Gia Lai thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Cùng với việc đẩy mạnh Đề án về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngay từ đầu năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, nhiều chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, trong đó: tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, diện tích gieo trồng, sản lượng lương thực, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp; hoạt động du lịch tiếp tục khởi sắc. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Lĩnh vực văn hóa – xã hội được quan tâm; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, chủ động phòng ngừa dịch bệnh; triển khai thực hiện sâu rộng, có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua.
Ảnh: gialai.gov.vn.
Kết quả triển khai thực hiện phát triển kinh tế – xã hội trong 6 tháng đầu năm 2023

Ngay từ những tháng đầu năm 2023, Gia Lai đã triển khai sâu rộng các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về thực hiện kế hoạch, chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội (KTXH): Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23- NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Gia Lai ban hành nhiều văn bản chỉ đạo: Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20/01/2022 của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế và nâng cao độ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2021 – 2030; Nghị quyết số 171/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND về kế hoạch phát triển KTXH tỉnh Gia Lai năm 2023; Quyết định số 37/QĐ- UBND ngày 19/01/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ và Quyết định số 121/QĐ-UBND ngày 04/3/2022 về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển KTXH…

Với những kế hoạch triển khai cụ thể, đến nay, toàn tỉnh có 91/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 14,03 tiêu chí/xã; có 3/17 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 131 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới; có 311 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó: 49 sản phẩm đạt 4 sao và 262 sản phẩm đạt 3 sao1.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,54% (đứng thứ 35 cả nước, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên), trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,5%; khu vực dịch vụ tăng 5,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 4,11%2. Cụ thể:

Về phát triển kinh tế.

(1) Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 28,15% kế hoạch, tăng 4,78% so với cùng kỳ. Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân ước đạt 79.022,6 ha, đạt 102% so với kế hoạch; tổng sản lượng lương thực ước đạt 185.682 tấn, vượt 2,6% kế hoạch. Hiện có khoảng 233.523 ha cây trồng các loại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO; đã được cấp 146 mã số vùng trồng với tổng diện tích 7.769 ha và 32 mã cơ sở đóng gói với tổng công suất khoảng 1.395 tấn quả tươi/ngày phục vụ xuất khẩu sang thị trường: Trung Quốc, Ốt-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Di-lân, Hoa Kỳ…3

Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo hướng trang trại, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các tiến bộ về giống, thức ăn, quy trình nuôi dưỡng… góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Đã có 67 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích 2.255,25 ha (trong đó 25 dự án đã đi vào hoạt động). Trên địa bàn tỉnh đã có 7 chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp với người chăn nuôi với tổng số 177 trại liên kết; 7 hợp tác xã liên kết với các hộ sản xuất theo chuỗi; 7 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP; 1 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn GLOBAL GAP4. Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản tương đối ổn định.

Công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được tăng cường và chủ động triển khai với diện tích là 8.136 ha; 6 tháng trồng khoảng 350 ha rừng5… Hiện đang tập trung bảo tồn, phát triển hệ sinh thái, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao Nguyên Kon Hà Nừng.

(2) Về công nghiệp: chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp (IIP) ước tăng 11,3% so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 14.103,4 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch và tăng 14,9%, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 15,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 8%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,6%6.

(3) Hoạt động thương mại – dịch vụ – xuất khẩu, nhập khẩu: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 46.828 tỷ đồng, đạt 43,36% kế hoạch, tăng 28,32% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 3,21% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 420 triệu USD, đạt 61,76% kế hoạch, tương đương so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 59 triệu USD, đạt 53,6% kế hoạch, giảm 32% so cùng kỳ7. Các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục đôn đốc khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư đối với các dự án chưa giao vốn năm 2023. Thường xuyên đôn đốc các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, bảo đảm hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Về phát triển văn hóa – giáo dục – y tế và giữ gìn an ninh – trật tự xã hội.

Tỉnh triển khai các nhiệm vụ đẩy mạnh văn hóa, giáo dục; thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, bảo trợ xã hội; kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân; đồng thời bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới… Trong đó:

(1) Về giáo dục – đào tạo: các nhiệm vụ trọng tâm được toàn ngành thực hiện nghiêm túc, tích cực, bảođảm đúng tiến độ. Nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, theo đó, đã tổ chức thực hiện tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia; đội tuyển dự thi Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học; đội tuyển dự thi Cuộc thi học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp và ngày hội khởi nghiệp quốc gia lần thứ V (01 dự án tham gia và đạt giải Nhì); tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh (12 giải nhất, 45 giải nhì, 92 giải ba và 183 giải khuyến khích)8.

(2) Về lĩnh vực y tế, dân số và kế hoạch hoá gia đình: tập trung chỉ đạo triển khai tốt công tác y tế dự phòng, giám sát tình hình dịch bệnh; phối hợp với Bộ Y tế triển khai các chương trình tập huấn, hội thảo, hội nghị cho hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên trạm y tế xã nâng cao năng lực chuyên môn. Trong 6 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh tương đối ổn định, hầu hết đều giảm so với cùng kỳ; đặc biệt sốt rét, sốt xuất huyết và tay chân miệng giảm đáng kể. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 30,1%. Tỷ lệ phụ nữ có thai tiêm vắc xin uốn ván ít nhất 2 mũi đạt 27,6%9. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định.

(3) Về văn hóa – thể thao – du lịch: chú trọng việc quản lý tốt các hoạt động tổ chức lễ hội, biểu diễn nghệ thuật; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tuyên truyền và tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn. Tiếp tục duy trì hoạt động trình diễn cồng chiêng cuối tuần tại Quảng trường Đại Đoàn Kết; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ công tác tại Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng Đạo và Di tích Rộc Tưng – Gò đá An Khê; tổ chức triển lãm “Hồ Chí Minh – Chân dung một con người” tại Bảo tàng tỉnh; tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ II năm 2023… Tổ chức thành công cácgiải thể thao cấp tỉnh và toàn quốc, đặc biệt tham gia các giải thể thao quốc tế tại SeaGames 32. Công tác quản lý hoạt động lữ hành và cơ sở lưu trú du lịch được quan tâm. Hoạt động kinh doanh du lịch tiếp tục tăng trưởng tốt; tổng lượt khách tham quan, du lịch ước đạt 620.000 lượt, đạt 56% so với kế hoạch, tăng 31% so với cùng kỳ; tổng thu du lịch ước đạt 395 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ, đạt 56,4% so với kế hoạch10.

(4) Về các chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng và các chính sách về giải quyết và tạo việc làm mới cho lao động của tỉnh luôn được quan tâm và giải quyết kịp thời, thỏa đáng.

(5) Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và triển khai các chính sách dân tộc. Các chương trình, chính sách dân tộc được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai kịp thời, như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các tôn giáo sinh hoạt bình thường, đúng pháp luật; các địa phương đã tạo điều kiện và giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng của tổ chức và cá nhân tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.

(6) Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 325 điểm phục vụ (180/181 điểm Bưu điện – Văn hóa xã. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền tập trung phản ánh không khí thi đua của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh trong 6 tháng đầu năm. Các hoạt động báo chí, phát thanh truyền hình, trang thông tin điện tử, hoạt động xuất bản – in ấn – phát hành thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại được theo dõi thường xuyên.

Những vấn đề bất cập phát sinh trong triển khai thực hiện

Hoạt động sản xuất – kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng chậm lại, một số vấn đề mới phát sinh; tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt được như kỳ vọng; tiến độ thực hiện giải ngân xây dựng cơ bản chậm, gặp nhiều vướng mắc; thu ngân sách chưa đạt dự toán HĐND tỉnh giao, kế hoạch sử dụng đất các địa phương chậm hoàn thành, các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn vướng các quy định, ảnh hưởng đến tiến độ, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể là: hoạt động sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn nhiều tiềm ẩn; tình trạng vi phạm lâm luật, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra; tai nạn giao thông mặc dù đã giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ nhưng vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và tiềm ẩn phức tạp.

Một số sở, ngành, địa phương, cá nhân thực hiện chưa nghiêm túc quy chế làm việc của UBND tỉnh, chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, công tác phối hợp giải quyết công việc thiếu chặt chẽ.

Một số loại tội phạm vẫn còn, như: tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, an toàn thực phẩm, tệ nạn ma túy: mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy diễn ra tại nhiều địa phương, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Tình trạng các đối tượng lợi dụng sơ hở trong quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (như: karaoke, khách sạn, nhà nghỉ) để tổ chức sử dụng ma túy tại một số địa phương. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh còn nhiều trong khi công tác cai nghiện còn nhiều hạn chế, tạo khó khăn, áp lực rất lớn cho công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.

Một số đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Gia Lai

Thực hiện các nghị quyết, kế hoạch triển khai của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai, đặc biệt là Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20/01/2022 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 37/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KTXH, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tiếp tục tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, về phát triển lĩnh vực kinh tế:

(1) Đối với phát triển nông – lâm nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất. Tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả, chất lượng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng vật nuôi. Hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tập trung triển khai Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao; đồng thời đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; triển khai kế hoạch trồng 8.000 ha rừng năm 2023 và chăm sóc tốt diện tích rừng đã trồng. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao Nguyên Kon Hà Nừng. Khẩn trương triển khai quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Gia Lai ngay sau khi HĐND tỉnh thông qua.

Đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023; tích cực hỗ trợ sự hình thành, củng cố và phát triển các chuỗi liên kết giữa sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiêp. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh.

(2) Đối với phát triển thương mại – dịch vụ, xuất khẩu, nhập khẩu, mở rộng và phát triển các khu công nghiệp… Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục cập nhật thông tin và liên hệ với các bộ, ngành hướng dẫn việc triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp; nghiên cứu đề xuất thành lập mới, mở rộng các cụm công nghiệp, bảo đảm phù hợp các loại quy hoạch để tăng cường thu hút đầu tư. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Hướng dẫn, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistic trên địa bàn tỉnh.

(3) Tiếp tục rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư đã được giao đất, thuê đất. Sử dụng hợp lý tài nguyên nước và các loại tài nguyên khác. Tăng cường thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên, khoáng sản, quản lý đất đai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

(4) Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh, trong đó Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, đồng thời, các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư để có mặt bằng sạch giao cho đơn vị thi công; xây dựng giải pháp, tiến độ cụ thể cho từng dự án. Tập trung xây dựng kế hoạch phát triển KTXH, kế hoạch đầu tư công và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

(5) Thực hiện triệt để tiết kiệm chi, nhất là các khoản chi thường xuyên; gắn việc bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực. Bảo đảm nguồn kinh phí để thực hiện các chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Đề xuất các nội dung phương án đầu tư dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, dự án nâng cấp Cảng hàng không Pleiku. Tập trung vào công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn đường bộ.

(6) Tiếp tục triển khai chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho phát triển kinh tế, nhất là sản xuất – kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng yêu cầu cấp vốn cho các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, thu hút đầu tư… để các doanh nghiệp tham gia, đồng hành trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, về lĩnh vực văn hóa – xã hội.

(1) Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 – 2024, trong đó chú trọng tăng cường các điều kiện bảo đảm cho phát triển giáo dục, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, triển khai thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa. Triển khai thực hiện Dự án Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

(2) Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, như: Covid-19, bệnh dại, cúm A – H5N1, bạch hầu, sốt rét, sốt xuất huyết, tay – chân – miệng… Chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu. Bảo đảm cung ứng đủ thuốc thiết yếu, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm phục vụ cho khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

(3) Các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần tập trung quản lý tốt các hoạt động tổ chức lễ hội, biểu diễn nghệ thuật; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Triển khai lồng ghép các nội dung Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước vào kế hoạch phát triển KTXH để tổ chức thực hiện ở từng cơ quan, đơn vị. Tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển du lịch năm 2023.

(4) Cần có hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, địa phương phát huy vai trò khoa học – công nghệ, bảo đảm các đề tài nghiên cứu phải được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Tư vấn và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; xây dựng kế hoạch phát triển các nhãn hiện chứng nhận, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ.

(5) Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nhất là các chính sách ưu đãi người có công, giảm nghèo, chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tập trung đẩy nhanh giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng đào tạo lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm, bên cạnh việc hỗ trợ xuất khẩu lao động.

(6) Tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10. Báo cáo số 113 /BC-UBND ngày 21/6/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20/01/2022 của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế và nâng cao độ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2021 – 2030.
2. Nghị quyết số 23- NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
4. Nghị quyết số 171/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
5. Quyết định số 37/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
PGS.TS. Nguyễn Thị Vân Hương
Học viện Hành chính Quốc gia