Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm, phát triển. Đây cũng là xu hướng phát triển khách quan của khu vực kinh tế tập thể hợp tác xã ở Việt Nam trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh, đồng bộ và triển khai toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập sâu rộng quốc tế. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Ảnh minh họa (internet).
Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm

Kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) ở nước ta là thành phần kinh tế quan trọng, được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới và phát triển. Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, môi trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu, việc đẩy mạnh các hình thức liên kết, xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm là một xu thế khách quan, không thể đảo ngược. Đối với khu vực KTTT, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tham gia vào chuỗi giá trị sẽ đem lại nhiều lợi ích cho tổ chức KTTT, HTX, xã viên và cả người tiêu dùng. Vì vậy, để khu vực KTTT, HTX phát triển mạnh mẽ, khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân cần chú trọng đẩy mạnh liên kết, hợp tác, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm.

Những năm qua, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển KTTT, HTX nông nghiệp gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nhấn mạnh: “Có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm”. Bên cạnh đó, xác định mục tiêu đến năm 2030: “Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị1. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, từ đó phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài và đến năm 2045: “Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết”2. Như vậy, có thể khẳng định, việc phát triển KTTT, HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm là một chủ trương nhất quán, được Đảng trong những năm gần đây quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và KTTT, HTX nói riêng.

Cụ thể hoá chủ trương của Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các tổ chức KTTT, HTX nông nghiệp phát triển gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp xác định: “Liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp là hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”. Bên cạnh đó, quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị như: hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm.

Tiếp đó, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 – 2025 đề ra mục tiêu: xây dựng 3.000 mô hình tổ chức KTTT ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững; Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 – 2030 xác định: phát triển KTTT theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, nhất là ở khu vực nông thôn; Quyết định số 339/TTg ngày 11/3/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định định hướng phát triển trong lĩnh vực chế biến và thương mại thuỷ sản, đó là: áp dụng khoa học – công nghệ, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng phục vụ các ngành thực phẩm và phi thực phẩm; đổi mới máy móc, thiết bị và công; tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, quy tắc xuất xứ, an toàn môi trường và an sinh xã hội; nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh; tham gia sau vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tổ chức sản xuất thủy sản tuần hoàn theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị sản phẩm, các tổ chức KTTT, HTX nông nghiệp đã đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm ở các khâu từ lựa chọn đầu vào đến sản xuất và phân phối ra thị trường. Năm 2021, cả nước có 271 tổ chức khoa học, 586.585 hộ nông dân, 4.028 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các địa phương đã phê duyệt được 579 dự án liên kết (392 dự án trồng trọt, 150 dự án chăn nuôi, 8 dự án lâm nghiệp, 29 dự án thuỷ sản), với kinh phí 1.921 tỷ đồng (bình quân trên 3,3 tỷ đồng/dự án) và phê duyệt được tổng số 354 kế hoạch liên kết với kinh phí 526 tỷ đồng (bình quân gần 1,5 tỷ đồng/kế hoạch)3. Ngoài việc hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết theo chính sách của Chương trình nông thôn mới, các địa phương đã kết hợp các chính sách, dự án triển khai khác trên địa bàn để hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, như: dự án “Cạnh tranh nông nghiệp” (ACP), dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VnSAT); dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm” (LIFSAP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp thành lập mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng và địa phương, như: miền núi phía Bắc phát triển rau, củ, chăn nuôi gia súc; Tây Nguyên phát triển cà phê, ca cao, hồ tiêu, Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng phát triển lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái và sản phẩm chế biến,…; chi phi đầu vào giảm 8%, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, thu nhập của thành viên tăng 10%-25%4.

Thống kê cho thấy, khi tham gia chuỗi giá trị, chi phí sản xuất, kinh doanh của HTX giảm từ 5-7%, doanh thu tăng thêm 15-20%, lợi nhuận cao hơn từ 10-12%, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên trong HTX5. Từ đó, đóng góp thiết thực vào mục tiêu giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho người nông dân trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Tuy nhiên, các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, năng lực nội tại yếu kém, quy mô sản xuất nhỏ, khó khăn trong việc tiếp cận thị trường vốn vay ưu đãi để đầu tư máy móc thiết bị, đóng gói bao bì sản phẩm, phương tiện vận chuyển… mô hình HTX cũ còn nặng nề trong khi HTX kiểu mới chưa đáp ứng yêu cầu.

Nguyên nhân của các hạn chế, tồn tại

(1) Do nhận thức về vai trò, giá trị và bản chất của mô hình HTX kiểu mới một số nơi còn chưa thống nhất, dẫn đến công tác quản lý, ban hành cơ chế, chính sách, tư vấn, hỗ trợ… chưa trọng tâm, chưa hiệu quả; số lượng HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho thành viên, cộng đồng chưa nhiều; hiểu biết về xây dựng chuỗi giá trị của các HTX còn yếu.

(2) Công tác xây dựng cơ chế, chính sách chưa kịp thời, chậm tháo gỡ các vướng mắc; môi trường pháp lý chưa thuận lợi; cơ chế huy động và phân bổ nguồn lực cho khu vực KTTT, HTX và kinh tế hộ còn nhiều bất cập; chính sách ưu đãi, hỗ trợ KTTT, HTX được ban hành nhiều nhưng nguồn lực thiếu nên khó đi vào thực tiễn; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn gặp khó khăn. Quỹ hỗ trợ phát triển HTX chưa đáp ứng được nhu cầu vay phát triển của HTX.

(3) Nguồn lực mà nhà nước phân bổ cho xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị còn hạn chế; hiện chưa có khoản mục ngân sách riêng để hỗ trợ HTX, vẫn phải sử dụng kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, mức hỗ trợ chưa quy định cụ thể.

(4) Các HTX thiếu thông tin thị trường và khách hàng, chưa có chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các kênh, nhất là trên không gian mạng; tiếp cận, tham gia mạnh vào hoạt động thương mại điện tử.

(5) Bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa được quan tâm, kiện toàn theo yêu cầu, thiếu cán bộ chuyên trách về phát triển KTTT; cán bộ đa phần là kiêm nhiệm, chưa nắm chắc chuyên môn, thiếu thực tế, công tác tham mưu trong quản lý nhà nước về HTX còn hạn chế. Năng lực nội tại của nhiều HTX nông nghiệp còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực; sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên còn mờ nhạt; lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều. Việc liên kết, liên doanh giữa HTX với nhau, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao.

Giải pháp đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm

Phát triển chuỗi giá trị là nhu cầu tất yếu gắn với các sản phẩm chủ lực vùng, miền, quốc gia, với nhu cầu của HTX sản xuất, kinh doanh đa dạng trong các lĩnh vực. Các mô hình HTX phát triển theo chuỗi giá trị cần hướng tới tăng năng lực cạnh tranh, liên kết, xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững và hiệu quả, tạo sự kết nối sản xuất giữa các thành viên HTX, giữa HTX với công ty, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ; ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,… gắn với nhu cầu thực tiễn; đặc biệt quy hoạch vùng sản xuất, nguyên liệu và sản lượng sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc phát triển mô hình HTX kiểu mới theo mô hình chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn, giúp HTX thích ứng với thị trường. Xây dựng HTX phát triển theo chuỗi giá trị là một trong những giải pháp quan trọng, hướng tới hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững cho các HTX.

Trong thời gian tới, để khu vực KTTT, HTX ngày càng phát triển mạnh mẽ, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Tập trung tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá tri sản phẩm, như: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị Trung ương năm (khoá XIII) về phát triển KTTT; Luật Hợp tác xã năm 2023… ;tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá nội dung, hình thức truyên tuyền; khai thác, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ, báo chí, truyền thông, mạng xã hội để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế đi vào thực tiễn cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, định kiến về mô hình HTX kiểu cũ trong xã hội.

Thứ hai, tiếp tục sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và pháp luật tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KTTT, HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Tiếp tục đưa Luật Hợp tác xã năm 2023 đi vào thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức KTTT, HTX nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị như: chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thành viên HTX; chính sách ưu đãi về vay vốn; chuyển giao công nghệ; chính sách giao đất, thuê đất, mặt bằng sản xuất; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm…

Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX.

Tập trung xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về KTTT tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành từ trung ương đến địa phương. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo chuyên sâu về KTTT, có tư tưởng chính trị vững vàng, có năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để KTTT phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về KTTT, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KTTT, liên thông với hệ thống đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức đối với việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới vào phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm ở Việt Nam.

Phát triển HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm được nhiều nước trên thế giới áp dụng và đạt được nhiều thành tựu như: Nhật Bản, Trung Quốc, Thuỵ Điển, Phần Lan, Đức, Ca-na-đa,… Do đó, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế về phát triển KTTT, HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm là con đường ngắn nhất để vận dụng vào nước ta trong thời gian tới. Vì vậy, cần thường xuyên cử các đoàn đi nghiên cứu, học tập, tổ chức toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm ở các nước có mô hình hợp tác gắn với chuỗi giá trị sản phẩm phát triển. Trên cơ sở đó, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn ở nước ta để nâng cao chất lượng, hiệu quả các HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Thứ năm, phát huy vai trò của cấp uỷ đảng, Liên minh HTX Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên trong phát triển KTTT, HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp trong tuyên truyền, vận động để hội viên, đoàn viên và Nhân dân nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT; phối hợp tổ chức vận động, phát triển các loại hình KTTT. Đối với các tổ chức KTTT có số lượng thành viên lớn, có các tổ chức đoàn thể đang hoạt động, cần quan tâm xây dựng và phát huy vai trò các đoàn thể cùng hội đồng quản trị, ban giám đốc, xây dựng tổ chức KTTT phát triển vững mạnh. Củng cố, tăng cường hoạt động của hệ thống Liên minh HTX và các tổ chức đại diện. Phát huy vai trò Liên minh HTX trong hướng dẫn, chia sẻ thông tin, vận động thực hiện các chính sách đối với KTTT.

Chú thích:
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2022, tr. 128, 130.
3. Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX. Tài liệu Hội nghị toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Hà Nội, 2021, tr. 40.
4, 5. Ban Chỉ đạo. Báo cáo chuyên đề phục vụ tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hà Nội, 2022, tr. 1209, 1212.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Tuyên giáo Trung ương. Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) (dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2022.
2. Kết luận số 70-KL/TW, ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Hà Nội, 2020.
ThS. Nguyễn Tiến Công
Học viện Quân Y, Bộ Quốc phòng
Lê Văn Công
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng