Tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức: Thực trạng và những vấn đề đặt ra

(Quanlynhanuoc.vn) – “Thực trạng tổ chức và hoạt động chính quyền thành phố Thủ Đức từ khi thành lập và những vấn đề đặt ra cần giải quyết” là chủ đề buổi Hội thảo khoa học do Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức trực tiếp và trực tuyến vào sáng ngày 27/6/2023.
GS.TS. Phan Trung Lý, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và xã hội phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Hội thảo cũng có sự tham dự của đại diện Sở Khoa học và công nghệ TP. Hồ Chí Minh, đại diện các phòng của thành phố Thủ Đức… Với trên 15 bài tham luận được in trong kỷ yếu Hội thảo, Ban tổ chức đã sắp xếp theo 3 nội dung chính: (1) Cơ sở lý luận về tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. (2) Thực trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức từ khi thành lập. (3) Giải pháp hoàn thiện tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức.

Những vấn đề đặt ra trong tổ chức và hoạt động của mô hình “thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương”

Mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương là mô hình mới, chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Đây là mô hình có rất nhiều những vấn đề và lý luận cần phải nghiên cứu, thảo luận. Trên tinh thần đó, Hội thảo đã có những trao đổi thẳng thắn và cởi mở với mục đích làm rõ các vấn đề lý thuyết liên quan đến tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương cũng như những tồn tại, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn cho rằng, việc đánh giá chính xác thực trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức; chỉ ra những điểm “nghẽn” trong tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố cũng như nguyên nhân dẫn đến những điểm nghẽn đó là điều rất cần thiết cả về lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở đó mới có thể đề xuất được mô hình tối ưu của chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời, mô hình của chính quyền thành phố Thủ Đức sẽ là mô hình mà các địa phương khác phải tham khảo và học hỏi kinh nghiệm. PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn khẳng định, mô hình chính quyền thành phố Thủ Đức là một mô hình phù hợp với xu thế của thời đại và trong bối cảnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, mô hình này cũng đặt ra rất nhiều vấn đề về cơ chế, nhân lực hành chính công, vấn đề phân cấp, ủy quyền…

Toàn cảnh Hội thảo.

TS. Phan Hải Hồ – Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đó là phân cấp, phân quyền cho thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định pháp luật đặc thù về phân cấp, ủy quyền giữa TP. Hồ Chí Minh với thành phố Thủ Đức nên thực tế triển khai đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. TS. Phan Hải Hồ đề cập đến nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù của TP. Hồ Chí Minh (ban hành ngày 24/6/2023), trong đó có điều 10 nói về cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức. Nghị quyết phần nào cũng đã “tháo gỡ” những vướng mắc trong phân cấp, ủy quyền cho thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, theo TS. Phan Hải Hồ vẫn còn nhiều vấn đề cần trao đổi, bàn bạc, nhằm hướng tới xây dựng cơ chế đặc thù của thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

TS. Phan Hải Hồ – Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh phát biểu.

Trong bài tham luận “Các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức và những nội dung cần hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương”, ThS. Phạm Thị Hoàn, Trưởng phòng Tư pháp thành phố Thủ Đức đã đề cập đến 8 vấn đề liên quan, nhất là vấn đề cơ chế phân cấp, ủy quyền; trong lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư… Tất cả những vấn đề mà bà Hoàn nêu ra tại Hội thảo là những vấn đề thực tiễn cần phải giải quyết, là cơ sở rất quan trọng để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách có những kiến nghị, đề xuất nhằm giải quyết tốt hơn nữa những vấn đề đặt ra của mô hình chính quyền thành phố Thủ Đức.

ThS. Phạm Thị Hoàn, Trưởng phòng Tư pháp thành phố Thủ Đức tham luận tại Hội thảo.
Để tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức đạt được sự kỳ vọng thì cần có những giải pháp đột phá

GS.TS. Phan Trung Lý, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và xã hội cho rằng: “Vấn đề của chính quyền thành phố Thủ Đức không phải đã khép lại bằng một Nghị quyết mà hiện tại mở ra rất nhiều vấn đề, từ cơ chế đến thực tiễn hoạt động. Giáo sư nhấn mạnh, “Không có chuyện ủy quyền của ủy quyền, giống như Chính phủ ủy quyền cho TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh ủy quyền cho thành phố Thủ Đức, rồi tới lượt thành phố Thủ Đức ủy quyền cho các phường… Muốn có mô hình “thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì cần phải có giải pháp tổng thể. Giáo sư đề nghị bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Thủ Đức; về lâu dài đề nghị nghiên cứu để trình Quốc hội ban hành một đạo luật hoặc một nghị quyết riêng về cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức.

PGS.TS. Nguyễn Văn Trình, giảng viên cao cấp Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn phát biểu tại Hội thảo.

Trong bài tham luận: “Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế để xây dựng cơ chế quản lý hành chính vượt trội cho thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh”, PGS.TS. Nguyễn Văn Trình, giảng viên cao cấp Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cho rằng, có 3 vấn đề đặt ra trong việc xây dựng cơ chế quản lý hành chính vượt trội cho thành phố Thủ Đức: 1) Trung ương phân quyền cho TP. Hồ Chí Minh như thế nào? 2) TP. Hồ Chí Minh phân quyền cho thành phố Thủ Đức như thế nào? 3) Đội ngũ cán bộ, công chức thành phố Thủ Đức có đủ sức gánh vác khối lượng công việc “khổng lồ”?

Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của thành phố Thủ Đức là một quá trình, đòi hỏi phải nghiên cứu, tổng kết cả lý luận thực tiễn, trên hết cần phải có cơ chế đặc thù riêng

PGS.TS. Huỳnh Văn Thới – Phó Giám đốc phụ trách Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, “thành phố Thủ Đức về cơ bản là định danh chứ chưa thật sự định hình”. Có 3 vấn đề cốt lõi mà chính quyền thành phố Thủ Đức cần phải giải quyết, đó là: 1) Quan niệm về phân cấp quản lý ở Việt Nam có sự mâu thuẫn giữa tính tự quản với tính thống nhất. 2) Nhận thức về đơn vị hành chính đã lỗi thời (theo kiểu cấp trên tổ chức như thế nào thì cấp dưới cũng tổ chức như thế vậy). 3) Cơ chế song trùng lệ thuộc của cơ quan hành chính nhà nước (theo cả chiều ngang và chiều dọc) làm cho vấn đề phân quyền vẫn còn nặng tính hình thức. Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, nếu giải quyết được 3 yếu tố cốt lõi trên thì mới có thể làm cho sự “định hình” của chính quyền thành phố Thủ Đức hoàn thiện và trở thành kiểu mẫu cho các địa phương khác.

PGS.TS. Huỳnh Văn Thới – Phó Giám đốc phụ trách Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại Hội thảo.

TS. Diệp Văn Sơn, chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, cần phải có cơ chế đặc thù riêng thì thành phố Thủ Đức mới kiện toàn, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức toàn diện, đủ sức vận hành và phát triển, đáp ứng sự kỳ vọng. Ông Sơn nhấn mạnh, cơ chế có tốt đến đâu đi chăng nữa thì cần phải có “cán bộ, công chức” đủ sức gánh vác, có gan phụ trách, có gan chịu trách nhiệm.

TS. Diệp Văn Sơn, chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo với nhiều nội dung phong phú đã nhận được sự trao đổi và chia sẻ tích cực từ phía giảng viên, nhà khoa học cũng như đại diện các cơ quan tham dự. Kết luận Hội thảo, GS.TS. Phan Trung Lý cảm ơn các nhà khoa học, đại biểu tham dự hội thảo, đồng thời, đề xuất nhóm nghiên cứu chỉnh sửa, biên tập nội dung tài liệu hội thảo và gợi ý những nội dung Hội thảo tiếp theo thành công tốt đẹp.

Văn Phúc