảnh minh họa (qdnd.vn).
Khái quát đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội

Đội ngũ cán bộ chính trị (CBCT) cấp phân đội trong Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm: đội ngũ chính trị viên (CTV) đại đội và CTV tiểu đoàn, là người “chủ trì về chính trị” ở phân đội, có vai trò quan trọng trong giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đơn vị; bảo đảm cho mọi hoạt động của đơn vị, của các tổ chức, các lực lượng trong đơn vị theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng thời, CTV “là người chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp uỷ cấp mình về toàn bộ các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong đơn vị; có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, tổ chức tiến hành các nội dung công tác đảng, công tác chính trị theo chức trách, nhiệm vụ; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch công tác chung của đơn vị”1, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đội ngũ CTV phó đại đội, tiểu đoàn đảm nhiệm một số mặt công tác do CTV đại đội, tiểu đoàn phân công và sẵn sàng thay thế CTV khi cần thiết.

Có thể khẳng định, năng lực công tác đảng, công tác chính trị của đội ngũ CBCT cấp phân đội luôn được phát huy trên tất cả các mặt công tác tại đơn vị. Cụ thể:

(1) Năng lực tiến hành công tác tư tưởng. Là người chủ trì về chính trị, trực tiếp tiến hành các nội dung hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở phân đội, người CBCT cấp phân đội luôn phát huy tốt năng lực nắm bắt, đánh giá đúng tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ và chất lượng công tác tư tưởng ở đơn vị; có năng lực tiến hành nội dung, hình thức công tác giáo dục chính trị, tuyên truyền, cổ động văn hóa quần chúng ở đơn vị, biết giải quyết một cách chính xác, kịp thời những tình huống công tác tư tưởng trong đơn vị, luôn bảo đảm tình hình tư tưởng trong đơn vị; có năng lực nghiên cứu lý luận, tham gia đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, các trào lưu tư tưởng cơ hội, xét lại phản động; bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

(2) Năng lực tiến hành công tác tổ chức. CBCT cấp phân đội (CTV đại đội, CTV tiểu đoàn) thường được bầu vào cấp ủy và bầu làm bí thư chi bộ đại đội, bí thư đảng ủy tiểu đoàn; (CTV phó đại đội, tiểu đoàn) thường được bầu là chi ủy viên chi ủy chi bộ đại đội, đảng ủy viên đảng ủy tiểu đoàn. Với cương vị là bí thư, cấp ủy viên tổ chức đảng, CBCT cấp phân đội phải nghiên cứu, nắm vững chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, tình hình chi bộ, đảng bộ, nhiệm vụ của đơn vị để đề xuất với chi bộ, đảng ủy phương hướng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, chịu trách nhiệm trước cấp ủy xây dựng nghị quyết, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết và hoạt động lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ. Tiến hành xây dựng chi bộ, đảng bộ theo đúng nội dung quyền hạn, cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng tổ chức đảng, xây dựng đội ngũ đảng viên nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu.

(3) Năng lực quản lý, điều hành các hoạt động của đơn vị. Nội dung Nghị quyết số 51/NQ-TW ngày 20/7/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã quy định chức trách, nhiệm vụ của chính ủy, CTV là: “… Tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch công tác chung của đơn vị”. Bên cạnh người chủ trì chính trị, tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, đội ngũ CBCT cấp phân đội phải có trình độ kiến thức về quân sự, hiểu biết sâu sắc điều lệnh, điều lệ quân đội và các quy định, để cùng người chỉ huy xây dựng, quản lý, điều hành các kế hoạch công tác của đơn vị…, trên cơ sở đó, vận dụng nhuần nhuyễn với các nội dung, hình thức, biện pháp sinh động của công tác đảng, công tác chính trị trong chỉ huy đơn vị, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Như vậy, năng lực công tác của đội ngũ CBCT cấp phân đội bao gồm: năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị và năng lực quản lý, điều hành đơn vị. Đội ngũ CBCT cấp phân đội cần phải có phẩm chất đạo đức, phương pháp, tác phong công tác “miệng nói, tay làm”, không chỉ biết lãnh đạo, chỉ đạo, biết hướng dẫn mà còn biết hành động, không chỉ giỏi về chủ trì chính trị, tiến hành công tác đảng, công tác chính trị mà còn phải giỏi về quản lý, điều hành xây dựng đơn vị.

Một số giải pháp nâng cao văn hóa quản lý cho đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng đối với việc bồi dưỡng văn hóa quản lý (VHQL) đội ngũ CBCT cấp phân đội.

Để công tác bồi dưỡng VHQL cho đội ngũ CBCT cấp phân đội đạt chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu mới của nhiệm vụ, cần phải nhận thức đúng đắn trong các cấp ủy các tổ chức chỉ huy và cơ quan chức năng về vị trí, vai trò của đội ngũ CBCT cấp phân đội và sự cần thiết phải tiến hành bồi dưỡng cho đội ngũ này. Để thực hiện tốt giải pháp này, các cấp ủy đảng, các tổ chức chỉ huy và các cơ quan chức năng thống nhất nhận thức đúng đắn một số nội dung cơ bản sau: (1) Nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và sự cần thiết bồi dưỡng VHQL cho đội ngũ CBCT cấp phân đội trong quân đội hiện nay; (2) Nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của đội ngũ CBCT cấp phân đội trong quân đội hiện nay; (3) Nắm vững nội dung, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp bồi dưỡng cho đội ngũ CBCT cấp phân đội hiện nay.

Hai là, xây dựng và thực hiện tốt các khâu, các bước trong quy trình bồi dưỡng VHQL của đội ngũ CBCT cấp phân đội.

Đây là giải pháp hết sức quan trọng, trực tiếp quyết định kết quả bồi dưỡng VHQL của đội ngũ CBCT cấp phân đội. Do đó, cần tập trung vào những nội dung cụ thể sau: (1) Nghiên cứu, đánh giá tình hình và xác định nội dung, hình thức biện pháp bồi dưỡng VHQL cho đội ngũ CBCT cấp phân đội; (2) Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng VHQL cho đội ngũ CBCT cấp phân đội; (3) Triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch bồi dưỡng năng lực công tác cho đội ngũ CBCT cấp phân đội; (4) Tổ chức đánh giá đúng kết quả bồi dưỡng VHQL cho đội ngũ CBCT cấp phân đội.

Ba là, tổ chức tốt các hoạt động thực tiễn để bồi dưỡng VHQL cho đội ngũ CBCT cấp phân đội hiện nay.

Thực tiễn là nơi kiểm nghiệm, đánh giá phẩm chất, năng lực công tác của người cán bộ. Thông qua thực tiễn là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để bồi dưỡng năng lực công tác cho người cán bộ. Vì vậy, hoạt động thực tiễn có vai trò rất quan trọng trong bồi dưỡng năng lực công tác cho đội ngũ CBCT cấp phân đội. Quá trình bồi dưỡng VHQL cho đội ngũ CBCT cấp phân độithông qua các hoạt động thực tiễn ở đơn vị cơ sở cần thực hiện tốt các nội dung cơ bản sau: (1) Tổ chức tốt các hình thức tập huấn cán bộ trước giai đoạn huấn luyện, các hình thức rút kinh nghiệm trong và sau mỗi giai đoạn huấn luyện; (2) Tổ chức tốt các hình thức học tập chính trị, học tập nghị quyết để bồi dưỡng VHQL; (3) Tổ chức tốt các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị để bồi dưỡng VHQL; (4) Thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhận xét đánh giá thực hiện chức trách, nhiệm vụ của CBCT cấp phân đội.

Trên đây là một số hình thức cơ bản bồi dưỡng VHQL, mỗi hình thức bồi dưỡng đều có vị trí, ý nghĩa, vai trò khác nhau, tuy nhiên, thực tiễn rất phong phú và sinh động, mỗi đơn vị, mỗi nhiệm vụ, mỗi cá nhân người CBCT lại có những đặc điểm riêng, yêu cầu bồi dưỡng riêng đòi hỏi trong quá trình tổ chức thực hiện cần vận dụng linh hoạt và sáng tạo.

Bốn là, đề cao tính tích cực chủ động của CBCT cấp phân đội trong tự học tập, tự bồi dưỡng VHQL.

Phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực và phương pháp, tác phong công tác và quản lý của đội ngũ CBCT cấp phân đội không chỉ hình thành, phát triển và hoàn thiện thông qua đào tạo, bồi dưỡng mà còn được hình thành phát triển và hoàn thiện thông qua con đường tự học tập, tu dưỡng và rèn luyện của chính bản thân của họ. Thực chất đây là quá trình hoạt động có mục đích, vừa phát triển và hoàn thiện VHQL vừa hoàn thiện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ năng lực toàn diện và phương pháp, tác phong công tác khoa học cho đội ngũ CBCT cấp phân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở các đơn vị.

VHQL là tổng hòa những dấu ấn sáng tạo và nhân văn nảy sinh từ chủ thể tổ chức và hoạt động quản lý của cơ quan, đơn vị, phản ánh trình độ trong lĩnh vực quản lý của đội ngũ CBCT cấp phân đội góp phần hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ chủ trì về chính trị, tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, quản lý, điều hành đơn vị ở cấp đại đội và tiểu đoàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu.

Chú thích:
1. Nghị quyết số 51- NQ/TW ngày 20/7/2005 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 79/CT-BQP ngày 22/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu” trong toàn quân.
2. Công văn số 256/CT-TH ngày 26/02/2019 của Tổng cục Chính trị về việc triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
4. Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
Hoàng Thanh Dương
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng