Thành phố Cần Thơ đẩy mạnh cải cách hành chính

(Quanlynhanuoc. vn) – Xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, 6 tháng đầu năm 2023, thành phố Cần Thơ đã tập trung nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực nên đã tạo bước chuyển tích cực trong thực hiện nhiệm vụ.
Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về công tác Cải cách hành chính năm 2023.

1. Để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính (CCHC), phấn đấu đến cuối năm 2023, thành phố Cần Thơ thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số CCHC, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công, do vậy, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Cần Thơ đã ban hành các kế hoạch CCHC năm 2023, như: Kế hoạch CCHC, Kế hoạch kiểm tra CCHC, Kế hoạch tuyên truyền CCHC, trong đó:

Kế hoạch CCHC của thành phố xác định 68 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể giao cho các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai, thực hiện. Đến nay, các cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì thực hiện các nội dung trong kế hoạch CCHC năm 2023 đã chủ động triển khai và phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện 42/68 nhiệm vụ, hoạt động, đạt 61,76%; những nhiệm vụ, hoạt động còn lại đang triển khai thực hiện từ nay đến cuối năm bảo đảm đúng tiến độ đề ra.

UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 16/12/2022 về công tác kiểm tra CCHC năm 2023, đã thành lập Đoàn Kiểm tra CCHC thành phố, kiểm tra đợt 1 vào tháng 3/2023 tại 7 cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, thành phố giao Sở Nội vụ tổ chức kiểm tra đột xuất kỷ luật, kỷ cương hành chính tại 33 đơn vị.

Công tác thông tin, tuyên truyền CCHC tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức, nội dung phong phú. UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 16/12/2022 về công tác thông tin, tuyên truyền CCHC. Trong đó, xác định 15 hoạt động tuyên truyền; tùy theo tình hình thực tế, thành phố áp dụng hình thức tuyên truyền trực tiếp hoặc trực tuyến để bảo đảm hiệu quả trong việc triển khai thực hiện.

Thành phố cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo CCHC và Chuyển đổi số thành phố do Chủ tịch UBND thành phố là Trưởng ban, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, thành lập 2 tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo, mỗi tổ giúp việc do Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ trưởng.

2. Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác CCHC của thành phố đã đạt được một số kết quả sau:

Thứ nhất, về cải cách thể chế: Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố ban hành 8 nghị quyết, UBND thành phố ban hành 9 quyết định. Sở Tư pháp thẩm định 01 dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố, 14 dự thảo quyết định của UBND thành phố; góp ý 43 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của trung ương và 54 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của địa phương.

Kết quả kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: đã thực hiện tự kiểm tra 9 quyết định do UBND thành phố ban hành, kết quả đều phù hợp quy định pháp luật; kiểm tra 21 quyết định do UBND quận, huyện ban hành, trong đó có 16 văn bản phù hợp quy định pháp luật, 5 văn bản cần phải xử lý.

Thứ hai, về cải cách TTHC: công tác rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được quan tâm. UBND thành phố ban hành Quyết định số 4333/QĐ-UBND ngày 27/12/2022 phê duyệt Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 2023 trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Theo đó, tổng số TTHC cần rà soát, đơn giản hóa là 7 TTHC. Kết quả, 7 TTHC đã được phê duyệt, thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch rà soát, đơn giản hóa đạt 100%; tiết kiệm được 593.729.252 đồng; tỷ lệ chi phí tiết kiệm đạt 43,68%.

Kết quả thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ:

– Đã thực hiện số hóa được 143.230 giấy tờ của 585 loại kết quả giải quyết TTHC. Tỷ lệ số hóa hồ sơ kết quả giải quyết trên địa bàn thành phố đạt 28,7%, trong đó cấp huyện đạt 33,04%.

– Hoàn thành việc rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, quy trình điện tử để tổ chức kiểm thử, tích hợp 1.566 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) lên cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 84,33% (trong đó, DVCTT một phần là 366; DVCTT toàn trình là 1.200).

– Hồ sơ giải quyết TTHC được đồng bộ thường xuyên từ hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố với Cổng Dịch vụ công quốc gia, phục vụ tốt cho công tác quản lý, theo dõi tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Trong kỳ, thành phố đã đồng bộ 188.626 hồ sơ từ hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 100%.

– Thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong kỳ, có 14.774 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công, riêng giao dịch nộp thuế đất là 2.655 giao dịch (giá trị khoảng hơn 14,6 tỷ đồng), phí, lệ phí là 12.119 giao dịch (giá trị hơn 1,4 tỷ đồng).

Kết quả tiếp nhận, xử lý phán ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức liên quan đến quy định TTHC: hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của Cổng Dịch vụ công quốc gia: tổng số phản ánh, kiến nghị đã tiếp nhận trong kỳ báo cáo là 168 phản ánh, đã xử lý 157 phản ánh, kiến nghị, đạt 93,45%; hệ thống Dịch vụ công 1022 thành phố Cần Thơ: tiếp nhận và xử lý 278 thông tin, yêu cầu, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức thông qua các kênh như đường dây nóng tổng đài 1022, cổng thông tin điện tử 1022, ứng dụng điện thoại di động, kênh zalo official, kênh Fanpage Facebook và trực tiếp tại Văn phòng UBND thành phố thuộc các lĩnh vực y tế, an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, hồ sơ trên cổng Dịch vụ công. Kết quả đã giải quyết 274 thông tin, yêu cầu, phản ánh, kiến nghị, đang giải quyết 4 thông tin, yêu cầu, phản ánh, kiến nghị, đạt 98,56%.

Thứ ba, cải cách tổ chức bộ máy: UBND thành phố ban hành quyết định về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cho 7 cơ quan, đơn vị; đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tồ chức của Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố Cần Thơ theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Điều chuyển 19 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2022 trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc UBND quận Ninh Kiều; điều chuyển 26 người làm việc huởng lương từ ngân sách nhà nước và hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp năm 2022 vào chỉ tiêu chờ tuyển dụng chung đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC: UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 251/KH-UBND ngày 30/12/2022 về việc đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC năm 2023; trên cơ sở đó, Sở Nội vụ đã có văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Đến nay, đã phối hợp với Trường Chính trị tổ chức 5 lớp bồi dưỡng theo kế hoạch đề ra.

Hội nghị phân tích chỉ số CCHC, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022

Thứ tư, cải cách tài chính công: tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn theo chỉ tiêu giao tính đến thời điểm báo cáo (ngày 31/5/2023) là 6.211.644 đồng, đạt 38,94% dự toán Bộ Tài chính và đạt 36,83% dự toán HĐND thành phố giao.

Hiện nay, cấp thành phố có 40/40 cơ quan hành chính thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan hành chính. Tất cả cơ quan, đơn vị thực hiện khoán kinh phí đều xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý sử dụng tài sản công và thực hiện công khai tài chính theo quy định. Việc xây dựng quy chế căn cứ vào các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, không có trường hợp xây dựng vượt chế độ, tiêu chuẩn, định mức.

Đến nay, có 113/113 ĐVSNCL thành phố đã và đang thực hiện việc lập phương án tự chủ đề nghị Sở Tài chính thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ tài chính của ĐVSNCL. Đối với các ĐVSNCL quận, huyện:  hầu hết các đơn vị quận, huyện đã quán triệt và đồng loạt thực hiện theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Tổng số ĐVSNCL là 424 đơn vị, giảm 2 đơn vị so với cùng kỳ năm trước và chuyển loại hình hoạt động 14 đơn vị từ hình thức NSNN bảo đảm chi thường xuyên lên tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

Về quản lý, sử dụng tài sản công: trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của trung ương về công tác quản lý, sử dụng tài sản công, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính tổ chức triển khai kịp thời đến các sở, ngành thành phố và quận, huyện thuộc phạm vi quản lý để thực hiện thống nhất, đúng quy định về thẩm quyền, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công bảo đảm việc đầu tư mua sắm và sử dụng tài sản tiết kiệm, đúng mục đích, hiệu quả. Nhìn chung, công tác mua sắm, thu hồi, điều chuyển, thanh lý, bán tài sản nhà nước được triển khai thực hiện thống nhất, đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 của HĐND thành phố. Chế độ quản lý, sử dụng số tiền từ hoạt động bán, thanh lý tài sản nhà nước được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng theo quy định và các văn bản khác của pháp luật.

Thứ năm, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số: trên cơ sở Nghị quyết của Thành ủy Cần Thơ về chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch UBND thành phố ban hành về Chuyến đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo CCHC và chuyến đổi số; 100% sở, ban ngành, UBND quận, huyện đều thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số; tất cả xã, phường, thị trấn thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với 607 tổ và 2.417 thành viên.

Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 07/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố quy định mức thu, miễn giảm các khoản phí, lệ phí; 21 quyết định và 30 kế hoạch liên quan chuyển đổi số các ngành và lĩnh vực,như: y tế, giáo dục, nông nghiệp, khoa học – công nghệ, thương mại điện tử. Ban hành, tổ chức đánh giá Bộ chỉ số đánh giá chuyển đối số thành phố Cần Thơ để xếp hạng chuyển đổi số các cấp, các ngành của thành phố… Trên cơ sở đó, hằng năm, thành phố ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số, tổ chức thực hiện sâu rộng trong các cơ quan, địa phương.

Về xây dựng, phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, cung cấp DVCTT:

– Cổng dịch vụ công thành phố Cần Thơ và Hệ thống thông tin một cửa điện tử được nâng cấp, hợp nhất thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC (tại địa chỉ dichvucong.cantho.gov.vn), đồng bộ với tất cả cơ quan quản lý hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, hệ thống cũng đã nâng cấp các chức năng hỗ trợ người dân như: tích hợp dịch vụ bưu chính công ích, tích hợp thanh toán trực tuyến, hỗ trợ người dân điền biểu mẫu, tờ khai điện tử bằng công nghệ e-form, hỗ trợ chữ ký số cá nhân, doanh nghiệp tạo điêu kiện thuận tiện hơn trong quá trình nộp hồ sơ. Năm 2023, 100% DVCTT đủ điều kiện triển khai DVCTT toàn trình và đã tích hợp với cổng Dịch vụ công Quốc gia với hơn 1.366 DVCTT. 100% DVCTT đều có biểu mẫu tự động được điền sẵn thông tin. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ TTHC 42% và tỷ lệ hồ sơ trực trực tuyến toàn trình 45%.

– Cổng Thông tin điện tử thành phố (cantho.gov.vn) đáp ứng đầy đủ yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định, đã thực hiện chuyển đổi sang công nghệ IPv6 để tăng tính bảo mật và hỗ trợ tốt hơn cho người dùng khi truy cập trên nền tảng di động. Tổng đài Công dịch vụ công thành phố tại địa chỉ https://1022.cantho.gov.vn thành phố có 7 kênh tương tác với người dân, doanh nghiệp.

Đoàn kiểm tra thành phố Cần Thơ kiểm tra công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2023.

Về xây dựng, phát triển đô thị thông minh: thành phố đã triển khai thí điếm Trung tâm điều hành thông minh thành phố Cần Thơ phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố trên 8 lĩnh vực theo Quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai cổng thông tin Du lịch và ứng dụng di động du lịch thông minh; chuẩn bị đầu tư như xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS), dự án y tế thông minh (triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử); một số quận, huyện đã và đang xúc tiến triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và triển khai Trung tâm điều hành thông minh. Đến nay, một số sở, ngành đang xúc tiến triển khai một số nhiệm vụ trong Đề án theo lộ trình đề ra.

Về tình hình thực hiện ISO: thành phố có 122/122 cơ quan, đơn vị đạt 100%, đã công bố HTQLCL theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Thành phố ban hành Quyết định số 616/QĐ-UBND ngày 08/3/2023 phê duyệt Kế hoạch kiểm tra hoạt động áp dụng, duy trì, cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan hành chính thuộc thành phố Cần Thơ năm 2023. Kết quả, đã kiểm tra tại 6 cơ quan; qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã đôn đốc, hỗ trợ các cơ quan rà soát, cập nhật quy trình nội bộ giải quyết TTHC đầy đủ, kịp thời; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như hướng dẫn hoạt động duy trì, cải tiến hệ thống để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của HTQLCL theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015.

Có thể nói, công tác CCHC trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được kết quả tích cực, thành phố đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo tăng cường công tác CCHC. Các sở, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện; tuy nhiên, công tác CCHC còn gặp nhiều một số khó khăn sau:

Một là, một số hệ thống thông tin, dữ liệu chưa phục vụ tốt cho việc khai thác sử dụng tại các địa phương,như: cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC có chức năng thông báo khi các bộ, ngành cập nhật về TTHC. Chức năng này chưa phục vụ được địa phương trong việc theo dõi các quyết định công bố mới, dẫn đến một số quyết định của các bộ, ngành chưa được công bố, công khai kịp thời; mẫu báo cáo thống kê số liệu trên hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cổng Dịch vụ công quốc gia chưa phù hợp với Biểu số II.05b/VPCP-KSTT ban hành kèm Thông tư số 01/2020/TT-VPCP ngày 21/10/2020 của Văn phòng Chính phủ. Do đó, chưa tạo điều kiện thuận lợi để địa phương xuất dữ liệu tổng hợp phục vụ cho các kỳ báo cáo.

Hai là, việc thanh toán trực tuyến vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân và cơ quan giải quyết TTHC; cụ thể: trạng thái thanh toán giữa các hệ thống (ví điện tử, hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố,…) chưa đồng bộ kịp thời; hệ thống thông tin giải quyết TTHC của bộ, ngành chưa đồng bộ với hệ thống thông tin giải quyết TTHC của địa phương. Do đó, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của địa phương không thống kê được số liệu những hồ sơ giải quyết trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của bộ, ngành.

Ba là, thời gian gần đây, một số chứng thư số sau khi được cấp sử dụng thường hay xảy ra lỗi kỹ thuật; thời gian thực hiện thủ tục báo lỗi đề nghị cấp lại chứng thư số hoặc đề nghị gia hạn chứng thư số thời gian Ban Cơ yếu Chính phủ gửi về địa phương rất chậm (bình quân khoảng 10 – 20 ngày) đã ảnh hưởng đến các công việc, giao dịch liên quan đến ký số (chứng thực điện tử, số hóa kết quả giải quyết TTHC,…).

Bốn là, về cải cách tổ chức tổ chức bộ máy: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có văn bản hướng dẫn về việc thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Một số bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa có văn bản hướng dẫn xây dựng vị trí việc làm. Vì vậy, địa phương chưa có cơ sở để tổ chức triển khai, thực hiện.

Năm là, việc cập nhật, thay đổi, bổ sung TTHC tại các địa phương đôi lúc không kịp thời, do việc cập nhật từ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC không có chức năng thông báo khi được các bộ, ngành cập nhật mới về TTHC và có tình trạng các bộ, ngành cập nhật TTHC không đúng với quyết định đã công bố. Việc tham mưu chính sách đối với CBCCVC làm việc tại bộ phận một cửa, trung tâm phục vụ hành chính công chưa có cơ sở để thực hiện vì chưa có thông tư hướng dẫn.

Trương Hồng Dự
Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ