Nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác tham mưu quản lý nghiên cứu khoa học trong các trường Công an nhân dân hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Hoạt động của nhân lực làm công tác tham mưu quản lý nghiên cứu khoa học (gọi tắt là nhân lực tham mưu) trong các trường Công an nhân dân có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, có tác động trực tiếp đến hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nghiên cứu khoa học trong Công an nhân dân. Do đó, nắm bắt tình hình đội ngũ nhân lực tham mưu và đánh giá thực trạng chất lượng nhân lực tham mưu quản lý nghiên cứu khoa học và chỉ ra những ưu điểm, hạn chế để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ này là việc làm rất cần thiết.
Ảnh minh họa: cand.com.vn
Thực trạng nhân lực tham mưu quản lý nghiên cứu khoa học trong các trường Công an nhân dân hiện nay

Tổng hợp từ phòng quản lý nghiên cứu khoa học (NCKH) tại 5 trường Công an nhân dân (CAND) cho thấy, tính đến tháng 12/2022, tổng số nhân lực tham mưu quản lý (TMQL) NCKH các trường CAND có 185 người, gồm: 8 trưởng phòng, 24 phó trưởng phòng và 153 cán bộ. Về cơ cấu độ tuổi, giới tính của nhân lực TMQL NCKH: trong tổng số 185 lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ (CBCS) làm công tác TMQL NCKH thì có 94 người dưới 40 tuổi (chiếm tỷ lệ 48,6%), 65 người từ độ tuổi 41 – 50 tuổi (chiếm 34,3%) và  17,1 % nhân lực có tuổi đời trên 50 tuổi. Nhân lực tham mưu là nam giới chiếm 54,6% tương đương 101 cán bộ, nhân lực nữ có 84 người (chiếm 45,4%). Đối với chức danh trong CAND: có 20 chuyên viên cao cấp (chiếm 10,8 %), 77 chuyên viên chính (chiếm 41,6 %), 65 chuyên viên (chiếm 35,2%), còn lại là trợ lý CAND1.

Nhìn chung, đội ngũ làm công tác TMQL NCKH đa phần được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, 100% CBCS có trình độ sau đại học và đại học, trong đó có: 68 tiến sỹ, 97 thạc sỹvà 20 cử nhân, kỹ sư. Đội ngũ nhân lực TMQL NCKH hiện có 2 phó giáo sư là lãnh đạo đơn vị thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân và Học viện An ninh nhân dân. Đa số nhân lực được đào tạo bài bản tại các cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài ngành Công an, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có năng lực công tác.

Những năm gần đây, năng lực chuyên môn của nhân lực TMQL NCKH có bước phát triển đáng kể, được đào tạo tương đối toàn diện: kiến thức chính trị, tin học, ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng… Trình độ của cán bộ được nâng cao theo từng năm. Việc tự học tập, rèn luyện của cán bộ không chỉ ở trường lớp mà còn trong thực tiễn công tác nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng phương pháp công tác. Theo đó, từ năm 2018 – 2022, Cục Đào tạo Bộ Công an kết hợp với các đơn vị chức năng có liên quan đã tham mưu, xây dựng kế hoạch và tổ chức mở 9 lớp bồi dưỡng cấp Cục và 15 lớp bồi dưỡng tại các nhà trường CAND với các chủ đề: nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý KHCN; bồi dưỡng kỹ năng NCKH, lập kế hoạch, tư vấn chọn nhiệm vụ…, thu hút 240 lượt lãnh đạo và 576 lượt cán bộ TMQL NCKH tại các nhà trường tham gia2.

Nhân lực tham mưu đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo không ngừng, đề xuất nhiều ý kiến xác đáng, kịp thời, khoa học, giúp lãnh đạo đơn vị quản lý NCKH và lãnh đạo các nhà trường ban hành nhiều quyết định quan trọng. Bản thân mỗi cán bộ cũng không ngừng phấn đấu, đề xuất nhiều sáng kiến, cải tiếnkỹ thuật.

Ngoài ra, do tính chất, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng đòi hỏi chuyên môn hóa sâu, nên cấp ủy, lãnh đạo đơn vị đã chú trọng lựa chọn cán bộ đáp ứng các tiêu chuẩn quy định, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong đó đã thực hiện cơ chế tuyển chọn theo hướng: ưu tiên tuyển chọn nhân lực là giảng viên trong trường, đã qua thực tiễn công tác giảng dạy và NCKH, có trình độ cao, có tư duy sáng tạo, có khả năng quản lý, tổ chức, thực hiện và kỹ năng soạn thảo, biên tập văn bản; đồng thời, lãnh đạo các đơn vị cũng tham mưu Ban Giám hiệu, Đảng ủy các nhà trường cơ chế, chính sách nhằm phát hiện,  thu hút cán bộ ngoài lực lượng CAND về công tác tại đơn vị quản lý NCKH, tranh thủ trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học để cộng tác thực hiện nghiên cứu chuyên đề, xây dựng chiến lược, chương trình công tác; tổng kết thực tiễn, phát triển và hoàn thiện lý luận tham mưu CAND.

Trên cơ sở đó, số lượng nhân lực của phòng quản lý NCKH các trường CAND của những năm gần đây đã được tăng cường, giải quyết được phần nào tình trạng thiếu biên chế, góp phần từng bước chuyên môn hóa, có điều kiện bố trí đủ cán bộ chuyên sâu theo từng mảng công tác của đơn vị; đồng thời, có thể phục vụ kịp thời, hiệu quả các hoạt động lãnh đạo, chỉ huy. Về cơ bản, CBCS đáp ứng các tiêu chuẩn của cán bộ quản lý NCKH, đã từng bước khắc phục khó khăn, làm tốt công tác nắm tình hình, tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, kế hoạch phát triển KHCN của Nhà nước và Bộ Công an triển khai.

Đội ngũ nhân lực tham mưu của phòng quản lý NCKH các trường CAND nhìn chung đều được rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn công tác, có tư tưởng chính trị vững vàng, tuân thủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy định của ngành Công an. Đa số có ý thức phấn đấu vươn lên, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ, kiến thức về mọi mặt; có tinh thần trách nhiệm trong công tác, luôn suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Kết quả bình xét danh hiệu thi đua trong CAND, CBCS, có 15 đồng chí đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng, 195 đồng chí đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 832 đồng chí đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến3. Đặc biệt, trong đội ngũ nhân lực tham mưu của phòng quản lý NCKH các trường CAND không phát hiện cán bộ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Trước những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường và quá trình mở cửa hội nhập; trong điều kiện đa số cán bộ còn khó khăn, nhất là chính sách, chế độ đãi ngộ có mặt còn chưa hợp lý nhưng đại bộ phận cán bộ vẫn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh, giản dị; gương mẫu trong công tác và sinh hoạt; có ý thức tổ chức kỷ luật tốt; xây dựng và giữ gìn đoàn kết nội bộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác nâng cao chất lượng nhân lực TMQL nghiên cứu khoa học trong các trường CAND, vẫn còn những tồn tại nhất định:

Một là, nhân lực tham mưu và trực tiếp làm công tác quản lý NCKH ở các trường CAND còn thiếu, nhiều cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đối với nhân lực TMQL NCKH cần trình độ ít nhất là thạc sĩ nghiệp vụ công an và nghiệp vụ quản lý giáo dục để có đủ khả năng thẩm định sơ bộ kết quả NCKH của các đơn vị, có đủ kinh nghiệm thực tiễn để thực hiện quản lý các đề tài khoa học và quản lý biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học cũng như thẩm định tạp chí. Mặt khác, bản thân hoạt động NCKH công an cần sự tích lũy kinh nghiệm giảng dạy và kiến thức nghiệp vụ công an. Muốn có những sản phẩm khoa học có chất lượng thì năng lực của đội ngũ TMQL – người trực tiếp quản lý các nhiệm vụ KHCN và tổ chức cho cán bộ, giáo viên thực hiện NCKH là rất quan trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ có trình độ tiến sỹ, có chức danh giáo sư, phó giáo sư còn thấp so với mặt bằng chung của các trường đại học trong cả nước, đặc biệt là so với tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia theo Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT ngày 23/9/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học.

Hai là, trình độ, năng lực của nhân lực TMQL NCKH chưa đáp ứng kịp yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công tác giáo dục, đào tạo, NCKH trong CAND trong xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triến nhanh chóng của tình hình kinh tế – xã hội, khoa học – công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, sự đổi mới mạnh mẽ của giáo dục đại học ở trong nước và trên thế giới cũng như những diễn biến phức tạp của nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Ba là, trình độ ngoại ngữ của nhân lực TMQL NCKH vẫn còn bất cập, số cán bộ có văn bằng đại học chính quy hoặc văn bằng 2 ngoại ngữ rất hạn chế, rơi vào số nhân lực có trình độ tiến sỹ, còn lại nhân lực chưa nhiệt tình tham gia học tập để nâng cao trình độ ngoại ngữ phục vụ cho bản thân và nhu cầu công việc.

Bốn là, nhân lực làm công tác tham mưu và quản lý NCKH nhưng chưa được đào tạo bài bản, chính quy, toàn diện về nghiệp vụ tham mưu và quản lý giáo dục bậc đại học. Mặt khác, chính cán bộ quản ký lại chưa có khả năng và điều kiện tham gia độc lập các cuộc hội thảo lớn về KHCN ở trong nước và ở nước ngoài thì còn rất hạn chế. Đây là một khó khăn lớn đòi hỏi các trường CAND phải nỗ lực hơn nữa trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Năm là, kỹ năng nghề nghiệp và tự bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong nhà trường còn chưa có sự tổ chức, quản lý chặt chẽ cùng với cơ chế và chính sách cụ thể nhằm khuyến khích và động viên tất cả đội ngũ cán bộ, giảng viên cùng tham gia nên đôi khi công tác tự bồi dưỡng còn thấp, hiệu quả còn hạn chế.

Sáu là, khả năng đáp ứng và hoàn thành yêu cầu công việc chưa tương xứng với khả năng nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, giảng viên của các nhà trường (bình quân trong 5 năm gần đây số lượng đề tài được duyệt cho nghiên cứu chỉ chiếm 47,65% số đăng ký)4, số lượng đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ còn ít.

Một số đề xuất

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của CBCS về tầm quan trọng của nhân lực tham mưu về quản lý NCKH đối với chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục, đào tạo của các trường CAND do công tác tham mưu hiện diện trong tất cả các khâu hoạt động của ngành, của quá trình lãnh đạo và công tác này giữ vai trò trung tâm trong hoạt động chỉ huy, chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo công an các cấp.

Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như yêu cầu, quy trình, quy định về công tác cán bộ, nhất là nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, của người chỉ huy, của các cơ quan xây dựng lực lượng và của thủ trưởng cơ quan TMQL NCKH. Cần xác định rõ, xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu vững mạnh về mọi mặt theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng công tác tham mưu cũng như việc đáp ứng tốt các yêu cầu của công tác lãnh đạo, chỉ huy. Nâng cao nhận thức những vấn đề đặt ra đối với công tác TMQL NCKH trong các trường CAND trước những tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0; yêu cầu, nhiệm vụ của công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND trong thời kỳ mới.

Thứ hai, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhân lực tham mưu ở đơn vị quản lý NCKH đáp ứng yêu cầu mới.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ TMQL NCKH ổn định, bảo đảm tính kế thừa, liên tục, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới thì các cấp ủy, tổ chức đảng căn cần cứ vào quy hoạch cán bộ của cơ quan, đơn vị mình để dự kiến chính xác nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trên cơ sở đó, cần xây dựng các kế hoạch dài hạn, ngắn hạn về phát triển nhân lực, trong đó định hướng rõ nhu cầu và các tiêu chí để tiến hành công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng cán bộ TMQL NCKH, nhất là nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng nghiên cứu, dự báo, tính kế hoạch, kỹ năng phân tích, tổng hợp và xây dựng văn bản.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải kết hợp đào tạo tại trường và trong thực tiễn. Quá trình đào tạo tại trường sẽ cung cấp, bổ sung những kiến thức căn bản, nền tảng, phương pháp luận. Để giải quyết hiệu quả các vấn đề trong thực tiễn, bên cạnh những kiến thức, phương pháp luận được trang bị tại trường thì lại phụ thuộc nhiều vào kỹ năng, sự nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo của mỗi cán bộ. Tóm lại, kết quả đào tạo tại trường được phản ánh ở kết quả hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ trong hoạt động thực tiễn. Do vậy, cùng với việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng tại các trường, cấp ủy, chỉ huy các trường cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TMQL NCKH trong thực tiễn, có cơ chế, chính sách động viên, khích lệ, kiểm tra, giám sát quá trình cán bộ tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện trong thực tế công tác; thông qua từng bước giao thêm nhiệm vụ, tăng tính phức tạp của nhiệm vụ để thử thách và đánh giá kết quả hoàn thành công việc được giao. Chú trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, phong cách tư duy, phong cách diễn đạt, phong cách làm việc và phong cách ứng xử văn minh, khoa học.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, chính sách và các chế độ đãi ngộ đối với nhân lực tham mưu. Theo đó, cần nghiên cứu, đề xuất nâng mức phụ cấp đặc thù đối với cán bộ trực tiếp làm công tác tham mưu bằng với mức phụ cấp đặc thù của các đơn vị, lực lượng khác trong CAND, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, bảo đảm tương xứng với áp lực của công việc tham mưu; thực hiện chế độ phụ cấp làm thêm giờ đối với cán bộ tham mưu CAND; mở rộng các quy định về tiêu chuẩn cử đi đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ tham mưu…

Nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn trang bị phương tiện cho các đơn vị, cán bộ làm công tác tham mưu; ưu tiên đầu tư cho đơn vị tham mưu về phương tiện, điều kiện làm việc, nhất là trang bị, ứng dụng các phương tiện khoa học – kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào công tác tham mưu phục vụ lãnh đạo, chỉ huy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng kinh phí hỗ trợ thu thập, phân tích thông tin, dự báo tình hình, xây dựng, biên tập văn bản, hội thảo khoa học, khảo sát thực tế, tập huấn nghiệp vụ cho cơ quan tham mưu. Xây dựng đề án tăng cường tiềm lực cho cơ quan tham mưu CAND các cấp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 để chủ động việc tăng cường điều kiện, kinh phí và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ tham mưu CAND.

Thứ tư, hoàn thiện tiêu chí đánh giá, thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với nhân lực TMQL NCKH. Nội dung đánh giá nhân lực TMQL NCKH bao gồm:

(1) Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao: khối lượng, chất lượng, hiệu quả công việc trong từng vị trí, từng thời gian (kết quả công tác NCKH, số lượng, chất lượng các thông tin, tình hình thu thập, phản ánh và xử lý; số lượng, chất lượng các văn bản biên tập; số lượng, chất lượng các ý kiến tham mưu, đề xuất, các sáng kiến, cải tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động tham mưu của đơn vị; kết quả ứng dụng khoa học – công nghệ vào quá trình thực hiện nhiệm vụ…).

(2) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: nhận thức tư tưởng chính trị; việc chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành, điều lệnh CAND, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên. Tinh thần học tập nâng cao trình độ; tính trung thực, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác; tinh thần tự phê bình và phê bình, ý thức bảo vệ bí mật công tác.

(3) Việc giữ gìn đạo đức, lối sống trong sạch lành mạnh, ý thức đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực khác.

(4) Ý thức xây dựng đoàn kết nội bộ, quan hệ trong công tác; tinh thần thái độ phục vụ Nhân dân.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Tác giả tổng hợp từ 5 Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học 5 trường Công an nhân dân các nguồn số liệu về nhân lực, chất lượng nhân lực đội ngũ nghiên cứu khoa học (từ năm 2018 – 2022).
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 10/CT-BCA ngày 10/8/2020 của Bộ Công an về nâng cao chất lượng công tác khoa học và công nghệ Công an nhân dân trong tình hình mới.
2. Vương Thị Ngọc Huệ. Quản lý nghiên cứu khoa học cấp cơ sở ở các học viện, trường đại học Công an. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Đào Hồng Nam. Xây dựng và phát triển đội ngũ tri thức Công an nhân dân phục vụ sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới. Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ, Bộ Công an.Hà Nội, 2014.
4. Viện Chiến lược và Khoa học công an. Báo cáo tổng kết 10 năm (2005 2015) công tác khoa học nghiệp vụ, khoa học xã hội và nhân văn trong Công an nhân dân. Hà Nội, 2016.
NCS. Nguyễn Thị Mai Phương
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh