Một số giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới

(Quanlynhanuoc.vn) – Sơn La là tỉnh miền núi biên giới, trong thời gian qua, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội, tuy nhiên, mức độ phát triển kinh tế – xã hội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của tỉnh, trong đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế. Dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, bài viết làm rõ các nguyên nhân, yếu tố khiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Sơn La còn hạn chế thông qua so sánh các chỉ số định lượng với 5 tỉnh vùng Tây Bắc. Cùng với việc đánh giá cơ hội, thách thức, bài viết đề xuất các giải pháp đổi mới chính sách nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh phát triển mới của địa phương và cả nước.
Thành phố Sơn La. Ảnh: sonla.gov.vn
Đặt vấn đề

Sơn La là tỉnh miền núi biên giới, nằm ở vùng Tây Bắc, giáp với 6 tỉnh và nước CHDCND Lào, có diện tích tự nhiên lớn thứ 3 cả nước (14.109,83 km2). Sơn La có vị trí địa kinh tế – chính trị chiến lược của vùng Tây Bắc và cả nước, nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Bắc với các cửa khẩu quốc gia và có lợi thế về giao thương với các tỉnh vùng Đông Bắc của nước CHDCND Lào. Đây là những điều kiện thuận lợi để giúp tỉnh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, đối ngoại quan trọng của vùng Tây Bắc.

Tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội, tuy nhiên, mức độ phát triển kinh tế – xã hội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của tỉnh. Kết quả thực hiện các đột phá chiến lược và nhiều chỉ tiêu phát triển của thời kỳ 2011 – 2020 còn hạn chế so với nhiều tỉnh trong vùng Tây Bắc, trong đó, kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nằm trong nhóm thấp nhất của cả nước.

Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Sơn La

Trong giai đoạn 2016 – 2021, tỉnh Sơn La đã thu hút được 10 dự án FDI vào 2 khu công nghiệp (KCN) của tỉnh, trong đó có 2 dự án nằm trong KCN Mai Sơn với tổng vốn đầu tư đạt 12,31 triệu USD và 8 dự án đăng ký ngoài KCN với tổng mức vốn đăng ký đầu tư là 147,9 triệu USD. Đến nay, cả về số lượng dự án lẫn số vốn đầu tư, Sơn La đứng thứ 4 trong 6 tỉnh Tây Bắc và ở nhóm cuối của cả nước, chỉ cao hơn tỉnh Điện Biên và Lai Châu (Biểu đồ 1a, 1b)1.

Theo lĩnh vực đầu tư, các dự án FDI chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác khoáng sản… Dự án lớn nhất là dự án thăm dò, khai thác mỏ Niken Bản Phúc (huyện Bắc Yên) với vốn 136 triệu USD2. Ngoài ra, 4 doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào trồng hoa, cây cảnh, rau, đậu, sản xuất hạt giống; trồng và xuất khẩu rau quả nông sản tại chỗ; đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê và xây dựng mô hình mẫu trang trại cà phê. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, Sơn La không thu hút được thêm dự án FDI mới.

Dựa trên cách tiếp cận đánh giá các yếu tố là nguyên nhân ảnh hưởng đến luồng FDI vào một quốc gia, địa phương theo các thông lệ, kinh nghiệm quốc tế, đánh giá các yếu tố ảnh hướng tới mức vốn FDI thu hút được của tỉnh Sơn La trong so sánh với 5 tỉnh còn lại của Tây Bắc như sau:

Yếu tố sự hấp dẫn về vị trí địa kinh tế

Thể hiện mức độ gần kề các cực tăng trưởng, yếu tố này thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đầu tư thuận lợi với chi phí thấp. Do thúc đẩy kinh doanh, ít nhất là giúp giảm được chi phí vận tải, đây là nhân tố quan trọng, có ảnh hưởng tới trình độ phát triển kinh tế – xã hội của cả vùng, trong đó có kết quả thu hút đầu tư, nhất là quyết định và hoạt động đầu tư của DN FDI. Một chỉ số quan trọng về địa kinh tế là khoảng cách từ Sơn La và các tỉnh khác tới cực tăng trưởng lớn nhất là Hà Nội thể hiện khá tương liên về mức vốn FDI thu hút được vào từng địa bàn, nghĩa là Sơn La cũng đứng thứ 4 về khoảng cách tới Hà Nội so với các tỉnh khác (Bảng 1). Tuy nhiên, yếu tố này không phải yếu tố quyết định thu hút FDI trong mọi trường hợp mà trong một số trường hợp, một số yếu tố khác còn quan trọng hơn. Trong trường hợp tỉnh Yên Bái cách xa Hà Nội tương đương Sơn La (320 km), tuy nhiên, kết quả thu hút FDI của địa phương này lại nổi bật hơn.

Yếu tố nguồn nhân lực tại địa phương

Đây là yếu tố hỗ trợ nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như việc thực hiện, tính liên tục sản xuất – kinh doanh của DN FDI. Có thể thấy, tỉnh Sơn La không thu hút được nhiều FDI một phần do chất lượng nhân lực của tỉnh thấp nhất ở Tây Bắc (Biểu đồ 2b), mặc dù có nguồn nhân lực dồi dào nhất (Biểu đồ 2a) và giá rẻ nhất nước (Biểu đồ 3). Tỉnh Lào Cai thu hút được nhiều FDI hơn do đã có nhiều nỗ lực trong nâng cao chất lượng lao động so với các tỉnh khác trong vùng Tây Bắc.

Mật độ doanh nghiệp

Bên cạnh lực lượng lao động, mật độ DN/1.000 dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng thấp nhất (Biểu đồ 4). Điều này khiến DN FDI ngần ngại đầu tư, vì đối tác hợp tác, liên kết là lực lượng DN địa phương chưa đông đảo, còn non yếu, khiến hoạt động đầu tư khó có hiệu quả và bền vững. Yên Bái tuy xa Hà Nội tương đương Sơn La, song có lực lượng DN tại chỗ, nhất là mật độ DN cao nhất Tây Bắc. Đây là yếu tố quan trọng hấp dẫn FDI.

Sự sẵn có và chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng

Sự sẵn có và chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, kể cả hệ thống công nghệ thông tin, truyền thông… của tỉnh Sơn La vẫn còn ở mức thấp so với cả nước cũng là những yếu tố kém hấp dẫn FDI vào địa bàn. Chẳng hạn, hạ tầng điện và giao thông trong so sánh với các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Tuy mức giá thuê dịch vụ hạ tầng ở tỉnh Sơn La hiện là 20 USD/năm/thời gian sử dụng (chưa tính thuế giá trị gia tăng), tương đương mức giá ở nhiều KCN trên địa bàn các tỉnh thuộc Tây Nguyên (khoảng 22 USD), nhưng nguồn điện ở Tây Nguyên lại đa dạng, ổn định hơn; đối với công nghiệp chế biến lâm sản thì các tỉnh thuộc Tây Nguyên lại còn thuận lợi hơn nhiều so với Sơn La khi vận chuyển hàng hải quốc tế.

Chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin (biểu hiện chủ yếu qua ICT Index) nói riêng và hạ tầng nói chung của Sơn La còn yếu kém. Trong khi đó, Lào Cai là tấm gương sáng trong đạt được chất lượng hạ tầng ICT cao trong vùng Tây Bắc, mặc dù xếp hạng của tỉnh này đang giảm dần. Đây là yếu tố quan trọng khiến Lào Cai tương đối thành công trong thu hút FDI.

Chất lượng thể chế kinh doanh, đầu tư địa phương

Sơn La cũng như nhiều tỉnh khác ở Tây Bắc, ngoại trừ tỉnh Lào Cai, có chất lượng thể chế thu hút đầu tư khá thấp so với cả nước (Biểu đồ 6). Việc chất lượng thể chế tốt giúp thu hút FDI lớn hơn có thể thấy ở tỉnh Lào Cai. Trường hợp kết quả thu hút FDI của Nghệ An tăng đều đáng kể nhờ cải thiện thể chế rõ rệt so với các tỉnh khác thuộc Bắc Trung Bộ – khu vực có nhiều đặc điểm tương đồng với Tây Bắc – cũng là một minh chứng.

Cơ hội và thách thức trong thu hút FDI vào tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới

Một là, do phát triển muộn hơn tỉnh khác ngoài khu vực, tỉnh Sơn La có thể học hỏi được các kinh nghiệm thành công từ chính sách thu hút FDI trong vùng, cả nước và quốc tế để tăng hiệu quả. Sơn La có nhiều điều kiện để thu hút FDI, như: mức giá thuê mặt bằng, hạ tầng KCN ở tỉnh Sơn La hiện khá rẻ so với các vùng khác và nếu tỉnh có nỗ lực trong cải cách thể chế đầu tư, kinh doanh, nguồn lao động, kết cấu hạ tầng và các yếu tố liên quan khác sẽ thúc đẩy thu hút FDI.

Hai là, cũng nhờ mới hoạt động nên các KCN trên địa bàn tỉnh Sơn La có tỷ lệ lấp đầy tương đối thấp (60%) so với một số tỉnh miền Bắc (trên 80%) và miền Nam (trên 90%), với mức giá thuê cũng rẻ hơn nhiều3. Đây là yếu tố hấp dẫn FDI theo thời gian.

Ba là, với mức độ lấp đầy thấp, quỹ đất tiềm năng cho phát triển KCN còn nhiều và giá đất tương đối rẻ tạo dư địa lớn hơn trong phát triển, quy hoạch và hoạch định chính sách gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế vùng, bắt kịp xu thế thời đại, chủ động đón xu thế mới, trong đó có KCN kiểu mới (KCN sinh thái, tuần hoàn), các cụm liên kết ngành phù hợp…

Bốn là, các FTA gần đây (CPTPP, EVFTA, RCEP) cũng tạo cơ hội mới cho Sơn La và các tỉnh khác của Việt Nam trong thu hút FDI có chất lượng, nhất là EV FTA – được kỳ vọng là có tác động lan tỏa lớn hơn đối với kinh tế Việt Nam.

Trong thời gian tới, thách thức đối với thu hút vốn FDI vào tỉnh Sơn La là không nhỏ, cụ thể:

Trước hết, thách thức từ việc khởi đầu nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ còn rất bất cập, chưa đồng bộ khiến khả năng phát huy lợi thế giá rẻ của hàng hóa trở nên khó khăn. Sự sơ khởi cũng chưa tạo nên hiệu ứng kết tụ trong đầu tư, lôi cuốn DN đầu tư.

Thứ hai, thách thức trong huy động vốn tài chính để thực hiện các hạ tầng hiện hữu và các KCN mới đồng bộ, không chắp vá… đáp ứng yêu cầu mới đa dạng hơn, tinh vi hơn trong bối cảnh phát triển mới. Khả năng thực hiện bồi thường đất đai khi giải phóng mặt bằng theo giá thị trường trong thời gian tới có thể là gánh nặng mới cho ngân sách trong giải phóng mặt bằng nếu không có các giải pháp kịp thời, hữu hiệu để thích ứng với quy định mới này.

Thứ ba, thách thức về năng lực hoạch định, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư, phát triển hữu hiệu kinh tế vùng bảo đảm sự lan tỏa lên nền kinh tế địa phương, tận dụng tốt các cơ hội sắp tới và ngăn ngừa các rủi ro, nguy cơ “làm sai” trong quy hoạch tổng thể của tỉnh.

Thứ tư, thách thức trong thay đổi tư duy, xóa bỏ cái cũ, cái lạc hậu trong quy hoạch, đặc biệt là trong cải cách sâu rộng hơn, nhất là trong hợp tác liên kết phát triển nội vùng Tây Bắc, miền Bắc và với các tỉnh của CHDCND Lào một cách nhất quán, dài hạn.

Một số giải pháp

Quan điểm, phương châm chủ đạo là tỉnh Sơn La cần nỗ lực lớn hơn, tiến vượt nhanh hơn, ít nhất là so với các tỉnh khác trong vùng Tây Bắc trong cải thiện môi trường thể chế liên quan đến kinh doanh, đầu tư, phát triển ngành và DN, liên kết kinh doanh và liên kết nội vùng và xuyên vùng, xuyên quốc gia; giảm thiểu các bất lợi, hạn chế mang tính địa lý, địa kinh tế, gắn với đổi mới sáng tạo trong tư duy và cách làm. Các giải pháp chính cần thực hiện bao gồm:

Một là, công tác quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách thu hút FDI hữu hiệu không thể đạt được nếu tỉnh không xác định được chính xác các yếu tố là những nguyên nhân đích thực mà các DN FDI (theo nước, ngành hàng,..) đầu tư vào Sơn La và các tỉnh Tây Bắc. Do vậy, cần nghiên chuyên sâu, đồng bộ các nguyên nhân mà FDI vào địa phương, xu hướng và triển vọng thu hút FDI theo ngành hàng, khu vực địa lý trong thời gian tới. Lưu ý làm rõ, tách bạch được các yếu tố giúp thu hút được FDI hiện hữu là nhờ chính sách khuyến khích, ưu đãi của địa phương, hay nhờ các yếu tố phi chính sách… để nâng cao hiệu quả thu hút theo các mục tiêu trước mắt và chiến lược lâu dài.

Hai là, ngoài việc tiếp tục nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đầu tư nói chung, nhất là đối với FDI, cần xác định rõ loại hình FDI ưu tiên thu hút phù hợp với vị trí địa kinh tế, trình độ phát triển kinh tế – xã hội, hạ tầng công nghệ – kỹ thuật của Sơn La. Trong trung hạn, khả năng lớn nhất là Sơn La thu hút được nhiều hơn FDI khai thác lao động giá rẻ và thuê hạ tầng rẻ (lắp ráp điện tử, thiết bị công nghệ thông tin, điện cơ, gia công dệt may…). Tuy nhiên, về lâu dài, cần quan tâm, chuẩn bị cho quy hoạch các loại cụm liên kết ngành, loại hình KCN khác như công nghệ sinh thái, tuần hoàn… Cần cập nhật, xây dựng, ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, ngành đầu tư, mức vốn đầu tư theo thứ tự ưu tiên phù hợp trong từng giai đoạn; chính sách ưu đãi, nhất là trong chế biến lâm sản, cần có tầm nhìn so sánh rộng hơn toàn quốc, nhất là mức ưu đãi đầu tư của các tỉnh miền núi Tây Nguyên là các địa phương cạnh tranh trong thu hút FDI.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng các hoạt động, hình thức xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, đặc biệt là marketing FDI, marketing địa phương (Sơn La) đối với các đối tác FDI dự kiến (muốn tận dụng nhân công giá rẻ địa phương) trong khu vực và châu Âu như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga và EU (đón đầu Hiệp định bảo hộ đầu tư VN-EU có hiệu lực). Tiếp tục thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại chỗ, đẩy mạnh vận dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xúc tiến đầu tư; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; Tăng cường hỗ trợ, kịp thời giải quyết khó khăn cho các nhà đầu tư hiện hữu; tiếp tục củng cố niềm tin của các nhà đầu tư; Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền thực hiện các thủ tục đầu tư. Tiếp tục duy trì các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như hội chợ, tuần hàng…, nghiên cứu ứng dụng công nghệ số vào hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ trong môi trường thực tế ảo, hội nghị kết nối trực tuyến. Gắn kết chặt chẽ hơn xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại.

Bốn là, nghiên cứu chuyên sâu để tăng khả năng liên kết kinh doanh, công nghệ cho DN trên địa bàn. Với trình độ hiện tại, Sơn La có thể thành lập khu làm việc tập trung để hỗ trợ, liên kết DN, góp phần thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nghiên cứu thành lập cơ sở ươm tạo về chế biến lâm sản, nhất là ươm tạo công nghệ chế biến thảo dược (thế mạnh của Sơn La). Theo kinh nghiệm quốc tế, cơ sở này nên đặt ở trường đại học để tăng xác suất thành công trong thương mại hóa sản phẩm và ươm tạo hữu hiệu các ý tưởng kinh doanh công nghệ và DN tham gia vườn ươm này.

Năm là, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển các khu kinh tế, công nghiệp trên địa bàn trong bối cảnh mới. Xây dựng chiến lược, lộ trình, kế hoạch đào tạo, tái đào tạo nhân lực từ cấp tỉnh đến cấp huyện đáp ứng yêu cầu của khu vực này. Xây dựng hệ thống thông tin việc làm, kỹ năng liên quan và nhu cầu sử dụng lao động cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có lộ trình đào tạo phù hợp; chú trọng công tác đào tạo cán bộ quản lý lao động, phiên dịch (nhất là phiên dịch tiếng Trung, Hàn, Nhật, Nga, Đức)…

Chú thích:
1. Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Báo cáo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo địa phương hàng năm giai đoạn 2017 – 9/2022.
2. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Sơn La: Tiềm năng, lợi thế và những khó khăn.https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 04/9/2015.
3. Giá thuê bất động sản công nghiệp tăng cao. https://vneconomy.vn, ngày 22/7/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam. H. NXB Thống kê, 2022.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông. Báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam. Hà Nội, 2022.
3. Lê Xuân Sang (chủ nhiệm đề tài). Đầu tư ra nước ngoài từ các nước đang phát triển và chuyển đổi: Lý luận, kinh nghiệm quốc tế và gợi suy chính sách cho Việt Nam. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, 2008.
4. Lê Xuân Sang. Nhìn nhận vai trò của FDI trong nền kinh tế Việt Nam/Bài trình bày tại Hội thảo “Các thành phần kinh tế Việt Nam”, Viện Kinh tế Việt Nam, Hà Nội, tháng 4/2018.
5. Lê Xuân Sang. Một số nhân tố tác động lên kết quả thu hút FDI của Nghệ An/ Bài trình bày tại Hội thảo “Những nhân tố ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư của DN vào địa bàn tỉnh Nghệ An”. Tỉnh ủy Nghệ An, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng tổ chức tại thành phố Vinh, tháng 6/2022.
6. UNCTAD. FDI từ các nước đang phát triển: Xu hướng, tác động và hàm ý chính sách. Geneva, 2006.
7. VCCI. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam, các năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Thái
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TS. Lê Xuân Sang
Viện Kinh tế Việt Nam