Đẩy mạnh đổi mới tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước ở thành phố Hải Phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Tổ chức bộ máy là một trong những yếu tố quyết định hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, góp phần quan trọng giữ vững và thúc đẩy ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Những năm qua, thành phố Hải Phòng xác định rõ tầm quan trọng của việc đổi mới tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước, số lượng cơ quan, đơn vị, cấp phó và biên chế đã giảm đáng kể. Mục tiêu phấn đấu của Hải phòng đến năm 2030 trở thành địa phương có tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ảnh minh họa (thanhphohaiphong.gov.vn)
Thực trạng tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước ở thành phố Hải Phòng hiện nay

a. Những kết quả đạt được

Thứ nhất, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hải Phòng có quyết tâm chính trị cao, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng nhiều mô hình đổi mới tổ chức bộ máy (TCBM) hệ thống chính trị nói chung, các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng. Thành ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND) ban hành các nghị quyết chuyên đề về cải cách hành chính, trong đó nhấn mạnh nội dung cải cách bộ máy, thể hiện quyết tâm chính trị cao của thành phố Hải Phòng, như: Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 15/11/2011 của Thành ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước thành phố giai đoạn 2011 – 2015; Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 của HĐND thành phố về đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước thành phố giai đoạn 2012 – 2015, định hướng đến 2020.

Theo đó, năm 2016, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hải Phòng đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trực thuộc UBND thành phố trên cơ sở giải thể 4 đơn vị: Trung tâm Xúc tiến đầu tư thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng; Trung tâm Thông tin, tư vấn và xúc tiến đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Trung tâm Xúc tiến du lịch thuộc Sở Văn hóa và Thể thao; Trung tâm Xúc tiến phát triển thương mại thuộc Sở Công thương. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch được coi là mô hình một cửa cấp thành phố về đầu tư công, qua quá trình hoạt động luôn được các doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Ngày 11/3/2022, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành kế hoạch số 57/KH-UBND triển khai thực hiện sắp xếp, kiện toàn TCBM các sở, ngành; các cơ quan hành chính trực thuộc sở, ngành; phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố theo quy định của Chính phủ. Kế hoạch có mục đích cơ bản là sắp xếp, kiện toàn lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, UBND quận, huyện; đơn vị thuộc, trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố, sở, ngành và UBND quận, huyện, bảo đảm theo quy định và phương án sắp xếp đã được Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến. Việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, đơn vị bảo đảm tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, TCBM các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố được quan tâm kiện toàn. UBND thành phố đã triển khai điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sắp xếp TCBM của cơ quan chuyên môn, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và sắp lại TCBM bên trong của các sở, ngành theo hướng tinh gọn, giảm đơn vị đầu mối nhưng vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đến nay, thành phố có 19 sở và 1 ban quản lý khu kinh tế; có 169 phòng chuyên môn, chi cục và tương đương (gồm có: 148 phòng chuyên môn, 21 chi cục và tương đương (giảm 10 phòng và 01 chi cục so với năm 2014)1.

Thứ ba, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không ngừng được kiện toàn, củng cố. Thực hiện Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đồng thời, thí điểm hợp nhất một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND các quận, huyện và một số ban đảng thuộc quận ủy, huyện ủy tại 5 quận, huyện. Hải Phòng hiện có tổng số 167 phòng chuyên môn thuộc 15 UBND quận, huyện, giảm 6 phòng2

Thứ tư, tình hình quản lý biên chế và thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước ở Hải Phòng đạt nhiều kết quả nổi bật. Hải Phòng là địa phương tự chủ, tự cân đối ngân sách nên biên chế luôn được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm để giảm gánh nặng cho ngân sách. Số lượng biên chế công chức hành chính được HĐND thành phố thông qua và UBND thành phố phân bổ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn gắn với thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổng số biên chế sử dụng thấp hơn số được Bộ Nội vụ phân bổ. UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 3942/KH-UBND ngày 22/9/2015 và tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo về thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2015 – 2021 đến người đứng đầu các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố; Chủ tịch UBND cácquận, huyện. Năm 2019, UBND thành phố trình HĐND thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động Hải Phòng bị tác động trực tiếp của sắp xếp TCBM, tinh giản biên chế; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chính sách tinh giản biên chế tại thành phố. Đến nay, Hải Phòng có 20/20 sở, ngành và 15/15 quận, huyện đã xây dựng Đề án tinh giản biên chế; thành phố đã thực hiện giảm 3.691 người làm việc; UBND thành phố đã thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với 1.023 công chức, viên chức3; việc tinh giản biên chế hành chính, sự nghiệp của thành phố bảo đảm thực hiện đạt chỉ tiêu theo quy định.

b. Một số hạn chế

Một là, việc kiện toàn, sắp xếp chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu TCBM các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố chủ yếu mới triển khai theo các quy định của trung ương; chưa có những giải pháp đủ mạnh để đột phá, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập của hệ thống chính sách pháp luật về TCBM nhằm thực hiện có hiệu lực, hiệu quả hơn công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố.

Hai là, trong quá trình sắp xếp TCBM, đã hình thành một số sở đa ngành, đa lĩnh vực; mặc dù giảm đầu mối các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố nhưng việc thành lập chi cục trực thuộc sở có xu hướng gia tăng, làm tăng TCBM, tăng biên chế.

Ba là, số lượng các phòng chuyên môn thuộc các sở tương đối lớn, chưa được sắp xếp thực sự tinh gọn. Cơ cấu TCBM các phòng chuyên môn chưa phản ánh được đặc thù của từng quận, huyện, đặc thù giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.

Bốn là, trong thực tế thực hiện thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và bộ quản lý chuyên ngành vẫn còn có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa một số cơ quan.

c. Nguyên nhân cơ bản của hạn chế

Nguyên nhân của các hạn chế nêu trên bao gồm:

(1) Quy định về TCBM có sự “cào bằng” giữa các tỉnh, thành phố với các tỉnh miền núi, nông thôn, do vậy, không phát huy được hiệu quả quản lý nhà nước theo lãnh thổ gắn với ngành, lĩnh vực và chưa tạo được cơ chế khuyến khích các địa phương chủ động trong quản lý về TCBM.

(2) Quy định của Chính phủ về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện chưa tạo ra cơ chế để các địa phương được chủ động trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy khi quy định cứng về số lượng, tên gọi của các phòng chuyên môn. Chưa có tiêu chí để thành lập các phòng cụ thể theo hướng phòng “mềm” (nếu đáp ứng đủ tiêu chí thì được thành lập, không đáp ứng đủ tiêu chí thì ghép với các phòng liên quan).

(3) Một số văn bản hướng dẫn của trung ương về TCBM, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh còn chồng chéo, trùng lặp, do vậy khi triển khai có vướng mắc, làm giảm hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn.

(4) Một số cơ quan, đơn vị còn chưa thực sự tích cực, chủ động trong công tác sắp xếp, tinh gọn TCBM.

(5) Việc triển khai các chủ trương, giải pháp của thành phố về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại một số sở, ngành còn chậm, thiếu sự chủ động khi được giao thực hiện.

Một số đề xuất

Căn cứ nghiên cứu tình hình thực tiễn, có thể đề xuất một số giải pháp đổi mới TCBM các cơ quan hành chính nhà nước ở thành phố Hải Phòng, định hướng đến năm 2030, cụ thể:

Thứ nhất, về sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hoàn thiện quy định về số lượng phó giám đốc sở và tương đương. đề xuất nghiên cứu, tổ chức cơ cấu số lượng phó giám đốc sở và tương đương hợp lý, cụ thể: 11 sở, ngành có 3 phó giám đốc (Sở Nội vụ; Sở Công Thương; Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Sở Tư pháp; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Thanh tra thành phố). Tại 4 sở, ngành có không quá 4 phó giám đốc (Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng UBND thành phố). Tại 4 sở, ngành có không quá 3 phó giám đốc (Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Ngoại vụ; Sở Du lịch).

Tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp các phòng chuyên môn và tương đương thuộc sở, ngành. Đề xuất giảm 5 phòng chuyên môn và giải thể 2 chi cục. Cụ thể: giảm 1 phòng chuyên môn, tại các sở, ngành: Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Ngoại vụ; Sở Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Thanh tra thành phố. Sở Khoa học và Công nghệ giảm 2 phòng chuyên môn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng 1 phòng chuyên môn (giải thể Chi cục Phát triển nông thôn để thành lập phòng chuyên môn thuộc sở); Sở Tài nguyên và Môi trường tăng 2 phòng chuyên môn (giải thể Chi cục Quản lý đất đai để thành lập 2 phòng chuyên môn thuộc Sở).

Đề xuất giảm 20 phòng chuyên môn thuộc chi cục và tương đương, cụ thể: Sở Nội vụ giảm 2 phòng (1 phòng thuộc Ban Thi đua – Khen thưởng và 1 phòng thuộc Ban Tôn giáo). Sở Xây dựng giảm 3 đội Thanh tra thuộc Thanh tra Sở. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: giảm 1 phòng thuộc Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội. Sở Y tế giảm 2 phòng (1 phòng thuộc Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình và 1 phòng thuộc Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 9 phòng (3 phòng, đơn vị thuộc Chi cục Kiểm lâm; 1 phòng thuộc Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản; 1 phòng thuộc Chi cục Thủy sản và 4 phòng thuộc Chi cục Phát triển nông thôn do giải thể Chi cục). Đồng thời, rà soát, sắp xếp các trạm thuộc các Chi cục bảo đảm theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường giảm 3 phòng thuộc Chi cục Quản lý đất đai do giải thể Chi cục.

Thứ hai, đổi mới TCBM các phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện.

Bảo đảm thống nhất số lượng cấp phó các phòng chuyên môn thuộc UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đối với 13 UBND quận, huyện (trừ 2 huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ):bình quân mỗi phòng có 2 phó trưởng phòng; tổng số phó trưởng phòng chuyên môn của UBND quận, huyện không vượt quá 2 lần tổng số phòng chuyên môn. Phòng y tế nếu bố trí từ 4 biên chế có mặt trở lên thì được bố trí 1 phó trưởng phòng. Trong trường hợp cần thiết, bố trí số lượng 3 phó trưởng phòng tại các phòng: văn phòng HĐND và UBND, phòng tài chính – kế hoạch, phòng tài nguyên và môi trường, phòng giáo dục và đào tạo và phòng quản lý đô thị (đối với quận). Trường hợp bố trí 3 phó trưởng phòng tại các phòng nêu trên thì bố trí 1 phó trưởng phòng tại các phòng: phòng tư pháp; phòng văn hóa và thông tin (đối với quận Đồ Sơn là phòng du lịch, văn hóa và thể thao) và thanh tra quận. Căn cứ tình hình cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, UBND quận, huyện báo cáo UBND thành phố xem xét, thống nhất bố trí, bảo đảm tổng số lượng phó trưởng phòng không vượt quá quy định. Tổng số lãnh đạo phòng (gồm trưởng phòng và các phó trưởng phòng) không vượt quá 50% tổng số công chức hiện có của phòng.

Đối với UBND huyện Cát Hải, giảm 2 phòng chuyên môn (không tổ chức phòng y tế, chuyển chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về y tế cho văn phòng HĐND và UBND thực hiện; hợp nhất phòng nội vụ với phòng lao động – thương binh và xã hội. Thực hiện số lượng cấp phó theo quy định, có thể bố trí 3 phó trưởng phòng tại các phòng: văn phòng HĐND và UBND, phòng nội vụ – lao động, thương binh và xã hội; trường hợp bố trí 3 phó trưởng phòng tại các phòng nêu trên thì bố trí 1 phó trưởng phòng tại các phòng: tư pháp, văn hóa – thông tin – thể thao và du lịch.

Đối với UBND huyện Bạch Long Vĩ: đề nghị đổi tên 3/5 phòng chuyên môn trực thuộc (phòng tài chính thành phòng tài chính – kế hoạch; phòng văn hóa – xã hội thành phòng văn hóa và thông tin; phòng kinh tế – kế hoạch thành phòng kinh tế và hạ tầng). Bố trí 1 phó trưởng phòng tại 3 phòng, gồm: phòng tài chính – kế hoạch; phòng văn hóa và thông tin; phòng tư pháp. Bố trí 2 phó trưởng phòng tại văn phòng HĐND và UBND; phòng kinh tế và hạ tầng.

Thứ ba, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức gắn với tinh giản biên chế.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực. Đề cao trách nhiệm và đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các mô hình, phương pháp, công nghệ hiện đại trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai thực hiện tinh giản biên chế, số lượng người làm việc, bảo đảm đến năm 2021 tinh giản 10% biên chế, số lượng người làm việc của năm 2015; đưa ra khỏi hệ thống những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực. Tập trung phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù theo quy định của pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ngành của Hải Phòng.

Kết luận

Với vị trí đặc biệt của thành phố trực thuộc trung ương, thời gian tới, bộ máy chính quyền thành phố Hải Phòng cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm đổi mới tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giữ vững và nâng tầm vị thế thành phố. Việc triển khai đổi mới TCBM sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức cả về phương diện chủ quan và khách quan, do đó thành phố cần có quyết tâm chính trị cao cùng với sự quan tâm, ủng hộ của trung ương và người dân, công tác sắp xếp TCBM bảo đảm quyết liệt, nhanh chóng, đồng thời giữ vững sự ổn định và thường xuyên tiếp nhận, xử lý có hiệu quả các kết quả phản hồi để có những điều chỉnh, giải pháp phù hợp.

Chú thích:
1, 2, 3. Báo cáo số 117/BC-UBND ngày 03/7/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 2020, định hướng giai đoạn 2021 2030 của thành phố Hải Phòng.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 23/9/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải phòng thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước thành phố (giai đoạn 2021 – 2025).
2. Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 11/3/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải phòng triển khai thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các sở, ngành; các cơ quan hành chính trực thuộc sở, ngành; phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố theo quy định của Chính phủ.
3. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
4. Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CPngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
TS. Đặng Thành Lê
Học viện Hành chính Quốc gia