Tăng cường kiểm soát, giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan bộ, ngành, địa phương hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 11/8, tại Hà Nội, Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức tọa đàm khoa học “Kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan bộ, ngành, địa phương – Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với các phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, khu vực miền Trung và Tây Nguyên. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Khoa và TS. Nguyễn Thị Hà, Phó trưởng Khoa đồng chủ trì tọa đàm.
TS. Nguyễn Thị Hà, Phó trưởng Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự tọa đàm.

Đại biểu, khách mời dự tọa đàm, có: PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện; ông Nguyễn Hùng Huế, Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối Kinh tế ngành, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ; ThS. Nguyễn Thị Trà Lê, Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối Kinh tế tổng hợp, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ; ông Trịnh Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng phụ trách cải cách hành chính, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm – Hà Nội; TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; Lãnh đạo một số đơn vị, khoa, ban thuộc và trực thuộc tại Hà Nội và 3 phân viện Học viện cùng các nhà khoa học và giảng viên của khoa đã tham dự tọa đàm.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng trình bày đề dẫn tọa đàm.

Trình bày đề dẫn tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân đặt vấn đề, hoạt động giải quyết thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính là hoạt động phản ánh trực tiếp nhất hình ảnh của Nhà nước trước người dân, phản ánh cụ thể nhất mối quan hệ giữa Nhà nước với Nhân dân. Kiểm soát thủ tục hành chính là hoạt động xem xét, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về thủ tục hành chính từ giai đoạn xây dựng, công bố cho đến thực hiện và rà soát, điều chỉnh các thủ tục hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch của thủ tục hành chính. Kiểm soát thủ tục hành chính giúp tăng cường hiệu quả thực hiện, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định về kiểm soát thủ tục hành chính và chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số quốc gia, qua đó đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, từng bước đổi mới việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cắt giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước hiện nay và trong tương lai. Đồng thời, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân nhấn mạnh, kiểm soát thủ tục hành chính được thực hiện tốt sẽ góp phần xây dựng nền quản trị nhà nước tốt hướng tới hiện đại, giúp thúc đẩy tất cả các giá trị của nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.

Ý thức được tầm quan trọng của hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trong bối cảnh hiện nay, Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng đã tổ chức tọa đàm với mong muốn tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn cùng chia sẻ, trao đổi, luận giải các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan tới kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan bộ, ngành và địa phương.

Ông Nguyễn Hùng Huế, Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối Kinh tế ngành, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính -Văn phòng Chính phủ tham luận tại tọa đàm.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Hùng Huế đề cập đến các nội dung cần kiểm soát thủ tục hành chính, trong đó chú trọng: kiểm soát quy định về thủ tục hành chính trong lập dự án; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính; tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị; rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (thủ tục hành chính đang có hiệu lực thi hành); kiểm tra thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính. Ông Huế nêu sự cần thiết phân tích, đánh giá dữ liệu công khai, minh bạch trên cổng dịch vụ công quốc gia và đề xuất mô hình chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính, trong đó lấy con người là trung tâm (ở đây là người dân, doanh nghiệp và cán bộ thực hiện thủ tục hành chính cần có sự tương tác, hỗ trợ, chia sẻ thông tin với nhau để cơ sở dữ liệu được kê khai chính xác, hiệu quả). Cần đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên dữ liệu theo thời gian thực.

Ông Trịnh Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng phụ trách cải cách hành chính, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm – Hà Nội chia sẻ ý kiến tại tọa đàm.

Ông Trịnh Tất Thắng với chia sẻ thực tế về bộ phận 1 cửa cấp phường, cấp quận và kiểm soát thủ tục hành chính tại phường, quận hiện nay. Ông nêu ra thực trạng về tình hình tiếp nhận hồ sơ và trả hồ sơ giữa cán bộ ở Bộ phận một cửa và người dân, doanh nghiệp. Thực trạng xây dựng quy trình và kiểm tra vấn đề thực thi công vụ hiện nay đang có những vướng mắc và diễn ra tình trạng “trên có chính sách, dưới có đối sách”, và giữa cán bộ làm thủ tục hành chính và người dân không có tiếng nói chung, thiếu sự “đồng cảm”.

Liên quan đến số hóa hồ sơ đầu vào, việc tăng cường số hóa hồ sơ đầu vào đang gặp khó khăn về thiết bị và nhân lực, trong khi không phải người dân nào cũng thành thạo sử dụng thiết bị điện tử thông minh và công nghệ. Hiện nay, phần lớn các thủ tục hành chính, cán bộ phải “làm thay” người dân.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại tọa đàm.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu phát biểu chia sẻ tại tọa đàm, nhấn mạnh vào ý kiến của 2 chuyên gia là 2 vấn đề nóng hổi, nổi cộm hiện nay mà bộ, ngành, địa phương đang rất quan tâm. Tại các bộ phận một cửa, bộ phận giải quyết thủ tục hành chính luôn xảy ra tình trạng “khất hẹn” tiếp nhận, trả hồ sơ với người dân, doanh nghiệp. Do đó, rất cần thay đổi thái độ, quy trình phục vụ người dân, doanh nghiệp của cán bộ khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính gắn với thực tiễn công việc, phải chuyển nhanh sang giai đoạn “làm việc” trong môi trường số, xã hội số, tránh tình trạng người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp đưa giấy tờ tại các cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính.

ThS. Lê Văn Khải, Trưởng phòng Nghiên cứu và Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính góp ý tại tọa đàm.

ThS. Lê Văn Khải góp ý vấn đề liên quan đến tình trạng gửi văn bản của cơ quan cấp trên đến cơ quan cấp dưới chưa có sự thống nhất về nơi nhận là cơ quan thuộc và trực thuộc hay là đơn vị cấp dưới của cơ quan thuộc và trực thuộc mình để xảy ra tình trạng đơn vị cấp 3 không thể trả lời văn bản không có cơ sở pháp lý để trả lời văn bản.

TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ chia sẻ ý kiến tại tọa đàm.

Chia sẻ ý kiến về rà soát và kiểm soát thủ tục hành chính hiện nay còn nhiều vướng mắc, TS. Đinh Duy Hòa đề xuất tiếp tục rà soát và kiểm soát thủ tục hành chính, chú trọng vào mục đích cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi nhất phục vụ người dân, doanh nghiệp, hiệu quả thực tế là sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, số hồ sơ, thủ tục được giải quyết, tránh tình trạng báo cáo số liệu “đẹp” trên giấy tờ.

ThS. Nguyễn Thị Trà Lê, Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối Kinh tế tổng hợp, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ tham luận tại tọa đàm.

Về vấn đề xu hướng cải cách quy định liên quan đến thủ tục hành chính, ThS. Nguyễn Thị Trà Lê nêu ra các văn bản liên quan đến chương trình cải cách, cắt giảm quy định, thủ tục hành chính, như: Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 về phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010; Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ; Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 – 2025…

Tham luận cũng đề cập đến các vấn đề: cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (quyết định kinh doanh); thực thi phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính đã được giải quyết (giai đoạn 2022 – 2025); triển khai, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước và đưa ra các giải pháp gồm: hoàn thiện thể chế, bổ dung quy định kiểm soát thủ tục hành chính; đưa ra cách thức triển khai trong huy động tối đa nguồn lực xã hội vào cải cách thủ tục hành chính và đầu tư công cụ điện tử hỗ trợ xuyên suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát, đông đốc, hướng dẫn, điều phối để đạt được yêu cầu cao nhất trong vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp được hiệu quả.

ThS. Nguyễn Thị Quyên, giảng viên Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng chia sẻ vấn đề, làm thế nào để người dân tự nguyện nộp hồ sơ trực tuyến, nên chăng cần thiết kế tờ khai và nội dung khai báo trực tuyến đơn giản, có hướng dẫn thực hiện thủ tục trực tuyến cụ thể để người dân dễ dàng tiếp cận và đẩy nhanh tiến độ số hoá kết quả giải quyết thủ tục hành chính làm căn cứ giải quyết thủ tục. Đặc biệt, cần quan tâm tới đơn giản quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho cải cách thực thi công vụ hiện nay.

Phát biểu tổng kết tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân cảm ơn những chia sẻ thú vị, đầy tính thực tiễn của các nhà khoa học, các diễn giả cũng như cán bộ, giảng viên tham gia tọa đàm. Mọi chia sẻ, ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, diễn giả cũng như giảng viên chính là kiến thức mang tính thực tiễn sinh động nhất trong quá trình tư vấn chính sách của Học viện cũng như trong giảng dạy của giảng viên Học viện. Học viện luôn hướng tới trang bị cho đội ngũ cán bộ, giảng viên kiến thức theo hướng đi của Học viện trong xây dựng chương trình và vận hành chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần gắn thực tiễn với lý luận hiện nay. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân gửi lời cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học đã nhiệt tình tham gia viết bài, trực tiếp tham dự và tham luận tại Tọa đàm; trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Học viện đã tạo điều kiện thuận lợi để Tọa đàm thành công tốt đẹp.

Các đại biểu dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.
Thu Hương