Tăng cường quản lý nhà nước nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực của tôn giáo nội sinh trong bối cảnh hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn)Tôn giáo nội sinh ra đời trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, tín đồ đa số là nông dân, chính vì thế sự tác động của các tôn giáo nội sinh không chỉ liều thuốc giảm đau về mặt tinh thần mà nó còn tác động đến nhiều mặt, trên nhiều phương diện trong đời sống chính trị, văn hóa xã hội của đất nước. Sự tác động của các tôn giáo nội sinh ngoài những vấn đề tích cực thì còn tiềm ẩn những tiêu cực cần quan tâm. Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo, tín ngưỡng nói chung, tôn giáo nội sinh nói riêng là cơ sở khuyến nghị Đảng và Nhà nước có những chính sách phù hợp với quá trình phát triển đất nước, đồng thời phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong sự đa dạng của các tôn giáo.
Ảnh minh họa (vietnamplus.vn)
Đặt vấn đề

Việt Nam có truyền thống văn hoá lâu đời và là một quốc gia đa dân tộc, đa tín ngưỡng, đa tôn giáo; mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam có những tín ngưỡng, tôn giáo gắn liền với đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội. Hiện Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự1. Việt Nam cũng có hàng ngàn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Tôn giáo tại Việt Nam khá đa dạng, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo lớn khác nhau, như: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’i,…; các tôn giáo khác chiếm tỷ trọng nhỏ2.

Tôn giáo nội sinh là bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Tôn giáo nội sinh (TGNS) phổ biến vùng Nam bộ, mang sắc thái của địa phương. Có thể kể đến các tôn giáo có nguồn gốc từ giáo lý của Phật giáo, như: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh độ Cư Sĩ Phật Hội và Phật giáo Hòa Hảo. Học thuyết và phương thức hành đạo của các tôn giáo này thể hiện sự kế thừa hệ tư tưởng học thuyết Phật giáo, hướng tín đồ đến chân – thiện – mỹ. Từ khi ra đời, các TGNS có ảnh hưởng nhất định đến đời sống vật chất và tinh thần của cư dân.

Suốt chiều dài lịch sử đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo là bộ phận không thể tách rời của đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt Nam, Nhân dân Việt Nam. Từ khi thành lập nước, Đảng và Nhà nước luôn coi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của công dân và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng và tôn giáo để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, phù hợp với yêu cầu đời sống tâm linh, tôn giáo của công dân, công ước và luật pháp quốc tế về quyền con người. Nhờ đó, cộng đồng tôn giáo ở nước ta không ngừng được củng cố, phát triển trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp xứng đáng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, nhiều vị chức sắc các tôn giáo đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm cố vấn cho Chính phủ (linh mục Phạm Bá Trực, ông Cao Triều Phát – lãnh tụ Cao Đài vùng Hậu Giang,…). Bác cũng là người sớm nhận ra những giá trị nhân văn, cao cả của các tôn giáo: “Chúa Jesus dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”3; và “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết4… Lời dạy đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị về sự thống nhất, đoàn kết trong đa dạng, tôn trọng sự khác biệt của các tôn giáo, tạo nên truyền thống, bản sắc, văn hóa, sức mạnh, nguồn lực đại đoàn kết của toàn dân tộc. Đồng bào có đạo là bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày 30/8/2022, tại Hội trường Thống Nhất – Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Đất nước có phong trào gì thì các tôn giáo hưởng ứng tích cực, đóng góp hiệu quả cho phong trào đó. Đất nước có khó khăn, thách thức thì với tinh thần đại đoàn kết, tôn giáo đồng hành cùng đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng và bảo vệ đất nước. Đất nước có thuận lợi và thời cơ thì tôn giáo thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và Nhân dân ấm no, hạnh phúc”.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân. Hiện nay, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về tôn giáo, tín ngưỡng nói chung, TGNS nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể:

Thứ nhất, công tác chỉ đạo, điều hành. Thực hiện chức năng QLNN về công tác tôn giáo, tín ngưỡng, Ban Tôn giáo Chính phủ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn về tín ngưỡng, tôn giáo, như: Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, (khóa IX) về công tác tôn giáo; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện

Nghị quyết số 25-NQ/TW. Trong đó, Nghị quyết số 25-NQ/TW là văn bản đầu tiên của Đảng ta về công tác tôn giáo được phổ biến, quán triệt rộng rãi đến từng cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân, là dấu mốc quan trọng và nền tảng chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ hai, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được chú trọng, như: biên soạn, phát hành tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật cho cán bộ làm công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị và chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ; xây dựng phim, phóng sự chuyên đề phát sóng trên Đài truyền hình quốc gia để thông tin tới bạn bè thế giới và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta luôn nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, củng cố niềm tin trong chức sắc, tín đồ tôn giáo đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Theo thống kê, từ năm 2018 – 2020, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức 148 hội nghị tuyên truyền phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/NĐ-CP (quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật) cho cán bộ trong hệ thống chính trị với 26.278 lượt người tham gia; 132 hội nghị cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành với 27.793 lượt người tham gia5.

Thứ ba, phát huy những ảnh hưởng tích cực của TGNS nhằm lan tỏa những điều tốt đẹp đến đời sống cư dân. Sự xuất hiện của TGNS làm xoa dịu những nỗi khổ đau trong cuộc sống, đồng thời đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của người dân. Tôn chỉ, đường hướng hoạt động của TGNS tác động đến đời sống cư dân trong quá trình thực hành tôn giáo cũng như hoạt động nhập thế là tất yếu. Các giáo lý của TGNS hướng con người đến cái chân – thiện – mỹ; khuyên con người làm điều thiện, tránh điều ác, siêng năng, làm ăn chân chính bằng sức lao động của mình và bố thí cho người yếu thế. TGNS có những tác động tích cực đến người dân. Cụ thể:

(1) Về đời sống vật chất. Cư dân tham gia các TGNS vốn siêng năng, cần cù trong lao động sản xuất lại được tác động từ những giáo lý, giáo luật, sấm giảng… của TGNS nên bám đất, bám làng, vừa kiếm miếng ăn vừa chia sẻ những miếng ăn đó với những người nghèo khổ hơn. Tính thực tiễn của TGNS trong việc hành pháp thể hiện qua hoạt động tự lập những trại ruộng để tự túc trong vấn đề sinh sống, lập làng. Nhờ đức tin, tín đồ đã bám trụ và khẩn hoang, biến những vùng đầm lầy, rừng rậm thành những vùng đất rộng lớn, màu mỡ giúp mọi người có cuộc sống tốt hơn.

Tín đồ thuộc các TGNS không những chăm chỉ làm giàu cho cuộc sống gia đình mình, họ còn thực hiện các hoạt động từ thiện một cách tích cực và hiệu quả. Nhiều mô hình hoạt động từ thiện xã hội được mở rộng và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Nếu như trước đó chỉ tập trung việc chữa bệnh cho dân làng, thì hiện nay các mô hình mới được triển khai và tổ chức rất hiệu quả, như: xây trường học, làm đường giao thông nông thôn, xây cầu bê tông, hỗ trợ nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; hỗ trợ bệnh nhân nghèo, xây bệnh viện từ thiện; dạy nghề, tìm việc làm, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt… Chỉ tính riêng Phật giáo, Tứ ân Hiếu nghĩa, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Phật giáo Hòa Hảo, kinh phí thực hiện cho các hoạt động an sinh xã hội từ 2010 – 2020 đã lên đến vài nghìn tỷ đồng. Theo số liệu thống kê từ Ban Từ thiện xã hội – Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, trong nhiệm kỳ IV (2014 – 2019), tổng kinh phí thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là trên 1.928 tỷ đồng6.

(2) Về đời sống tinh thần. Mô hình từ thiện, xã hội của các tôn giáo đã khơi dậy tình cảm, sự sẻ chia cộng đồng, bồi đắp và là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Trong thời hội nhập quốc tế, mặt trái của nền kinh tế thị trường, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, thái độ vô cảm thờ ơ đang ngày càng thâm nhập vào giới trẻ làm phai nhạt tình cảm cộng đồng vốn được gầy dựng từ hằng nghìn năm qua. Nay, chính những mô hình từ thiện của Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo và tín đồ đã khơi dậy và cỗ vũ tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, khơi dậy tình cảm cộng đồng.

Hơn thế nữa, tôn giáo còn là nơi để thể hiện sự yêu thương, chia sẽ những khó khăn, đùm bọc lẫn nhau, giúp nhau vượt qua những nỗi đau của thể xác hoặc tinh thần. TGNS kêu gọi mọi người đoàn kết, yêu thương nhau, những cụm từ “Huynh, đệ”, “Đồng đạo”… thể hiện tình cảm của những người anh em, những người cùng chí hướng. TGNS là cầu nối những tín đồ xích lại gần nhau, đoàn kết trong lao động sản xuất cũng như trong đấu tranh chống ngoại xâm và trong lao động thường nhật. Từ đó, hình thành nên lối sống trọng tín, có tình cảm cộng đồng sâu sắc.

Với tôn chỉ, pháp môn hành đạo rõ ràng, cụ thể, thiết thực, gắn bó gần gũi với cuộc sống đời thường“học Phật tu Nhân”. Đây là hai nguyên lý có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và mục đích của việc tu Nhân là xây dựng mối quan hệ trong sáng, lành mạnh, tốt đẹp giữa người với người hay giữa thế hệ này với thế hệ khác, giữa cá thể với tập thể, cộng đồng xã hội. Hay nói cách khác, tu Nhân giúp con người loại trừ những xấu xa, ích kỷ mà hướng thiện tu tâm, dưỡng tính, rèn luyện bản thân sống có có luân thường đạo lý. Những lời kinh, sấm giảng của các TGNS được trình bày bằng nhiều hình thức với mức độ bình dân, dễ hiểu, mang tính quần chúng cao. Các lý thuyết nhà Phật cao siêu; các tư tưởng vô vi thâm hậu; các rường cột quan hệ Nho gia trở thành giáo thuyết vừa giản đơn vừa gần gũi gắn bó với cuộc sống sinh hoạt lao động hằng ngày của cộng đồng .Ngoài ra, đền, chùa, cơ sở thờ tự, những họa tiết, hoa văn, trên mái chùa, phong cách sinh hoạt tôn giáo cũng đã góp phần tạo nên diện mạo cho một nền văn hóa phong phú.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác QLNN về tôn giáo nói chung và TGNS trong những năm qua còn gặp một số hạn chế, khó khăn. Trong quy định của các luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo còn thiếu và chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác vận động quần chúng liên quan đến hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới; ngăn chặn hoạt động có dấu hiệu cực đoan, có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao, chưa nhất quán, chưa đủ tài liệu tuyên truyền mang tính thuyết phục để làm cơ sở đấu tranh; công tác thanh tra, kiểm tra tập trung giải quyết trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo có thời điểm chưa kịp thời và quyết liệt; hiện tượng “tà đạo”, mê tín dị đoan có xu hướng gia tăng hoạt động xâm lấn ở nhiều tỉnh, thành phố… Đơn cử, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có thời điểm khoảng 500 người hoạt động trong tổ chức tự xưng là Hội thánh đức chúa trời mẹ với 16 điểm sinh hoạt, tập trung phần lớn ở thành phố Thanh Hóa7.

Các hoạt động truyền bá “tà đạo”, sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật đã đi ngược lại những quy định của Nhà nước về tôn giáo, như: sử dụng các hình thức tuyên truyền xuyên tạc, ma mị, lừa bịp để lôi kéo người dân, trong đó có cả hình thức trục lợi, xúc phạm đến nhân phẩm đạo đức, quyền sống của con người hay đi ngược lại phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tăng cường quản lý nhà nước nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực của tôn giáo nội sinh trong bối cảnh hiện nay

Tăng cường QLNN nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực của TGNS trong bối cảnh hiện nay là việc làm quan trọng. TGNS nằm trong sự đa dạng tôn giáo nhất là đối với khu vực Tây Nam Bộ. Sự đa dạng này, tạo thêm những diện mạo mới, bổ sung những giá trị văn hóa truyền thống của cư dân. Tuy nhiên, sự tác động từ TGNS đến đời sống của người dân đang là những vấn đề đặt ra cho công tác QLNN hiện nay.

Một là, các cấp ủy Đảng, các cơ quan QLNN về tôn giáo, tổ chức đoàn thể, chính quyền cần thực sự quan tâm, lãnh đạo việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách đồng bộ, thống nhất. Bởi, mâu thuẫn tôn giáo vẫn đang tiềm ẩn nhiều vấn đề cần quan tâm; mâu thuẫn giữa tôn giáo này với tôn giáo khác; mâu thuẫn ngay trong nội tại của các tôn giáo do nhiều hệ phái, do phương thức hành đạo khác nhau, tranh chấp cơ sở thờ tự… Trong bối cảnh đó, để giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc đòi hỏi chính quyền các cấp, các cơ quan QLNN về tôn giáo phải thật sự khéo léo trong ứng xử và cần phải xây dựng cơ chế phối hợp và thống nhất giữa các TGNS lấy triết lý Phật giáo làm tôn chỉ hoạt động.

Hai là, cần quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các tín đồ, chức việc, chức sắc để phát huy tốt những ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của TGNS. Thực hiện tốt Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 và các văn bản pháp luật có liên quan. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và vận động các tín đồ nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vận động các tín đồ thực hiện tốt các đường hướng hành đạo tiến bộ, phát huy những nét đẹp truyền thống, những yếu tố tích cực. Thực hiện tốt công tác chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn đối với các tà đạo, các hoạt động mê tín dị đoan. Đồng thời, tích cực phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết đấu tranh, phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam; xử lý các biểu hiện tiêu cực, những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật, thực hiện các hành vi trái với đạo đức, thuần phong, mỹ tục, văn hóa của dân tộc; gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá cách mạng nước ta.

Ba là, quan tâm xây dựng tổ chức, bộ máy cán bộ làm công tác tôn giáo, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tôn giáo và nghiệp vụ tôn giáo. Có kế hoạch phát hiện, đào tạo những cán bộ có uy tín, có năng lực vận động chức sắc tôn giáo để tạo mối quan hệ đồng thuận. Tạo điều kiện về mọi mặt để đội ngũ cán bộ hoạt động tốt, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền giải quyết các vấn đề có liên quan đến tôn giáo theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bốn là, tiếp tục quan tâm phát triển đời sống của vùng đồng bào có đạo, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; kêu gọi đầu tư và tăng cường thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao dân trí; tăng cường củng cố hệ thống chính trị, động viên quần chúng tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia các phong trào cách mạng, các hoạt động từ thiện nhân đạo. Giải quyết kịp thời những đề nghị chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân tín đồ các tôn giáo, không để xảy ra các sự việc phức tạp liên quan đến tôn giáo.

Năm, tiếp tục quan tâm, tăng cường đối thoại với các tổ chức tôn giáo, lắng nghe, tạo sự gần gũi, chân thành, tin tưởng của chức sắc, tín đồ tôn giáo. Quan tâm xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị chính đáng của các tổ chức, chức sắc, cá nhân tôn giáo phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước hoặc đề xuất với các bộ, ngành và Chính phủ giải quyết theo thẩm quyền. Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động thuận lợi trong khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật và thực hiện phương châm “tốt đời – đẹp đạo”.

Kết luận

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, trong đó có thành tựu đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều chuyển biến tích cực. TGNS phát triển mạnh mẽ và có nhiều đóng góp to lớn trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quá trình đổi mới nhận thức của Đảng về vấn đề tôn giáo đã và đang đi đúng hướng, phản ánh một cách khoa học, khách quan quy luật vận động và phát triển của tôn giáo; đồng thời, thể hiện sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo vào điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay.

Chú thích:
1, 2. Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. H. NXB Tôn giáo, năm 2023, tr. 23.
3, 4. Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo. H. NXB Chính trị quốc gia, 2004, tr. 198, 202.
5. Từ chủ trương, chính sách đến thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. https://moha.gov.vn, ngày 19/4/2023.
6. Phát huy những giá trị tích cực của các tôn giáo ở đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. https://hcma2.hcma.vn, ngày 07/3/2022.
7. “Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ” hoạt động trái phép tại Thanh Hóa. https://kenh14.vn, truy cập ngày 24/5/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
2. Nguyễn Hồng Dương. Quan điểm, đường lối của Đảng về tôn giáo và những vấn đề tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2012.
TS. Lê Thị Hồng Hạnh
Trường Đại học Điện lực