Phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh Đắk Lắk

(Quanlynhanuoc.vn) – 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với những nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm của các cấp, ngành; sự tin tưởng, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, các mặt công tác nên kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt được một số kết quả đáng mừng.
Ảnh minh họa (daklakff.vn)
Tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong 6 tháng qua

Tổng sản phẩm (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh (giá so sánh 2010) ước đạt gần 24.933,6 tỷ đồng, đạt 39,58% kế hoạch, tăng 4,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: 7.051,2 tỷ đồng, đạt 31,66% kế hoạch, tăng 4,49%, đóng góp 1,26 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung; công nghiệp – xây dựng: 4.397,4 tỷ đồng, đạt 40,25% so kế hoạch, tăng 2,09%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ: 12.294,8 tỷ đồng, đạt 45,20 kế hoạch, tăng 4,30%, đóng góp 2,11 điểm phần trăm1.

Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy: khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì phát triển và có mức đóng góp lớn nhất 2,11 điểm phần trăm, với tốc độ tăng trưởng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023. Có được kết quả tăng trưởng trên, chính là sự đóng góp đặc biệt của ngành bán buôn, bán lẻ tăng 4,84%, đóng góp 0,61 điểm phần trăm; tiếp đến là ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,64%, đóng góp 0,42 điểm phần trăm.

Duy trì ổn định về tăng trưởng (+4,49%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã vươn lên đứng ở vị trí thứ 2 trong đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đóng góp 1,26 điểm phần trăm. Trong đó, ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo với mức tăng 4,60%, đóng góp 1,21 điểm phần trăm, là do điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi nên diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng tăng so với cùng kỳ2. Cùng với đó giá nông sản vẫn duy trì ổn định, tuy nhiên, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao đã tác động đến quá trình sản xuất của khu vực này.

Khu vực công nghiệp – xây dựng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất – kinh doanh, chỉ tăng 2,09%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt… tốc độ tăng trưởng đã có dấu hiệu chững lại, tăng 3,34%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm là do các công trình điện gió và điện mặt trời của tỉnh đăng gặp khó khăn trong cơ chế giá và một số công tình mới hoàn thành gặp vướng mắc do liên quan đến đất lâm nghiệp… tiếp đến là ngành cung cấp nước và hoạt động xử lý rác thải tăng 13,18%, đóng góp 0,05 điểm là do các nhà máy nước tăng năng suất hoạt động và doanh thu của ngành hoạt động xử lý rác thải tăng3.

Hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 cơ bản được duy trì ổn định, tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án với tổng số vốn đầu tư 635,7 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 707 doanh nghiệp thành lập mới, bằng 42,34% kế hoạch. Lũy kế đến ngày 30/6/2023, trên địa bàn có 12.246 doanh nghiệp đang hoạt động4.

Số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng đều tăng. Lao động trong ngành dịch vụ tiếp tục tăng. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến phải cho công nhân và người lao động nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo được cấp bằng chứng chỉ là 18,1% cao hơn 0,7 điểm phần trăn so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 6.251,6 nghìn đồng, tăng 11,26% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực thành thị 7.170,6 nghìn đồng, tăng 5,62%, khu vực nông thôn 5.716,2 nghìn đồng, tăng 15,39% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm được đẩy mạnh với nhiều hình thức như: phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm… Kết quả đã tư vấn việc làm, nghề nghiệp, xuất khẩu lao động và các chế độ, chính sách cho 20.767 lượt người, trong đó tư vấn việc làm là 16.317 lượt; giới thiệu việc làm cho 4.102 lượt người; số người có việc làm sau khi giới thiệu là 1.254người; có 113 lượt doanh nghiệp tham gia phiên với tổng nhu cầu tuyển dụng là 20.075 người5.

Ngành Giáo dục – Đào tạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo. Trong 6 tháng đầu năm, ngành Giáo dục thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông và các nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II, năm học 2022 – 2023; tổ chức, tham dự đầy đủ, nghiêm túc các hội thảo, hội nghị; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được nâng lên, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, đào tạo của địa phương. Tính đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt 72,19%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 57,88%, tăng 1,88% so với cuối năm 2022 (kế hoạch: 58%)6.

Ngành Y tế chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trong tình hình mới; chỉ đạo các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, phát triển y tế chuyên sâu, y tế ngoài công lập; kết hợp chặt chẽ đông y với tây y, y học cổ truyền với y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe người dân; chủ động phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Công tác văn hóa, thể thao, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được tỉnh quan tâm thực hiện; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi động; tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, chương trình, hoạt động nghệ thuật đặc sắc, ý nghĩa. Các hoạt động văn hóa đều gắn kết quảng bá, chào đón Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VIII năm 2023, với chủ đề Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới”. Các lễ hội đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, phấn khởi, góp phần nâng cao nhận thức, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tăng cường mối giao lưu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch đã tổ chức đón các đoàn khách du lịch đến với tỉnh nhà. Thực hiện trưng bày kệ gian hàng, các ấn phẩm tài liệu du lịch và các tập gấp du lịch Đắk Lắk trong Hội nghị Hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức các chương trình, sự kiện tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VIII. Ước tổng lượt khách phục vụ đạt 785.881 lượt khách, tăng 66,47% so với cùng kỳ năm trước; lượt khách trong ngày là 218.593 lượt, tăng 39,74%. Đối với dịch vụ lữ hành, tổng số lượt khách theo tuor là 3.957 lượt, giảm 15,21%, trong đó khách đi trong nước là 3.152 lượt, giảm 20,44%, khách ra nước ngoài là 805 người, tăng 14,18% so với cùng kỳ năm trước7.

Một số hạn chế, bất cập

Trong 6 tháng vừa qua, kinh tế – xã hội của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn: mặc dù tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tuy có tăng so với cùng kỳ nhưng còn thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng của tỉnh, do gặp rất nhiều khó khăn, biến động của tình hình quốc tế, đặc biệt là sự xung đột giữa Nga và U-crai-na đã tác động tiêu cực đến phạm vi cả nước và của tỉnh.

Thu ngân sách nhà nước còn khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong thời gian trước đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các ngành kinh tế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển hàng hóa, làm trì trệ các hoạt động sản xuất – kinh doanh, dịch vụ.

Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động; chuỗi cung ứng sản phẩm bị đứt gãy; giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao làm tăng chi phí hoạt động và giá thành sản phẩm.

Việc thu hút đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn yếu, chưa có chương trình cụ thể để hút hút nguồn vốn đầu tư này. Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân còn gặp khó khăn trong vay vốn tín dụng, lãi suất cho vay của các ngân hàng còn cao.

Một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh còn thiếu quyết liệt trong cải cách hành chính; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là việc cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

Một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai

Một là, tập trung chỉ đạo quyết liệt về công tác thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính; đồng thời, xây dựng các nhiệm vụ cụ thể để phát huy lợi thế của địa phương nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh; từ đó thể hiện rõ vai trò là tỉnh có nền kinh tế quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực Tây Nguyên.

Hai là, tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; triển khai hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp; đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ba là, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sâu, năng lượng tái tạo, cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, chế biến trong nông nghiệp, công nghiệp phần mềm; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ, quảng bá các sản phẩm của địa phương, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bốn là, tiếp tục tập trung thực hiện công tác phát triển dự án nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh; bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội; triển khai thi công đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, trong đó tập trung cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk. Báo cáo số liệu thống kê phát triển kinh tế – xã hội đầu năm 2023 của tỉnh Đắk Lắk. Tháng 6/2023.
ThS. Nguyễn Ngọc Linh
Học viện Hành chính Quốc gia