Phát triển nguồn nhân lực du lịch di sản văn hóa Việt Nam sau đại dịch Covid-19

(Quanlynhanuoc.vn) – Đại dịch Covid-19 đã gây tác động tiêu cực, nặng nề đến ngành Du lịch Việt Nam và du lịch di sản văn hóa nói riêng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp du lịch mà còn tác động rất lớn đến công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục du lịch. Bài viết đánh giá thực trạng nguồn nhân lực cho việc phát triển hoạt động du lịch di sản văn hóa Việt Nam sau đại dịch Covid-19, từ đó đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch di sản văn hóa, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam. 
Ảnh minh họa (vneconomy.vn).
Đặt vấn đề

Việt Nam có một hệ thống di sản phong phú về tài nguyên lịch sử, văn hóa. Trong đó, nhiều giá trị văn hóa đã vượt ra ngoài khuôn khổ của quốc gia và có ảnh hưởng toàn cầu, đó là di sản văn hóa (DSVH) thế giới, những tài sản vô giá chung của toàn nhân loại. Ngoài ra, Việt Nam còn có hàng nghìn di sản cấp quốc gia, cấp thành phố… trải dài trên cả đất nước. DSVH Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của DSVH nhân loại. Trong những năm qua, nhìn chung Việt Nam đã phát triển du lịch nhanh, mạnh, được đánh giá là 1 trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2019, với thành công của một chuỗi các sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc, ngành Du lịch Việt Nam đã hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra, đón và phục vụ 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2018; 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6,25% so với năm 2018; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 720 nghìn tỷ đồng. Nếu không có đại dịch Covid-19, năm 2020 và các năm tiếp theo, ngành Du lịch Việt Nam sẽ đạt mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch dự kiến đạt trên 830 nghìn tỷ đồng…1.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu một cách sâu sắc, toàn diện, có sở cứu khoa học và thực tiễn, tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả phát triển du lịch DSVH Việt Nam, trong đó, việc đầu tư vào công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng, chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu là vấn đề quan trọng hàng đầu.

Thực trạng nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch di sản văn hóa Việt Nam sau đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã khiến trên 95% doanh nghiệp (DN) du lịch phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, khoảng 50 – 60% DN du lịch có nguy cơ phá sản. Sở Du lịch Hà Nội cho biết, nửa đầu năm 2021, đã có khoảng 12.600 lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đang không có việc làm. Ở mảng lữ hành, số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động DN lữ hành, tương đương trên 12.100 người. Tại Đà Nẵng, trong số hơn 5.000 DN hoạt động ở lĩnh vực du lịch, có hơn 90% DN đóng cửa do ảnh hưởng của Covid-19. Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, có đến 1/10 DN là hội viên (tương ứng 1.000 DN) đã giải thể, số còn lại tiếp tục đóng cửa. Nhiều DN lữ hành, du lịch cũng đang tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ để có thể tồn tại và giữ chân đội ngũ lao động nòng cốt. Tuy vậy, khó khăn chồng chất khó khăn khi phần lớn các DN đã cạn vốn hoặc đều đã vay ngân hàng. Theo thống kê của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, hiện có đến 90% DN lữ hành vừa và nhỏ, DN lữ hành chuyên kinh doanh thị trường trong nước đã tạm ngưng hoạt động2.

Tính cả năm 2020 và hết quý II năm 2021, tổng cộng có trên 170 DN rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Một số DN lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, số còn lại cũng hoạt động cầm chừng hoặc chuyển hướng kinh doanh3. Thời điểm năm 2020 và 2021, hàng loạt các khách sạn trên toàn quốc đóng cửa vì không có khách, nguồn nhân lực du lịch gặp vô vàn khó khăn, nhiều người đã thất nghiệp, rời bỏ nghề, tạm nghỉ việc hoặc chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác để duy trì cuộc sống. Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát trầm trọng nguồn nhân lực du lịch nói chung và du lịch DSVH nói riêng, đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ. Với tình trạng dịch chuyển lao động ra ngoài ngành, ngành Du lịch có nguy cơ sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng nguồn nhân lực do việc thu hút lao động quay trở lại làm việc sẽ rất khó khăn

Theo thống kê từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) cho thấy, chỉ trong hai năm (2020 – 2021), đại dịch Covid-19 đã làm mất đi 62 trên tổng số 334 triệu việc làm trong ngành Du lịch4. Đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc và toàn diện, thay đổi toàn bộ chiến lược, kế hoạch và cấu trúc của ngành Du lịch, trong đó có công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Các DN du lịch gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng hoặc dừng hoạt động. Điều này ảnh hưởng lớn đối với người lao động du lịch nói chung và du lịch DSVH nói riêng khi các DN phần lớn chỉ duy trì hoạt động với số lượng rất nhỏ nhân viên, còn lại cho nghỉ việc hoặc chờ việc. Một số DN chậm trễ, thậm chí không hỗ trợ cho người lao động, điều tất yếu sẽ dẫn đến việc chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động.

Một thực tế cũng cho thấy, khi việc lựa chọn, chuyển đổi nghề nghiệp đã ổn định hơn, người lao động sẽ có tâm lý an tâm đối với công việc mới và không có ý định quay trở lại với du lịch. Do vậy, các đơn vị hoạt động trong ngành Du lịch sẽ phải gặp thách thức về nhiều mặt khi chuỗi cung ứng du lịch bị đứt gãy, giảm sút về chất lượng dịch vụ, sự xuống cấp về cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiếu hụt nhân lực lao động, trong đó phải kể đến đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cũng như đội ngũ phục vụ trực tiếp tại các điểm đến là DSVH vật thể, nguồn lực trực tiếp trong công tác thực hành, bảo tồn, duy trì và phát huy các giá trị DSVH.

Vấn đề thiếu hụt nhân lực du lịch là vấn đề cấp bách, cần được tính toán, bổ sung kịp thời. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực mới, nhân lực trẻ bổ sung cũng gặp khó khăn do quá trình đào tạo cần có thời gian thực hiện và bồi đắp. Thực tế hiện nay, chỉ có một bộ phận nhân lực của ngành đã qua đào tạo. Với cơ sở lưu trú du lịch, hầu hết chỉ có nguồn nhân lực tại các khách sạn là qua đào tạo; các đơn vị lưu trú như nhà nghỉ, homestay… hầu hết là nguồn nhân lực tự do, không qua đào tạo. Vì vậy, cần có những chính sách, giải pháp để bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, thậm chí phải “cầm tay chỉ việc” cho các nhóm lao động này.

Đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch di sản văn hóa Việt Nam sau dịch bệnh Covid-19

Thứ nhất, “tiếp sức” cho các DN ngành Du lịch.

Du lịch là ngành đặc thù, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, cần thời gian dài tích lũy kinh nghiệm và đào tạo bằng thực tế trải nghiệm qua công việc hằng ngày. Để có thể khôi phục được lực lượng lao động có tay nghề cao khi đại dịch được kiểm soát, nhiều DN du lịch đã tinh giản bộ máy, sắp xếp lại vị trí việc làm, đồng thời, có hướng chuyển đổi mô hình kinh doanh nhằm giữ chân nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các DN du lịch cũng cần được “tiếp sức”, hỗ trợ, tập trung vào 2 vấn đề quan trọng nhất hiện nay: (1) Hỗ trợ về tài chính để giảm áp lực trong điều kiện dịch bệnh quay trở lại và không có thu nhập; (2) Chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp trong ngành Du lịch cũng như tạo điều kiện để người lao động quay trở lại với nghề khi hết dịch bệnh.

Thứ hai, thay đổi và thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả.

Để khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới khi du lịch Việt Nam mở cửa trở lại thì việc đào tạo nguồn nhân lực là điều cấp thiết. Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch tại điểm du lịch DSVH. Khuyến khích hình thành đội ngũ tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch lại các tuyến, điểm du lịch nói chung và các điểm đến là DSVH nói riêng…

Có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động ngành Du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập. Bên cạnh việc liên tục bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ đã được đào tạo bài bản, chính quy, cần có những chính sách, giải pháp để bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hay thậm chí là “cầm tay chỉ việc” cho các nhóm lao động tự do, làm việc trực tiếp tại hệ thống các cơ sở lưu trú, nhà hàng… để có thể đáp ứng tốt công việc.

Thứ ba, tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ.

Ngành Du lịch cần tăng cường đào tạo và đào tạo lại, bổ sung các kỹ năng cho đội ngũ nhân lực hiện có. Các DN du lịch cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở giáo dục ngành Du lịch để đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ trực tiếp cho du khách.

Mặt khác, cần bổ sung những kiến thức, kỹ năng và thái độ đúng mực về phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số cần thiết. Việc đào tạo những kiến thức về công nghệ số, chuyển đổi số trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế là rất quan trọng, nhằm tạo điều kiện cho việc mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết kinh tế và du lịch DSVH trên phạm vi quốc gia và thế giới; giúp thực hiện các công việc chuyên môn thường ngày mà không cần di chuyển đến công sở, tiết kiệm được chi phí, nâng cao năng suất lao động. Vì vậy, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch DSVH rất cần có kỹ năng sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin, nhạy bén với các xu hướng của mạng xã hội. Mỗi DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch DSVH cần chủ động bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự bằng nhiều cách, như: tổ chức đào tạo ngay từ khi mới tuyển dụng hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch DSVH để tổ chức đào tạo nâng cao, chuyên sâu cho từng vị trí việc làm phù hợp.

Thứ tư, hoàn thiện chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch.

Cần có chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch DSVH có kinh nghiệm, kỹ năng nghề trở lại làm việc, thực hiện tốt các chính sách về lương, môi trường làm việc, điều kiện học nâng cao kiến thức, kỹ năng… Ngoài ra, củng cố, nâng cao chất lượng đầu ra đối với đội ngũ lao động nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch; nâng cao năng lực và chất lượng của công tác đào tạo nghề; quản lý chặt chất lượng đào tạo; đồng thời, cần kết hợp và liên thông giữa các cấp độ đào tạo, giữa các chuyên ngành đào tạo, đặc biệt là ngoại ngữ, tin học để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong phát triển du lịch DSVH.

Chú thích:
1. Ngành Du lịch đặt mục tiêu đón trên 20 triệu lượt khách quốc tế năm 2020https://kinhtevadubao.vn, ngày 25/12/2019.
2, 3. Phục hồi nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch Covid-19. https://dangcongsan.vn, ngày 27/8/2021.
4. Nhân lực du lịch “hậu Covid”: Cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ. https://bvhttdl.gov.vn, ngày 06/4/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Du lịch Việt Nam. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
2. Michael M. Coltman. Tiếp thị du lịch. TP. Hồ Chí Minh. NXB Trẻ, 1991.
3. Tourism Management at UNESCO World Heritage Sites (2018), edited by Silvia De Ascaniis, Maria Gravari-Barbas and Lorenzo Cantoni.
4. Đổi mới trong quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam. http://itdr.org.vn, ngày 07/02/2013.
TS. Nguyễn Phúc Lưu
Trường Đại học Công nghệ Đông Á