Nâng cao tính thực tiễn trong nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong nhà trường quân đội

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn là hoạt động có mục đích, có tổ chức nhằm nhận thức các vấn đề chính trị – xã hội và con người trong đời sống, tạo ra hệ thống tri thức khoa học có giá trị để ứng dụng trong thực tiễn. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu “thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học xã hội và nhân văn để có cơ sở khoa học phục vụ tốt nhất sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội”. Đây là cơ sở lý luận quan trọng để nhà trường quân đội tiếp tục đổi mới nâng cao tính thực tiễn trong nghiên cứu của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn.
Ảnh minh họa (daihocchinhtri.edu.vn).

Cùng với giảng dạy, nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong hai nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ giảng viên nói chung và giảng viên khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV) trong các nhà trường quân đội (NTQĐ) nói riêng. Lý luận và thực tiễn ở các nhà trường đã chứng minh hoạt động NCKH của đội ngũ giảng viên KHXHNV chỉ đạt chất lượng, hiệu quả tốt khi các công trình, đề tài của họ đem lại hiệu quả ứng dụng trong thực tế, tính thực tiễn được coi trọng. Đồng thời, tính thực tiễn cũng đặt ra yêu cầu cao đối với chủ thể nghiên cứu từ khâu lựa chọn vấn đề nghiên cứu, đối tượng, phạm vi, khách thể nghiên cứu đến nội dung và phương pháp nghiên cứu để các công trình, đề tài khoa học bảo đảm thống nhất giữa lý luận và thực tiễn.

1. Tính thực tiễn trong NCKH của giảng viên KHXHNV ở các học viện, trường sĩ quan quân đội là một yêu cầu khách quan, một biện pháp cơ bản, rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng các công trình, đề tài khoa học theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế là: “Khoa học xã hội và nhân văn tập trung vào nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới đất nước và dự báo xu thế phát triển”1 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học xã hội và nhân văn để có cơ sở khoa học phục vụ tốt nhất sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội. Khơi dậy sức sáng tạo, nâng cao trách nhiệm và tôn trọng sự khác biệt trong công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn”2. Theo đó, tính thực tiễn trong NCKH của giảng viên KHXHNV ở các NTQĐ là sự phản ánh, khái quát tổng thể những thuộc tính đặc trưng của thực tiễn trong quy trình, nội dung, phương pháp nghiên cứu trong các công trình, đề tài khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các nhà trường, bao gồm:

Một là, tính thực tiễn biểu hiện trong quy trình NCKH của đội ngũ giảng viên.

Quy trình NCKH của giảng viên KHXHNV gồm nhiều khâu, nhiều bước và trong từng khâu, từng bước đều có vị trí, vai trò khác nhau. Việc tuân thủ nghiêm túc các khâu, các bước trong quy trình NCKH là yêu cầu bắt buộc để bảo đảm chất lượng NCKH. Đồng thời, bảo đảm tính thực tiễn trong quy trình NCKH, thể hiện trong từng khâu, từng bước của quá trình nghiên cứu sẽ góp phần tạo ra các sản phẩm khoa học có chất lượng, khắc phục tính tư biện, giáo điều và xa rời thực tế trong các đề tài, công trình khoa học do giảng viên tham gia nghiên cứu.

Hai là, tính thực tiễn biểu hiện trong nội dung NCKH.

Nội dung của một công trình, đề tài NCKH rất phong phú, biểu hiện ở tất cả các phần trong kết cấu, từ phần lý luận, phần thực trạng và phần giải pháp. Tính thực tiễn trong phần lý luận của mỗi công trình, đề tài khoa học biểu hiện ở việc cơ sở lý luận và thực tiễn phải có những nội dung mới, phù hợp với tên và nội dung nghiên cứu, là sự phát triển so với các luận điểm lý luận gốc của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng. Tính thực tiễn ở nội dung phần thực trạng chủ yếu thông qua quá trình khảo sát, nghiên cứu thực tế của chủ thể và nội dung câu hỏi điều tra của bảng hỏi. Tính thực tiễn của phần giải pháp phụ thuộc vào tính thực tiễn trong phần lý luận và phần thực trạng, đồng thời, tập trung ở việc đề xuất được những giải pháp mang tính khả thi cao, có thể áp dụng được vào thực tế.

Ba là, tính thực tiễn biểu hiện trong phương pháp NCKH.

Mặc dù phương pháp NCKH thuộc lĩnh vực tư duy, nhưng vẫn đòi hỏi yêu cầu cao về tính thực tiễn. Các phương pháp NCKH không tách rời, loại trừ nhau mà có quan hệ biện chứng với nhau, bổ sung cho nhau trong quá trình nhận thức chân lý. Mỗi phương pháp nhận thức có vị trí, vai trò nhất định, áp dụng hiệu quả cho mỗi loại đối tượng nghiên cứu nhất định và phù hợp trong tính lịch sử – cụ thể của đối tượng. Việc vận dụng phương pháp NCKH cho phù hợp với thực tế từng nội dung nghiên cứu là cơ sở cho việc lựa chọn, vận dụng và sáng tạo phương pháp trong thực hiện công trình NCKH của nhà khoa học nói chung và giảng viên KHXHNV nói riêng.

Tính thực tiễn trong NCKH của đội ngũ giảng viên KHXHNV đã ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng NCKH, giáo dục và đào tạo ở các nhà trường. Những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn đã được đội ngũ giảng viên KHXHNV lựa chọn và triển khai nghiên cứu. Tính thực tiễn trong các khâu, các bước trong quá trình nghiên cứu đã được coi trọng. Nội dung, phương pháp NCKH đã có nhiều đổi mới theo hướng coi trọng tính thực tiễn. Kết quả NCKH đã khẳng định được năng lực, trình độ và ý thức coi trọng sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong NCKH của đội ngũ giảng viên KHXHNV. Tuy nhiên, trong NCKH, tính thực tiễn còn những hạn chế nhất định, đó là, vẫn còn một số hướng nghiên cứu, đề tài khoa học chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn; phương pháp nghiên cứu ở một số giảng viên còn chậm được đổi mới; một số giảng viên còn hạn chế về năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ… Những hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng NCKH của giảng viên KHXHNV ở các nhà trường.

2. Trong thời gian tới, để nâng cao tính thực tiễn trong NCKH của giảng viên KHXHNV ở các NTQĐ cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng đối với nâng cao tính thực tiễn trong nghiên cứu.

Cấp ủy, chỉ huy các nhà trường, đặc biệt là đảng ủy, ban giám đốc (ban giám hiệu) các học viện, trường quân đội phải xác định rõ hoạt động khoa học là một nhiệm vụ cần được đẩy mạnh ngang tầm với nhiệm vụ giáo dục và đào tạo; có nghị quyết lãnh đạo, chương trình, kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn, đối với từng khoa học, từng năm, gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng đối tượng cụ thể, nhất là đối với đội ngũ giảng viên KHXHNV ở trường mình. Cơ quan quản lý khoa học ở các nhà trường phải nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác khoa học, hoạt động khoa học của đội ngũ giảng viên. Trên cơ sở đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ góp phần thúc đẩy KHXHNV phát triển. Trong đó, cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan trong tham mưu, đề xuất và thúc đẩy các hoạt động khoa học, nâng cao hiệu quả hoạt động và NCKH của đội ngũ giảng viên KHXHNV.

Thứ hai, gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học với hoạt động giáo dục và đào tạo ở các nhà trường.

Các nhà trường cần triển khai hoạt động NCKH theo phương hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng; đồng thời, tập trung đầu tư nghiên cứu một số công trình khoa học trọng điểm có tầm ảnh hưởng lớn, có khả năng ứng dụng rộng rãi trong các nhà trường, đơn vị quân đội và trong xã hội. Mục đích nhằm tập trung đưa NCKH trở thành yếu tố bên trong của quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Để đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản của đội ngũ giảng viên, các nhà trường cần đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Khai thác những luận điểm, quan điểm quan trọng để vận dụng vào thực tiễn xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; đồng thời, chú trọng vận dụng vào quá trình giảng dạy tại nhà trường với các hình thức phong phú, như đưa vào biên soạn giáo trình, bài giảng, hội thảo, tọa đàm khoa học.

Thứ ba, xây dựng môi trường dân chủ cho hoạt động khoa học.

Yêu cầu quan trọng trong xây dựng môi trường dân chủ trong hoạt động khoa học ở các nhà trường đòi hỏi việc thực hiện các đề tài, công trình KHXHNV, cần để cho các giảng viên, nhà khoa học tâm huyết thực hiện, chú trọng các chuyên gia khoa học đúng chuyên ngành. Khắc phục triệt để tình trạng hành chính hóa, “cấp bậc” hay “chức vụ” hóa trong các hoạt động khoa học, bởi vì điều này sẽ làm triệt tiêu động lực khoa học, làm suy giảm chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học của đội ngũ giảng viên ở các nhà trường.

Thứ tư, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực hoạt động khoa học cho đội ngũ giảng viên thông qua thực tiễn hoạt động khoa học.

Chỉ có thông qua hoạt động thực tiễn, trong thực tiễn lao động sản xuất, học tập, công tác, sẵn sàng chiến đấu… thì các phẩm chất, năng lực của giảng viên KHXHNV mới phát triển vững chắc. Do đó, để giảng viên KHXHNV hoàn thành tốt nhiệm vụ, cần tạo điều kiện để họ được học tập, bồi dưỡng, luân chuyển qua thực tế đơn vị và các cương vị công tác khác nhau để nâng cao thực tiễn trong nhiệm vụ giảng dạy và NCKH.

Việc đánh giá đúng thực trạng và đưa ra các giải pháp cơ bản nâng cao tính thực tiễn trong NCKH của giảng viên KHXHNV các NTQĐ thiết thực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, NCKH; xây dựng nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Chú thích:
1. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 227.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
Trung tá, ThS. Trần Quốc Tuấn
Trung tá, ThS. Hoàng Trung Hiếu
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng