Thị trường lao động Việt Nam hậu Covid-19

(Quanlynhanuoc.vn) – Đến đầu quý II/2023, thị trường lao động Việt Nam đang trong xu hướng phục hồi khá trên nhiều chỉ tiêu. Tuy vậy, sắc màu tươi sáng và triển vọng lạc quan của thị trường lao động, cả việc làm lẫn thu nhập bình quân, không phải diễn ra ở mọi ngành, mọi địa phương, mọi doanh nghiệp, mọi giới và mọi lứa tuổi. Để sự phục hồi đó thực sự bền vững và đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và thích ứng với những biến động kinh tế, chính trị khó lường của thế giới, đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp, những nỗ lực to lớn và quyết tâm thực hiện của không chỉ Chính phủ mà cả các doanh nghiệp và người lao động, cả về nhận thức lẫn các chính sách vi mô và vĩ mô hợp lý.

Thực trạng thị trường lao động Việt Nam hậu Covid–191

Trong quý I/2023, thị trường lao động (TTLĐ) Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi. Dù không đồng đều giữa các ngành, nghề cấu thành, song các chỉ số cơ bản như: lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tiếp tục tăng.

Về lực lượng lao động

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2023 là 52,2 triệu người, tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn 1,0 triệu người so với cùng kỳ năm trước; số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 51,1 triệu người, tăng 113,5 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,0%, tương đương gần 20,0 triệu người; tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,9%, tương đương 17,3 triệu người; lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất với 27,1% tương đương 13,8 triệu người.

Xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở các nhóm tuổi rất trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 30,9%; nông thôn: 48,3%) và nhóm từ 15 – 24 tuổi (thành thị: 39,0%; nông thôn: 48,8%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập TTLĐ sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị.

Cùng với đó, thị trường xuất khẩu lao động đầu năm 2023 lại đặc biệt khởi sắc với các con số tăng trưởng rất ấn tượng trên tất cả các địa bàn với tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 37.923 lao động. Trong đó, các thị trường nhập khẩu nhiều lao động, như: Nhật Bản (17.696 lao động), Đài Loan (18.044 lao động), Trung Quốc (517 lao động), Singapore (364 lao động)…

Về tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2023 là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34,6 nghìn người so với quý trước và giảm 65,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I/2023 là khoảng 885,5 nghìn người, giảm 12,4 nghìn người so với quý trước và giảm 443,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi cũng có sự khác nhau giữa khu vực thành thị (1,31%) và khu vực nông thôn (2,34%).

Nhiều doanh nghiệp (DN) ở một số ngành, như: dệt may, da giày, điện, điện tử, đồ gỗ,… buộc phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng3. Điều này, đang và sẽ ảnh hưởng đến tình hình lao động, việc làm chung trong cả nước. Cụ thể, số lao động nghỉ, giãn việc của các DN trên cả nước trong quý I năm nay là gần 294 nghìn người, trong đó đa số ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 83,8%), tập trung chủ yếu ở ngành da giày với 44,2%, tiếp theo là dệt may với 18,8%; và chủ yếu tập trung ở một số, như: Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa… Điều đáng lưu ý là trong quý I/2023, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc về Đồng bằng sông Cửu Long (với 2,64%, tương ứng với gần 220 nghìn người), tiếp theo là vùng Đông Nam Bộ (với 2,63%, tương ứng với gần 263 nghìn người).

Về thu nhập bình quân tháng của người lao động

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, của quý I/2023 là 7,0 triệu đồng, tăng 197 nghìn đồng so với quý trước và tăng 640 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, nhìn chung, thu nhập bình quân tháng của lao động đang có sự cải thiện khá rõ, mặc dù không đều nhau giữa hai giới, khu vực, ngành và vùng miền. Cụ thể,

Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,0 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng). Đáng chú ý, thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế. Trong đó, khu vực dịch vụ có tốc độ tăng thu nhập cao nhất. So với cùng kỳ năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong dịch vụ là 8,3 triệu đồng, tăng 10,1%, tức tăng 766.000 đồng. Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 4,1 triệu đồng, tăng 9,2%, tức tăng khoảng 345.000 đồng. Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,9 triệu đồng, là khu vực có tốc độ tăng thấp nhấp trong ba khu vực kinh tế, tăng 9,0%, tức tăng khoảng 655.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Xét về địa bàn, thu nhập bình quân của lao động lại có sự biến động ngược chiều nhau giữa các địa phương. Ở một số địa phương, nhất là những nơi tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, như: TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh,… vẫn có sự sụt giảm. Trong khi đó, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung lại có mức thu nhập bình quân của người lao động tăng.

Một số yếu tố chủ yếu tác động đến thị trường lao động, việc làm trong thời gian tới

Từ quý IV/2022, và đặc biệt đầu năm 2023, khi kinh tế – chính trị trên thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp gây nguy cơ suy thoái trên toàn cầu, Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Thị trường có xu thế trầm lại so với những tháng trước đó. Tình trạng khó khăn sẽ tác động tiêu cực làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế phụ thuộc đáng kể vào thị trường thế giới (cả đầu vào lẫn đầu ra). Chi phí sản xuất tiếp tục tăng cao khi lạm phát phi mã ở các nước, tác động trực tiếp tới giá thành nguyên, vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước. Đồng thời, kinh tế thế giới, đặc biệt là các bạn hàng lớn (như: Mỹ, Nhật Bản, EU,…) khó khăn, khiến các đơn hàng bị cắt hoặc không ký được, tác động trực tiếp đến kinh tế và DN Việt Nam, đặc biệt trong các ngành thâm dụng lao động, như: dệt, may, da giầy, đồ gỗ và ngay cả linh kiện và sản phẩm điện tử,…

Kinh tế Trung Quốc đã chính thức chấm dứt chiến lược Zero Covid -19 và mở cửa trở lại, điều đó có tác động hai mặt đến thị trường và kinh tế Việt Nam. Tạo cho Việt Nam có thể dễ nhập khẩu được các yếu tố đầu vào (nguyên vật liệu) giá rẻ phục vụ sản xuất, nhưng Trung Quốc sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm giành giật các đơn hàng (đầu ra) của Việt Nam, vốn đang rất khó khăn.

Mặc dù trình độ chuyên môn và tay nghề của lao động Việt Nam đã được cải thiện, song vẫn chậm và vẫn còn thấp, không theo kịp với trình độ công nghệ ngày càng đổi mới. Do đó, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm làm ra của người lao động và DN vẫn còn thấp, không đáp ứng được các đơn hàng đòi hỏi sản phẩm làm ra phải có hàm lượng công nghệ và chất lượng ngày càng cao.

Những tác động tiêu cực của đại dịch Covid -19 vẫn còn dai dẳng cộng với những yêu cầu mới (cả tích cực lẫn tiêu cực) của cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động đa dạng đến nền kinh tế. 

Giải pháp phục hồi và phát triển bền vững thị trường lao động

Để từng bước vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid – 19 và suy thoái kinh tế ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, cũng như để bảo đảm thị trường lao động ở Việt Nam hậu Covid-19 phát triển bền vững đặc biệt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, cần có những giải pháp sau:

Thứ nhất,  tuyên truyền tăng cường nhận thức về tình hình thị trường lao động và đồng thời tuân thủ các quy luật kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thúc đẩy sự phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, đầy đủ, bền vững và hiệu quả; hoàn thiện hệ thống các quy định và chính sách pháp luật, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ. Tiếp tục quá trình luật hóa và thiết lập các quy định cụ thể về tiêu chuẩn lao động, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế và mở rộng liên kết giữa thị trường lao động trong nước và ngoài nước để đáp ứng tốt hơn với nhu cầu thị trường.

Thứ hai, có giải pháp về chính sách nhằm hỗ trợ DN và người lao động. Đồng thời, thực hiện các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ việc xúc tiến thương mại và tìm kiếm cơ hội khai thác thị trường mới cũng như đơn hàng mới cho DN. Tiếp tục tìm ra những giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho các DN, đặc biệt là những DN đang thiếu vốn và bị ảnh hưởng tiêu cực. Đồng thời, tìm cách khắc phục tác động tiêu cực từ việc suy giảm nhu cầu trên thị trường thế giới, nhằm bảo vệ các ngành và lĩnh vực kinh doanh, như: da giày, dệt may, điện – điện tử và các ngành công nghiệp khác.

Thứ ba, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn, đồng thời phù hợp với xu hướng mới và có khả năng cạnh tranh không chỉ trong khu vực mà còn trên quốc tế. Tích cực hỗ trợ DN và khuyến khích sản xuất – kinh doanh bằng cách tiếp cận các hình thức kinh doanh mới, hiện đại hiệu quả và phù hợp với các chuỗi giá trị mới. Đồng thời, mở rộng các mối quan hệ đối tác để tận dụng cơ hội từ sự thay đổi và điều chỉnh trong cấu trúc kinh tế toàn cầu nhằm tạo ra cơ hội tăng việc làm cho người lao động và bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Thứ tư, tăng cường việc thực hiện các biện pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực, bao gồm cả việc cải thiện cơ cấu và chất lượng lao động, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Sắp xếp, tổ chức lại và nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để bảo đảm cho Việt Nam có đủ nguồn lao động có kỹ năng nghề. Đồng thời, cần tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại cho người lao động, nhằm duy trì việc làm và bảo đảm rằng họ có kiến thức và kỹ năng cần thiết để thích nghi với sự thay đổi trong môi trường làm việc. Tăng cường kết nối giữa cung và cầu lao động trong nước, đặc biệt là gắn kết với thị trường lao động quốc tế.

Thứ năm, hoàn thiện cơ chế, chính sách và bổ sung nguồn lực để xây dựng một hệ thống thông tin, nghiên cứu và dự báo thị trường lao động. Hệ thống này phải bao gồm các thông tin từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng cho đến toàn quốc và phải bao phủ hết các ngành nghề khác nhau với các cấp trình độ khác nhau. Mục tiêu của hệ thống thông tin và dự báo này là phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước ở mọi cấp, DN, người lao động và các nhà tuyển dụng. Xây dựng một hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động chất lượng giúp Việt Nam đưa ra các quyết định chính xác và nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý nguồn nhân lực, phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan.

Thứ sáu, cần đặc biệt quan tâm đến việc dịch chuyển lao động và tạo ra việc làm phù hợp theo khu vực địa lý nhằm có cơ cấu phân bổ công việc hợp lý trên toàn quốc để bảo đảm nguồn cung lao động một cách hiệu quả. Ngoài ra, cần tạo ra cơ chế khuyến khích và hỗ trợ dịch chuyển lao động, đặc biệt là tại các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Đồng thời, cần tăng cường liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước bằng cách xây dựng cơ chế kết nối cung cầu tự động giữa thị trường lao động trong và ngoài nước.

Thứ bảy, nâng cao khả năng quản trị thị trường lao động để đáp ứng các yêu mới về tính minh bạch và liên kết giữa các quốc gia. Xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các liên kết này sẽ tạo ra một cơ sở dữ liệu toàn diện và đáng tin cậy. Từ đó, giúp hỗ trợ quản lý cung cầu lao động, việc làm và các chính sách an sinh xã hội một cách tốt hơn.

Kết luận

Trong bối cảnh hiện nay, với những giải pháp cơ bản cộng với việc điều hành khôn khéo và linh hoạt của Chính phủ và sự nỗ lực cũng như quyết tâm không mệt mỏi của các DN và người lao động, chắc chắn chúng ta sẽ kết thúc năm 2023 với một thị trường lao động tươi sáng và có sự cải thiện bền vững hơn. Tuy vậy, chúng ta phải hết sức thận trọng trước được những biến động khó lường kèm theo những tác động tiêu cực có thể có của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực hiện nay.

Chú thích:
1, 2. Tổng cục Thống kê. Thông cáo báo chí tình hình lao động, việc làm Quý I và 3 tháng đầu năm 2023. Hà Nội ngày 29/3/2023.
3. Gần 6.000 công nhân PouYuen bị sa thải, đến 53,6% khó kiếm việc làm mới. https://danviet.vn, ngày 18/5/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Bản tin thị trường lao động Việt Nam Quí I/2023. http://sba.vn, ngày 25/4/2023.
2. Loạt giải pháp phát triển thị trường lao động bền vững. https://dantri.com.vn, ngày 17/12/2022.
PGS.TS. Lưu Ngọc Trịnh
TS. Trần Thế Tuân
TS. Nguyễn Hùng Cường
Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải