Hướng đến 100% cơ quan báo chí tự chủ, nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ…

(Quanlynhanuoc.vn) – Một trong những nội dung trong Chiến lược phát triển lĩnh vực báo chí giai đoạn 2021-2025 do Bộ Thông tin và Truyền thông mới ban hành là đến năm 2025, tỷ lệ cơ quan báo chí tự chủ, Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị và thông tin thiết yếu theo quy định đạt 100%; 80% cơ quan báo chí hoàn thành việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ…

Thực hiện tự chủ tài chính là vấn đề lớn đối với nhiều cơ quan báo chí nước ta. Cũng không phải đến bây giờ mới diễn ra, mà trên thực tế những năm qua, rất nhiều cơ quan báo chí đã thực hiện cơ chế tự chủ trong điều kiện rất khó khăn (chưa được nhà nước hỗ trợ, đặt hàng…). Cho nên mục tiêu Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra đến năm 2025 tỷ lệ cơ quan báo chí tự chủ; Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị và thông tin thiết yếu theo quy định đạt 100% (Quyết định số 531/QĐ-BTTTT ngày 04/4/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông Ban hành kế hoạch hành động năm 2023 triển khai chiến lược phát triển lĩnh vực báo chí giai đoạn 2021-2025) là điều các cơ quan báo chí mong đợi và phù hợp với xu thế phát triển.

Một điều quan trọng cần xác định: Tự chủ phải là một cơ chế tạo điều kiện cho báo chí hoạt động đúng hướng, chuẩn chỉ, chứ không phải tự chủ để rồi báo chí phải tự bươn chải, kiếm tiền để duy trì hoạt động với những cách thức không phù hợp, thậm chí không đúng quy định; bởi báo chí nước ta là báo chí cách mạng của Đảng, Nhà nước. Báo chí vừa bảo đảm hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, vừa phải bảo đảm một nguồn kinh phí nhất định để duy trì hoạt động. Mặt khác, sản phẩm của báo chí không đơn thuần là sản phẩm hàng hóa mà mang đặc trưng các yếu tố chính trị, văn hóa. Cho nên, các cơ quan báo chí không thể muốn đưa sản phẩm nào ra thị trường cũng được… Đây là bài toán không hề đơn giản hiện nay đang đặt lên vai những người làm báo, đặc biệt là các tổng biên tập, các lãnh đạo cơ quan báo chí.

Trong điều kiện tự chủ tài chính đã và đang diễn ra, nếu nhìn nhận cơ quan báo chí hoạt động giống như một doanh nghiệp, cũng không sai. Tuy nhiên, có những điều mà cơ quan báo chí lại không thể “tự do” như doanh nghiệp, sự khác nhau ấy không khó nhận ra. Doanh nghiệp tạo ra sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng. Còn báo chí tạo ra sản phẩm thông qua các tin tức, bài viết, hình ảnh trên hệ thống báo điện tử và báo in đưa đến bạn đọc. Cả hai cùng tuân thủ theo quy luật cung – cầu; quy luật giá trị (giá cả, chất lượng). Nhưng Báo chí, ngoài chức năng thông tin còn mang tính chính trị, tính giáo dục, tính nhân văn. Còn sản phẩm làm ra của doanh nghiệp thiên về xu thế chất lượng, giá thành phục vụ người tiêu dùng, miễn sao được khách hàng chấp nhận.

Phần lớn các cơ quan báo chí tự chủ hiện nay, hoạt động không có sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước hay cơ quan chủ quản mà phải tự tạo ra nguồn thu qua việc xuất bản ấn phẩm, ký kết quảng cáo và tự tiến hành hạch toán chi tiêu. Vì thế, việc một toà soạn nếu có nhận hỗ trợ kinh phí từ một tổ chức hay doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin một chuyên mục, cũng là bình thường và sẽ ngày càng trở nên phổ biến, phù hợp với quy luật phát triển. Lúc này, báo chí là nguồn, kênh phản ánh chính về đối tượng thông tin, đồng hành. Mối quan hệ này dựa trên việc hai bên cùng hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi bên để cùng phát triển… Tuy vậy, không phải cơ quan báo chí nào cũng thực hiện cơ chế tự chủ tài chính một cách bài bản và suôn sẻ được, còn phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm cả về tính chất, đặc thù của cơ quan báo chí và năng lực của người đứng đầu cơ quan báo chí.

Để báo chí thực hiện tự chủ được một cách đúng hướng, rất cần có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh của Nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông phải là đầu mối của các cơ quan báo chí làm việc với các cơ quan phụ trách về tài chính, các bộ, ngành để giao nhiệm vụ, “đặt hàng” báo chí tuyên truyền. Đó không nhất thiết là những cơ quan báo chí lớn, có uy tín, mà quan trọng là phải có những nhóm độc giả mà chính sách cần tác động. Nghĩa là cơ quan báo chí nào làm tốt nhiệm vụ chính trị, đến với độc giả nhiều hơn thì Nhà nước nên ưu tiên hơn trong việc “đặt hàng”. Nói cách khác, cũng cần tạo ra một cơ chế cụ thể để cơ quan báo chí tự chủ bằng nguồn tiền của ngân sách thông qua Nhà nước đặt hàng. Hạn chế tình trạng như hiện nay, báo chí cứ đi bám doanh nghiệp, chỗ này chỗ kia, vận động tài trợ, quảng cáo, báo nào quan hệ nhiều, chạy được tài trợ nhiều, có mánh khóe thì làm ăn được, còn báo nào không có điều đó thì không có tài trợ để duy trì hoạt động… Nhà nước cần có chính sách thông thoáng hơn để giúp báo chí có thêm nguồn thu, tự nuôi sống mình, thì mới có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất. Đồng thời, có sự ưu tiên, hỗ trợ đối với những cơ quan báo chí làm nhiệm vụ chính trị, với quan điểm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan báo chí, tinh gọn báo chí và không làm tăng gánh nặng ngân sách Nhà nước.

Việc “đặt hàng” báo chí cần được xác lập công khai, minh bạch đi đôi với việc bố trí kinh phí xứng tầm với nhiệm vụ, xây dựng định mức tài chính cụ thể đối với báo chí. Nhà nước không nên áp dụng chung cơ chế tài chính đối với cơ quan báo chí như là đơn vị sự nghiệp thuần túy; cần có chính sách hỗ trợ về thuế đối với báo chí, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp trong quảng cáo. Báo chí là đơn vị sự nghiệp, nhưng là đơn vị sự nghiệp đặc thù, là một ngành nghề đặc biệt. Sản phẩm báo chí không phải là một thứ hàng hóa bình thường, mà là sản phẩm “đặc biệt” có tác động mạnh mẽ tới nhận thức và hành vi của xã hội. Xét về mặt công nghệ, sản phẩm báo chí là sản phẩm có hàm lượng chất xám và công nghệ cao…

Mặt khác, cần đổi mới quy định về nộp thuế đối với cơ quan báo chí, duy trì như hiện nay không còn phù hợp nữa. Nếu có, chỉ nên áp thuế với báo chí ở mức 5%, với những cơ quan báo chí làm nhiệm vụ chính trị thì không nên áp thuế nữa. Hoặc chỉ là mức thuế 5% với báo điện tử, còn với báo in thì miễn hoàn toàn. Vì sản phẩm của báo chí có thể coi là sản phẩm hàng hóa đặc biệt – hàng hóa tinh thần.

Tất nhiên ở chiều ngược lại, để có thể phát triển vững chắc, mỗi cơ quan báo chí và các nhà báo cũng không thể và không nên trông chờ một cách thụ động, mà cần phải chủ động để biến những áp lực tạm thời thành cơ hội, không ngừng nỗ lực cống hiến, giữ vững bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nhà báo để sáng tạo ra những tác phẩm nhân văn có giá trị thông tin tuyên truyền, phù hợp với nhu cầu thực sự của số đông độc giả. Đồng thời, tích cực phát huy các kỹ năng truyền thông, nhằm tạo ra những sản phẩm truyền thông mới, nguồn thu mới một cách hợp pháp, chính đáng, xây dựng tòa soạn phát triển, góp phần vào công cuộc đổi mới, phát triển sự nghiệp báo chí nói chung.

Nhà báo Đặng Đình Chấn