(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang có một số bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục ở thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thực trạng quản lý nhà nước về giáo dục ở thị xã Hương Trà
Hương Trà có 5 phường và 4 xã, là: phường Tứ Hạ, phường Hương Văn, phường Hương Vân, phường Hương Xuân, phường Hương Chữ, xã Hương Toàn, xã Hương Bình, xã Bình Thành và xã Bình Tiến. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã được giao theo Quyết định số 2943/QĐ-UBND ngày 19/11/2019 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế là 186 người (đã trừ số định biên của 6 đơn vị chuyển vào thành phố Huế); số lượng đã bố trí, sử dụng (tính đến ngày 30/6/2022) là 174 người, trong đó: cán bộ 97 người, công chức 77 người (không tính trưởng công an chính quy); có 35 trường học trực thuộc UBND thị xã gồm: 11 trường mầm non, 15 trường tiểu học, 8 trường trung học cơ sở và 1 trường tiểu học và trung học cơ sở1.
Tổng biên chế viên chức giáo dục được giao là: 1.119 người (trong đó: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) là 45 người; khối mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS) là 1.074 người. Số viên chức hiện có: 1.085 người (Trung tâm GDNN – GDTX là 44 người; khối mầm non, tiểu học, THCS là 1.041 người. Số lượng viên chức còn lại chưa thực hiện tuyển dụng là 34 người (Trung tâm GDNN – GDTX là 1 người; khối mầm non, tiểu học, THCS là 33 người)2.
Theo Điều 28 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp huyện, ngày 26/3/2020 UBND thị xã Hương Trà đã ban hành Quyết định số 387/QĐ-UBND về việc phân cấp, ủy quyền một số nội dung về sử dụng, quản lý viên chức trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn thị xã. Theo đó đã phân cấp, ủy quyền cho trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS, tiểu học và THCS công lập trực thuộc UBND thị xã.
Ngày 07/12/2021, tại Công văn số 4446/UBND-NV của UBND thị xã Hương Trà đã phân cấp việc thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm và thay thế phụ trách kế toán đối với các đơn vị trường học trên địa bàn thị xã cho thủ trưởng các đơn vị trường học và giao trách nhiệm cho Phòng GDĐT thị xã chủ trì, phối hợp Phòng Nội vụ thị xã hướng dẫn các đơn vị trường học việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm và thay thế phụ trách kế toán.
Hằng năm, UBND thị xã chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng GDĐT tiến hành rà soát theo kế hoạch về đội ngũ, tiến hành tuyển dụng viên chức làm việc cho ngành Giáo dục đủ biên chế, thực hiện tốt công tác điều chuyển viên chức phù hợp cho từng trường học, điều chuyển, bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục (QLGD) thường xuyên, bảo đảm công tác QLGDở các nhà trường.
Với việc phân cấp, ủy quyền đã tạo điều kiện cho Phòng GDĐT và các trường học có tính chủ động hơn, xử lý giải quyết kịp thời hơn trong công việc. Qua đánh giá thực trạng và kết quả khảo sát cho thấy, việc phân cấp giữa UBND thị xã với Phòng GDĐT thị xã là tương đối hợp lý. Tuy nhiên,phân cấp giữa UBND thị xã với UBND xã, phường trong QLGD còn nhiều bất cập chưa được thực hiện; việc ủy quyền giữa Phòng GDĐT thị xã và các trường học, hiệu trưởng và hiệu phó vẫn còn nhiều hạn chế. Nghiên cứu thực trạng cũng cho thấy, còn có hạn chế trong việc phân cấp, ủy quyền cho chính quyền cấp xã và các cơ sở giáo dục trong phát huy tính chủ động, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao của các đơn vị này.
Trong 5 năm (từ năm 2016 – 2022), UBND thị xã đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước (QLNN) cho 173 cán bộ quản lý, giáo viên; trong đó, bồi dưỡng lý luận chính trị: 90 cán bộ, giáo viên; kiến thức quản lý: 83 cán bộ, giáo viên. 100% cán bộ quản lý các trường học, giáo viên tham gia chương trình bồi dưỡng thường xuyên do Bộ GDĐT tổ chức. Kết quả 100% cán bộ quản lý xếp loại đạt yêu cầu; đối với giáo viên hầu hết các năm học đều xếp loại đạt yêu cầu. Duy nhất ở năm học 2020 -2021 có 1 giáo viên xếp loại chưa đạt3.
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong năm học 2020 -2021, thị xã đã có 777 lượt người cán bộ QLGD và giáo viên tham gia bồi dưỡng về chương trình giáo dục phổ thông lớp 1. Năm học 2021 – 2022 có 397 lượt người cán bộ QLGD và giáo viên tham gia bồi dưỡng về chương trình giáo dục phổ thông lớp 2 và lớp 64.
Việc phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước (QLNN) về giáo dục của thị xã Hương Trà nhìn chung là phù hợp, đúng với quy định của Nhà nước, song trên thực tế chưa đủ mạnh đối với cấp dưới nên ảnh hưởng đến việc thực hiện xây dựng đội ngũ công chức tại các cơ quan QLNN về giáo dục, như: thiếu tính ổn định, làm việc chưa chuyên nghiệp, kỹ năng thực thi công vụ cũng như khả năng vận dụng khoa học và công nghệ hiện đại vào công tác QLGD còn nhiều lúng túng.
Cơ cấu đội ngũ công chức QLNN về giáo dục chưa cân đối, chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài. Công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn đến tình trạng hẫng hụt các thế hệ công chức, viên chức trong nhiều cơ quan QLGD.
Đề xuất giải pháp nâng cao quản lý nhà nước về giáo dục ở thị xã Hương Trà
Một là, hoàn thiện tổ chức bộ máy QLNN về giáo dục của UBND thị xã.
Quản lý giáo dục là vấn đề rộng và phức tạp, vì vậy khi xây dựng hoàn thiện tổ chức bộ máy QLNN về giáo dục cần phải tăng cường quản lý theo ngành, lãnh thổ trên cả năm lĩnh vực: quản lý chuyên môn, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý bộ máy, quản lý cơ sở vật chất.
(1) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền QLNN về giáo dục. Phòng GDĐT chủ động phối hợp Phòng Nội vụ thị xã tiến hành đánh giá kết quả thực hiện phân cấp, ủy quyền của UBND thị xã cho Phòng GDĐT và các cơ sở giáo dục trên địa bàn thị xã. Trên cơ sở kết quả đánh giá, căn cứ tình hình thực tiễn và các quy định của pháp luật, Phòng Nội vụ phối hợp các phòng, ban, địa phương liên quan để tham mưu UBND thị xã ban hành quy định về phân cấp, ủy quyền của UBND thị xã về QLNN về giáo dục trên địa bàn thị xã, trong đó cần chú trọng phân cấp giữa UBND thị xã và Phòng GDĐT thị xã với các trường học để hiệu trưởng và hiệu phó các trường có đủ năng lực, thẩm quyền trong thực hiện xây dựng đội ngũ viên chức, giáo viên; được chủ động trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ này. Đặc biệt, chú ý phân cấp giữa UBND thị xã với UBND xã, phường trong QLGD để phát huy tính chủ động hơn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại các các xã, phường, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị thông tin… cho các trường trên địa bàn quản lý.
(2) Sắp xếp bố trí biên chế hợp lý cho đơn vị, cơ sở giáo dục. Phòng Nội vụ chủ trì phối hợp Phòng GDĐT tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng chỉ tiêu biên chế, nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục thuộc UBND thị xã, trên cơ sở căn cứ chỉ tiêu biên chế được UBND tỉnh giao và tình hình thực tiễn để tham mưu bố trí biên chế phù hợp, đồng thời tham mưu bố trí đủ số lượng công chức làm việc tại Phòng GDĐT, nhằm phát huy vai trò của cơ quan tham mưu, thực hiện chức năng QLNN về giáo dục trên địa bàn thị xã. Phòng GDĐT thị xã chủ động bố trí, phân công hợp lý nhiệm vụ chuyên môn của các chuyên viên trong Phòng GDĐT thị xã để khẩn trương giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên biệt phái tại các cơ sở giáo dục lên Phòng GDĐT thị xã để làm việc.
(3) Xây dựng quy chế phối hợp xử lý giải quyết công việc giữa các phòng, ban, cơ quan đơn vị, địa phương trên địa bàn thị xã. Phòng Nội vụ chủ trì phối hợp với các phòng, ban, địa phương xây dựng quy chế phối hợp xử lý giải quyết công việc để tham mưu UBND thị xã, trong đó quy chế phối hợp cần phải thể hiện rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, thời hạn giải quyết của các cơ quan ban, ngành, địa phương trong xử lý giải quyết công việc trên lĩnh vực QLNN về giáo dục.
Hai là, hoàn thiện nhân sự QLGD của UBND thị xã.
QLGD muốn thành công đòi hỏi đầu tiên là đội ngũ giáo viên và cán bộ QLGD. Do vậy, cầntiếp tục xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới và theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ QLGD trên địa bàn thị xã. Phòng GDĐT chủ trì phối hợp Phòng Nội vụ thị xã thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch đội ngũ cán bộ QLGD trên địa bàn thị xã để tham mưu UBND thị xã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện. Trên cơ sở đề xuất của các nhà trường, Phòng Nội vụ cùng với Phòng GDĐT thị xã tiến hành thực hiện các quy trình, lấy phiếu tín nhiệm giới thiệu nhân sự quy hoạch, tổng hợp, xây dựng Đề án quy hoạch cán bộ QLGD để trình UBND thị xã xem xét phê duyệt. Đội ngũ cán bộ QLGD nghiêm túc chấp hành sự phân công điều động bổ nhiệm của UBND thị xã để bảo đảm khắc phục tình trạng chậm bổ nhiệm cán bộ QLGD tại các cơ sở giáo dục cũng như tại Phòng GDĐT thị xã để kịp thời thực hiện công tác QLGD trên địa bàn thị xã.
Xây dựng quy hoạch tổng thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức QLNN về giáo dục cũng như đội ngũ cán bộ QLGD, giáo viên, viên chức của các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Phòng GDĐT chủ trì phối hợp Phòng Nội vụ thị xã tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể chi tiết về tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bảo đảm theo yêu cầu của ngành GDĐT và Luật Giáo dục. Đồng thời, phối hợp với Phòng Tài chính kế hoạch thị xã để tính toán nguồn ngân sách, tài chính trung hạn và hằng năm về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này và tham mưu UBND thị xã phê duyệt thực hiện. Hằng năm, trên cơ sở quy hoạch tổng thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng của UBND thị xã, giao trách nhiệm Phòng GDĐT xây dựng kế hoạch để hướng dẫn, triển khai thực hiện.
Bố trí sắp xếp vị trí, việc làm hợp lý cho đội ngũ cán bộ QLGD, giáo viên trên địa bàn thị xã.Phòng Nội vụ thị xã chủ trì phối hợp Phòng GDĐT thị xã tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể Đề án vị trí việc làm của UBND thị xã để xem xét tính phù hợp, bất hợp lý so với thực tiễn để tham mưu UBND thị xã; đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Trên cơ sở Đề án vị trí việc làm, Phòng GDĐT thị xã cần chủ động xây dựng kế hoạch rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ, chú trọng công tác đánh giá đội ngũ cán bộ QLGD, giáo viên, nhân viên để phối hợp Phòng Nội vụ tham mưu UBND thị xã ban hành Đề án điều động, luân chuyển cán bộ QLGD, giáo viên, nhân viên bảo đảm cơ cấu, số lượng, chất lượng đội ngũ, giải quyết dứt điểm tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ trong các trường học.
Ba là, hoàn thiện cơ chế QLNN về giáo dục của UBND thị xã.
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ-TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hànhTrung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Thực hiện tốt quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên của tỉnh, của thị xã. Từng bước hoàn thiện cơ chế QLNN về giáo dục; quy trình hoạt động, phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn của thị xã, các địa phương và các đơn vị trong QLGD.
Tăng cường cơ chế QLNN về giáo dục của UBND thị xã. Phòng Nội vụ, Phòng GDĐT thị xã tích cực phối hợp các ban, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND thị xã tăng cường ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền đối với việc thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và mạng lưới trường học trên địa bàn thị xã.
Chủ động định hướng phát triển giáo dục trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của thị xã. Phòng GDĐT thị xã luôn chủ động phối hợp các phòng, ban liên quan để tăng cường công tác dự báo, tham mưu, xây dựng kế hoạch định hướng phát triển giáo dục trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của thị xã và các xã, phường để luôn chủ động tổ chức triển khai thực hiện.
Tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong tổ chức thực hiện cơ chế QLNN về giáo dục trên địa bàn thị xã. Các cấp, các ngành cần tích cực tổ chức tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm để tạo sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác phát triển giáo dục trên địa bàn thị xã nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.
Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm kịp thời. Phòng GDĐT thị xã phối hợp các phòng, ban liên quan, trên cơ sở căn cứ vào nhiệm vụ phát triển giáo dục tại địa phương, tham mưu định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm để đưa ra lộ trình thực hiện cho giai đoạn mới cũng như việc thực hiện bảo đảm các chỉ tiêu phấn đấu hàng năm trong ngành Giáo dục của thị xã.
Bốn là, hoàn thiện phát triển hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và nguồn lực hỗ trợ về giáo dục trên địa bàn thị xã.
Tiếp tục thực hiện kiên cố hóa trường lớp, tập trung xây dựng mới các trường để đáp ứng đủ điều kiện xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; xây dựng thêm phòng chức năng, phòng bộ môn theo tiêu chí trường chuẩn Quốc gia. Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới trường học đáp ứng nhu cầu quy mô trường lớp ngày càng tăng, cần cải tạo, sửa chữa, xây thêm trường học cho các trường mầm non đáp ứng nhu cầu tăng lớp, xóa bỏ các điểm lẻ.
Tập trung quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn thị xã. Phòng GDĐT thị xã chủ trì phối hợp với Phòng Tài chính kế hoạch, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên môi trường và UBND các xã, phường tham mưu cho UBND thị xã tiến hành rà soát, đánh giá công tác quy hoạch và sắp xếp các điểm trường trong thời gian qua và trên cơ sở các quy định mới của ngành GDĐT; quy định về trường chuẩn quốc gia để tham mưu UBND thị xã ban hành Đề án quy hoạch, quản lý quy hoạch và sắp xếp mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn thị xã, trong đó cần quan tâm giải quyết tồn tại lâu nay còn gặp phải, đó là: việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học nhất là đối với các trường mầm non còn nhiều điểm trường khó khăntrong quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.
Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học bảo đảm theo quy định của ngành Giáo dục. Phòng GDĐT thị xã chủ trì phối hợp với Phòng Tài chính kế hoạch, các ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục liên quan để rà soát, đánh giá cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học để đề xuất UBND thị xã có hướng trước mắt là ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với các trường xuống cấp, nhiều khó khăn, những trường đăng ký xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Bảo đảm các phương tiện, thiết bị áp dụng chuyển đổi số trong QLNN về giáo dục,như: phần mềm quản lý; chữ ký số; giáo án điện tử, nội dung số; thực hiện tính liên thông, kết nối dữ liệu của ngành Giáo dục thị xã với các trường, các cơ sở giáo dục.
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục trên địa bàn thị xã. Ngành Giáo dục thị xã chủ động cùng với chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm vận động hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp,… tạo điều kiện để thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục một cách có hiệu quả nhằm phát huy tiềm năng, trí tuệ, huy động toàn bộ xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân xã hội hóa đầu tư xây dựng phát triển giáo dục ngoài công lập trên địa bàn thị xã nhất là đối với giáo dục mầm non.
Năm là, hoàn thiện công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá QLNN về giáo dục của UBND thị xã.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá các cơ sở giáo dục trên địa bàn thị xã bằng nhiều biện pháp về tổ chức quản lý, về thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của các cấp có liên quan.
Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng quy chế, quy trình thanh tra, kiểm tra đánh giá về công tác giáo dục trên địa bàn thị xã. Thanh tra thị xã chủ động rà soát quy chế, quy trình thanh tra, đánh giá đúng thực trạng về công tác thanh tra để có biện pháp tham mưu kịp thời UBND thị xã phê duyệt bổ sung quy chế, quy trình thanh tra về công tác giáo dục trên địa bàn thị xã. Phòng GDĐT thị xã phối hợp với Phòng Nội vụ thị xã tiến hành rà soát quy chế, quy trình kiểm tra, đánh giá về công tác giáo dục để có tham mưu UBND thị xã phê duyệt bổ sung quy chế, quy trình kiểm tra đánh giá phù hợp theo quy định và thực tiễn công tác.
Thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra đánh giá theo kế hoạch đề ra và cả đột xuất. Kịp thời tham mưu ban hành các văn bản về công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá theo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao cũng như trong xử lý các trường hợp vi phạm nếu có xảy ra thông qua thanh tra, kiểm tra đánh giá phát hiện.
Chú trọng thực hiện bảo đảm tính độc lập trong thanh tra, kiểm tra, đánh giá về công tác giáo dục trên địa bàn thị xã. Các phòng, ban chức năng được giao nhiệm vụ, nhất là Thanh tra thị xã, Phòng GDĐT thị xã, Phòng Nội vụ thị xã chủ động phối hợp, tham mưu UBND thị xã xây dựng quy chế, quy trình về thanh tra, kiểm tra đánh giá về công tác giáo dục trên địa bàn thị xã; trong đó cần xem xét bổ sung quy định về tính độc lập trong thanh tra, kiểm tra, đánh giá hoặc có quy định về việc hợp đồng thuê đơn vị có năng lực, tư cách pháp nhân để thực hiện nhiệm vụ trên một cách độc lập, khách quan trên địa bàn thị xã.