(Quanlynhanuoc.vn) – Một trong những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng nhận diện là: “Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”. Trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, cần thiết phải nhận định đúng đắn về bản chất của cơ chế “tam quyền phân lập”, tránh cổ xúy, tung hô quá mức về cơ chế này từ phía các thế lực phản động, cơ hội chính trị; từ đó, củng cố lập trường chính trị, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về định hướng của Đảng ta trong vấn đề xây dựng Nhà nước.
Đặt vấn đề
Tự do, dân chủ, bình đẳng được xem là khát vọng từ bao đời nay của nhân loại. Chính vì vậy, các nhà tư tưởng, chính trị trên thế giới cho đến nay vẫn luôn không ngừng xây dựng, phát triển và hoàn thiện các quan điểm, học thuyết về quyền lực nhà nước, về việc tổ chức và thực hiện quyền lực ấy nhằm bảo đảm phục vụ tốt hơn cho con người. Trong số các tư tưởng ấy thì tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước hay còn gọi là tư tưởng phân quyền, tam quyền phân lập có lịch sử hình thành và phát triển khá lâu đời. Tuy nhiên, ở Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, tư tưởng này lại bị một số người cổ xúy quá mức, đòi thực hiện “tam quyền phân lập”, tách biệt quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp theo mô hình các quốc gia tư sản. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ” đã xác định một trong chín biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là: “Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế tam quyền phân lập…”. Vì vậy, việc nhận thức một cách sâu sắc, toàn diện về tư tưởng phân quyền để tạo nền tảng lý luận chính trị vững chắc cho mỗi cán bộ, đảng viên là điều vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Bản chất của thể chế “tam quyền phân lập”
Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, mỗi kiểu nhà nước đều có những nét riêng để phân biệt giữa kiểu nhà nước này với kiểu nhà nước khác. Tuy nhiên, mặc dù có sự khác nhau đó, các kiểu nhà nước đã hình thành trong dòng chảy lịch sử đều mang một số đặc trưng nhất định. Một trong những đặc trưng nền tảng là việc nhà nước thiết lập một loại quyền lực đặc biệt, không còn hòa nhập hoàn toàn với cư dân nữa1. Nói như vậy không có nghĩa là trong xã hội cộng sản nguyên thủy không có quyền lực, song, quyền lực trong hình thái kinh tế – xã hội ấy chỉ thuần túy là quyền lực xã hội, do các thành viên xã hội tạo lập và tự nguyện thực hiện, vì vậy, cũng không có bộ máy cưỡng chế nào cả. Đến khi nhà nước ra đời, loại quyền lực này cũng dần được thay thế bằng một loại quyền lực mới, đó là một “quyền lực công cộng đặc biệt” mà chủ thể của quyền lực này là giai cấp thống trị về kinh tế và chính trị2.
Phân quyền hay tam quyền phân lập là việc phân tách quyền lực nhà nước thành các quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp và các quyền này sẽ được phân chia tương ứng với các cơ quan nhà nước khác nhau; lập pháp giao cho nghị viện, hành pháp giao cho chính phủ, tư pháp được giao cho tòa án. Đồng thời, trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước, các cơ quan này kiềm chế, kiểm soát, đối trọng lẫn nhau nhằm thực hiện mục tiêu là ngăn ngừa sự lạm quyền, chuyên quyền, bảo vệ sự tự do cho công dân cũng như bảo đảm cho quyền lực nhà nước được thống nhất và luôn trong trạng thái cân bằng3.
Những mầm mống sơ khai nhất của tư tưởng phân chia quyền lực được thể hiện qua việc cải cách bộ máy nhà nước ở Hy Lạp và La Mã từ thời cổ đại. Theo đó, vào thế kỷ thứ V tr.CN, chính quyền ở Athens đã tiến hành một cuộc cải cách dân chủ nhằm lật đổ Hội đồng trưởng lão – cơ quan nắm giữ nhiều quyền hạn to lớn trong xã hội bấy giờ để trao quyền cho các cơ quan khác nhau trong quá trình thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cụ thể, Hội nghị nhân dân có quyền lập pháp; quyền hành pháp thuộc về Hội đồng nhân dân gồm 500 viên chức hành chính được tuyển chọn theo hình thức bầu cử hoặc bốc thăm; quyền tư pháp được giao cho Tòa án gồm 600 người có xuất thân từ các bộ lạc giữ vị trí thẩm phán và bồi thẩm.
Đối với La Mã, từ thế kỷ VI đến thế kỷ I tr.CN, chế độ bạo quyền diễn ra trong suốt thời gian dài đã đặt ra một yêu cầu là phải xây dựng nền cộng hòa và sử dụng cách thức phân chia quyền lực để ngăn ngừa tình trạng lạm quyền như trước đây. Nếu như ở Hy Lạp chỉ có một hội nghị nhân dân được giao quyền lập pháp thì chính quyền La Mã tổ chức thành ba hội nghị với các chức năng và quyền hạn khác nhau, bao gồm: (1) Hội nghị bào tộc (quy-ri) có nhiệm vụ giao quyền lực cho các cơ quan tư pháp tối cao và giải quyết những vấn đề thuộc luật lệ gia đình; (2) Hội nghị Xăng-tu-ri có quyền hành trong quyết định chiến tranh và hòa bình, bầu các chức quan cao nhất của nhà nước; (3) Hội nghị nhân dân các bộ lạc theo khu vực có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề về luật pháp4.
Từ những tư tưởng sơ khai thời kỳ cổ đại, thể chế tam quyền phân lập được tiếp tục phát triển dần qua các giai đoạn lịch sử. Dù cho có một thời gian dài tư tưởng này bị rơi vào quên lãng do sự phát triển mạnh mẽ của tư tưởng tập quyền vào thời kỳ trung cổ, khi mà mọi quyền lực nhà nước đều tập trung vào nhà vua. Theo đó, quyền lực của người đứng đầu nhà nươc là vô hạn, không bị phân chia, kiềm hãm hay hạn chế từ bất cứ cơ quan, cá nhân nào. Chỉ đến khi cuộc cách mạng tư sản nổ ra nhằm lật đổ chế độ chuyên chế phong kiến, đòi lại quyền tự do của con người trước sự chuyên quyền của nhà vua thì tư tưởng phân quyền mới thực sự “hồi sinh” và “nảy nở” trên mảnh đất màu mỡ ấy. Vào giai đoạn này, tư tưởng phân quyền chủ yếu được thể hiện tập trung trong các tác phẩm của nhiều học giả, triết gia nổi tiếng như Locke, Montesquieu hay Rouseau.
Học thuyết về sự phân chia quyền lực của John Locke (1632 – 1704) cho rằng, quyền lập pháp là quyền lực cao nhất trong nhà nước khi ông phân chia quyền lực nhà nước thành lập pháp, hành pháp và liên minh, liên bang. Theo Locke, quyền lập pháp cần phải thuộc về nghị viện với nhiệm vụ là thông qua các đạo luật nhưng không tổ chức thực hiện chúng. Việc thi hành pháp luật hay quyền hành pháp sẽ thuộc về nhà vua. Điểm nổi bật ở đây là hoạt động của nhà vua phụ thuộc vào pháp luật và không được hưởng bất kỳ đặc quyền nào đối với nghị viện để phòng ngừa trường hợp nhà vua thâu tóm quyền lực về mình. Bên cạnh đó, nhà vua cũng là người thực hiện quyền liên minh (liên bang), nghĩa là giải quyết các vấn đề liên quan đến chiến tranh, hòa bình và hoạt động đối ngoại của nhà nước5. Tuy nhiên, trong tư tưởng phân quyền của Locke vẫn còn một vài điểm hạn chế, chưa được đầy đủ và toàn diện. Đó là vấn đề quyền lực tư pháp chưa được ông đề cập đến trong học thuyết của mình, thêm vào đó việc giải quyết mối liên hệ giữa ba quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền liên minh chưa được giải quyết thấu đáo và triệt để.
Tiếp nối cơ sở lý luận của Locke về tư tưởng phân quyền, Montesquieu (1689 – 1755) đã phát triển nó trở thành một hệ thống lý luận tương đối hoàn chỉnh với nhiều điểm tiến bộ. Trong xã hội đương thời, Montesquieu là người phê phán kịch liệt chế độ chuyên chế Pháp, ông cho rằng chế độ chuyên chế không thể dung hòa được với sự tự do, ông còn khẳng định: “Những người dã man ở xứ Louisiane muốn ăn quả thì chặt cây từ gốc cho cây đổ xuống để hái quả. Chính thể chuyên chế là như thế đó!”6. Do đó muốn có được sự tự do phải thủ tiêu chuyên chế. So với tư tưởng của Locke, ông không còn phân tách quyền liên minh, liên bang thành một nhánh của quyền lực nhà nước, đặt ngang hàng với quyền lập pháp và quyền hành pháp. Ông cho rằng, quyền thứ ba phải là quyền tư pháp, đây là quyền trừng trị những người phạm tội và xét xử khi có tranh tụng xảy ra giữa các tư nhân. Bên cạnh đó, khi bàn đến việc bảo vệ tự do cho người dân, Montesquieu chủ kiến quan hệ giữa ba nhánh quyền lực phải dựa trên cơ chế “quyền hành ngăn chặn quyền hành” hay còn được biết đến với cách gọi “kiềm chế, đối trọng”. Bởi lẽ, theo ông khuynh hướng chung của những người có quyền là lạm dụng quyền đó. Đây không phải là đặc điểm riêng biệt chỉ có trong chính thể chuyên chế mà nó là mẫu hình chung cho mọi chính thể, dù là cộng hòa cũng không thể thoát khỏi thông lệ đó.
Trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật”, ông đề cập: “Khi mà quyền lập pháp và quyền hành pháp nhập lại trong tay một người hay một viện nguyên lão, thì sẽ không còn gì là tự do nữa, vì người ta sợ rằng chính ông ta hay viện ấy chỉ đặt ra luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Cũng không có gì là tự do nếu quyền tư pháp không tách khỏi quyền lập pháp và quyền hành pháp. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền lập pháp thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống và quyền tự do của công dân, quan tòa sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì ông quan tòa sẽ có sức mạnh của kẻ đàn áp”7.
Qua quá trình phân tích khái quát trên cho thấy, tư tưởng phân chia quyền lực đã có thời gian hình thành và phát triển lâu đời. Từ những ý niệm sơ khai về việc phân tách các quyền lực nhà nước tại các thành bang Hy Lap, La Mã cổ đại cho đến sự khái quát hóa có tính hệ thống của Montesquieu trong tác phẩm “Bàn về tinh thần pháp luật” đã cho thấy những bước tiến dài của nhân loại trong quá trình chống lại sự chuyên quyền, độc đoán, bảo vệ sự tự do cho công dân. Để có được sức sống bền bỉ và vẫn còn được chấp nhận cho đến ngày nay, phải thừa nhận rằng tư tưởng phân quyền có những ưu điểm và giá trị nhất định trên một số mặt cần được tiếp tục nghiên cứu.
Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cụ thể trong nhận thức về “tam quyền phân lập”
Có thể nói, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là một trong những nền tảng quan trọng, là động lực tinh thần để thúc đẩy sự phát triển của mỗi xã hội. Đặc biệt, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh đến vai trò của đạo đức đối với người làm cách mạng. Người cho rằng: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”8.
Đối với Đảng ta, ngay khi mới ra đời cũng đã ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên cũng như của toàn xã hội đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Chính vì thế, trong suốt quá trình lãnh đạo của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác giáo dục, xây dựng tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống nhân văn cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khoá VI) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII ngày 27/6/1991 đã nhận định: “Sự suy thoái về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên rất nghiêm trọng”.
Trải qua các kỳ đại hội Đảng và nhiều hội nghị Trung ương các khóa tiếp tục đánh giá diễn biến của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ngày một phức tạp, cụ thể:
(1) Lợi dụng việc góp ý kiến vào các dự thảo luật, pháp lệnh, đặc biệt là trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số người đã tham gia cổ súy cho việc thực hiện “tam quyền phân lập”, đòi phân chia quyền lực nhà nước thành các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp để “kiềm chế”, “đối trọng” lẫn nhau theo mô hình các nhà nước tư sản hiện nay trên thế giới.
(2) Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đặc biệt là sự thịnh hành của các mạng xã hội, nhiều người đã sử dụng chúng như một công cụ hữu hiệu để viết bài tuyên truyền về tư tưởng phân quyền, tam quyền phân lập theo hướng ngợi ca thái quá, vô hình trung khiến cho những ai không có được những kiến thức nền tảng vững chắc lầm tưởng rằng học thuyết này phải trở thành khuôn mẫu chuẩn mực để mọi nhà nước phải thực hiện theo, “thần thánh hóa” tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước để mang lại tự do cho con người.
(3) Một trong những hành vi khác nữa là hoài nghi về quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân của Đảng và Nhà nước ta.
Nguyên nhân của những biểu hiện trên do:
Một là, bắt nguồn từ chính biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị là “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần phải được xem là một việc làm thường xuyên, lâu dài, gắn chặt với nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên lại xem nhẹ việc học tập lý luận chính trị, lơ là, ít chú tâm nghiên cứu các nghị quyết của Đảng cũng như những văn bản, chính sách, pháp luật mới của Nhà nước.
Hai là, thiếu sự hiểu biết, nhận thức lệch lạc cách thức tổ chức quyền lực nhà nước của Việt Nam đã dẫn đến hiện tượng “sùng bái” thể chế “tam quyền phân lập” của các quốc gia tư sản. Hiến pháp năm 2013 tại khoản 3 Điều 2 thừa nhận có sự tồn tại của ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên, sự thừa nhận này không đồng nhất với tư tưởng phân chia quyền lực đã phân tích, nó khác hẳn về chất9. Bởi lẽ, tất cả quyền lực nhà nước được thể hiện trong Hiến pháp đều có cội nguồn là Nhân dân. Thông qua lá phiếu của mình, Nhân dân bầu ra “cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”10 là Quốc hội. Từ cơ quan này, Nhân dân phân công cho các cơ quan nhà nước khác thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và các cơ quan nhà nước này phải chịu sự giám sát của Nhân dân11. Do vậy, phải khẳng định một điều rằng, quyền lực nhà nước ở nước ta là thống nhất, là thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức12.
Ba là, trong nhiều năm qua, việc tuyên truyền quan điểm sai trái là một trong nhiều âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch thực hiện, bọn chúng muốn xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Để thực hiện các kế hoạch này, các thế lực xấu đã tiến hành tăng cường đầu tư, hiện đại hóa nhiều trang thiết bị thông tin, truyền thông, đặc biệt là các mạng xã hội để phát tán tài liệu, tuyên truyền quan điểm xuyên tạc, vu cáo, gieo rắc thông tin xấu, độc hại. Bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan của mỗi cán bộ, đảng viên, kết hợp cùng sự mở rộng tuyên truyền của các thế lực thù địch đã khiến cho một bộ phận cán bộ, đảng viên không còn đứng vững trước các thông tin sai lệch.
Một số giải pháp, kiến nghị
Tư tưởng về phân quyền là một trong những tài sản trí tuệ quý báu của nhân loại nhằm mục tiêu xây dựng một cách thức tổ chức quyền lực nhà nước, mang lại tự do cho con người. Tuy nhiên, việc vận dụng tư tưởng này được đặt trong bối cảnh lịch sử và nền tảng chính trị, tư tưởng của mỗi quốc gia, không thể sử dụng tư tưởng phân quyền một cách áp đặt, máy móc, giáo điều. Do đó, để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với vấn đề đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập” nói riêng và các vấn đề khác có liên quan, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp:
Một là, các cấp ủy cần tăng cường triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp cho cán bộ, đảng viên có thể nâng cao nhận thức về phương thức tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta, về tính tất yếu khách quan của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị phân công tham dự học tập lý luận chính trị cần nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình. Cần phải thấy rõ, trang bị kiến thức lý luận là một nhu cầu quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi mà những luồng gió ngoại lai xâm nhập vào nước ta ngày càng nhiều. Do vậy, những kiến thức lý luận, chính trị là thứ vũ khí sắc bén để chống lại những luận điệu sai lầm, xuyên tạc, bóp méo thành quả cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã gây dựng nên.
Ba là, triển khai, quán triệt sâu rộng việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) gắn với học tập, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự xem việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, là một cơ hội để đẩy mạnh rèn luyện tư tưởng, phẩm chất và năng lực của bản thân trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình chính trị trong và ngoài nước.
Bốn là, đối với bản thân giảng viên tại các Trường Chính trị cần quán triệt sâu sắc nền tảng học thuyết Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về lịch sử hình thành và phát triển của các tư tưởng dân chủ tiến bộ trên thế giới, không chỉ về tư tưởng phân quyền hay nhà nước pháp quyền. Nếu làm được điều này, giảng viên mới có thể tự tin hướng dẫn, truyền đạt kiến thức đúng đắn, có sự chắt lọc, “gạn đục khơi trong” cho học viên về các nội dung có liên quan, thông qua đó, nhanh chóng chấn chỉnh những nhận thức chưa đúng đắn của học viên.
Năm là, các trường chính trị cần chủ động nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị bằng những hình thức phong phú, sinh động, lý luận kết hợp với thực tiễn. Thông qua đó sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên dễ dàng tiếp cận kiến thức, liên hệ thực tiễn, có được nền tảng vững chắc để đấu tranh phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.