Ninh Bình khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế trên thế giới, du lịch đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa – xã hội của con người. Du lịch không những là một ngành kinh tế góp phần nâng cao đời sống vật chất mà còn giúp con người có điều kiện giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, vùng miền. Du lịch đã nằm trong chiến lược phát triển của rất nhiều quốc gia, đóng góp quan trọng trong sự phát triển của các nước. Với sự quan tâm đầu tư một cách toàn diện, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển hết sức mạnh mẽ, đồng bộ, hiện đại, cùng nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng, trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Ảnh minh họa (baoninhbinh.org.vn)
Khái quát về Ninh Bình

Ninh Bình nằm ở phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90 km, với vị trí địa lý thuận lợi, Ninh Bình trở thành cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế – thương mại – du lịch và văn hóa giữa hai miền Nam – Bắc. Ninh Bình không chỉ được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo, hấp dẫn mà còn có nhiều di tích lịch sử – văn hóa quan trọng gắn liền với nhà nước Đại Cồ Việt, Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Ninh bình có 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình đa dạng, hệ động thực vật phong phú đã hình thành nhiều khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn khách du lịch.

Là tỉnh có tiềm năng du lịch rất lớn, có tới 4 danh hiệu UNESCO: quần thể di sản thế giới Tràng An, ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu và khu dự trữ sinh quyển thế giới Bãi ngang – Cồn Nổi. Nơi đây sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng: cố đô Hoa Lư – kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, hiện còn nhiều di tích cung điện, đền, chùa, lăng mộ… liên quan đến các triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý. Chùa Bái Đính – một quần thể gồm khu chùa cổ và khu chùa mới với quy mô là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, là ngôi chùa sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam. Quần thể danh thắng Tràng An với hệ thống các hang động, thung nước, rừng cây và các di tích lịch sử gắn với kinh thành xưa của cố đô Hoa Lư. Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động cũng được công nhận di tích thắng cảnh hạng đặc biệt với các điểm du lịch, như: Tam Cốc, đền Thái Vi, chùa Bích Động, động Tiên, hang Bụt, Thung Nắng, Thung Nham, vườn chim… Vườn quốc gia Cúc Phương là rừng quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Nhà thờ Phát Diệm là công trình kiến trúc tôn giáo kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái, vườn chim Thung Nham, Thung Nắng, động Thiên Hà, suối nước nóng Kênh Gà…

Không chỉ nổi tiếng với các danh lam thắng cảnh, Ninh Bình còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa với 1.821 di tích lịch sử đã được xếp hạng. Cùng với đó, Ninh Bình có nhiều lợi thế lớn để phát triển du lịch nông thôn, như: cánh đồng lúa, cánh đồng hoa, cánh đồng dứa, các làng nghề truyền thống… Những nguồn lực, lợi thế về tự nhiên và văn hóa đã được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình sớm đánh giá đúng mức, xác định phát triển du lịch dựa trên nền tảng lịch sử – văn hóa và thiên nhiên làm hướng phát triển chính, mang tính “hạt nhân” để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững của tỉnh.

Ninh Bình phát triển du lịch nhằm thúc đẩy kinh tế – xã hội bền vững

Công tác chỉ đạo, điều hành

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của du lịch đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Hệ thống văn bản chỉ đạo liên quan đến ngành Du lịch được ban hành đầy đủ: Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 07- NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2045; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2045…

Các nghị quyết được ban hành là đòi hỏi của thực tiễn, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của tỉnh nhằm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thông qua nhìn nhận khả năng đóng góp của du lịch vào kinh tế – xã hội.

Những kết quả đạt được

Với sự quan tâm đầu tư một cách toàn diện, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển hết sức mạnh mẽ, đồng bộ, hiện đại, cùng nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng, trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Năm 2022, lượng khách tham quan du lịch tỉnh Ninh Bình khoảng 3,7 triệu lượt, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: khách nội địa hơn 3,6 triệu lượt khách; khách quốc tế đón gần 60 nghìn lượt khách. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2023, tỉnh đón khoảng 3,2 triệu lượt khách, gấp 4,9 lần so với quý I/2022; trong đó, khách nội địa hơn 3.085,2 nghìn lượt khách, khách quốc tế  hơn 125,9 nghìn lượt1.

Cùng với sự gia tăng về số lượng khách du lịch, tổng thu từ du lịch của tỉnh Ninh Bình cũng có mức tăng khá cao. Trong năm 2021 doanh thu đạt 935 tỷ đồng; năm 2022 doanh thu ước đạt khoảng 3.450 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Những tháng đầu năm 2023, đẩy mạnh việc mở cửa đón khách du lịch, lượng khách đến tăng cao, doanh thu ước đạt hơn 2.487 tỷ đồng, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Du lịch phát triển đã mang lại hiệu quả về nhiều mặt cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đóng góp của du lịch trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh liên tục tăng, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ, thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển, đồng thời còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên và môi trường cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư. Cụ thể, tổng GRDP trong 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh ước đạt 12.138,4 tỷ đồng, tăng 8,45% so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ tăng trưởng này, tỉnh Ninh Bình đã vươn lên xếp thứ 6 cả nước và xếp thứ 2 khu vực đồng bằng sông Hồng2.

Bên cạnh đó, sự phát triển của du lịch đã đa dạng hóa các ngành nghề, giúp người lao động có thêm nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với trình độ, khả năng, điều kiện của mình. Nếu như trước đây người dân sinh sống trong một số khu vực du lịch của tỉnh chỉ quen với nghề làm nông nghiệp, chăn nuôi, nghề thủ công thì nay hoạt động du lịch tác động tạo ra nhiều ngành nghề mới, như: kinh doanh lưu trú, nhà hàng ăn uống, chèo thuyền phục vụ du khách, chụp ảnh, hướng dẫn viên tại các điểm du lịch, bán hàng, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch trang trại, vận chuyển khách…

Mặt khác, từ kết quả hoạt động kinh doanh du lịch cũng đã góp phần thúc đẩy ngành tiểu thủ công nghiệp của Ninh Bình phát triển, như: nghề thêu ren, đan lát hàng cói, thủ công mỹ nghệ,… tạo ra những sản phẩm lưu niệm cho du khách. Người lao động của tỉnh, nhất là trong các khu, điểm du lịch, như: Tràng An, Bái Đính, Nhà thờ đá Phát Diệm, Vân Long… có nhiều cơ hội tìm việc làm ngay tại chính quê hương mình và có thu nhập cao, ổn định hơn trước. Cùng với việc tạo ra công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, khi tham gia các dịch vụ du lịch, người dân địa phương còn được giao lưu văn hóa với du khách thập phương, mở rộng hiểu biết, trân quý hơn các giá trị văn hoá, danh thắng của quê hương, từ đó có ý thức và trách nhiệm hơn với việc giữ gìn, bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Ninh Bình vẫn còn tồn tại một số hạn chế: (1) Hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn thiếu đồng bộ, quy mô nhỏ. (2) Chất lượng sản phẩm, các dịch vụ vui chơi giải trí, các dịch vụ bổ sung, hỗ trợ khách, các khu mua sắm, chợ đêm, phố đi bộ chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch… (3) Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch còn thấp so với các địa phương trong vùng và trên cả nước. (4) Nguồn nhân lực du lịch còn yếu và thiếu về số lượng, chưa hợp lý về cơ cấu, thiếu lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn cao và đội ngũ quản lý giỏi. (5) Một bộ phận cộng đồng địa phương tham gia hoạt động du lịch kỹ năng giao tiếp, ứng xử phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài còn hạn chế. (6) Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch hiệu quả còn thấp chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch.

Một số giải pháp để phát triển ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình

Một là, các cấp, các ngành tập trung đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch. Xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa, hội nhập quốc tế cao; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động và có chính sách, cơ chế đột phá, không ngừng nâng cao uy tín, hình ảnh, thương hiệu và sức hút của du lịch Ninh Bình, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hai là, tiếp tục đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút đầu tư phát triển du lịch. Tạo điều kiện, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng khu, điểm du lịch, hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa: tập trung đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, chất lượng cao. Ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước đầu tư hoàn chỉnh các dự án cơ sở hạ tầng du lịch; tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, phố đi bộ, chợ đêm.

Ba là, nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu từng đối tượng khách. Phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế của tỉnh: du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với di sản, di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề, tham quan và tìm hiểu văn hóa, lối sống và phong tục tập quán địa phương; du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng ở các khu vực có cảnh quan đẹp, suối khoáng nóng kết hợp khu vui chơi giải trí cao cấp; du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên, khám phá các hang động, đa dạng sinh học, phong cảnh làng quê gắn với trải nghiệm nông nghiệp, du lịch núi, sông, hồ… Ưu tiên phát triển các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cố đô Hoa Lư; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới với quần thể danh thắng Tràng An để tạo ra sản phẩm có tính độc đáo, hấp dẫn và đặc trưng, mang dấu ấn riêng.

Bốn là, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch đến Ninh Bình. Ninh Bình cần có chính sách hỗ trợ, liên kết nguồn lực công để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp lữ hành đủ mạnh có khả năng cùng thực hiện tốt chiến lược marketing cho Ninh Bình. Đẩy mạnh liên kết công – tư trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch ở trong và ngoài nước; tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch trong nước và quốc tế; quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Năm là, thường xuyên xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch từ đội ngũ quản lý, hoạch định chính sách cho tới lao động nghiệp vụ (buồng, bàn, bar, bếp, lễ tân, hướng dẫn viên…). Khuyến khích và tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho việc tự học (cá nhân), tự đào tạo (doanh nghiệp) đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, để khắc phục thiếu hụt lao động bậc cao, Ninh Bình cần có chính sách kết hợp thu hút nhân tài, lao động bậc cao, chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang làm du lịch.

Kết luận

Ninh Bình là vùng đất có nhiều tiềm năng nổi trội có thể phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Công tác quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh được quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt nhiều hiệu quả tích cực, từ đó, góp phần khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế và tạo cơ sở để hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng, thu hút và triển khai thực hiện các dự án đầu tư về du lịch. Phát triển du lịch trong thời gian qua đã có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế – xã hội của tỉnh; tạo ra nhiều việc làm cho xã hội; thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; góp phần hỗ trợ công tác bảo tồn tài nguyên và môi trường du lịch… Trong thời gian tới, việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra tại quy hoạch phát triển du lịch sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Chú thích:
1, 2. Báo cáo số 223/BC-SDL ngày 02/12/2022 của Sở Du lịch Ninh Bình về kết quả thực hiện công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Đề án phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2045.
2. Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
3. Nghị quyết số 07- NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2045.
ThS. Đinh Thị Hoa
Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình