Giải quyết thủ tục hành chính tại Uỷ ban nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Quận Tân Bình là địa phương có những kết quả nổi bật trong công tác cải cách hành chính nói chung và giải quyết thủ tục hành chính nói riêng, như: công tác xây dựng và ban hành, theo dõi thực hiện văn bản giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính đúng luật, đúng hẹn trên nhiều lĩnh vực đạt tỷ lệ cao. Bài viết thông tin thực tiễn công tác giải quyết thủ tục hành chính và khuyến nghị một số giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh: https://tanbinh.hochiminhcity.gov.vn.
Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự ra đời của chuyển đổi số, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã và đang đòi hỏi nền hành chính nhà nước phải tập trung vào cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước (QLNN), phục vụ người dân, tổ chức công dân ngày một tốt hơn. Trong cải cách hành chính (CCHC), hoạt động giải quyết TTHC trở thành một trong những nội dung quan trọng và được các cơ quan hành chính các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Giải quyết TTHC là quá trình hành động của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của Nhân dân bằng kết quả giải quyết TTHC.

Thành phố Hồ Chí Minh được xem là trung tâm kinh tế đứng đầu cả nước, đòi hỏi yêu cầu quản trị và nâng cao chất lượng giải quyết TTHC đáp ứng xứng tầm với nhu cầu của Nhân dân. UBND Thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-UBND ngày 07/4/2021 về Kế hoạch thực hiện CCHC, trong đó xác định nhiệm vụ và giải pháp trong công tác cải cách TTHC là tăng cường trách nhiệm người đứng đầu gắn kết quả thực hiện với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tăng cường thực hiện TTHC trên không gian mạng; công bố TTHC và quy trình nội bộ giải quyết TTHC của các cấp.

Thực trạng giải quyết thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh

Nhận thức rõ yêu cầu và tầm quan trọng của công tác giải quyết TTHC, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tân Bình luôn quan tâm xây dựng và thực hiện tốt các TTHC, được thể hiện ở các nội dung sau:

Về thể chế giải quyết TTHC:

UBND quận đã kịp thời cập nhật, ban hành, triển khai thực hiện các quy định mới về giải quyết TTHC tại đơn vị. Quy trình giải quyết TTHC được rút gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. UBND đã ban hành Công văn số 68/UBND-KSTT ngày 14/01/2022 về triển khai thực hiện Quyết định số 4438/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố; Công văn số 99/UBND-KSTT của UBND quận ngày 19/01/2022 về tình hình thực hiện TTHC trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Kế hoạch số 74/KH-UBND-CCHC ngày 28/3/2022 của UBND quận về thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; Quyết định số 1274/QĐ-UBND ngày 27/4/2022 về ban hành quy chế hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thuộc quận Tân Bình. Ngoài ra, quá trình cập nhật, thay đổi các quy trình giải quyết, các văn bản thực hiện TTHC vẫn đang thay đổi hằng ngày, hằng giờ làm tác động đến việc cập nhật, công bố và xử lý cho công chức và người dân.

Về Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả:

Việc thành lập và hoạt động của Bộ phận này đã góp phần tách công việc chuyên sâu về QLNN với các công việc liên quan đến cá nhân, tổ chức. Bộ phận này được bố trí khu vực riêng, có hướng dẫn thuận tiện cho cá nhân, tổ chức đến liên hệ. Hiện nay có 10 đơn vị bố trí công chức trực tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận Một cửa (bao gồm: Văn phòng UBND quận, phòng Tư pháp, phòng Quản lý đô thị, phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, phòng Y tế, phòng Tài chính – Kế toán, Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Tân Bình, Công an quận, Bảo hiểm xã hội quận). Tuy nhiên, việc bố trí công chức tiếp nhận tại bộ phận còn chưa đầy đủ, thời gian trực tiếp nhận và trả kết quả thực hiện chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng người dân phải chờ đợi giải quyết TTHC.

Về năng lực đội ngũ CBCC:

Hiện nay, UBND quận có 199 CBCC với trình độ chuyên môn như sau: 17 thạc sỹ, 179 đại học, 3 cao đẳng. Tỷ lệ công chức có trình độ đào tạo từ đại học trở lên là rất cao tương ứng 98,49%, tỷ lệ có bằng thạc sỹ là 8,54%. Điều này cho thấy, trình độ chuyên môn của đội ngũ CBCC tại UBND quận bảo đảm đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu nhiệm vụ. Về đánh giá mức độ hoàn thành công việc của công chức luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên qua từng năm, trên 70%.

Giai đoạn 2020 – 2022, UBND quận đã nỗ lực trong việc xây dựng, phát triển và quản lý đội ngũ CBCC với số lượng, cơ cấu hợp lý, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, năng nổ và nhiệt tình trong công tác. Tuy nhiên, việc đánh giá CBCC không phản ánh hết được năng lực thực sự của đội ngũ này cũng như chưa dựa trên kết quả giải quyết TTHC và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; việc ứng xử, giao tiếp với người dân, tổ chức vẫn còn xảy ra nhiều trường hợp mâu thuẫn, phản ánh.

Về cơ chế phối hợp giải quyết TTHC:

Việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với nhau được đẩy mạnh thông qua quy chế phối hợp cũng như trong quy định trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình giải quyết từng loại TTHC cụ thể. Bên cạnh đó, UBND quận còn tổ chức nhiều hoạt động phong trào, văn nghệ, thể dục, thể thao tạo sự gắn kết giữa các đơn vị, giữa các CBCC. Tuy nhiên hiện nay, quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận vẫn chưa thực hiện xong do chờ quy chế mẫu theo Quyết định số 24/2021/QĐ-UBND ngày 19/7/2021 của UBND Thành phố; và còn nhiều văn bản chồng chéo quy định nên xảy ra tình trạng sợ trách nhiệm, không dám thực hiện giải quyết TTHC theo quy định của pháp luật.

Về cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho việc giải quyết TTHC:

UBND quận đã xây dựng và bố trí vị trí Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với nhiều trang thiết bị hiện đại, có khu vực riêng để thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các trang thiết bị máy tính, bàn làm việc, máy in cũng được rà soát, thực hiện đầy đủ cho đội ngũ CBCC. Hiện nay, trên website (http://www.tanbinh.hochiminhcity.gov.vn/) của UBND quận đã có chuyên mục riêng về dịch vụ công cấp quận và chuyên mục liên kết với dịch vụ công của Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức tra cứu. Tuy vậy hệ thống máy móc, thiết bị chưa cập nhật kịp thời, hệ thống mạng đôi khi còn lỗi, chậm, một số thời điểm phần mềm xử lý thông tin trên Cổng 1022 bị lỗi, không thể cập nhật kết quả xử lý trên địa bàn quận.

Về chế độ kiểm tra, giám sát:

UBND quận đã ban hành Quyết định số 156/QĐ-UBND ngày 24/01/2022 về kế hoạch kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, kỷ luật, kỷ cương hành chính và các hoạt động công vụ trên địa bàn quận năm 2023; ban hành Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 29/4/2022 về kiểm tra công tác nội vụ các cơ quan, đơn vị năm 2022. Qua kiểm tra vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn, chưa bảo đảm về thời gian hoạt động công vụ.

Về phát huy quyền giám sát của người dân, doanh nghiệp, UBND quận cũng đã ban hành Công văn số 1368/UBND-KSTT ngày 13/7/2022 về thực hiện quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Kết quả trong năm 2022, UBND quận đã tiếp nhận, xử lý 49 phản ánh, kiến nghị trên Cổng dịch vụ công quốc gia và 1.797 tin phản ánh trên Cổng thông tin 1022 của Thành phố. Nhìn chung, UBND quận đã tạo điều kiện thuận lợi để phát huy quyền dân chủ của người dân, tăng cường sự giám sát thông qua khảo sát, đánh giá về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC đạt ở mức hài lòng cao. Ngày càng có nhiều kênh phản ánh, kiến nghị để người dân kịp thời phản ứng những bức xúc.

Về thực hiện chính quyền số:

Việc khai thác, sử dụng Cổng thông tin điện tử các cấp được triển khai thống nhất giữa các bộ phận. Các ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC được người dân, tổ chức đánh giá cao về độ thuận lợi, tính minh bạch. Tuy nhiên, dịch vụ công mức độ 3, 4, gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính đã được áp dụng ở một số lĩnh vực nhưng còn hạn chế. Về phía người dân, doanh nghiệp tuy ủng hộ mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin nhưng lại ít quan tâm, tìm hiểu các quy trình, thủ tục trên cổng thông tin điện tử mà cơ quan đã công bố.

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính tại Uỷ ban nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh

Một là, hoàn thiện thể chế cho hoạt động giải quyết TTHC. Cần thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; có chế tài trong việc chấp hành kỷ luật, chế độ công vụ, bảo đảm thực hiện nghiêm chế độ giờ giấc, bảo đảm các nguyên tắc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Tăng trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về các sai sót, hồ sơ trễ hẹn và yêu cầu giải trình về các đơn thư khiếu nại, tố cáo, góp ý; đồng thời nghiêm túc thực hiện thư xin lỗi.

Hai là, nâng cao hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND quận. Quán triệt tinh thần đội ngũ CBCC về mục đích, cách làm để phát huy hết hiệu quả của mô hình “Một cửa, một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC tại đơn vị. Hướng đến từng thành viên là một chủ thể trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ giải quyết TTHC nói riêng và công tác CCHC nói chung.

Sắp xếp, bố trí đầy đủ các cơ quan chuyên môn có CBCC thực hiện nhiệm vụ tiếp người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Lựa chọn CBCC có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tại Bộ phận, bảo đảm đây là “Bộ mặt” của UBND quận. Đồng thời, cần có chính sách khen thưởng, phụ cấp hợp lý cho đội ngũ làm việc tại Bộ phận này.

Ba là, nâng cao công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ CBCC tại đơn vị. Cập nhật, đổi mới liên tục các nội dung tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về giải quyết TTHC đáp ứng được trong công tác thực tế. Nghiệp vụ bồi dưỡng cần có “tính mở”, tức là bên cạnh những kiến thức, kỹ năng chung làm nền tảng thì cần thiết kế nhiều chuyên đề tự chọn với nội dung đa dạng để người học hoặc cơ sở đào tạo lựa chọn nhằm thiết kế chương trình phù hợp cho từng nhóm đối tượng học viên nhất định. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bồi dưỡng cho CBCC về CCHC; kết hợp giữa bồi dưỡng về CCHC ở trong và ngoài nước cho CBCC.

Bốn là, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị tại UBND quận. Ngoài các quy định về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức theo từng lĩnh vực thực hiện TTHC cụ thể, UBND quận cần chủ động ban hành các quy chế phối hợp cụ thể, đích danh từng cá nhân theo từng giai đoạn, khoảng thời gian cụ thể. Chú trọng công tác phối hợp giữa các lãnh đạo đơn vị; giữa các nhóm CBCC chuyên môn.

Tinh gọn các đầu mối, đồng thời trao quyền nhiều hơn cho CBCC trong thực thi công vụ. Việc trao quyền phải được thực hiện công khai, chính thức và thực hiện thực chất hơn để phát huy được tối đa tính trách nhiệm của từng cá nhân CBCC, từ đó giảm bớt áp lực cho đội ngũ lãnh đạo, tăng cường tính chủ động trong giải quyết TTHC.

Năm là, nâng cao chất lượng cơ sở, vật chất, đầu tư thêm về các trang thiết bị công nghệ cho phép công tác giải quyết TTHC được tối ưu hơn về thời gian, công sức của CBCC, bảo đảm các thiết bị đọc dữ liệu, cập nhật dữ liệu theo mẫu chuẩn áp dụng toàn quốc, thiết bị trích xuất, xử lý các dữ liệu thô hoặc sẵn có trên dữ liệu quốc gia; dữ liệu tại UBND quận; thiết bị lưu trữ dữ liệu; nâng cấp các trang thiết bị kịp thời; liên kết với Cổng thông tin của thành phố và quốc gia nhằm tăng cường việc tạo lập và sử dụng dữ liệu dùng chung sẵn có. Từ đó tăng cường được việc giải quyết TTHC không phân biệt địa giới hành chính, giảm được tình trạng người dân, doanh nghiệp phải cung cấp lại những lại giấy tờ cơ bản.

Sáu là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát. Trong nội bộ cơ quan cần có cơ chế kiểm tra, giám sát lẫn nhau, trong quá trình giải quyết TTHC giúp kịp thời phát hiện, giải quyết những lỗi sai, những yếu tố gây ứ đọng hồ sơ. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình giải quyết hồ sơ đúng hạn, trễ hẹn hoặc hồ sơ hẹn bổ sung. Tăng cường quyền giám sát của Nhân dân thông qua các kênh tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền hằng năm; cũng như thông tin kiến nghị, phản ánh qua cổng 1022 của toàn Thành phố Hồ Chí Minh. Lấy kết quả giải trình, xử lý kiến nghị, phản ánh của người dân làm thước đo cho hoạt động giải quyết TTHC.

Kết luận

Nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp trong hoạt động giải quyết TTHC tại UBND quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là yêu cầu cấp thiết. Việc hoàn thiện thể chế trong giải quyết TTHC; nâng cao công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ CBCC; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng cơ sở, vật chất; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số sẽ có những tác động tích cực đến hoạt động này trong tương lai. Từ hoạt động này sẽ góp thực hiện được mục tiêu trong cải cách TTHC nói riêng, cũng như trong CCHC nói chung.

Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 1191/QĐ-UBND ngày 07/4/2021 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình cải cách hành chính và giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 2025.
2. Báo cáo số 470/BC-UBND ngày 09/12/2022 của UBND quận Tân Bình về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Phan Vũ Thắng
UBND Phường 14, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh