Hội thảo khoa học: Một số vấn đề về cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ, sở: lý luận và thực tiễn

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 14/7 tại Hà Nội, Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Một số vấn đề về cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ, sở: lý luận và thực tiễn” thuộc đề tài khoa học trọng điểm cấp Bộ. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Dự Hội thảo, về phía khách mời, có: GS.TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ; TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; đồng chí Thái Quang Toản, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế, Bộ Nội vụ; ThS. Nguyễn Thị Hường, Phó Vụ trưởng Vụ công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội; đồng chí Bùi Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình dự trực tuyến; TS. Bùi Văn Minh, Vụ Tổ chức – Biên chế, Bộ Nội vụ; TS. Vũ Xuân Thanh, Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ.

Về phía Học viện, có: PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lê Thiên Hương, nguyên Trưởng khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật; đại diện lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các khoa, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện tại Hà Nội cùng giảng viên của Khoa Nhà nước và Pháp luật, các đại biểu tham dự trực tuyến và các nghiên cứu sinh đang sinh hoạt chuyên môn tại Khoa.

PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Trình bày đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh chia sẻ, đề tài trọng điểm cấp bộ “Thiết kế mẫu cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ, sở” năm 2023 là một trong chuỗi các đề tài thuộc Chương trình Khoa học trọng điểm cấp bộ: “Tổ chức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2025” của Bộ Nội vụ do PGS.TS. NGƯT. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm chủ nhiệm. Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức hội thảo lần thứ nhất: Một số vấn đề về cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ, sở: lý luận và thực tiễn do PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật làm chủ nhiệm.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, cần nghiên cứu thấu đáo các lý thuyết về thiết kế mẫu, về cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ, sở, từ đó rút ra nguyên lý nhằm thiết kế cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ, sở cụ thể phù hợp với đặc thù của bộ, ngành, địa phương cũng như đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả. Để làm rõ nội dung lý luận và thực tiễn của đề tài, Ban Chủ nhiệm đề tài mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhà khoa học tập trung vào các vấn đề: (1) Lý luận về thiết kế mẫu cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ, sở (quan niệm, nguyên lý thiết kế mẫu); (2) Tiêu chí thành lập các bộ, sở/các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, sở; (3) Yêu cầu đối với thiết kế cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ, sở; (4) Thực tiễn về cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ, sở hiện nay đặt ra những vấn đề gì? Cần phải thay đổi như thế nào để đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện cho biết, trên tinh thần Bộ Nội vụ đang đổi mới, nâng cao chất lượng các đề tài nhằm đưa vào thực tiễn và ứng dụng, đề tài thiết kế mẫu về cơ cấu tổ chức bộ, sở trong bối cảnh quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng được tinh thần quản trị quốc gia và thực trạng cơ cấu bộ, sở hiện nay. Đồng thời, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu nhấn mạnh vào 4 yêu cầu mà chủ nhiệm đề tài đặt ra là: (1) Hệ thống nguồn tư liệu, tài liệu; (2) Hệ thống cơ sở lý luận; (3) Cơ sở thực tiễn kinh nghiệm; (4) Các nội dung cần nâng cao và đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.

GS.TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tham luận tại Hội thảo.

Tham luận tại hội thảo về: “Bàn vào việc tổ chức vụ, cục trong bộ và cơ quan ngang bộ”, GS.TS. Trần Ngọc Đường cho biết, một yêu cầu khách quan của quá trình đổi mới, phản ánh trình độ phát triển ngày càng cao của xã hội, đòi hỏi phải nâng tầm tổ chức bộ máy của nhà nước nói chung, đặc biệt là của Chính phủ. Tổ chức và hoạt động bên trong của mỗi bộ (vụ, cục, tổng cục) phải được thiết kế theo định hướng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực. Theo đó, có 4 tiêu chí để khắc phục những hạn chế hiện nay, là: xác định đầy đủ tính chất nội dung quản lý nhà nước của bộ; trên cơ sở chức năng quản lý nhà nước của bộ, phân định các nhiệm vụ, quyền hạn của bộ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước; tổ chức các vụ, cục của một bộ hay cơ quan ngang bộ phụ thuộc vào trình độ phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước ở từng thời kỳ; tiến trình cải cách hành chính và năng lực cán bộ là những căn cứ cần xem xét thấu đáo khi thành lập vụ, cục hay tổng cục của một bộ hay cơ quan ngang bộ.

Đồng chí Thái Quang Toản, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế, Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo.

Với tham luận “Những tiêu chí cơ bản thành lập các đơn vị thuộc cơ cấu bộ máy của bộ, sở”, đồng chí Thái Quang Toản cho rằng, việc thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc (quản lý đa ngành, đa lĩnh vực) và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính nhằm khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo làm cơ sở để kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ. Do đó, căn cứ vào các quy định của Chính phủ, các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã chủ động rà soát, sắp xếp các tổ chức bên trong bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

TS. Hoàng Thị Ngân trình bày tham luận: “Một số vấn đề về cơ cấu tổ chức bộ máy các sở”. Theo bà Ngân, vấn đề này phải căn cứ vào nguyên tắc tổ chức bộ máy của các sở, như: phải phù hợp với chức năng và cơ chế hoạt động của chính quyền địa phương; bảo đảm tính độc lập về chức năng, rõ ràng về nhiệm vụ và sự tương thích của chức năng, nhiệm vụ với yêu cầu tham mưu; tiếp đó là dựa trên nguyên tắc hiệu quả trong khoa học hành chính nói chung và tổ chức nói riêng.

Cùng trao đổi tập trung vào vấn đề tổ chức bộ máy, TS. Vũ Xuân Thanh bàn về thực trạng và định hướng sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở bộ và cơ quan ngang bộ, ông cho rằng, thời gian qua khi tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 08/2021/QH15 ngày 23/7/2021 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã có sự kế thừa kết quả sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Chính phủ, của các bộ, cơ quan ngang bộ… Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ tính đến cuối năm 2022, đã giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương, giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ, giảm được 90% phòng trong vụ.

TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Hội thảo.

TS. Đinh Dũng Sỹ đề cập đến việc xác định tiêu chí nào để thiết kế cơ cấu trong bộ, xác định cơ cấu tổ chức của bộ có bao nhiêu vụ, cục và cần bao nhiêu biên chế phải căn cứ vào vị trí việc làm; xác định cơ cấu tổ chức của cấp sở như thế nào? Theo ông, dựa vào hai tiêu chí: sự linh hoạt và trao quyền tự chủ, tự quản cho địa phương trong việc thành lập các phòng chuyên môn, để các địa phương căn cứ vào tình hình kinh tế – xã hội tại địa phương quyết định. Ngoài ra, ông đề xuất tiếp tục rà soát, bỏ cấp hành chính trung gian trong bộ, đặc biệt là cấp cục và phòng; tiếp tục nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm của các nước trên thế giới theo hướng nghiên cứu hoạch định chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật; đổi mới, sắp xếp toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập đang nằm trong các bộ.

Đồng chí Bùi Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình tham luận tại Hội thảo.

Từ kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương, ông Bùi Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình, cho biết: Sở Tư pháp Ninh Bình hiện nay đã giảm được các đầu mối, phòng ban từ 5 phòng chuyên môn xuống còn 3 phòng; thanh tra sở và văn phòng sở trước kia gồm 7 phòng hiện nay giảm xuống còn 5 phòng; biên chế có 27 biên chế cho tất cả các phòng, ban và thực hiện nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; có 3 đơn vị sự nghiệp với hơn 40 biên chế, một số lĩnh vực đã thực hiện xã hội hóa. Ông cũng cho biết thêm, Ninh Bình là tỉnh được giao chỉ tiêu biên chế thấp nhất trong cả nước và đây là yếu tố khó khăn trong việc thực hiện các công việc do thiếu nguồn lực trong khi công tác quản lý nhà nước đòi hỏi tính hiệu lực và hiệu quả cao; kèm theo đó là phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, thường xuyên hằng năm phải bảo đảm.

PGS.TS. Lê Thiên Hương, nguyên Trưởng khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật phát biểu tại Hội thảo.
ThS. Nguyễn Thị Hường, Phó Vụ trưởng Vụ công tác Đại biểu, Văn phòng Quốc hội tham luận tại Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh cảm ơn các ý kiến tham luận và bài viết tham gia Hội thảo của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện về các nội dung, như: một số yêu cầu đối với thiết kế cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ, sở; cơ cấu, tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở chính quyền đô thị tại Việt Nam hiện nay; xây dựng bộ máy quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; khái niệm, phân loại các mô hình tổ chức bộ máy bộ, sở; xu hướng phát triển bộ máy cơ quan nhà nước trong bối cảnh mới; tiêu chí, tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực; nguyên tắc thống nhất không phải bộ nào cũng có sở ở dưới; tính tự chủ, tự quản của chính quyền địa phương; tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm thế giới; bỏ sắp xếp trung gian trong cơ cấu tổ chức của bộ; sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay; vị trí việc làm; thiết kế mẫu,…

Ban tổ chức Hội thảo sẽ tiếp thu để xây dựng những nội dung tiếp theo nhằm định hình nội dung nghiên cứu trong thiết kế mẫu về cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ, sở đưa ra góp ý tại Hội thảo lần thứ hai.

Đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Hoàng Hậu, Xuân Phú