Thực trạng phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

(Quanlynhanuoc.vn) – Tỉnh Lạng Sơn có vị trí quan trọng trong kết nối các tỉnh của vùng Đông Bắc và là cửa ngõ quan trọng của vùng trung du và miền núi phía Bắc trong kết nối với Quảng Tây (Trung Quốc). Thời gian qua, Lạng Sơn đã và đang tập trung vào việc xây dựng và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn. Tuy nhiên, thực trạng phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Lạng Sơn còn nhiều hạn chế cả về cơ sở vật chất, nhân lực và đồng bộ hóa chính sách. Vì vậy, để giải quyết được vấn đề phát triển dịch vụ logistics đòi hỏi phải có sự chung sức của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức và tỉnh Lạng Sơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng trong thời đại công nghệ 4.0.
Ảnh minh họa (nguồn: vneconomy)
Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hoạt động logistics xuyên suốt từ sản xuất tới tiêu dùng ngày càng giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của các ngành sản xuất, dịch vụ nói riêng và của toàn nền kinh tế quốc gia nói chung. Thực tế phát triển hơn 10 năm qua của tỉnh Lạng Sơn cho thấy, ngành dịch vụ này vẫn còn tiềm năng phát triển, tỉnh đã và đang tập trung cải tạo, nâng cấp, xây dựng mạng lưới giao thông của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ logistics, trao đổi hàng hóa cũng như phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực trạng dịch vụ logistics ở Lạng Sơn hiện nay còn yếu, chưa tận dụng được lợi thế, chưa phát huy được thế mạnh của địa phương. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa hầu hết đều tự làm tất cả các công đoạn, bao gồm cả khâu đóng gói, lưu kho bãi, vận chuyển, lưu thông…, chứ không phối hợp với một DN chuyên nghiệp về logistics để thực hiện. Điều này kéo theo gia tăng chi chí sản xuất, giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận và năng lực cạnh tranh của DN nói riêng và của tỉnh Lạng Sơn nói chung.

Qua việc đánh giá thực trạng phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời gian qua, bài viết đề xuất định hướng nhằm sự phát triển dịch vụ logistics của tỉnh thời gian tới, hướng tới mục tiêu bảo đảm biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.

Về logistics

Khái niệm hậu cần (Logistics) ra đời từ những năm 50 thế kỷ XX là hoạt động vận chuyển, lưu kho và cung cấp hàng hóa. Trong kinh doanh, logistics có thể hiểu là sự tập trung của cả nguồn lực bên trong lẫn bên ngoài bao gồm cả quá trình chuyển từ “người sản xuất”, qua nhiều giai đoạn và đích đến là “người tiêu dùng cuối cùng”. Logistics là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát việc di chuyển và lưu trữ nguyên vật liệu, sản phẩm trong quy trình, thành phẩm và các thông tin liên quan từ khâu thu mua nguyên vật liệu đến khi tiêu thụ nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Khái niệm logistics là một loại hình dịch vụ đã được sử dụng chính thức tại Điều 233 Luật Thương mại năm 2005: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”. Như vậy, dịch vụ logistics được hiểu là một chuỗi các dịch vụ do nhà kinh doanh logistics phối hợp các hoạt động vận chuyển, tồn trữ, cung ứng nguyên vật liệu, bao bì, đóng gói, làm thủ tục thông quan, gom hàng, tách hàng, quản lý hàng tồn kho, quản lý nguồn hàng, dự báo nhu cầu, quản lý đơn hàng, dịch vụ khách hàng, để cung ứng thuận tiện nhất cho khách hàng. Dịch vụ logistics có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong điều kiện hội nhập, giúp phát huy tăng trưởng kinh tế vùng/kinh tế địa phương.

Thực trạng phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Lạng Sơn có thế mạnh, tiềm năng phát triển dịch vụ logistics do vị thế “cầu nối” quan trọng trên hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng. Với vị trí địa lý thuận lợi khi có hơn 231 km đường biên giới với Trung Quốc, hệ thống các cửa khẩu đa dạng, gồm 2 cửa khẩu quốc tế (Cửa khẩu quốc tế đường bộ Hữu Nghị và Cửa khẩu ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng); 1 cửa khẩu chính (Chi Ma) và 9 cửa khẩu phụ (Nà Nưa, Bình Nghi, Na Hình, Tân Thanh, Cốc Nam, Pò Nhùng, Co Sâu, Nà Căng, Bản Chắt) cùng các cặp chợ biên giới, đã tạo điều kiện cho tỉnh Lạng Sơn trở thành điểm giao lưu, xuất nhập khẩu hàng hóa quan trọng của Việt Nam, đồng thời là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN và ngược lại. Tỉnh Lạng Sơn được đánh giá là địa phương có khá nhiều điều kiện để phát triển dịch vụ logistics (đặc biệt là logistics đường bộ). Trên thực tế, các dịch vụ logistics chủ yếu mà DN kinh doanh logistics trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cung ứng cho khách hàng tập trung vào dịch vụ kho bãi, vận tải, bốc xếp, giao nhận hàng hóa, hoàn thiện tờ khai hải quan và các giấy tờ có liên quan khác.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2016 – 2020, dịch vụ vận tải, kho bãi có tốc độ tăng 6,48%, xếp thứ 3/14 phân ngành dịch vụ toàn tỉnh. Quy mô GRDP dịch vụ vận tải, kho bãi của tỉnh tăng từ 351 tỷ đồng năm 2010 lên 724 tỷ đồng năm 2015, đạt 1.987 tỷ đồng năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên dịch vụ giảm xuống 1.684 tỷ đồng năm 2021. Báo cáo năm 2022 của Sở Công thương cho thấy, doanh thu vận tải đạt 1.983,6 tỷ đồng, tăng 17,73% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng hóa đạt 1.137 tỷ đồng, tăng 10,52%. Khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 19,03%; hàng hoá luân chuyển tăng 14,25% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 618,5 tỷ đồng tăng 33,59%; dịch vụ chuyển phát đạt 4 tỷ đồng tăng 10,28% so với cùng kỳ1.

Cùng với sự phát triển của hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh cũng như các cửa khẩu, cảng biển của các địa phương khác, hoạt động logistics vẫn đang được thực hiện và ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hơn, do đó kim ngạch xuất – nhập khẩu hằng năm của tỉnh có sự tăng lên từ 2016 – 2021. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai nghiêm túc Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 và Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Từ những quyết định trên, Lạng Sơn đã tập trung phát triển ngành dịch vụ logistics gắn với phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, tăng cường đầu tư, xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng kho, bãi, đặc biệt là hệ thống giao thông và kho bãi tại các cửa khẩu, nâng cao năng lực của các DN cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh. Từ cuối năm 2019 tới nay, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh, trong đó có các dịch vụ logistics; tỉnh Lạng Sơn đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tạo điều kiện tối đa cho các DN kinh doanh xuất – nhập khẩu hàng hóa, DN kinh doanh bến bãi; tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ các DN kinh doanh dịch vụ logistics, khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông, kho bãi, sát sao quá trình đầu tư kinh doanh các dự án bến bãi tại các khu vực cửa khẩu; đồng thời, chú trọng công tác hiện đại hóa dịch vụ logistics…, qua đó, đã duy trì hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn, đóng góp chung vào xây dựng và thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics của cả nước, cụ thể:

Thứ nhất, về hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, tham gia ý kiến xây dựng nhằm hoàn thiện các văn bản của trung ương và rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các nội dung về phát triển logistics trên địa bàn tỉnh phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tỉnh đã ban hành các quy định về quản lý giao thông vận tải và quy định tổ chức, quản lý, công bố hoạt động của bãi đỗ xe có mục đích kinh doanh trên địa bàn. Thực hiện rà soát, điều chỉnh giảm mức thu phí có liên quan trực tiếp đến chi phí của DN.

Trong giai đoạn 2017 – 2022, theo báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 của UBND tỉnh Lạng Sơn cho thấy tổng kế hoạch vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh là 7.462,66 tỷ đồng (trong đó 4.260,73 tỷ đồng là vốn ngân sách trung ương và ODA; 3.201,93 tỷ đồng là vốn ngân sách địa phương)2 các công trình đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả đầu tư, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, góp phần cải thiện hiệu quả trong lĩnh vực logistics. Trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội tại các khu vực cửa khẩu; về cơ bản, cơ sở hạ tầng các khu vực cửa khẩu cơ bản đáp ứng được công tác quản lý của các lực lượng chức năng và nhu cầu thông quan hàng hóa xuất – nhập khẩu qua địa bàn. Hạ tầng bến bãi, nhà xưởng tại các khu vực cửa khẩu đã được đầu tư, nâng cấp khang trang và khá đồng bộ. Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 dự án bến, bãi đang hoạt động (trong đó 05 dự án tại cửa khẩu Tân Thanh không còn thực hiện công năng dự án là Bến bãi do điều chỉnh quy hoạch khu vực cửa khẩu)3. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo tập trung rà soát, hướng dẫn, đôn đốc các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định để triển khai các dự án đúng tiến độ, đưa vào sử dụng hiệu quả, góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics trên địa bàn. Nhìn chung, với quy mô hiện tại cơ bản đáp ứng được nhu cầu kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa; hoạt động kinh doanh bến, bãi đỗ xe tại các khu vực cửa khẩu đã dần hoàn thiện, có chuyển biến trong tổ chức hoạt động, cung ứng dịch vụ bến bãi, bốc xếp, sang tải, tạo công ăn việc làm, thu hồi vốn đầu tư; các DN kinh doanh bến, bãi cơ bản chấp hành đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, UBND tỉnh thường xuyên tăng cường hỗ trợ các DN dịch vụ logistics. Rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ các DN dịch vụ logistics, như: triển khai 100% các thủ tục hành chính của cơ quan hải quan trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; tổ chức thực hiện thủ tục hành chính 4 tại chỗ, cấp phù hiệu vận tải từ ngày 22/3/2021, Lạng Sơn là 1 trong 12 tỉnh trên cả nước triển khai thí điểm dịch vụ công cấp độ 4 về cấp đổi giấy phép lái xe4. Nhằm công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính, phục vụ người dân và DN tham gia hoạt động xuất – nhập khẩu tốt hơn, ứng dụng công nghệ số trong quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động tại khu vực cửa khẩu; tự động hóa quy trình, giảm thiểu thời gian cho DN có phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 1941/QĐ-UBND ngày 29/9/2021 của UBND tỉnh về quy trình sử dụng nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn.

Thứ ba, đẩy mạnh đa dạng hóa loại hình vận tải. Trong đó, tỉnh đã duy trì và thực hiện tốt việc cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế cho các phương tiện vận tải của Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại; tổ chức hội đàm thường kỳ công tác vận tải quốc tế giữa Trạm Quản lý vận tải đường bộ cửa khẩu Hữu Nghị và Ban Quản lý vận tải đường bộ quốc tế cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Thường xuyên phối hợp với các địa phương có hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh để cung cấp các thông tin về hoạt động của các cửa khẩu, khuyến khích các hiệp hội, ngành hành, DN kinh doanh dịch vụ xuất – nhập khẩu, logistics đa dạng hóa loại hình vận tải, nghiên cứu chuyển đổi sang các cửa khẩu như đường sắt hoặc đường biển để giảm áp lực cho các cửa khẩu đường bộ trong thời gian cao điểm nhằm hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ hàng hóa, gây thiệt hại cho người dân, DN, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thứ tư, ứng dụng các công nghệ để cải thiện chất lượng dịch vụ. Tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, vận hành chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics; hỗ trợ các DN nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong hoạt động logistics như: blockchain, tự động hóa các kho hàng thương mại điện tử, chuyển phát nhanh, trí tuệ nhân tạo trong quản lý thu mua và phân phối.

Thứ năm, phát triển thị trường dịch vụ logistics. Theo đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các chính sách nhằm tạo điều kiện cho các DN kinh doanh hàng hóa quá cảnh qua các cửa khẩu trên địa bàn, duy trì công tác thông tin, đối thoại, thông qua Hiệp hội DN tỉnh, Hiệp hội kinh doanh hàng hóa quá cảnh Việt Nam – ASEAN tỉnh Lạng Sơn để nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các DN, cá nhân liên quan; chỉ đạo tổ chức và cung cấp thông tin về các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm về logistics trong nước và quốc tế nhằm kết nối giao thương, nâng cao lưu lượng hàng hóa quá cảnh, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ logistcis.

Thứ sáu, đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực. Triển khai đồng bộ công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề về logistics, tăng cường công tác dự báo nhu cầu đào tạo về logistics để chủ động lên kế hoạch tổ chức đào tạo; đa dạng hoá các hình thức đào tạo như: đào tạo trực tuyến, đào tạo tại chỗ tại các DN, liên kết đào tạo quốc tế về logistics…; tăng cường mở rộng quan hệ, hợp tác với các trường có chất lượng cao để tham quan, học tập nhằm nâng cao năng lực quản lý, chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tập huấn, đào tạo cơ bản về logistics và cập nhật những kiến thức có liên quan cho cán bộ quản lý DN và cán bộ quản lý nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó nâng cao chất lượng tham mưu và quản lý nhà nước về lĩnh vực logistics trên địa bàn.

Những khó khăn trong phát triển dịch vụ logistics tại Lạng Sơn

Một là, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; việc cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống quốc lộ, các tuyến đường tỉnh, đường huyện, trục đường trung tâm vào thành phố Lạng Sơn, xây dựng các cầu vượt sông lớn tại một số vị trí trọng yếu chưa được đầu tư; điều kiện giao thông ở vùng cao, biên giới còn khó khăn; nhiều dự án, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được bố trí nguồn vốn còn thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu; việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại đã được quan tâm thực hiện từ nhiều nguồn, nhất là từ nguồn xã hội hóa, tuy nhiên chưa thật sự hiệu quả.

Hai là, hoạt động vận tải đa phương thức trên địa bàn chưa phát triển mạnh, chủ yếu tập trung vào vận tải đường bộ, vì vậy có nguy cơ ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ trong dịp cao điểm, lễ tết hoặc do tác động của dịch, bệnh…; chưa phát huy được lợi thế của tuyến đường sắt liên vận quốc tế, cơ sở hạ tầng Ga đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu xuất – nhập cảnh và giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu. Quy mô hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh còn nhỏ, chưa có DN kinh doanh chuỗi hoạt động logistics bài bản, chỉ tham gia một số công đoạn trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Chính sách kiểm soát và phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt của phía Trung Quốc gây ra nhiều khó khăn cho DN logistics, đặc biệt là qua các cửa khẩu đường bộ do hàng hóa bị lưu tại kho, bãi, thời gian thông quan chậm, tăng chi phí cho DN. Ngoài ra, phía Trung Quốc chỉ định các cửa khẩu nhập khẩu nông sản, hoa quả, do vậy làm hạn chế địa điểm giao nhận các mặt hàng trên.

Ba là, chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong ngành dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh chưa bảo đảm, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao, đã qua đào tạo bài bản. Nhân lực logistics hiện nay được tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó đội ngũ quản lý thường là các chủ DN lâu năm, ít cập nhật tri thức mới về logistics, phong cách lãnh đạo và quản lý còn theo hướng truyền thống, không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành logistics, xuất nhập khẩu; đội ngũ nhân viên DN mặc dù đã chú ý trau đồi các kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ nhưng số lượng được đào tạo đúng chuyên ngành logistics còn ít, đa số là từ những chuyên ngành ngoài do DN chưa đủ năng lực đánh giá xu thế phát triển và xây dựng kế hoạch tuyển dụng phù hợp; lực lượng lao động trực tiếp như nhân viên bốc vác, xếp dỡ, lái xe, kiểm đếm hàng kho bãi đa số trình độ học vấn thấp, chưa được đào tạo chuyên nghiệp.

Ngoài ra, trong bối cảnh khoa học – công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, DN logistics nhỏ và vửa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều rào cản khi thiếu kỹ năng số, thiếu nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, còn tâm lý e ngại về tính an toàn, khả năng bảo mật thông tin của các nền tảng trực tuyến, chưa khai thác hết tiềm năng của các ứng dụng công nghệ thông tin giúp kết nối các bên liên quan trong chuỗi (cảng, cửa khẩu, hãng vận tải, công ty giao nhận, kho bãi…) để chia sẻ dữ liệu và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

Bốn là, công tác huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng giao thông còn hạn chế, còn trông chờ nhiều vào vốn ngân sách nhà nước; khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư do hiệu quả không cao; công tác giải phóng mặt bằng các dự án còn chậm, ảnh hưởng tiến độ thi công xây dựng, đặc biệt là các dự án trong khu vực đô thị, khu đông dân cư dẫn đến dự án thi công kéo dài.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 tác động lớn đến tình hình hoạt động của các DN, do đó đã ảnh hưởng tới khả năng huy động vốn đầu tư, làm chậm tiến độ thực hiện thủ tục pháp lý và đầu tư xây dựng một số dự án. Tỉnh Lạng Sơn chưa đủ nguồn nhân lực để phát triển và thực hiện dịch vụ logistics một cách bài bản; các DN của tỉnh còn thiếu vốn, thiếu chuyên môn và kinh nghiệm đối với nghiệp vụ logistics; đặc biệt thiếu các chuyên gia tư vấn quản lý trong lĩnh vực logistics có năng lực ứng dụng và triển khai tại các DN, do vậy chưa theo kịp nhịp độ phát triển của hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa xuất – nhập khẩu.

Một số giải pháp, để phát triển dịch vụ logistics tỉnh Lạng Sơn

(1) Lạng Sơn cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ các DN dịch vụ logistics, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn, đóng góp chung vào xây dựng và thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics của cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được phê duyệt. Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ logistics trên địa bàn, trước mắt cần tập trung triển khai một số giải pháp như sau:

(2) Tiếp tục thu hút đầu tư hoàn thiện hạ tầng logistics bằng việc rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải; nâng cấp các tuyến đường vành đai biên giới, đường ra biên giới, đường ra các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh để kết nối giao thông, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, đặc biệt là tuyến cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị và tuyến đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng – Bằng Tường; thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cửa khẩu, tập trung vào các cặp cửa khẩu trọng điểm, đang được phía Trung Quốc quan tâm đầu tư như cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Cốc Nam – Lũng Nghịu, cửa khẩu Bình Nghi – Bình Nhi Quan.

(3) Tăng cường liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các DN trong việc chia sẻ dữ liệu, xây dựng một nền tảng thông tin liên kết các yếu tố trong chuỗi cung cứng như hải quan, cửa khẩu/cảng, đơn vị vận tải đường bộ/thủy…, giúp quản lý hiệu quả, giảm thời gian giao nhận hàng hóa; phát triển các chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN gia công, đóng gói, hoàn thiện sản phẩm, chính sách phát triển dịch vụ logistics phù hợp với chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất – nhập khẩu của tỉnh, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan.

(4) Ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật cho phát triển dịch vụ logistics phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường; xã hội hóa nguồn lực cho phát triển dịch vụ logistics, góp phần nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của các DN cung cấp dịch vụ logistics. Lựa chọn DN có thế mạnh về logistics để hỗ trợ, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường.

(5) Đối với công tác đào tạo nhân lực logistics tại DN của tỉnh, DN phối hợp cùng Sở Công Thương trong việc tổ chức đào tạo định kỳ cho nhân sự logistics về những thay đổi của chính sách pháp luật liên quan, công nghệ mới ứng dụng trong hoạt động logistics; đa dạng hóa các hình thức đào tạo nhân sự logistics của DN phù hợp với từng vị trí công việc và chức danh nghề nghiệp… Đối với công tác tuyển dụng nhân lực logistics, cần đẩy mạnh các chương trình thực tập sinh dành cho sinh viên năm thứ ba hoặc năm cuối chuyên ngành logistics từ các trường đại học, cao đẳng nhằm tìm kiếm nhân lực phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của DN; đồng thời rút ngắn được thời gian đào tạo hòa nhập, đào tạo lại tại DN sau khi tuyển dụng chính thức

(6) Tỉnh cần tăng cường hỗ trợ các DN trên địa bàn hiểu rõ và nhận thức đúng về quy trình cung cấp các dịch vụ logistics, đặc biệt là trong quá trình vận tải. Đẩy mạnh đào tạo có hệ thống nguồn nhân lực có kinh nghiệm và được trang bị đầy đủ những kiến thức chuyên môn, am hiểu luật pháp trong nước và quốc tế. Tổ chức các đoàn nghiên cứu ra nước ngoài và mời các đoàn DN nước ngoài tới địa phương để trao đổi cơ hội đầu tư, hợp tác về phát triển dịch vụ logistics.

Chú thích:
1. Hội thảo khoa học cấp tỉnh: Thực trạng phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong giá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chi Minh, ngày 27/6/2023.
2, 3, 4. Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2017 – 2021. Lạng Sơn, 2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công thương. Báo cáo Logistics Việt Nam 2022 – Logistics xanh. H. NXB Công thương, 2022.
2. Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn. Tổng quan kinh tế – xã hội tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015 – 2022. NXB Thống kê, 2022.
3. Vương Thị Bích Ngà. Nghiên cứu tổng quan về logistics và đề xuất các yếu tố tác động đến sự phát triển bền vững ngành Logistics Việt Nam. Tạp chí Công thương số 15, tháng 6/2021.
4. An Thị Thanh Nhàn. Giáo trình Quản trị Logistic kinh doanh. H. NXB Hà Nội, 2017.
5. Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn. Báo cáo tình hình phát triển ngành logistics tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015 – 2022.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng
Trường Đại học Thương mại
ThS. Liễu Anh Minh
Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn