Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Luông-Pha-Bang, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới sau Đại hội Đảng lần thứ X của tỉnh Luông-Pha-Bang, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được những kết quả mới. Thu nhập của nông dân được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện; an ninh, trật tự an toàn xã hội nông thôn được củng cố; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ở khu vực nông thôn được tăng cường… Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Luông-Pha-Bang vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, cần có giải pháp đồng bộ, thiết thực.

Thực trạng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Luông-Pha-Bang

Tỉnh Luông-Pha-Bang nằm ở phía Bắc của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, là cửa ngõ nối các tỉnh miền Bắc với Thủ đô Viêng Chăn. Hiện nay, tỉnh có diện tích 16.875 km2, trong đó rừng núi cao chiếm 85%; có 11 huyện và 1 thành phố và dân số là 477.684 người. Thành phố Luông-Pha-Bang là trung tâm về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của tỉnh; đồng thời, là tỉnh nằm trong vùng chính của trung tâm du lịch ở Lào có các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, những vùng núi hoang sơ cùng nhiều vùng quê thanh bình.

Những năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới sau Đại hội Đảng lần thứ X của tỉnh Luông-Pha-Bang, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao; các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm ngày càng chất lượng. Thu nhập của nông dân được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt; an ninh, trật tự an toàn xã hội nông thôn được củng cố. Việc đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất được tăng cường; việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã được coi trọng; nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp đã có tiến bộ rõ rệt…1.

Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ở khu vực nông thôn được tăng cường; đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; các công trình thủy lợi, nội đồng bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp; các trường học được nâng cấp và xây mới đáp ứng nhu cầu dạy và học; nhà văn hóa các thôn được xây mới và sửa chữa, mua sắm thiết bị; các trạm y tế được cải tạo, nâng cấp, xây mới, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong phát triển nông nghiệp của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như: sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít, tăng trưởng nông nghiệp còn thấp; việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng; các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, chưa có nông sản hàng hóa có thương hiệu mạnh phục vụ mục tiêu xuất khẩu; kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện còn chưa đồng đều, có huyện tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tương đối cao, như: Phu Khun, Phôn Xay, Pác Xeng, huyện Viêng Khăm và Phôn Thoong2.

Từ kết quả và những hạn chế trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Luông-Pha-Bang nêu trên đã cho thấy rõ: nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh; là cơ sở để phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa… Do đó, giải quyết các vấn đề này là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và người dân trong tỉnh.

Giải pháp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao đời sống nông dân

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, cần rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống quản lý nông nghiệp từ thành phố đến cấp cơ sở, làm rõ và tách bạch chức năng hành chính công và dịch vụ công; thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị ở khu vực nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào (khóa XI), đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cấp ủy các cấp cần chú trọng công tác tổng kết thực tiễn; lấy kết quả lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và chăm lo đời sống cho Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm. Chính quyền, Mặt trận xây dựng đất nước và các đoàn thể chính trị – xã hội, đặc biệt là hội nông dân các cấp cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, tham gia có hiệu quả vào việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông thôn của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, như: qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội… Nội dung tuyên truyền cần phong phú, cập nhật những chủ trương, chính sách mới của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn; phản ánh kịp thời những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới, từng bước khắc phục tâm lý “trông chờ, ỷ lại”. Nâng cao nhận thức cho người nông dân hiểu cần liên kết, hợp tác với nhau trong quy trình sản xuất – tiêu thụ sản phẩm để sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Ba là, đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; bảo quản, chế biến nông sản. Quản lý và sử dụng có hiệu quả thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa đã được bảo hộ; tiếp tục xây dựng và phát triển thêm một số thương hiệu nông sản hàng hóa mới có lợi thế của tỉnh.

Thực hiện quy hoạch và phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, dịch vụ nông thôn; mở rộng các loại hình dịch vụ để giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp và nâng mức thu nhập cho nông dân; phát triển các làng nghề, chú trọng các nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, bảo quản, chế biến nông, lâm sản, cơ khí nhỏ, giày da, vật liệu xây dựng,…

Bốn là, thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh. Tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu, gắn với quy hoạch. Ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế cho nguời dân; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn…

Thực hiện có hiệu quả các chương trình và chính sách giảm nghèo, lồng ghép có hiệu quả với các chương trình trên cùng một địa bàn. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Có kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề và chính sách bảo đảm việc làm cho nông dân, nhất là ở các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với việc chuyển lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Năm là, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất.

Xây dựng và có các biện pháp nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết, hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, gia trại phát triển.

Sáu là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn.

Thực hiện có hiệu quả chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Công tác đào tạo nghề phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và của xã hội; đồng thời, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch sản xuất và quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Nội dung, chương trình, quy trình và phương pháp đào tạo cho lao động nông thôn cần có sự đổi mới theo hướng kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Đa dạng hóa các phương thức, mô hình đào tạo, đẩy mạnh các hình thức liên kết, phối hợp đào tạo theo các đề án, dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn và thông qua các doanh nghiệp có hợp đồng liên kết sản xuất – tiêu thụ với nông dân. Chú trọng dạy nghề cho thanh niên nông thôn, nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách và lao động ở vùng đô thị hóa.

Bảy là, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học – công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp.

Đây là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển. Theo đó, cần nâng cao hiệu quả các đề tài, dự án khoa học; khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp vào nghiên cứu, chuyển giao các ứng dụng tiến bộ KHCN. Nâng cao hiệu quả của công tác khuyến nông, khuyến ngư trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa sự tham gia của Nhà nước và doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến rõ nét trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Tăng cường xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.

Tăng cường và củng cố đội ngũ làm công tác KHCN để tiếp thu, làm chủ và ứng dụng có hiệu quả tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho một số sản phẩm hàng hóa có thế mạnh, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp KHCN.

Tám là, có chính sách thích hợp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang đầu tư hướng dẫn nông dân trồng tiêu thực hành nông nghiệp tốt để cho ra sản phẩm có chất lượng và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; đây là hướng đi rất thích hợp cần phải tập trung tuyên truyền, vận động người nông dân trồng tiêu tích cực tham gia và có thể xem đây là hình mẫu trong thực hiện để nhân rộng ra đối với các cây trồng vật nuôi mà địa phương có lợi thế.

Chú thích:
1. Báo cáo tổng kết công tác năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Luông-Pha-Bang.
2. Báo cáo tổng kết năm 2021 của Sở Nông và Lâm nghiệp tỉnh Luông-Pha-Bang.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XIII) về nông nghiệp nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bounmy Laofaidang
NCS, Học viện Hành chính Quốc gia