Phát huy kiến thức truyền thống các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc trong phát triển kinh tế – xã hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Kiến thức truyền thống của dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc là một trong những sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo mà người dân nơi đây đã gìn giữ, bồi đắp qua nhiều thế hệ. Trong đó, đa số các tri thức truyền thống có giá trị tích cực cần tiếp tục được khơi dậy, lan tỏa trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Với nhận thức như vậy, bài viết tập trung phân tích một số kiến thức truyền thống điển hình vùng Tây Bắc và những kết quả tích cực từ việc phát huy những giá trị của kiến thức truyền thống đó trong phát triển kinh tế – xã hội của vùng hiện nay.
Ảnh minh họa (baochinhphu.vn)
Đặt vấn đề

Kiến thức truyền thống (KTTT) là hệ thống các tri thức của một dân tộc hoặc của cộng đồng các dân tộc. Nó tồn tại và phát triển trong những hoàn cảnh nhất định với sự đóng góp của các thành viên trong cộng đồng1. Theo cách tiếp cận này, Tây Bắc với tư cách là một vùng đất sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số (DTTS) sẽ có vốn KTTT riêng, mang đặc thù bản sắc con người cũng như điều kiện tự nhiên nơi đây. Xét trên phương diện đời sống tinh thần, những tri thức truyền thống các dân tộc ít người vùng Tây Bắc là một thành tố của văn hóa vùng. Qua đó, phản ánh rõ năng lực khám phá, sáng tạo nhằm chinh phục tự nhiên, tinh thần gắn bó, ý chí vươn lên, quyết tâm khắc phục khó khăn của người dân các DTTS. Xét trên phương diện đời sống vật chất, chúng có thể tác động trực tiếp vào đời sống sinh hoạt, như: ăn, mặc, ở của người dân, đặc biệt là các hoạt động sinh kế.

Những năm qua, thực hiện đường lối gìn giữ và phát huy văn hóa của Đảng ta, vốn KTTT của đồng bào vùng Tây Bắc cũng được quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong công cuộc xây dựng, kiến thiết vùng phát triển. Phần lớn nhân dân Tây Bắc với nhận thức đúng đắn về giá trị kinh tế – xã hội của KTTT đã phát huy và đạt được những thành quả nhất định. KTTT được kích hoạt, khai thác, kết hợp cùng tri thức hiện đại để gia tăng lợi ích kinh tế, góp phần điều tiết các hoạt động kinh tế theo hướng nhân văn và tham gia vào quá trình bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ tài nguyên rừng của Tây Bắc nói riêng. Tuy vậy, ở chiều cạnh ngược lại cho thấy, nhận thức của một bộ phận người dân về vai trò của văn hóa KTTT vùng còn chưa đúng đắn. Hệ quả là mặc dù có vốn nhận thức rất phong phú, sâu sắc nhưng những tri thức đó chưa thể phát huy tối đa giá trị trong phát triển kinh tế – xã hội của Tây Bắc.

Từ vấn đề có tính hai mặt trên đã đặt ra yêu cầu thiết yếu trong nghiên cứu, tìm hiểu đặc trưng cơ bản trong KTTT của người DTTS vùng Tây Bắc và những kết quả tích cực từ việc phát huy những KTTT đó nhằm xây dựng nhận thức đúng về vốn tri thức bản địa này. Trên cơ sở đó, chưng cất những tri thức truyền thống có giá trị tích cực, tìm ra giải pháp tiếp tục kích hoạt, lan tỏa chúng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Những kiến thức truyền thống cơ bản của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc

Tây Bắc là vùng đất không chỉ có điều kiện tự nhiên đặc biệt mà còn có bề dày lịch sử cách mạng hình thành và phát triển với nhiều DTTS cùng sinh sống. Chính điều kiện tự nhiên và xã hội đặc biệt này đã đưa vùng Tây Bắc như bức tranh thu nhỏ, điển hình cho tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Trong vốn văn hóa phong phú của người dân Tây Bắc, cần phải kể đến vốn KTTT – là kết quả của quá trình tương tác giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người. Mẫu số chung của những tri thức truyền thống các DTTS trong vùng là rất phong phú, tập hợp những kinh nghiệm được hình thành trên cơ sở quan sát cảm tính, thể hiện sự mộc mạc, chất phác nhưng không kém phần sâu sắc của người dân nơi đây.

Vốn KTTT của người DTTS Tây Bắc rất đa dạng nhưng chủ yếu biểu hiện ở các dạng tri thức sau:

Thứ nhất, đó là những tri thức truyền thống về tự nhiên: trời đất, vũ trụ, núi rừng, sinh quyển… Cơ sở để hình thành tri thức bản địa về tự nhiên là điều kiện môi sinh tự nhiên của vùng. Quá trình nhận thức được vun đắp qua nhiều thế hệ mà hình thành tri thức cơ bản về tự nhiên được phản ánh rõ trong một số luật tục về rừng, trong quan niệm về vũ trụ sinh quyển. Chẳng hạn, trong luật tục về rừng của người Thái, người Dao có sự phân chia thành các loại rừng khác nhau tùy theo chức năng và giá trị sử dụng: rừng thiêng, rừng đầu nguồn, rừng làm nương, rừng lấy nguyên liệu. Đặc biệt, từ xa xưa các luật tục đã thể hiện tư duy tiến bộ về sinh thái khi khẳng định bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn sống của con người và vì tương lai của các thế hệ mai sau. Việc xâm phạm vào rừng mà chưa được sự cho phép của cộng đồng thì phải chịu xử phạt đã được quy định rõ ràng trong luật tục của các dân tộc.

Bên cạnh luật tục, một số quan niệm về trời đất, sinh quyển cũng thể hiện rất rõ tầm quan trọng của môi trường tự nhiên trong cuộc sống của con người. Ví dụ: trong Mo lễ tang của người Mường, trong những lời khuyên của người Thái, trong truyện dân gian của các dân tộc… Mỗi tộc người thiểu số có những quan niệm khác nhau nhưng tựu chung lại đều thể hiện tinh thần tôn trọng quy luật sinh thành, vận động, biến đổi của tự nhiên và sự cần thiết phải gắn bó hài hòa giữa con người với tự nhiên. Tính chất duy tâm, tôn giáo dù vẫn tồn tại trong các tri thức truyền thống khi thừa nhận có các vị thần sông, thần núi, thần rừng nhưng giá trị này là hình thành nếp nghĩ, nếp sống đề cao và tôn trọng vai trò của tự nhiên đối với đời sống con người.

Thứ hai, những KTTT trong hoạt động sinh kế. Cho đến nay, hoạt động chủ yếu của phần lớn người DTTS Tây Bắc là sản xuất nông lâm nghiệp. Vì vậy, đồng bào có một hệ thống những tri thức bản địa về cách thức sản xuất được trao truyền qua nhiều thế hệ và tập hợp thành một vốn nhận thức nhất định để người dân có thể tiến hành hoạt động sản xuất. Đặc điểm của những tri thức này là phản ánh những vấn đề rất gần gũi với sinh hoạt kinh tế thường nhật của người dân, hướng tới giải quyết những khó khăn khi họ phải vật lộn với điều kiện địa lý, khí hậu tự nhiên khắc nghiệt của vùng. Dựa vào địa hình và các loại đất khác nhau mà người dân sẽ chọn các loại giống cây cho phù hợp để bảo đảm năng suất cũng như chất lượng của cây. Nước cũng là một trong những yếu tố tự nhiên mà người DTTS Tây Bắc đặc biệt quan tâm, vì nó là điều kiện của sản xuất nông nghiệp truyền thống.

KTTT trong cách thức sản xuất của người Tây Bắc là kỹ thuật nghề thủ công. Đáng kể nhất là các nghề dệt vải, may mặc, đan lát, làm mộc, làm gốm. Cơ cấu nghề thủ công của các gia đình trong vùng khá phong phú. Kỹ thuật trong nghề thủ công thường được trao truyền trong các gia đình, trong các dòng họ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc thực hiện kỹ thuật nghề thủ công thành thạo, tinh xảo được coi là tiêu chí để đánh giá sự khéo léo, cần cù, trưởng thành của con người. Những người đan lát giỏi, dệt khéo hay làm mộc tốt thường được tôn trọng, kính nể trong gia đình, dòng họ, bản làng. Một số nghề thủ công vì thế trở thành biểu trưng cho văn hóa của Tây Bắc, như: nghề dệt thổ cẩm của người Thái, người Mường; nghề đan lát của người Mường, nghề rèn của người Mông.

Thứ ba, KTTT về cách quản lý xã hội của người DTTS Tây Bắc. Để quản lý cộng đồng, các DTTS trong vùng thường hướng tới nêu cao tinh thần cố kết, tương trợ giữa các hộ gia đình và giữa các thành viên trong cộng đồng. Trong đó có vai trò chi phối, điều tiết của người đứng đầu, như: già làng, trưởng bản với tư cách người đại diện cho cộng đồng. Vì vậy, quan niệm tôn trọng, thương yêu, đùm bọc, đoàn kết để tồn tại và phát triển luôn được dung dưỡng, duy trì trong cộng đồng các DTTS và trở thành bí quyết để các dân tộc Tây Bắc đồng thuận, cùng nhau chống thiên tai và địch họa, kiến tạo nên lịch sử oai hùng của vùng đất. Sự tương trợ, giúp đỡ giữa người với người một cách tự giác, tự nguyện trong những công việc lớn khi mùa vụ, khi làm nhà hay những lúc gặp khó khăn hoạn nạn như cháy nhà, mất cắp, cháy nương,…. là một cách thức tổ chức, quản lý cộng đồng rất nhân văn, thể hiện sự trọng tình, vô tư, không nặng tính toán vật chất của người dân các DTTS Tây Bắc.

Thực trạng phát huy kiến thức truyền thống các dân tộc thiểu số đối với phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Bắc hiện nay

Ngày nay, nền kinh tế tri thức đang phát triển mạnh mẽ đã đặt con người và văn hóa – xã hội trước những thử thách vô cùng khắc nghiệt. Đặc điểm của nền kinh tế tri thức là sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng tri thức. Chính vì vậy, việc chỉ dựa vào lối nghĩ và phương thức hành động truyền thống mà không có sự sáng tạo sẽ không mang lại hiệu quả cao, thậm chí không tồn tại được trong cơ chế thị trường. Thực tế đó đã dẫn tới những mâu thuẫn trong nhận thức về giá trị của văn hóa KTTT của người DTTS nói chung, trong đó có người DTTS Tây Bắc.

Tuy nhiên, bên cạnh nhận thức hạn hẹp của một bộ phận nhỏ thì phần lớn nhân dân Tây Bắc đã nhận thức được rằng, những KTTT cần được chọn lọc, bổ sung và phát huy trong điều kiện mới. Từ nhận thức đúng đắn đó, cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân trong vùng đã nỗ lực gìn giữ, kích hoạt, khai thác những giá trị tích cực của vốn truyền thống đã có, biến chúng thành yếu tố thuận lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đạt được những kết quả nhất định:

Một là, lan tỏa, kích hoạt những giá trị văn hóa nhận thức truyền thống nhằm gia tăng lợi ích đối với phát triển kinh tế vùng Tây Bắc. Trong hoạt động sinh kế truyền thống, người DTTS Tây Bắc đã sáng tạo ra những mô hình canh tác nương rẫy, các kiến thức sinh kế đặc thù mà đến nay có thể kết hợp khoa học – kỹ thuật để phát triển kinh tế địa phương. Vận dụng những tri thức bản địa để tạo ra những sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu của người DTTS Tây Bắc, trong đó phải kể tới chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP được xem như làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nội lực bằng cách kết hợp sức mạnh văn hóa bản địa với khoa học – công nghệ hiện đại. Chương trình được bắt đầu từ năm 2019 và đến nay đã tạo điều kiện cho người DTTS làm giàu trên chính những lợi thế nông, lâm nghiệp, nghề thủ công truyền thống của địa phương mình. Tính đến năm 2022, các tỉnh Tây Bắc đã có hàng trăm sản phẩm OCOP được công nhận,góp phần giới thiệu văn hóa đặc trưng của các DTTS và cải thiện đời sống cho người dân trong vùng.

Phát huy lợi thế KTTT về sinh thái nông, lâm nghiệp trong bối cảnh mới của Tây Bắc phải kể tới tỉnh Sơn La – hiện tượng nông nghiệp của toàn vùng trung du miền núi phía Bắc. Từ chủ trương thực hiện Đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp” với phương châm ứng dụng khoa học – công nghệ, kết hợp với kiến thức bản địa – kỹ thuật canh tác truyền thống và thổ nhưỡng, khí hậu giúp Sơn La trở thành vựa trái cây đứng thứ hai cả nước và đứng đầu toàn miền Bắc. Người dân Sơn La nói chung và đồng bào DTTS nói riêng đã chuyển từ đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái rất thành công. Sau một thời gian ngắn, giá trị thu nhập bình quân trên diện tích đất trồng trọt đã tăng lên. Kiến thức sinh thái nông nghiệp truyền thống miền núi thực sự đã đi vào đời sống, trở thành thế mạnh để người dân Sơn La phát triển kinh tế.

Hai là, phát huy vai trò của KTTT nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Việc ứng dụng những tri thức bản địa của đồng bào DTTS trong quản lý cộng đồng đã góp phần xây dựng môi trường xã hội ổn định, lành mạnh. Nhiều tri thức truyền thống về cách ứng xử giữa người với người có giá trị đạo đức, nhân văn được lan tỏa trong cộng đồng đã góp phần điều tiết các hoạt động kinh tế – xã hội theo hướng tiến bộ, vì lợi ích chung của cộng đồng.

Nghiên cứu tại một số địa phương của Tây Bắc cho thấy, có 72,2% hộ gia đình người Thái, 42,9% hộ gia đình người Dao, 44% hộ người Mông vẫn nhận được sự hỗ trợ của anh em, họ hàng, láng giềng trong sản xuất nông nghiệp nói chung2. Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã các tỉnh vùng Tây Bắc, số lượng các hợp tác xã không ngừng tăng lên, chiếm 11,7% tổng số hợp tác xã toàn quốc với các thành viên ở các lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ, thương mại,…3. Việc phát triển hợp tác xã đã tạo điều kiện cho người dân học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tiếp cận tốt hơn các nguồn lực như nguồn vốn, thị trường, khoa học- công nghệ.

Ở Sơn La, số lượng hợp tác xã do đồng bào DTTS tham gia thành lập, quản lý chiếm khoảng 44% tổng các hợp tác xã nông nghiệp toàn vùng. Riêng tỉnh Lai Châu tỷ lệ này là 80%, các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La ít hơn và trung bình là 60%4. Việc người dân, đặc biệt là người DTTS vùng sâu, vùng xa tham gia hợp tác không chỉ gia tăng tính tương trợ lẫn nhau trong giải quyết vấn đề nâng cao thu nhập, cải thiện việc làm mà còn làm giảm đi tình trạng xuất cảnh trái phép, di cư tự do vì nhu cầu tìm sinh kế, việc làm mới ngoài biên giới nước ta; giảm đi tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, tội phạm ma túy bằng cách lợi dụng tình hình khó khăn và trình độ dân trí thấp của người dân… Các hợp tác xã được hình thành chủ yếu trên cơ sở tự nguyện góp vốn, góp công lao động, hỗ trợ, chia sẻ kiến thức, kỹ năng và khoa học trong quá trình sản xuất là một hình thức phát huy KTTT trong tổ chức cộng động dựa vào tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tự chủ, tương thân tương ái trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày nay. Với bản chất là tổ chức tự trợ giúp, tự phát triển cộng đồng của người dân, các hợp tác xã đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Tây Bắc.

Ba là, phát huy KTTT của người DTTS vùng Tây Bắc nhằm phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Nhiều tri thức địa phương về tự nhiên và quản lý tự nhiên dù được hình thành trên cơ sở trực quan, kinh nghiệm của người DTTS nhưng có ý nghĩa vô cùng quý báu trong việc khai thác và bảo vệ môi sinh vùng Tây Bắc. Đặc biệt việc tăng cường phát huy vai trò của luật tục trong bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, sinh quyển của vùng. Các quy phạm pháp luật rất hiệu quả để điều chỉnh trực tiếp hành vi của người DTTS trong bảo vệ tài nguyên, môi trường nhưng sức mạnh của thiết chế văn hóa có thể tác động tới nhận thức và hành vi của người dân một cách bền bỉ thông qua hương ước làng bản, tâm lý cộng đồng cũng như các chuẩn mực đạo đức truyền thống. Cụ thể, thực hiện nghị định của Chính phủ về việc giao đất, giao rừng, triển khai lâm nghiệp cộng đồng, các tỉnh Tây Bắc đã tiến hành giao đất, rừng cho người dân quản lý và khai thác. Các quy ước được xây dựng trên cơ sở khai thác mặt tích cực của văn hóa truyền thống địa phương trong các luật tục, tri thức bản địa và sức ảnh hưởng của những người có uy tín đóng vai trò quyết định nhất tới hiệu quả của công tác quản lý rừng dựa vào cộng đồng ở Tây Bắc.

Nghiên cứu về quản lý rừng cộng đồng của người DTTS của vùng cho thấy, vai trò của những yếu tố văn hóa, như: các quy ước quản lý rừng cộng đồng, sức ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng,… tác động lớn hơn các yếu tố xã hội khác (Hội Thanh niên, Hội Phụ nữ, chính quyền địa phương, cán bộ kiểm lâm). Đến nay, Tây Bắc cũng đạt được những kết quả nhất định: đã trồng thêm được 223.310 (ha) rừng trên tổng số 1.808.285 (ha) diện tích rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,06%5. Đây là một tín hiệu tích cực trong việc ứng dụng những tri thức truyền thống vào bảo vệ sinh thái rừng của người dân trong vùng.

Cùng với việc phát huy sức mạnh của thiết chế văn hóa, việc khơi dậy niềm tin, tình yêu gắn bó với bản làng, thiên nhiên của người dân trong vùng, động viên tính tích cực của họ trong việc vận dụng tri thức truyền thống để chuyển đổi sinh kế, tìm ra những phương thức phát triển kinh tế mà không tổn hại tới môi trường đã có những dấu hiệu tích cực. Cụ thể các hình thức phát triển kinh tế cộng đồng địa phương từ chính chủ thể kinh doanh là người dân trong vùng như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề… có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.

Một số giải pháp

Thứ nhất, tăng cường công tác gìn giữ và bảo tồn KTTT của các DTTS vùng Tây Bắc. Kinh nghiệm cụ thể tại các địa phương trong vùng cho thấy để phát huy kiến thức của người DTTS vùng Tây Bắc thì cần đặc biệt quan tâm tới công tác gìn giữ KTTT. Thực hiện nhiệm vụ này nhằm mục đích bảo tồn bản sắc DTTS tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát huy KTTT trong điều kiện mới. Vì vậy, cần thiết phải làm cho người DTTS hiểu đúng giá trị của những tri thức mà cộng đồng đã tạo ra và ý nghĩa thiết thực của chúng để họ có ý thức tự gìn giữ, phát triển. Việc bảo tồn, gìn giữ có thể bằng hình thức ghi chép tài liệu; bằng phương thức giáo dục, trao truyền trong cộng đồng làng bản hoặc đưa vào giảng dạy như một nội dung giáo dục địa phương trong nhà trường.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác nghiên cứu về văn hóa vùng Tây Bắc, đặc biệt là nghiên cứu sâu về KTTT của người DTTS. Bởi không phải tất cả các KTTT đều phù hợp để khai thác phục vụ phát triển kinh tế – xã hội hiện nay. Chẳng hạn, một số tập tục, thói quen trong sản xuất đốt nương rẫy, di cư tự do, kiến thức duy tâm về y học… đã lạc hậu, không thể ứng dụng vào thực tiễn hiện nay. Vì vậy, nghiên cứu để xác định những KTTT có giá trị tích cực có thể vận dụng vào thực tiễn phục vụ giải quyết những nhiệm vụ kinh tế – xã hội của vùng và những KTTT nào đã lạc hậu cần phải loại bỏ. Để làm tốt công tác nghiên cứu đòi hỏi có sự vào cuộc của người dân, của chính quyền địa phương và đặc biệt là cán bộ quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về văn hóa, những người dân am hiểu về KTTT các dân tộc trong vùng.

Thứ ba, xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ khoa học giúp người DTTS kết hợp KTTT địa phương với khoa học hiện đại trong sản xuất để nhân lên hiệu quả, giá trị kinh tế mà các KTTT mang lại. Chẳng hạn, mô hình áp dụng khoa học và kiến thức bản địa để sản xuất nông nghiệp nâng cao giá trị kinh tế của các loại cây đặc thù của địa phương; gia tăng liên kết, đặt hàng đào tạo giữa các tỉnh Tây Bắc với các trung tâm, các viện nghiên cứu, các trường đại học để phát triển nguồn nhân lực tại chỗ mà vùng có thế mạnh như nông – lâm nghiệp; tăng cường cơ chế liên kết phối hợp giữa Nhà nước nhà khoa học nhà doanh nghiệp và người dânnhằm thúc đẩy kết hợp tri thức truyền thống bản địa với khoa học hiện đại trong phát triển kinh tế – xã hội của Tây Bắc. Đây là những giải pháp then chốt để bảo tồn, phát huy giá trị của các KTTT địa phương bởi chỉ khi được ứng dụng và mang lại lợi ích kinh tế – xã hội thì tri thức truyền thống của người DTTS mới có thể lan tỏa và giữ vững được giá trị sinh tồn.

Kết luận

Trước tác động của những điều kiện tự nhiên và xã hội khác nhau, nhận thức của người dân về vai trò của KTTT các DTTS vùng Tây Bắc đã có những biến đổi nhất định. Song phần lớn các KTTT vẫn được gìn giữ, phát huy trong điều kiện mới. Giá trị của chúng đã được khơi dậy, kích hoạt trong việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể ở địa phương, như: gia tăng lợi ích đối với phát triển kinh tế, điều tiết các hoạt động kinh tế – xã hội theo hướng nhân văn và góp phần bảo vệ sinh thái môi trường nhất là nguồn tài nguyên rừng của Tây Bắc.

Để tiếp tục lan tỏa, kích hoạt những giá trị vật chất và tinh thần của vốn KTTT quý báu các DTTS Tây,cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp then chốt, trước hết là thực hiện tốt nhiệm vụ gìn giữ, trao truyền những KTTT, đồng thời, thực hiện công tác nghiên cứu văn hóa, triển khai các chính sách hỗ trợ về khoa học – công nghệ đối với người DTTS nhằm nâng cao lợi ích kinh tế – xã hội trong hoạt động phát huy vốn KTTT cácdân tộc thiểu số vùng Tây Bắc trong phát triển kinh tế – xã hội hiện nay.

Chú thích:
1. Trần Văn Bính. Văn hóa các dân tộc Tây Bắc – Thực trạng và những vấn đề đặt ra. H. NXB Chính trị quốc gia, 2004, tr. 32.
2. Trần Hồng Hạnh. Thay đổi sinh kế một số dân tộc thiểu số vùng miền núi Tây Bắc Việt Nam. H. NXB Khoa học xã hội, 2018, tr. 176.
3, 4. Tập thể tác giả. Nâng cao hiệu quả hợp tác xã nông nghiệp vùng đồng bào DTTS Tây Bắc. H. NXB Thông tin và Truyền thông, 2020, tr. 46, 50.
5. Tổng cục Thống kê. Niên giám thống kê năm 2022. H. NXB Thống kê, 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyễn Văn Huyên. Giá trị truyền thống trước những thách thức của toàn cầu hóa. HNXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2002.
2. Lại Phi Hùng. Xu hướng biến đổi cấu trúc văn hóa vùng ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam. H. NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2013.
3. Nguyễn Ngọc Thanh. Đặc trưng văn hóa vùng Tây Bắc. H. NXB Khoa học xã hội, 2018.
ThS. Trần Thị Phương Nga
Trường Đại học Lâm nghiệp