Vận dụng lý thuyết hệ thống trong quản lý văn hóa

(Quanlynhanuoc.vn) – Lý thuyết hệ thống là các nghiên cứu liên ngành về những tập hợp cơ sở lý luận gồm nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau và giữa chúng luôn có mối liên hệ biện chứng. Mục tiêu của lý thuyết hệ thống là tìm kiếm, khám phá các mô hình và nguyên tắc chung để có thể áp dụng vào nghiên cứu cho mọi hệ thống khác nhau trong thực tế. Ngành Văn hóa là một hệ thống đa phức, do đó, việc xây dựng chính sách quản lý văn hóa rất cần được tiếp cận từ góc nhìn và phương pháp của lý thuyết hệ thống. Bài viết giới thiệu khái quát chung về lý thuyết hệ thống và cách vận dụng lý thuyết trong quản lý văn hóa ở Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa (internet)
Lịch sử ra đời của lý thuyết hệ thống

Nền tảng của lý thuyết hệ thống đã có từ rất lâu đời. Trong góc nhìn tổng quan về vũ trụ, nhà triết học cổ đại Heraclit coi vũ trụ là một tổ hợp nhiều thành phần và bộ phận khác nhau, giữa chúng luôn có sự tương tác qua lại với nhau. Trong triết học cổ đại Phương Đông, Khổng Tử cũng là minh chứng cho tư duy hệ thống bằng thuyết: Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa (hay Thiên – Nhân hợp nhất).

Tuy nhiên, với tư cách là lý thuyết liên ngành về những tập hợp gồm nhiều phần tử khác nhau, có mối tương tác qua lại và tập hợp đó được gọi chung là hệ thống – ra đời vào đầu thế kỷ XX. Người đầu tiên ghi dấu ấn đậm nét trong sự hình thành và phát triển của lý thuyết này là nhà sinh học người Áo, Ludvich Von Bertalaffy (1901 – 1972). Ông là cha đẻ của lý thuyết hệ thống tổng quát hay còn gọi là lý thuyết hệ thống chung. Sau này, nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tự nhiên và xã hội đều sử dụng thuật ngữ lý thuyết hệ thống.

Nền tảng lý luận của lý thuyết hệ thống tổng quát của Bertalaffy chính là xu hướng nghiên cứu khoa học, coi đối tượng như một chỉnh thể, chứ không phân tích riêng rẽ. Khi khảo sát các công trình nghiên cứu khoa học thuộc nhiều ngành khác nhau, Bertalhaffy nhận thấy trong các ngành đó có một quy luật tương đồng. Quá trình tìm tòi để giải thích nguyên nhân của sự tương đồng đã giúp ông đưa ra lý thuyết hệ thống tổng quát. Ông pát hiện ra, tuy các ngành khoa học đều nghiên cứu những hệ thống khác nhau, rất đa dạng và phong phú, nhưng trong mọi hệ thống đều có những quy luật áp dụng chung. Do đó, lý thuyết hệ thống tổng quát là một môn khoa học mới nghiên cứu các nguyên lý chung của tất cả các loại hệ thống không phụ thuộc vào đặc tính của các phần tử tạo nên các hệ thống đó2.

Nhà xã hội học người Mỹ, Palcott Parsons3 lại tiếp cận đến lý thuyết hệ thống tổng quát từ lĩnh vực hoàn toàn khác, hệ thống xã hội. Trong công trình Hệ thống xã hội, xuất bản năm 1951, ông đã đưa ra lý luận “phân hóa cấu trúc” của hệ thống trên cơ sở phân tích sự phân hóa bên trong của hệ thống xã hội.

Parsons cho rằng, hệ thống xã hội có thể tiếp tục phân chia thành các phần tử nhỏ hơn, đó là các tiểu hệ thống nhờ sự trao đổi phức tạp với môi trường xung quanh. Môi trường của hệ thống các vai xã hội, hệ thống các hành động được cấu trúc từ ba tiểu hệ thống, đó là thành tiểu hệ thống hành vi, tiểu hệ thống nhân cách và tiểu hệ thống văn hóa. Tuy ba tiểu hệ thống nêu trên cấu thành hệ thống các hành động xã hội nhưng nếu xét theo tiêu chí kiểm soát chúng lại tạo thành một hệ thống phân theo thứ bậc từ thấp đến cao. Tiểu hệ thống hành vi kiểm soát các quá trình sinh học của các vai trong xã hội (ăn, mặc, sinh hoạt). Các hành vi này lại được kiểm soát bởi tiểu hệ thống xác định về nhân cách (hành vi sẽ tương ứng với nhân cách của cá nhân đóng vai) và các nhân cách này lại được kiểm soát bởi tiểu hệ thống các giá trị văn hóa, được biểu hiện dưới dạng các quy tắc, chuẩn mực ứng xử. Điều này cho thấy, sự phức tạp của hệ thống xã hội, theo đó, cấu trúc xã hội có thể được thiết kế, xác định theo nhiều tiêu chí khác nhau, với mỗi một tiêu chí sẽ tạo ra một cấu trúc riêng.

Lý thuyết hệ thống của Parsons được trình bày dưới dạng lý thuyết cấu trúc – chức năng. Lý thuyết hệ thống xã hội tổng quát mà ông đưa ra đã đặt nền móng quan trọng cho việc ứng dụng lý thuyết hệ thống trong nghiên cứu các lĩnh vực khoa học xã hội, đặc biệt là xã hội học, văn hóa học và khoa học quản lý.

Hệ thống là gì?

Để nhận diện đối tượng nghiên cứu của mình là một hệ thống, hay một chỉnh thể gồm nhiều thành phần khác nhau và có sự tương tác qua lại với nhau, cần tìm hiểu bản chất của hệ thống. Với việc chú trọng đến các khía cạnh khác nhau của hệ thống, nhiều tác giả đã đưa ra các định nghĩa khác nhau về hệ thống. Bertalaffy – người khởi xướng ra lý thuyết hệ thống tổng quát định nghĩa “Hệ thống là phức hợp các phần tử có quan hệ nhất định với nhau và với môi trường”. Khi đưa ra định nghĩa về hệ thống, các tác giả của Từ điển tiếng Việt lại nhấn mạnh đến tính đồng nhất của các yếu tố cấu thành và tính chỉnh thể của hệ thống. Các học giả theo trường phái “Lý thuyết công tác xã hội hiện đại lại chú trọng đến sự sắp xếp có trật tự của các yếu tố cấu thành hệ thống, và khả năng hoạt động thống nhất của hệ thống.

Vũ Cao Đàm, khi nghiên cứu về hệ thống từ góc độ chức năng đã nhận thấy, hệ thống không tồn tại tự thân, hệ thống tồn tại vì một mục đích nào đó. Hay nói cách khác, hệ thống chỉ hình thành để thực hiện một mục tiêu hay mục đích nào đó có trước4.

Tập Bài giảng lý thuyết hệ thống trong quản lý giáo dục, khi phân tích các quan điểm nêu trên, tác giả Trần Xuân Sinh đã đưa ra định nghĩa: “Hệ thống là một tập hợp các phần tử (hay bộ phận) có liên hệ với nhau, tác động qua lại với nhau và với môi trường một cách có quy luật để tạo thành một thể thống nhất, có thể thực hiện một số chức năng hay mục tiêu nhất định” 5.

Đây cũng là định nghĩa về hệ thống mà bài viết tiếp cận để nghiên cứu văn hóa nói riêng và quản lý văn hóa (QLVH) nói chung. Với tư cách là một tập hợp các phần tử có liên hệ qua lại với nhau, hệ thống có một số đặc tính sau:

Tính tương tác: hệ thống là một tập hợp các phần tử khác nhau nhưng được sắp xếp theo một trật tự nhất định và trong quá trình vận động của hệ thống, chúng luôn tương tác với nhau. Do đó, một yếu tố cấu thành thay đổi, hay mối tương tác của một vài yếu tố thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi của các yếu tố khác. Đây là đặc tính tạo nên cấu trúc bên trong của hệ thống. Ví dụ, thay thế một lãnh đạo trong một doanh nghiệp sẽ dẫn đến một số thay đổi trong phương thức hoạt động và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp đó.

Tính phân cấp: cấu trúc của hệ thống được tạo nên nhờ hình thức phân cấp. Hệ thống càng phức tạp, việc phân hóa càng nhiều cấp. Một hệ thống luôn có thể chia thành các tiểu hệ thống, các tiểu hệ thống lại có thể chia thành các vi hệ thống. Giữa các tiểu hệ thống và vi hệ thống có sự độc lập tương đối và có các chức năng riêng. Đây là đặc tính phân biệt hệ thống với các tập hợp rời rạc khác. Một vật hay một hiện tượng khi không thể phân chia thành các yếu tố độc lập tương đối có chức năng riêng thì nó không phải là một hệ thống. Ví dụ, một viên đá không phải là một hệ thống vì không thể chia nhỏ nó thành các hệ con độc lập tương đối được. Các mảnh vỡ của viên đá không có chức năng độc lập. Ngược lại, các bộ phận như phanh, xích, đĩa, số,… của một chiếc xe máy đều có chức năng riêng và có sự độc lập tương đối với các bộ phận khác, do đó, xe máy là một hệ thống.

Tính trồi: tính trồi là thuộc tính trưng mà chỉ hệ thống mới có, đó là đặc tính mà hệ thống chỉ có được khi có sự phối hợp của ít nhất hai yếu tố cấu thành nên hệ thống. Mỗi thành phần của hệ thống không có được tính chất đó. Do đó, có thể coi tính trồi là đặc trưng quan trọng dựa vào nó có thể phân biệt được hệ thống với các tập hợp ngẫu nhiên và rời rạc khác. Ví dụ, khả năng cầm nắm của các ngón tay, khi một ngón tay riêng rẽ không thể cầm nắm được.

Vận dụng lý thuyết hệ thống trong quản lý văn hóa

Nhìn chung, các hiện tượng văn hóa là một hệ thống đa phức, chỉ tiếp cận trên cơ sở lý thuyết hệ thống mới có thể nhận diện được một cách rõ nét những đặc trưng của nó. Chính vì vậy, xây dựng chính sách QLVH cũng phải được đặt trong bối cảnh lý thuyết hệ thống, trước hết ở những khía cạnh sau:

Vận dụng lý thuyết về tính chỉnh thể của hệ thống.

Hệ thống là tập hợp các yếu tố, thành phần hay phần tử tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Phần tử của một hệ thống có thể rất đa dạng, có thể đơn giản hay phức tạp tùy vào đặc tính riêng của mỗi hệ thống. Có những hệ thống phức tạp mà phần tử cấu thành của nó có thể là cả một tiểu hệ thống. Các yếu tố cấu thành hệ thống thường có tính độc lập tương đối, thực hiện chức năng nhất định. Khi xây dựng chính sách QLVH, cần phải coi văn hóa là một chỉnh thể thống nhất, hay một hệ thống bao gồm nhiều thành phần và bộ phận khác nhau, giữa chúng luôn có mối tương tác qua lại. Hệ thống này sẽ bao gồm các tiểu hệ thống như: văn hóa nghệ thuật, văn hóa thông tin, văn hóa xã hội, di sản văn hóa và kinh tế văn hóa. Các tiểu hệ thống này có thể bao gồm các vi hệ thống.

Để có được cái nhìn toàn diện, khách quan, cần phải xây dựng được một cấu trúc rõ ràng của các vi hệ thống các lĩnh vực hoạt động văn hóa, sau đó là tiểu hệ thống và toàn bộ hệ thống đối tượng QLVH. Cách tiếp cận này giúp cho việc xây dựng chính sách sẽ bao quát đầy đủ và toàn diện mọi lĩnh vực, yếu tố, thành phần. Mặt khác, cách tiếp cận này cũng cho phép xây dựng các hệ thống chính sách tương ứng, trong đó mỗi tiểu hệ thống, vi hệ thống đều được điều chỉnh ở mức độ phù hợp. Các lĩnh vực có tầm ảnh hưởng lớn cần được tập trung nguồn lực nhiều hơn, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật chi tiết, cụ thể hơn.

Ngoài ra, vận dụng lý thuyết về cấu trúc của hệ thống sẽ cho phép chủ thể quản lý thiết lập một bộ máy quản lý vừa và đủ, tương ứng với cấu trúc của hệ thống văn hóa, đồng thời, cũng xác định cách phân cấp quản lý cho bộ máy phù hợp với đối tượng quản lý – hệ thống văn hóa.

Vận dụng lý thuyết về mối tương tác trong cấu trúc và với môi trường của hệ thống.

Tập hợp các thành tố luôn tương tác, gắn kết với nhau theo một trật tự nhất định là một trong những bản chất của hệ thống. Bên cạnh đó, hệ thống cũng luôn luôn tương tác với môi trường trong quá trình vận động và tồn tại. Khi coi toàn bộ nền văn hóa, đối tượng của chính sách QLVH là một hệ thống, thuộc siêu hệ thống quản lý mọi lĩnh vực của một quốc gia hay địa phương thì chúng cũng không phải là những yếu tố riêng rẽ, độc lập mà ngược lại luôn tương tác với nhau hướng đến mục đích chung của hệ thống. Khi phân nhỏ thành các tiểu hệ thống, vi hệ thống theo các tiêu chí khác nhau, thì các tiểu hệ thống, vi hệ thống này có tương tác qua lại với nhau. Ví dụ, vi hệ thống lễ hội luôn tương tác với vi hệ thống di tích lịch sử văn hóa và vi hệ văn học dân gian trong tiểu hệ thống di sản văn hóa,…

Khi chính sách QLVH xem toàn bộ các lĩnh vực văn hóa là một hệ thống thì luôn phải xem xét mối tương quan của chúng với môi trường cảnh quan, môi trường kinh tế – xã hội (KTXH) của địa phương hay quốc gia. Bởi vì môi trường của hệ thống là tất cả những gì nằm ngoài hệ thống đang xem xét, nhưng có quan hệ tác động với hệ thống, hay nói cách khác, môi trường hệ thống chính là các phần tử, các phân hệ, các hệ thống khác không thuộc hệ thống đang xem xét nhưng có quan hệ tác động lên hệ thống đó.

Có môi trường bên trong hệ thống và môi trường bên ngoài hệ thống. Môi trường bên trong chính là sự tác động của cả hệ thống chỉnh thể lên các thành phần cấu thành của hệ thống đó. Môi trường bên ngoài là các yếu tố không thuộc về hệ thống nhưng có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hệ thống. Khi xây dựng chính sách quản lý, cần quan tâm nghiên cứu, xem xét cả sự tác động tích cực hoặc tiêu cực của môi trường lên hệ thống.

Chỉ có cách tiếp cận hệ thống như trên mới giúp cho các nhà QLVH xây dựng quy hoạch tổng thể, lập các chương trình, dự án phát triển văn hóa địa phương và quốc gia, có được cái nhìn toàn diện, khách quan để đưa các giá trị văn hóa vào phục vụ đời sống xã hội một cách hiệu quả và phát triển KTXH bền vững.

Vận dụng lý thuyết về tính trồi của hệ thống.

Khi xây dựng chính sách QLVH, cần vận dụng đặc tính này của hệ thống với mục đích xác định rõ vai trò của hệ thống văn hóa đối với sự phát triển KTXH và điều tiết xã hội. Phải nhìn nhận vai trò, chức năng của các văn hóa như tính trồi của hệ thống văn hóa, bởi vì chỉ có thể phân tích những vai trò của các tiểu hệ thống đó trong mối tương tác lẫn nhau mới thấy rõ sự lan tỏa của các giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng và trong sự phát triển KTXH địa phương, quốc gia. Cụ thể, văn hóa với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội phải có sự phối hợp chặt chẽ của các giá trị tinh thần cao đẹp được hình thành trong truyền thống (di sản văn hóa) ở mọi tiểu hệ thống và các giá trị văn hóa hiện đại mới được hình thành cho phù hợp với nhu cầu của đời sống hiện đại.

Mặt khác, khi nghiên cứu tính trồi của hệ thống văn hóa, giúp các nhà quản lý nắm rõ khi thực thi các biện pháp quản lý cần phải thực hành đồng bộ, thường xuyên mới mang lại hiệu quả. Bởi vì mỗi một biện pháp chỉ tác động lên một khía cạnh của mục tiêu quản lý. Do đó, chỉ có thể biến các biện pháp đó thành một chỉnh thể, hay một hệ thống thì mới phát huy được tính trồi của hệ thống các biện pháp đó.

Vận dụng lý thuyết về mục tiêu của hệ thống.

Hệ thống được sản sinh ra và tồn tại là để thực hiện một số chức năng hay mục tiêu định trước. Mục tiêu của một hệ thống là trạng thái mong đợi, muốn có và cần phải có của hệ thống sau một khoảng thời gian hoặc vào một thời điểm tương lai nào đó. Hệ thống được hình thành hay được tạo ra luôn để thực hiện một mục tiêu, hay một mục đích nhất định, khi mục tiêu thay đổi, kéo theo sự thay đổi của cả hệ thống ở những mức độ khác nhau. Các tiểu hệ thống hay các thành phần của hệ thống cũng có những mục tiêu riêng, các mục tiêu này đều phải phù hợp với mục tiêu chung của hệ thống. Hoạt động của các yếu tố cấu thành hay tiểu hệ thống, vi hệ thống đều hướng đến mục tiêu chung của toàn hệ thống và ngược lại.

Vận dụng lý thuyết hệ thống để xem xét hệ thống văn hóa, cần xác định rõ mục tiêu mà chúng được hình thành và tồn tại, sự thay đổi mục tiêu (nếu có) trong lịch sử, và sự thay đổi mục tiêu kéo theo những thay đổi tích cực hay tiêu cực nào đối với cấu trúc của hệ thống văn hóa đó. Nghĩa là, khi xây dựng chính sách QLVH, cần xem xét sự biến đổi của văn hóa trong lịch sử, trong từng thời đại và sự thích nghi của nó với thời đại mới. Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, khi xã hội chịu sự tác động mạnh mẽ của xu thế mới là toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ chế thị trường. Hệ thống văn hóa có nhiều biến đổi, bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực, chính sách văn hóa cần bảo đảm hạn chế tối đa các biến đổi tiêu cực và phát huy các biến đổi tích cực của văn hóa. Ví dụ, dưới tác động của toàn cầu hóa, văn hóa Việt Nam có nhiều cơ hội để lan tỏa, quảng bá các giá trị bản sắc của mình ra toàn thế giới, được tiếp cận với nhiều giá trị văn hóa của nhân loại nên có cơ hội tiếp thu các tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu bản sắc văn hóa của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, toàn cầu hóa cũng mang lại cho văn hóa Việt Nam những thách thức không nhỏ, đó là những hiện tượng văn hóa ngoại lai du nhập, những loại hình văn hóa có thể chưa phù hợp hoặc trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, có thể làm băng hoại nhiều giá trị trường tồn của văn hóa dân tộc, thêm vào đó là nguy cơ bị đồng hóa, vong bản, mất gốc. Do đó, khi xây dựng các chính sách QLVH, phải tính đến các cơ hội và thách thức để văn hóa Việt Nam phát triển, tiếp thu nhiều tinh hoa của các dân tộc làm giàu bản sắc văn hóa Việt Nam nhưng không bị tha hóa, có sự tiếp biến và tạo ra những mảng màu độc đáo đầy bản sắc của văn hóa dân tộc Việt Nam trong bức tranh văn hóa nhân loại.

Tóm lại, vận dụng lý thuyết hệ thống trong QLVH là để nhằm mục tiêu xây dựng một hệ thống chính sách bao quát hết các mảng lĩnh vực của văn hóa, phân cấp quản lý, phân bổ nguồn lực phù hợp và tiến hành đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả.

Ứng dụng lý thuyết hệ thống để xây dựng chính sách QLVH cần có cái nhìn khách quan, toàn diện, khoa học về nền văn hóa dân tộc, xác định được vai trò khách quan của văn hóa trong đời sống cộng đồng, trong quá trình phát triển KTXH, đặc biệt là vai trò điều tiết, định hướng sự phát triển của xã hội, để phát triển kinh tế bền vững, nâng sức cạnh tranh của quốc gia. Đồng thời, giúp hoạch định những kế hoạch, dự án, giải pháp để quản lý và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Chú thích:
1. Bertalanffy, Ludwig Von (1950). An outline of General System Theory, The Bristish Journal for The Phylosophy of The Science. Vol.1, N2, pp. 134 – 165.
2. Bertalanffy, Ludwig Von (1950). An outline of General System Theory, The Bristish Journal for The Phylosophy of The Science. Vol.1, N2, p. 60
3. Parsons, Talcott (1951). The Social System. The Free Press, Glencoe, Illinois,
4. Vũ Cao Đàm. Lý thuyết hệ thống và điều khiển học/ Tập bài giảng điện tử, 2003, tr. 28.
5. Trần Xuân Sinh. Bài giảng lý thuyết hệ thống trong quản lý giáo dục. Đại học Vinh, thành phố Vinh, 2006, tr. 10.
Tài liệu tham khảo:
1. Mai Hà. Tập bài giảng Lý thuyết hệ thống và phân tích hệ thống ứng dụng, 2003.
2. Lê Ngọc Hùng. Lý thuyết hệ thống tổng quát và phân hóa xã hội: Từ Ludwig Von Bertalanffy đến Talcott Parsons. Tạp chí Đại học Quốc gia Hà Nội: Khoa học xã hội và nhân văn, tập 30, số 3/2014, tr. 51 – 62.
3. Mai Hữu Khuê (chủ biên). Phân tích hệ thống trong quản lý và tổ chức. H. NXB Lao động, 1998.
4. Nguyễn Thị Kim Loan (chủ biên). Quản lý di sản văn hóa. H. NXB Văn hóa, 2014.
5. Nguyễn Thị Kim Loan. Văn hóa làng qua tục ngữ dân gian. H. NXB Văn hóa, 2014.
6. Trần Đình Long. Lý thuyết hệ thống. H. NXB Khoa học và Kỹ thuật, 1997.
7. Trần Ngọc Thêm. Giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam. H. NXB. Giáo dục, 1996.
8. Đỗ Hoàng Toàn. Lý thuyết hệ thống ứng dụng trong quản lý kinh tế. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, 1990.
TS. Nguyễn Thị Vân Hà
ThS. Nguyễn Thị Kim Loan
Học viện Hành chính Quốc gia