Hoàn thiện chính sách tôn giáo trong giai đoạn hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn)  – Cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến, đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng nhân dân, góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của công dân với chính sách nhất quán là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Bài viết làm rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách tôn giáo, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng thực hiện chính sách tôn giáo, khẳng định vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh họa (baodantoc.vn).
Đặt vấn đề

Chính sách tôn giáo được Đảng và Nhà nước xây dựng dựa trên quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và căn cứ vào đặc điểm tôn giáo cũng như kinh nghiệm giải quyết vấn đề tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã có những quan điểm, chính sách phù hợp đối với tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, sự đổi mới tư duy của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) đã tạo nền tảng cho việc tạo lập các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt TNTG của đồng bào có đạo và tính hiệu quả của quản lý nhà nước. Từ chính sách tôn giáo đến thực tiễn đời sống TNTG ở Việt Nam hiện nay thể hiện rõ nguyên tắc tôn trọng tự do tín ngưỡng, đại đoàn kết dân tộc, mọi tổ chức và cá nhân có quyền và nghĩa vụ bình đẳng ngang nhau; khẳng định vai trò của TNTG trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước

Ngay sau khi thành lập nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong công tác tôn giáo. Tiêu biểu là Sắc lệnh số 234/SL ngày 14/6/1955 của Chủ tịch nước về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng; Nghị quyết số 297/CP ngày 11/11/1977 của Hội đồng Chính phủ về một số chính sách đối với tôn giáo. Trong thời kỳ Đổi mới, đã có nhiều văn bản pháp quy được ban hành, như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới; Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo,…

Từ sau Đổi mới, những chủ trương và chính sách đã được cụ thể hóa bằng các văn bản, như: Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11 ngày 18/6/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về TNTG; Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh TNTG; Chỉ thị số 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà đất liên quan đến tôn giáo; Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh TNTG; Luật TNTG năm 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNTG …

Đến Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”1. Theo đó, mọi hoạt động của các tổ chức tôn giáo, giáo dân đều phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; các hoạt động tôn giáo hợp pháp được nhà nước bảo đảm; các hoạt động tôn giáo vì lợi ích chung của Tổ quốc, của Nhân dân được khuyến khích.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”2. Đảng và Nhà nước ta xác định tôn giáo còn tồn tại lâu dài, là nhu cầu của một bộ phận quần chúng nhân dân nên luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng, tự do không tín ngưỡng của công dân; mọi công dân có quyền theo hoặc không theo bất kỳ tôn giáo nào; mọi công dân có tín ngưỡng và không có tín ngưỡng đều bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ; không có sự phân biệt, đối xử vì lý do TNTG. Cụ thể:

Thứ nhất, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do TNTG và tự do không TNTG của người dân. Mọi công dân đều có quyền bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi trước pháp luật, không phân biệt người theo đạo, không theo đạo hay giữa các tôn giáo với nhau; quyền tự do thực hành tôn giáo, tham gia các sinh hoạt tôn giáo của những người có tôn giáo đặc biệt được tôn trọng và bảo đảm.

Thứ hai, đoàn kết, gắn bó đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo trong khối đoàn kết toàn dân nhằm tạo ra sức mạnh đoàn kết tất cả đồng bào các tôn giáo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, mọi cá nhân, tổ chức TNTG phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc; giữ gìn độc lập và chủ quyền quốc gia. Đây là nguyên tắc đã giúp các tôn giáo hòa cùng các phong trào của quốc gia, thể hiện tinh thần yêu nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc.

Thứ tư, những hoạt động tôn giáo ích nước, lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tín đồ được bảo đảm. Chủ trương này đã giúp các tôn giáo đem đạo vào đời, khơi thông các nguồn lực tôn giáo, phát huy các giá trị tôn giáo vào công cuộc phát triển đất nước.

Thứ năm, mọi hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo để làm mất trật tự an toàn xã hội, phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân, chống lại Nhà nước Việt Nam… đều bị xử lý theo pháp luật. Chủ trương này để phân biệt giữa nhu cầu tôn giáo chính đáng và việc lợi dụng tôn giáo, qua đó cảnh giác với các âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề niềm tin tôn giáo để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Cùng với quá trình đổi mới đất nước, đời sống TNTG ở nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, như: sự trở lại của niềm tin tôn giáo, sự gia tăng số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; nhiều hoạt động TNTG diễn ra với quy mô lớn đã thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự; các tổ chức tôn giáo được công nhận và thực hiện đường hướng hành đạo, theo quy định của luật pháp và phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Theo số liệu từ Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Các tôn giáo có đông tín đồ nhất là: Phật giáo – khoảng trên 14 triệu tín đồ, Công giáo – khoảng 7 triệu tín đồ, Phật giáo Hòa Hảo – khoảng 1,5 triệu tín đồ, Tin lành – khoảng 1,21 triệu tín đồ; Cao Đài – khoảng trên 1,1 triệu tín đồ. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có các tôn giáo khác như: Hồi giáo, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bà La Môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh Sư đạo, Minh lý đạo…3.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách tôn giáo vẫn còn một số điểm cần khắc phục, như: chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước là nhất quán nhưng chậm được cụ thể hóa và thể chế hóa cho phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thực tiễn; những quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa chính sách tôn giáo còn tản mạn, rải rác ở nhiều văn bản, ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau, vì vậy mà chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ, hiệu lực điều chỉnh chưa cao; việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt và tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật về chính sách tôn giáo chưa thường xuyên, đầy đủ và sâu rộng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng về tình hình TNTG, về chính sách của Đảng và Nhà nước, về âm mưu và hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch chống phá cách mạng.

Giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện chính sách tôn giáo

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế thực hiện pháp luật về tôn giáo. Việc hoàn thiện cơ chế thực hiện pháp luật cần phải tính đến sự đồng bộ giữa các yếu tố, vừa có giải pháp trước mắt, vừa có định hướng lâu dài,. Đối xử công bằng, thực hành dân chủ thực sự ở các vùng có đồng bào theo tôn giáo. Tuyên truyền, vận động, giải thích cho đồng bào theo đạo hiểu và thực hiện chủ trương của Đảng,chính sách, pháp luật của Nhà nước theo hướng khoa học, kiên trì, bền bỉ, không nóng vội, chủ quan.

Hai là, tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước. Phân định rõ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo từ trung ương đến địa phương. Tăng cường củng cố hệ thống tổ chức, đồng thời chú ý tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo vừa toàn diện, vừa chuyên trách, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, am hiểu tôn giáo và có kiến thức pháp luật.

Ba là, tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật. Từ thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động của tôn giáo trong những năm qua cho thấy, cần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt độngtrong khuôn khổ chính sách và pháp luật của Nhà nước. Phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào có đạo, tự giác phối hợp đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại trật tự công cộng, xâm hại an ninh quốc gia. Tăng cường công tác đối ngoại về tôn giáo nhằm tuyên truyền cho dư luận thế giới hiểu về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của nước ta.

Bốn là, bài trừ mê tín, dị đoan, phòng ngừa, chống truyền đạo trái phép và xây dựng cơ chế quản lý, kinh phí cho công tác tôn giáo. Kiên quyết ngăn chặn các hoạt động mê tín, dị đoan, các hoạt động trái phép, truyền đạo trái quy định của pháp luật. Phát huy những giá trị truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc, dân tộc và nhân dân, xây dựng thành quy ước văn hóa phù hợp với từng khu vực và cộng đồng. Bên cạnh đó, xây dựng quy định cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí và phân bổ chỉ tiêu ngân sách nhà nước cho công tác tôn giáo và thực hiện chính sách tôn giáo của các ngành, các cấp.

Năm là, giải quyết tốt vấn đề tôn giáo trong văn hóa. Tôn giáo là một bộ phận văn hóa, một bộ phận níu chặt với quá khứ, chậm thay đổi so với thực tiễn, lại gắn với cái thiêng liêng của dân tộc. Thực tế chứng minh Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Kitô giáo qua thời gian đã mang đậm sắc thái Việt Nam, trở thành một bộ phận của nền văn hóa truyền thống. Những chức sắc tôn giáothường không chỉ nắm thần quyền, mà còn là chỗ dựa của người dân khi tìm hiểu luật tục, văn học, nghệ thuật, thiên văn, địa lý, y học…

Những hoạt động tôn giáo thường không bó hẹp trong việc hành lễ, giảng đạo, mà thường kèm theo các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, như: trò chơi, biểu diễn, nhằm thu hút quần chúng và làm nhộn nhịp các hoạt động, lễ hội tôn giáo… Để giải quyết vấn đề tôn giáo dưới góc độ văn hóa thì giáo dục luôn đóng một vai trò quan trọng, vì vậy, cần đưa giáo dục tôn giáo vào các bậc học để người dân có cách nhìn đúng đắn về tôn giáo; tìm thấy tính hướng thiện, tính tích cực để xa lánh những điều mê tín, hủ tục lạc hậu, những hiện tượng tôn giáo có tính chất phản văn hóa.

Kết luận

Quá trình đổi mới nhận thức của Đảng và chính sách Nhà nước về tôn giáo đã và đang có những bước phát triển đúng đắn và khoa học, phản ánh quy luật vận động và phát triển của tôn giáo; thể hiện rõ sự vận dụng, phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo trong điều kiện lịch sử  cụ thể của đất nước. Nhờ đó, cộng đồng tôn giáo ở nước ta không ngừng được củng cố, phát triển trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày càng khẳng định vai trò của TNTG trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chú thích:
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 50 – 51, 171.
3. Những thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. https://dangcongsan.vn, ngày 04/4/2023.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Tuyên giáo Trung ương. Vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2018.
2. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
3. V.I.Lênin. Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo. H. NXB Sự thật, 1978.
4. Ban Tuyên giáo Trung ương. Vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2018.
5. Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.
6. Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.
7. Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
8. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới.
9. Đặng Nghiêm Vạn. Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia, 2003.
Lê Văn Lộc
Ban Dân vận Huyện ủy Bến Lức, tỉnh Long An