Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo hướng hiện đại ở nước ta hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, cần triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo hướng hiện đại, xây dựng những thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp mang tầm khu vực và quốc tế, bảo đảm sản xuất nông nghiệp luôn là thế mạnh của Việt Nam.
Ảnh minh họa (internet).            
Đặt vấn đề

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương”1. Cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trên, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (viết tắt là Nghị quyết 19) tiếp tục khẳng định: “Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất – kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo”2.

Theo đó, phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo hướng hiện đại có vai trò đặc biệt quan trọng để từng bước hiện thực hóa quan điểm, đường lối của Đảng về nông nghiệp là trụ đỡ, là lợi thế của quốc gia; phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn theo hướng hiện đại không những góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân mà còn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vì sự phát triển ổn định, bền vững của kinh tế – xã hội nói chung và phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng ở nước ta hiện nay.

Khai thác, sử dụng hiệu quả, phù hợp các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo hướng hiện đại

Nước ta có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, với hơn 65% dân số ở nông thôn, người dân cần cù, thông minh, sáng tạo, có nhiều kinh nghiệm, phương pháp trong trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm và chống lại những biến đối của khí hậu; đất đai phì nhiêu, màu mỡ thường xuyên được bồi đắp, tích tụ phù sa bởi hệ thống sông ngòi, kênh, rạch, suối trên cả nước. Trong đó, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của cả nước và nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản. Khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, thuận lợi cho mỗi vùng, miền tập trung phát triển những đặc sản là đặc trưng, thế mạnh của địa phương. Theo Tổng cục Thống kê năm 2020, tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước tính đến ngày 31/12/2021 là 33.134.480 ha, trong đó, diện tích nhóm đất nông nghiệp là 29.394.319 ha, diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 3.949.158ha, diện tích nhóm đất chưa sử dụng là 1.191.003 ha; đất lâm nghiệp có diện tích là 15.404.790 ha; diện tích đất nuôi trồng thủy hải sản là 786.184 ha; diện tích đất làm muối là 15.586 ha và diện tích đất nông nghiệp khác là 58.532 ha3.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở nước ta rất phong phú, đa dạng, đặc biệt là ở vùng nông thôn có sức mua lớn, điều này đã góp phần quan trọng thúc đẩy ngành sản xuất nông nghiệp duy trì phát triển với tốc độ ổn định, đóng góp nhiều vào bức tranh phát triển kinh tế – xã hội nói chung và bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực nói riêng. Địa bàn nông thôn cũng là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có nhiều nhà máy, xí nghiệp để thu mua hàng nông sản của nông dân đưa vào khai thác, sử dụng và quay trở lại phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống người dân. Nguồn lao động trong sản xuất nông nghiệp đa dạng, phong phú ở nhiều lứa tuổi, trình độ khác nhau, thích ứng nhanh, kịp thời với nhu cầu của thị trường, nhất là trong đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều mặt hàng nông sản ở nước ta có thị trường tiêu thụ ổn định, không những ở trong nước mà còn xuất khẩu sang khu vực, thế giới.

Năm 2021, giá trị toàn ngành nông nghiệp ước tính tăng 2,9%, cụ thể4:

Về lĩnh vực trồng trọt: sản xuất lúa đạt sản lượng 43,86 triệu tấn, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá trị xuất khẩu gạo tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021. Rau màu có diện tích khoảng 1,12 triệu ha, sản lượng đạt 16,8 triệu tấn tăng 352.300 tấn so với năm 2020.

Về lĩnh vực thủy sản: sản lượng thủy sản đạt trên 8,73 triệu tấn, tăng 1,0% so với năm 2020; trong đó khai thác trên 3,9 triệu tấn, tăng 0,9%, nuôi trồng 4,8 triệu tấn, tăng 1,1%.

Về lĩnh vực lâm nghiệp: diện tích rừng trồng mới tập trung 278.000 ha và 120 triệu cây phân tán; thu dịch vụ môi trường rừng trên 3.100 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ nông sản, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt trên 48,6 tỷ USD. Có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo, cao su).

Về ứng dụng khoa học – công nghệ: đã nghiệm thu và công bố, công nhận 54 giống cây trồng, vật nuôi; 80 tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình kỹ thuật mới; ban hành, công bố 9 quy chuẩn Việt Nam (QCVN), 106 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và lũy kế đến nay có 1.220 TCVN và 232 QCVN…

Những kết quả trên cho thấy, phát triển sản xuất nông nghiệp ở nước ta đã đi đúng hướng, bước đầu đạt được mục đích, yêu cầu nhiệm vụ đề ra; các tiềm năng, lợi thế ở vùng, miền được khai thác, sử dụng phù hợp, hiệu quả đem lại những đổi thay đáng kể của bức tranh phát triển kinh tế – xã hội cả nước, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển hàng hóa quy mô lớn, theo hướng hiện đại. Năm 2021, có 5.614 xã (68,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 17 tiêu chí/xã; có 213 đơn vị cấp huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; có thêm 3 tỉnh, thành phố với 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới(Thái Bình, Cần Thơ, Hải Dương)5.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn một số hạn chế, như: còn phụ thuộc nhiều vào tình hình thời tiết; sản lượng ở một số địa phương còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; tâm lý truyền thống, ổn định của người nông dân về sản xuất những cây trồng lâu năm chưa được chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt; chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất, nuôi trồng; việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân còn gặp nhiều khó khăn; thực hiện chuyển đổi cơ cấu, cây trồng còn manh mún, nhỏ lẻ; tiêu thụ nông sản phụ thuộc nhiều vào thị trường nội địa, một số mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam chưa được thế giới ưa chuộng tìm đến; sự vào cuộc của chính quyền các cấp còn chậm, chưa dự báo được chiều hướng của thị trường. Nghị quyết 19 đã đánh giá: “Thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ giới hóa nông nghiệp chưa đồng bộ. Công tác dự báo, thông tin về thị trường sản xuất, tiêu thụ nông sản còn hạn chế”6.

Giải pháp phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo hướng hiện đại ở nước ta hiện nay

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể về tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo hướng hiện đại.

Nghị quyết 19 xác định một trong những biện pháp quan trọng là: “Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa”7. Theo đó, các chủ thể lãnh đạo, quản lý ở các địa phương (bao gồm các sở, ban, ngành từ cấp tỉnh cho đến huyện, xã, phường, thị trấn), doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình kinh doanh, sản xuất quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường về tập trung phát triển những ngành, lĩnh vực là thế mạnh của địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương cần cụ thể hóa, thể chế hóa vào thực tiễn, xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết, đầy đủ, toàn diện cho những khu vực, chú trọng những địa bàn có tiềm năng, lợi thế về một loại hình, từ đó, tập trung nhân lực, vật lực cho phát triển.

Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tính tất yếu cần phải thay đổi hình thức sản xuất cũ sang hình thức sản xuất mới nhằm tăng năng xuất, hiệu quả lao động, mở rộng diện tích sản xuất đất nông nghiệp, chú trọng đến việc bảo đảm tính liên tục của sự phát triển. Tránh tình trạng sản xuất một vụ, không thấy lãi, hiệu quả kinh tế thấp, năm sau lại chuyển sang nuôi trồng giống mới, như vậy sẽ không đem lại hiệu quả, mà còn ảnh hướng đến độ phì nhiêu của đất, tâm lý chán nản của người nông dân. Theo đó, các sở, ban, ngành ở địa phương, nhất là các phòng nông nghiệp cấp huyện, cán bộ lãnh đạo xã cần thường xuyên bám nắm cơ sở, đồng hành cùng người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, thấy được những khó khăn, vướng mắc ở khâu nào, chỗ nào, qua đó có cách nghĩ, cách làm phù hợp, hiệu quả.

Người nông dân ở các địa phương thường có tâm lý an toàn, không muốn mạo hiểu trong phát triển, sản xuất một lĩnh vực, ngành nghề có quy mô lớn, sử dụng nhiều nhân công, vì vậy, cán bộ các cấp, người có am hiểu về nông nghiệp phải kịp thời hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ người nông dân để họ yên tâm, mạnh dạn đầu tư phát triển. Tăng cường thường xuyên phối hợp trong quá trình khai thác, sử dụng sản phẩm giữa người nông dân với các sở, ban, ngành có liên quan, nhất là giải quyết đầu ra cho sản phẩm sau khi thu hoạch. Mỗi chủ thể luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của mình, hành động mạnh mẽ, quyết liệt vì sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương và vị thế, uy tín của địa phương mình với địa phương khác; có hành động thiết thực, cụ thể, tạo ra bước đột phá mới về phát triển kinh tế – xã hội, tạo môi trường thu hút các nguồn.

Hai là, tiếp tục thực hiện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững cho hàng hóa nông sản ở trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, theo đó, các địa phương cần rà soát, đánh giá lại từng khu vực, địa bàn, tập trung vào những cây trồng, vật nuôi thế mạnh, đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, giải quyết việc làm cho người lao động. Tích cực tuyên truyền, vận động người nông dân thực hiện chuyển đổi giống mới, bảo đảm chất lượng sản phẩm nông sản; chú trọng về kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng; hướng dẫn người nông dân cách thức, phương pháp lựa chọn con giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu; tiến hành quy hoạch, xây dựng những vùng chuyên nuôi trồng, sản xuất các loại giống cho năng suất, chất lượng cao; ứng dụng và khai thác tốt tiến bộ khoa học – công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp.

Có phương án, kế hoạch chi tiết, cụ thể đối với thị trường tiêu thụ hàng nông sản cho người nông dân. Đây là bài toán đặt ra cho các cơ quan, ban, ngành ở địa phương cần theo dõi sát sao thị trường trong và ngoài nước, lên kế hoạch, dự báo tiêu thụ hiệu quả cho người nông dân. Thực tiễn cho thấy, những năm gần đây, một số hàng nông sản của người nông dân sản xuất ra gặp rất nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường nước ngoài, có những giai đoạn sản phẩm nông sản không có người mua, hoặc bị thương lái ép giá. Theo đó, chính quyền địa phương các cấp (nhất là người đứng đầu) cần tăng cường phối hợp với các tổ chức, lực lượng, địa phương lân cận để hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân; phát huy tinh thần tương thân, tương ái; lâu dài cần có kế hoạch tổng thể, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, thương lái ký kết hợp đồng cụ thể, rõ ràng, đầy đủ, bảo đảm tiêu thụ sản phẩm của người nông dân sau khi thu hoạch; khuyến khích mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.

Ba là, phát huy vai trò, sức mạnh của các tổ chức, lực lượng để phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo hướng hiện đại.

Đây là giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo hướng hiện đại diễn ra mạnh mẽ, nhanh chóng hơn, tạo nên thương hiệu, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp. Các địa phương tích cực, chủ động phối hợp tổ chức những buổi hội chợ, “Festival nông sản” giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, qua đó giúp cho mỗi chủ thể tham gia có thêm cơ hội đầu tư, phát triển, đồng thời, quảng bá, tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi bên có thể hợp tác, ký kết, liên doanh, liên kết, mở rộng phát triển doanh nghiệp, thu mua hàng hóa, nông sản của nông dân. Nghiên cứu, tính toán toàn diện, đầy đủ đến nhu cầu, thị hiếu của người nông dân ở nông thôn, lựa chọn hình thức, phương pháp giới thiệu, bán hàng hiệu quả, phù hợp nhất. Thị trường nông thôn rất nhiều tiềm năng, có sức tiêu thụ rất lớn, biết tận dụng, khai thác đó sẽ là một đột phá trong chiến lược phát triển nông nghiệp ở các địa phương hiện nay. Các tổ chức, lực lượng có liên quan nêu cao tinh thần đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, vì mục tiêu, lợi ích chung của địa phương, tạo ra điểm nhấn, sự bức phá trong phát triển kinh tế – xã hội.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.124.
2, 6, 7. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 246.
4, 5. Năm 2021, ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả vượt bậc,  https://baochinhphu.vn, ngày 01/01/2022.
TS. Phùng Thế Anh
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh