Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và ý nghĩa đối với việc xây dựng uy tín của chính quyền địa phương

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đảng ta xác định nhiệm vụ chiến lược cần phải: “Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị -xã hội…”1. Theo đó, việc nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ có ý nghĩa rất lớn đối với việc xây dựng uy tín của chính quyền địa phương trong bối cảnh hiện nay.
Ảnh Tư liệu.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chủ nghĩa tư bản là một lựa chọn phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại. Con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua tư bản chủ nghĩa, tiến lên một nước có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có khoa học – kỹ thuật tiên tiến là con đường mới, lần đầu tiên được khai phá. Đó là con đường đúng đắn nhưng đầy khó khăn, thử thách, đặt ra hàng loạt vấn đề lý luận và thực tiễn phải vừa tìm tòi, vừa thử nghiệm nên có thể đúng, có thể sai. Trong bước chuyển đó, có những mặt tích cực nhưng cũng có nhiều biểu hiện tiêu cực.

Một trong những vấn đề luôn mang tính thời sự trong tư tưởng Hồ Chí Minh là về công tác cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đầy tớ trung thành của Nhân dân… mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”2. Mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước và Nhân dân như vậy trở thành quan hệ giữa người phục vụ và người được phục vụ, nhưng đây không phải là mối quan hệ “chủ – tớ”. Mọi quyền lực phải thuộc về Nhân dân. Muốn “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì “dân phải được hưởng”. Nhà nước phải phục vụ Nhân dân chứ không được cai trị Nhân dân hay quản lý Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ví mối quan hệ giữa Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân là mối quan hệ giữa người dẫn đường và người đi đường, người cầm lái và người chèo thuyền. Người lại nói đến trách nhiệm của Chính phủ, của nhân viên nhà nước là đứng ra gánh vác, lo toan những công việc chung, tức là những công việc mà từng người dân một không thể làm được. Vì vậy, từ trong cộng đồng phải tách ra những người có những phẩm chất, năng lực nhất định để cáng đáng những công việc chung đó. Phục vụ Nhân dân và việc được Nhân dân giao phó, phó thác, ủy nhiệm đều trở thành rất cao quý, vẻ vang. Như vậy, nói “phục vụ Nhân dân”, “vì dân”, có nghĩa là công việc của Chính phủ, nhân viên nhà nước đảm trách là mang lại lợi ích cho Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân. Nhân dân khi giao việc bao giờ cũng trao cả quyền của chính mình cho người được ủy thác. Ở đây xuất hiện tính chất rất đặc thù là người vốn không có quyền khi đã được trao quyền, trở thành người có quyền lực, người sai khiến, chỉ huy, đôn đốc người khác và người khác ở đây chính là Nhân dân vốn là chủ thể của quyền lực. Nhân dân, chủ thể của quyền lực, đồng thời trở thành đối tượng, khách thể của quyền lực, người phải thực hiện những công việc, những nghĩa vụ đối với Nhà nước: “Nhà nước của dân” đồng thời trở thành “Nhà nước do dân” là vì vậy.

Là cán bộ, đảng viên chúng ta phải giữ vững lý tưởng và đạo đức cách mạng của mình, không dao động thoái hóa trước mọi biến cố của hoàn cảnh, phải thực hiện cho được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thắng không kiêu, khó không nản”, “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Trong đấu tranh cách mạng và kháng chiến gian khổ, cán bộ ta biết dựa vào dân, được dân nuôi dưỡng, che chở, đùm bọc, cưu mang… nên rất thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Gốc có vững thì cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Nhưng khi cách mạng đã thắng lợi rồi, gian khổ đã qua rồi, nhiều người lại quên mất công lao của Nhân dân, chỉ còn thấy công lao của cá nhân mình, tinh thần phục vụ Nhân dân đã nhường chỗ cho những tính toán vị kỷ, không còn là “đày tớ dân”, mà chỉ còn là những “quan liêu cách mạng”, sách nhiễu, ức hiếp, bòn rút dân gây cho dân bao khổ sở, oan trái, tạo thành những điểm “nóng”, gây mất ổn định xã hội. Họ quên mất rằng: mất lòng dân sẽ mất tất cả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc đề cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần phụ trách của cán bộ, nhân viên nhà nước trước dân. Nhân dân là người chủ xã hội, nhưng quyền làm chủ đó Nhân dân trao và thực hiện chủ yếu thông qua bộ máy nhà nước. Vấn đề lớn đặt ra là làm sao người được trao quyền, sử dụng quyền cho đúng quyền hành được trao, sử dụng có hiệu quả và có hiệu lực, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân. Mặt khác, luôn luôn đề phòng khả năng là người được trao quyền sẽ lạm dụng hoặc sử dụng tắc trách quyền đó và điều rất tệ hại là biến Nhân dân thành người chủ trên danh nghĩa và trên thực tế là người bị o ép, bó tay bó chân, chỉ để bị sai khiến và phục vụ các “ông quan cách mạng”.

Nhiều nhà nước của giai cấp thống trị khi còn ở giai đoạn tích cực và tiến bộ cũng chủ trương thân dân, thậm chí cũng tuyên bố là nhà nước “vì dân”, nhưng đó chỉ là một thiện chí hay một chiêu bài, bởi vì cái cơ bản là nếu chính quyền đó không của Nhân dân và không do Nhân dân làm chủ mà do các ông quan làm chủ thì không bao giờ nó có thể vì dân được. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là Nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả cán bộ từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào, ngành nào – đều phải là đầy tớ trung thành của Nhân dân”3.

Đến đây, nảy sinh mối quan hệ giữa người chủ là Nhân dân với người cán bộ nhà nước là công bộc của dân, do dân bầu ra, được Nhân dân ủy quyền. Trong các chế độ cũ, nhà nước là bộ máy của giai cấp bốc lột dùng để thống trị và áp bức Nhân dân; viên chức, quan lại tự xưng là “cha mẹ dân”, đè đầu cưỡi cổ dân. Trong chế độ dân chủ, Người nói: “Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đầy tớ. Làm đầy tớ cho Nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng”4.

Hai chữ “đầy tớ”, Người dùng gốc từ hai chữ “công bộc”, vốn có nghĩa là người phục vụ chung của xã hội (serviteur public), cũng là một cách dùng để chỉ hàng ngũ quan lại, dưới chính thể phong kiến hay tư sản đều có dùng, chứ không hề có ý miệt thị các chức vụ này. Ngày xưa, quan lại cũng có người tốt, người xấu. Ở buổi suy vi, chính trường thối nát, không phải ai đỗ đạt cũng muốn ra làm quan, hoặc đang làm quan, vì trọng danh dự mà từ quan về ở ẩn. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một nhà cách mạng, nhà Nho khí tiết, nhiều lần được các chính quyền bù nhìn thân Pháp, thân Nhật, trước cách mạng mời ra làm quan, giữ chức này, chức nọ, nhưng cụ đều từ chối, chỉ muốn làm người dân; Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ”5 (Quan trường cũng chỉ là kẻ nô lệ trong đám nô lệ, lại càng nô lệ hơn).

Dưới chế độ ta, đối với cán bộ nhà nước, Người không bao giờ chỉ nhấn mạnh một vế. Là người phục vụ, cán bộ nhà nước đồng thời là người lãnh đạo, người hướng dẫn của Nhân dân. Người nói: “Nếu không có Nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì Nhân dân không ai dẫn đường”6. Trong Di chúc, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải làm thế nào để xứng đáng vừa “là người lãnh đạo”, vừa “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Có người thắc mắc: đã là đầy tớ thì lãnh đạo thế nào được? Mới nghe qua tưởng như đây là một nghịch lý. Nhưng thực ra không có gì mâu thuẫn. Là người đầy tớ của dân là một vinh dự chứ không phải miệt thị, do đó, phải trung thành, tận tụy, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ… Là người lãnh đạo thì phải có trí tuệ hơn người, minh mẫn, sáng suốt, nhìn xa trông rộng, gần gũi Nhân dân, trọng dụng hiền tài…

Để làm người thay mặt Nhân dân gồm đủ cả đức và tài, phải vừa hiền lại vừa minh. Phải ra sức chống chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức. “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”7. Chủ nghĩa cá nhân được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi như kẻ thù nguy hiểm nhất của đạo đức cách mạng; là căn bệnh mẹ đẻ ra nhiều căn bệnh tai hại khác: tham ô, lãng phí, quan liêu, thoái hóa về đạo đức, sa đọa về lối sống, cơ hội, nịnh bợ, chạy theo đồng tiền, chạy theo chức sắc, danh vị, tranh giành quyền lực, dối trá, mất đoàn kết, dẫn đến suy thoái về chính trị – tư tưởng.

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra mối quan hệ giữa đánh thù trong và diệt giặc ngoài. Kẻ thù bên ngoài không thể nào thắng nổi ta nếu nó không liên kết, khai thác, sử dụng kẻ thù bên trong là những kẻ thoái hóa, biến chất, có chức, có quyền trong bộ máy nhà nước của ta. Đây là một cuộc đấu tranh gay go, phức tạp, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “việc đấu tranh với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ nhưng việc đấu tranh với ở trong nội bộ, trong tinh thần là một khó khăn, đau xót…vì vậy, phải có quyết tâm đấu tranh mới được”8.

Sức mạnh, hiệu quả của Nhà nước một mặt dựa vào tính nghiêm minh của việc thi hành pháp luật, mặt khác dựa vào sự gương mẫu, sự trong sạch về đạo đức của người cầm quyền. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi “cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho Nhân dân”9. Hiện nay, đất nước ta phát triển trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt, nền kinh tế của ta còn có khoảng cách lớn với thế giới, trong khi đó một bộ phận cán bộ có chức, có quyền lại rơi vào tham nhũng, thoái hóa, biến chất…Các tệ nạn đó đang làm suy yếu sức mạnh và hiệu lực của Nhà nước, phá hoại niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, tập trung lực lượng để đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, thoái hoá biến chất… đang là một yêu cầu cấp bách để làm cho Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những thứ “giặc nội xâm”, “giặc trong lòng”, những căn bệnh mà chúng ta phải kiên quyết chống, nếu không chúng sẽ dẫn đến nguy cơ suy thoái, đổ vỡ không lường hết được. Người nói: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến… Nó làm hỏng, tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính…Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”10. Người chỉ ra mối quan hệ giữa đánh thù trong và diệt giặc ngoài: chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận… Nếu chiến sĩ và Nhân dân ta ra sức chống ngoại xâm và quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình11.

Vì sao nạn tham nhũng, hối lộ không giảm? Vì sao có hiện tượng “nhờn” pháp luật? Có nguyên nhân do cơ chế quản lý kinh tế, do sơ hở về chính sách, pháp luật, do thiếu nghiêm minh trong xét xử và thi hành án, do công tác quản lý, giáo dục còn yếu kém… cũng có nguyên nhân về nạn phe phái, ô dù bao che cho nhau. Nhưng cũng có một nguyên nhân quan trọng nữa không thể bỏ qua, đó là bệnh quan liêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề, chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn. Thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu.

Về tác hại nghiêm trọng của bệnh quan liêu, C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng cảnh tỉnh giai cấp vô sản rằng: “chủ nghĩa quan liêu có thể dẫn các đảng cộng sản cầm quyền đến chỗ đánh mất một lần nữa chính quyền vừa giành được”, đi vào con đường tiêu vong như đã từng xảy ra đối với mọi loại hình nhà nước từng xuất hiện từ trước đến nay. V.I Lênin cũng viết: Chúng ta bị khốn khổ trước hết về tệ nạn quan liêu. Những người cộng sản đã trở thành những tên quan liêu. Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó (tức chủ nghĩa quan liêu). Sự tiên liệu của các bậc thầy vĩ đại đã không được những người kế tục sau này cảnh giác, đề phòng, khắc phục. Sự sụp đổ của Nhà nước Xô viết có những nguyên nhân sâu xa của nó, song có một nguyên nhân mà ai cũng thấy, đó là bộ tham mưu của nó đã quan liêu hóa, ngày càng xa rời Nhân dân, nên đã rơi vào thoái hóa, biến chất. Vì vậy, không thể nói đến một nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu quả nếu như không kiên quyết, thướng xuyên đẩy mạnh cuộc đấu tranh để chặn đứng, tiến tới tiêu diệt tạn gốc những nguyên nhân đã gây ra nạn tham ô, lãng phí, quan liêu.

Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư là nội dung đạo đức cách mạng mà suốt đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp, bồi dưỡng cho từng cán bộ, viên chức nhà nước, đảng viên của Đảng cầm quyền và trước hết, người tự thể hiện và đòi hỏi phải được thể hiện trong hoạt động của cơ quan hành pháp do Người đứng đầu. Người nhận biết rất sớm bản chất của tệ nạn quan liêu, tham nhũng, tính phức tạp, hoàn toàn không đơn giản của cuộc đấu tranh chống tệ nạn này. Người quyết tâm và kiên trì cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống các tệ nạn xã hội. Báo cáo trước Quốc hội (khóa I)(tháng 10/1946), Người nói: Chính phủ hiện thời đã liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở các ủy ban làng hiện đông lắm và phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ – đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết. Theo Người, phải làm được như vậy mới “… xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Tham ô lãng phí có quan hệ khăng khít với bệnh quan liêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “… vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu, thành thử có mắt mà không thấu suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí” và người nhấn mạnh: “…chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị”. Người khẳng định: “chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng. Tham ô, lãng phí, quan liêu là những xấu xa của xã hội cũ… chúng ta muốn xây dựng một xã hội mới, một xã hội tự do, bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm chính – cho nên chúng ta phải tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ”.

Một trong những tư cách của người cách mạng được Hồ Chí Minh nhắc đến đầu tiên là phải ít lòng ham muốn về vật chất, vì nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ, không thể đua về sự xa sỉ mà phải đua về sự cần kiệm. Tấm gương của Hồ Chí Minh đã cho chúng ta một bài học sâu sắc: cuộc sống vật chất là hữu hạn, cuộc sống tinh thần mới là vô hạn. Theo đuổi lý tưởng cao đẹp, người cán bộ, đảng viên phải biết sẵn sàng chấp nhận sự thiệt thòi về vật chất để theo đuổi những giá trị tinh thần cao đẹp như liêm khiết, thanh cao, công bằng… nói như vậy không phải là cổ vũ cho một lối sống khổ hạnh. Đấu tranh và hưởng thụ là hai mặt gắn bó thống nhất với nhau. Đấu tranh xóa bỏ áp bức bóc lột, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp, văn minh cho toàn xã hội.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc xây dựng uy tín của chính quyền địa phương

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có sức sống mãnh liệt, đã sớm đi vào Nhân dân, trở thành tinh hoa của văn hóa dân tộc. Những tư tưởng đó vẫn giữ nguyên giá trị của nó trong việc khắc phục những biểu hiện suy thoái về đạo đức – lối sống hiện nay: chạy theo danh vọng, tiền tài, bất chấp đạo lý, nhân nghĩa, pháp luật, xa rời thiên nhiên xa rời cuộc sống nhân ái, vị tha giữa người với người. Chính trong hoàn cảnh đó chúng ta càng trân trọng tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh. Vận dụng tư tưởng của Người, để xây dựng uy tín của chính quyền địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, cần phải thực hiện tốt chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức – lực lượng nòng cốt của chính quyền địa phương.

Mặt hạn chế cơ bản nhất của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự hẫng hụt về trình độ năng lực, thiếu kiến thức về quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, kỹ năng hành chính, kém hiểu biết về pháp luật, vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp công tác và các kiến thức bổ trợ khác, như: ngoại ngữ, tin học…, đồng thời một bộ phận cán bộ, công chức vẫn chưa có ý thức đầy đủ về học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mà vẫn còn làm việc theo kinh nghiệm của bản thân, thiếu năng động, sáng tạo cho nên giải quyết công việc thiếu cơ sở khoa học, làm giảm uy tín của bản thân và uy tín của tổ chức, của chính quyền.

Sự hụt hẫng kiến thức quản lý mới, ở đây có nguyên nhân chính là do cán bộ, công chức đã được trang bị kiến thức không phù hợp với sự biến đổi của thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ mới. Trong những năm gần đây, khi mở cửa hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới đã có nhiều vấn đề mới nảy sinh đòi hỏi phải giải quyết vừa cấp bách vừa lâu dài, như: chỉnh đốn Đảng, đổi mới quản lý kinh tế, cải cách nền hành chính quốc gia, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mở rộng giao lưu quốc tế…trong một thế giới đang biến đổi.

Từ những yếu kém trên của đội ngũ cán bộ, công chức đòi hỏi phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của chính quyền, của đất nước và xu thế thời đại. Bởi vì đào tạo cán bộ, công chức có tác dụng rất quan trọng trong việc khắc phục tình trạng chất lượng, trình độ không đồng đều; giúp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, giúp đội ngũ này đạt được những tiêu chuẩn, yêu cầu mới mà sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay đang đặt ra; đồng thời, có đội ngũ cán bộ, công chức có uy tín thì uy tín của chính quyền mới được nâng cao.

Thứ hai, đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền.

Các cấp ủy Đảng và chính quyền cần phải thực hiện nghiêm túc hình thức khen thưởng và kỷ luật đối với cán bộ, công chức nhằm thúc đẩy sự trung thực, sự nhạy bén và sự phục vụ Nhân dân của đội ngũ này. Chỉ có như vậy mới có thể tạo sự an tâm làm ăn, sinh sống cho người dân và thông qua đó uy tín của chính quyền mới nâng cao, Nhân dân tin tưởng và tín nhiệm chính quyền nơi họ sinh sống.

Thứ ba, kiên quyết đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực như tham nhũng, quan liêu, lãng phí.

Trong tất cả các hiện tượng tiêu cực của xã hội thì quan liêu, tham nhũng… là những hiện tượng tiêu cực phá hoại uy tín của hệ thống chính trị ghê gớm nhất. Chống các hiện tượng tiêu cực này cần phải chống một cách thực tế, cụ thể chứ không thể chống một cách hình thức, chung chung được. Vì nếu làm việc một cách hình thức thì sẽ tạo điều kiện cho nó phát triển hơn nữa chứ không thể tạo ra được một sự đột biến nào.

Đấu tranh chống tham nhũng không chỉ dựa vào Luật Phòng, chống tham nhũng là đủ mà chống tham nhũng trước hết bằng văn hóa, bằng hành động, phải tìm ra nguồn gốc và có biện pháp tích cực chống tham nhũng. Những hiện tượng tham nhũng nổi cộm thời gian qua bắt buộc chúng ta tìm đến với cội nguồn văn hóa mà không chỉ trông cậy hoàn toàn vào hệ thống pháp luật chống tham nhũng. Sinh thời, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ rõ: “tình trạng thiếu vắng trách nhiệm trước các vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong mỗi ngành, mỗi cấp như vậy cần phải được chấn chỉnh bằng cách thực hiện nghiêm túc chế độ trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể đứng đầu trong mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan”12.

Thứ tư, cần coi trọng tinh thần tự phê bình và phê bình.

Để thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình ở các cấp chính quyền, cần phải nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình trong Đảng; kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, lấy xây là chính, coi trọng giáo dục, nâng cao nhận thức để phát huy ưu điểm, ngăn ngừa sai phạm; phát động phong trào rộng rãi, sâu sắc, liên tục trong Nhân dân bằng tất cả các phương tiện thông tin đại chúng để nêu gương người tốt, việc tốt, lên án những khuyết điểm, lỗi lầm của những người vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; làm theo phương pháp Hồ Chí Minh: làm trong sạch từ trong nội bộ Đảng và trong các cơ quan Nhà nước, bắt đầu từ trên để kiểm tra, lãnh đạo dưới, để Nhân dân tin và tham gia phê bình cán bộ, đảng viên.

Mọi đảng viên, nhất là các cấp ủy viên phải luôn nhận thức đúng, đủ về vai trò, tầm quan trọng, mục đích tự phê bình và phê bình, từ đó có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt và tiến hành thật nghiêm túc, thẳng thắn, trung thực tự phê bình và phê bình. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của tự phê bình và phê bình, điều quan trọng là phải đứng trên lập trường chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững đường lối của Đảng thể hiện trong cương lĩnh, nghị quyết đại hội, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương. Phải kết hợp chặt chẽ giữa phê bình với tự phê bình; kết hợp chặt chẽ giữa phê bình từ trên xuống và phê bình từ dưới lên.

Thứ năm, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức đảng, đảng viên không thực hiện tốt nghị quyết, chỉ thị của Đảng về tự phê bình và phê bình, nhất là những người có thái độ thành kiến, trù dập người phê bình; phải có biện pháp bảo vệ người phê bình đã dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; mặt khác, phải có biện pháp buộc người có khuyết điểm, bị phê bình phải sửa chữa khuyết điểm.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 152.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB. Chính trị quốc gia, 1995, tr. 555.
3,6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB. Chính trị quốc gia, 1995, tr. 56, 57.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H. NXB. Chính trị quốc gia, 1995, tr. 323.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 8. H. NXB. Chính trị quốc gia, 1995, tr. 375.
7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 9. H. NXB. Chính trị quốc gia, 1995, tr. 292.
8. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB. Chính trị quốc gia, 1995, tr. 36.
9. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB. Chính trị quốc gia, 1995, tr. 641.
10,11. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB. Chính trị quốc gia, 1995, tr. 490, 495.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. H. NXB Lao động, 2006, tr. 155.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Đức Bình (chủ biên). Đổi mới và tăng cường hệ thống chính trị ở nước ta trong giai đoạn mới. H. NXB Chính trị quốc gia, 1999.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV. H. NXB Sự thật, 1977.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011.
5. Đặng Hữu Toàn. Chủ nghĩa Mác và công cuộc đổi mới ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005.
6. Nguyễn Phú Trọng. Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình đổi mới đất nước. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002.
7. Đào Trí Úc. Nhà nước và pháp luật của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới. H. NXB Khoa học Xã hội, 1997.
Lê Văn Phúc
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh
Vĩnh Trí
 Phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương